Sành sỏi kỹ thuật canh tác
Từ vụ đông xuân 2009 - 2010, Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hưng (huyện Tuy Phước, Bình Định) đã liên kết với Tập đoàn ThaiBinh Seed xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giống.
Theo ông Trần Tăng Long, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hưng, nhờ địa thế “thuận canh thuận cư”, nhất là hệ thống giao thông nội đồng và hệ thống thủy lợi rất thuận lợi, nên chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giống của HTX với ThaiBinh Seed bền chặt gần 15 năm nay. Thời gian đầu, hộ nông dân tham gia rất dè dặt, càng về sau, nhận thấy hiệu quả rõ ràng khi tham gia sản xuất giống nên số hộ tham gia ngày càng tăng.
“Tham gia làm lúa giống là phải thay đổi cả tư duy canh tác, từ mật độ sạ đến quy trình chăm sóc cây lúa. Đó là trắc trở ban đầu khi hợp tác xã vận động bà con tham gia, nên vụ đầu tiên chỉ sản xuất được 84ha. Về sau, nông dân thấy mô hình liên kết sản xuất lúa giống cho hiệu quả rõ rệt nên tham gia nhiều hơn, do đó, diện tích sản xuất lúa giống của hợp tác xã ngày càng mở rộng”, ông Trần Tăng Long cho hay.
Từ 84ha đầu tiên trong vụ đông xuân 2009 - 2010, những vụ tiếp theo diện tích tăng lên vùn vụt. Lúc cao điểm, diện tích sản xuất lúa giống của Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hưng lên đến 400ha, tập trung tại 2 thôn Tân Hội và Lương Lộc, chiếm hơn 1/2 diện tích đất canh tác lúa của địa phương với hơn 2.000 hộ nông dân tham gia, trong đó vùng sản xuất lúa giống lớn nhất đạt 100ha. Xã Phước Hưng có 7 thôn thì thôn nào cũng có hộ tham gia làm giống, hộ làm nhiều đến 1,5ha.
Ví như hộ bà Nguyễn Thị My (65 tuổi) ở thôn Lương Lộc (xã Phước Hưng), ngoài 5 sào ruộng được Nhà nước giao quyền, sau mấy vụ đầu tiên tham gia sản xuất lúa giống nhận thấy đạt hiệu quả kinh tế, vợ chồng bà My thuê thêm 17 sào ruộng của những hộ dân neo đơn, nhà không có lao động ở địa phương để sản xuất lúa giống. “Những năm đầu, vợ chồng tôi thuê với giá 200kg lúa/sào/năm, quy ra tiền là 1,2 triệu đồng/sào/năm, thuê thời gian 5 năm, đưa tiền 1 lần, khi hết hạn thì ký hợp đồng thuê tiếp”, bà My chia sẻ.
Ông Nguyễn Bá Tư (65 tuổi), chồng bà My, vui vẻ cho hay: “Chuyện ruộng nương một tay bà vợ tôi quán xuyến hết. Bà ấy bảo tôi đi vãi phân đám ruộng này, tôi đi; bảo tôi đi thăm bệnh đám ruộng kia, tôi đi. Nói chung là tôi làm theo “chỉ đạo” của vợ, chứ chuyện họp hành, tập huấn kỹ thuật sản xuất bà vợ tôi đi hết. Làm lâu thành quen, bây giờ nhìn sức sinh trưởng, phát triển của đám ruộng là vợ tôi biết cây lúa đang cần gì, hoặc bị bệnh gì và cứ thế “chỉ đạo” tôi bón phân, phun thuốc”.
"Chuyên gia chân đất"
Theo ông Trần Tăng Long, trước khi bắt tay vào sản xuất lúa giống, Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hưng phối hợp với ThaiBinh Seed xây dựng quy trình sản xuất và tổ chức tập huấn cho nông dân. Trong quá trình chăm sóc lúa, hợp tác xã cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với cán bộ kỹ thuật của đơn vị liên kết thường xuyên có mặt trên đồng ruộng theo dõi sinh trưởng, phát triển của cây lúa và tình hình sâu bệnh hại, nếu có sự cố thì kịp thời xử lý. Càng về sau nông dân càng quen dần với quy trình sản xuất nên cán bộ kỹ thuật nhẹ việc hơn.
“Sản xuất giống lúa gì chúng tôi phải biết được lịch sử của giống ấy. Biết được giống ấy thường bị bệnh gì để khuyến cáo nông dân phòng trừ trước, khi đã quen rồi thì nông dân cứ thế mà làm. Khó khăn ban đầu là làm sao thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, đặc biệt là thay đổi tập quán sạ dày và tuân thủ sạ chỉ 4 - 5kg giống/sào (500m2) theo phương thức sạ hàng, quy trình chăm sóc lúa”, ông Trần Tăng Long chia sẻ.
Theo tính toán của ông Long, sản lượng lúa giống Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hưng thu mua của nông dân cung ứng cho ThaiBinh Seed hàng năm trên 1.500 tấn, cá biệt có năm đến 2.700 tấn; doanh thu hàng năm gần 14 tỷ đồng, giá trị gia tăng mang lại cho nông dân tham gia sản xuất giống khoảng 2,5 tỷ đồng/năm. Hiệu quả là vậy nên đất 5% do UBND xã quản lý bà con chen nhau đấu giá để làm giống.
Theo đánh giá của ông Trần Tăng Long, sau quá trình gần 15 năm tham gia sản xuất giống, trình độ canh tác lúa của nông dân Phước Hưng đã được nâng cao rõ rệt. Chỉ những hộ sau khi sạ giống xong đi xa làm ăn để kiếm thêm thu nhập, lâu lâu mới về thăm ruộng thì mới cần cán bộ kỹ thuật nhắc nhở, thông báo tình hình sinh trưởng và sâu bệnh. Những nông dân toàn tâm toàn ý với đồng ruộng thì họ nắm chắc quy trình kỹ thuật trong chăm sóc cây lúa, sành sỏi cứ như một “kỹ sư nông nghiệp” nên không cần phải nhắc nhở.
Hiện nay, hằng năm, Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hưng liên kết với nhiều doanh nghiệp kinh doanh giống lúa sản xuất khoảng 250ha lúa giống/2 vụ, riêng Tập đoàn ThaiBinh Seed đã chiếm hơn 150 ha/năm.
“Thực hiện liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa giống đã giúp nông dân Phước Hưng tăng tính cộng đồng, khắc phục hạn chế chênh lệch về kỹ thuật chăm sóc cây trồng giữa các nông hộ, tạo sự đồng đều trên đồng ruộng về năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới”, ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước.