Hướng dẫn kỹ thuật canh tác qua điện thoại
Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Niên (huyện Hoài Ân, Bình Định) được thành lập cách đây chưa được 4 năm với nhiệm vụ chính là liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân, chủ yếu là các sản phẩm cây ăn quả, gạo hữu cơ và rau, dưa hữu cơ… Trong hoạt động, Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Niên còn khẳng định vai trò “bà đỡ” của mình đối với nông dân, thông qua việc chuyển giao kỹ thuật canh tác cây trồng để nông dân nắm bắt những kiến thức nông nghiệp tiên tiến.
Theo anh Thái Thành Việt, thành viên sáng lập, năm nay là năm thứ 2 hợp tác xã thực hiện dự án liên kết tiêu thụ bưởi da xanh trên địa bàn huyện Hoài Ân, có 77 hộ nông dân trên địa bàn 10 xã, thị trấn tham gia với diện tích 100ha. Để hướng dẫn nông dân quy trình chăm sóc bưởi da xanh, Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Niên thành lập nhóm Zalo kết nối với tất cả thành viên.
Đội ngũ cán bộ kỹ thuật của hợp tác xã thường xuyên đi thăm các vườn bưởi để kiểm tra sinh trưởng, phát triển của cây trồng và tình hình sâu bệnh hại. Nếu phát hiện cây trồng bị bệnh, hợp tác xã sẽ thông báo trên nhóm Zalo tình hình sâu bệnh và hướng dẫn nông dân cách phòng trừ và khuyến cáo trong giai đoạn này cần bón loại phân gì để bổ sung dinh dưỡng cho cây.
Những hộ không tham gia dự án liên kết cũng được kết nối vào nhóm Zalo. Nếu vườn cây của những hộ này có sự cố, họ chụp hình hiện trạng vườn bưởi gửi lên nhóm Zalo, cán bộ kỹ thuật “bắt bệnh” qua điện thoại rồi hướng dẫn nông dân cách phòng trừ. Nếu thấy quả bưởi phát triển theo kiểu thừa dinh dưỡng, hợp tác xã sẽ khuyến cáo nông dân giảm bón phân NPK để dung hòa dinh dưỡng. Đó là đối với bưởi tơ, còn bưởi lão (cây bưởi từ 8 năm tuổi trở lên) thì sẽ tăng cường lượng kali để bưởi cho quả chất lượng ngon hơn và hình thức quả đẹp hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Thường ở đội 5, thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân, Bình Định), người được Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Niên hướng dẫn trồng 1,5ha cây bưởi da xanh xen ghép với ổi lê theo quy trình canh tác hữu cơ, cho hay: “Trồng theo quy trình hữu cơ đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc khác biệt hơn so với phương pháp canh tác thông thường, nhưng sản phẩm được người tiêu dùng tin dùng hơn và bán được giá cao hơn. Toàn bộ diện tích bưởi da xanh và ổi lê của tôi được tưới bằng công nghệ tưới nhỏ giọt, hoàn toàn sử dụng phân bón hữu cơ”.
Cũng theo anh Thái Thành Việt, hiện ở Hoài Ân có hơn 400ha bưởi da xanh, trong đó 40ha đã được 9 - 10 năm tuổi, chiếm đa số trong diện tích còn lại là bưởi đã trồng được từ năm thứ 3 đến năm thứ 5. Nhờ được chăm sóc cùng quy trình nên năng suất bưởi ở Hoài Ân ngày càng tăng, những diện tích bưởi 9 - 10 năm tuổi năm nay cho năng suất 11 - 13 tấn/ha, những diện tích bưởi trồng từ năm thứ 3 đến năm thứ 5 đạt hơn 7 tấn/ha.
Chăm sóc cây trồng theo đặc thù từng vùng
Huyện Hoài Ân hiện đang phát triển mạnh cây sầu riêng, sầu riêng ở Hoài Ân trái vụ với những vùng trồng sầu riêng trên cả nước nên cho hiệu quả kinh tế cao vì có lợi thế cạnh tranh. Đối với cây sầu riêng, Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Niên cử cán bộ kỹ thuật đi học hỏi kinh nghiệm chăm sóc từ các đơn vị chuyên ngành ở những vùng có nhiều diện tích sầu riêng như Đăk Lăk để về hướng dẫn lại cho nông dân.
Theo anh Thái Thành Việt, muốn sầu riêng ở Hoài Ân cho quả như ý, người trồng phải chăm sóc theo quy trình khác biệt với sầu riêng trồng ở các địa phương khác bởi thổ nhưỡng, khí hậu ở đây khác với những vùng miền khác. Ngay cả trên đất Hoài Ân, nhưng sầu riêng trồng ở vùng đất phía bắc huyện như xã Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Mỹ thường ra hoa muộn hơn sầu riêng trồng ở những xã phía tây huyện như Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Ân Nghĩa; vì ngưỡng nhiệt độ ở cánh bắc Hoài Ân cao hơn ngưỡng nhiệt độ của các xã cánh tây.
Theo ông Đặng Văn Cấp (75 tuổi) ở thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông, người đang trồng 30 cây sầu riêng đã 8 năm tuổi, để cây sầu riêng trụ được trên đất Hoài Ân, người trồng phải áp dụng quy trình chăm sóc khác cây sầu riêng ở miền Nam.
“Theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Niên, ở Hoài Ân toàn đất đồi, đất gò, đất sét thịt nặng nên cần bồi bổ phân hữu cơ để đất đủ dinh dưỡng. Do đó, trước khi trồng sầu riêng, tôi đào hố có kích cỡ 80x80cm, mua phân chuồng về xử lý bằng cách ngâm ủ với vôi, chế phẩm Trichoderma rồi mới trồng”, ông Cấp chia sẻ.
Anh Thái Thành Việt phân tích: Ở huyện trung du Hoài Ân có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau. Ví như vùng ven 2 con sông Kim Sơn và An Lão như các xã Ân Mỹ, Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây… có ngưỡng nhiệt độ cao hơn các vùng khác, lại nhờ có phù sa bồi đắp hằng năm nên đất đai màu mỡ hơn. Do đó, trong quá trình tiếp cận với nông dân để hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cán bộ kỹ thuật của Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Niên hướng dẫn nông dân giải pháp bón phân cân đối để vừa giảm chi phí, vừa cho hiệu quả cao. Còn vùng phía tây huyện như các xã Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Ân Nghĩa… đa số là đất gò đồi, không bị ngập lụt nên đất ở đây khá cằn cỗi, nông dân được hướng dẫn sử dụng phân chuồng đã xử lý bằng các chế phẩm sinh học trước khi bón cho cây trồng.
“Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Niên hiện đang liên kết với Nhà máy Phân bón Mặt Trời, đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định, sản xuất các loại phân chuyên dụng dành cho cây ăn quả. Nhờ hợp tác xã thường xuyên hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác cây ăn quả, nên chất lượng các loại cây ăn quả ở Hoài Ân được nâng cao trông thấy”, anh Thái Thành Việt cho hay.