Làng quê thời hoang vắng: [Bài 5] Một góc làng bị lãng quên

Dương Đình Tường - Thứ Hai, 12/08/2024 , 06:00 (GMT+7)

Chỉ một góc tôi đứng chụp ảnh đã có 4 ngôi nhà hoang và 1 mảnh đất hoang, trước từng có ngôi nhà bỏ không, về sau người con rể sợ sập nên mới phá.

Chuyện nhà bà Ưởng

Thôn Tạ Hạ xã Chính Nghĩa (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) còn gọi là làng Hạ Xảo do thành hoàng là một ông có nghề đan xảo về đây khai hoang, lập ấp. Làng hiện có 449 hộ, 1.439 khẩu, lấy nghề nông làm gốc nhưng không cấy lúa mà trồng rau màu, mỗi khẩu được chưa đầy 1 sào. Đất ít, thanh niên, trung niên hầu hết làm công nhân hay nghề tự do, gần thì sáng đi tối về, xa thì 6 - 7 tháng, thậm chí 1 - 2 năm mới trở về làng một lần.

Tôi đưa cho ông trưởng thôn Nguyễn Văn Sóng xem bức ảnh một người dân chụp một góc làng Tạ Hạ có tới 4 ngôi nhà hoang. Ông lắc đầu, chịu. Vậy là tôi phải nhắn cho người ấy hỏi đã chụp ở đâu thì nhận được câu trả lời, nhà bà Trần Thị Ưởng. Nghe thấy cái tên đó ông mới ồ lên, rồi đèo tôi trên chiếc xe máy của mình đi một vòng quanh làng với san sát những nhà mái Thái, nhà tầng, biệt thự.

Hai ngôi nhà hoang nằm sát nhau trong khu đất của anh em nhà bà Ưởng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Dừng lại trước ngôi nhà có một bà lúi húi dưới giàn mướp, ông cất tiếng chào và giới thiệu đây là cụ Ưởng. Tôi đưa bức ảnh cho bà. Bà xem xong liền bảo “Đây là khu nhà của bố mẹ tôi đây mà” rồi trỏ lối vào nhưng không dẫn đi bởi chân đang bị khớp nặng. Chỉ cách đường thôn chừng 30m nhưng đó là một thế giới hoàn toàn khác. Thế giới của 2 ngôi nhà hoang cửa đóng then cài, nhiều bộ phận bằng gỗ đã bị mối xông. Ngôi nhà lớn của ông Trần Tuấn Doanh đã mất, còn ngôi nhà nhỏ của người em gái là bà Trần Thị Ưởng, không có chồng con.

Ngôi nhà lớn xưa có nhiều đồ cổ quý giá nên thi thoảng bị trộm ghé thăm, ông Sóng hồi đó còn làm Phó công an xã phải mật phục mấy đêm liền. Hơn 30 năm nay, nếu không có việc tôi nhờ thì ông cũng không trở lại đây. Cái sân trước nhà rêu mọc xanh rì, không một dấu chân người, nằm kế bên là cái bể nước mái cũng phủ đầy rêu. Dưới gốc mấy cây nhãn cổ thụ quanh vườn là vài cái cối đá cũ kỹ nằm im lìm như đã chìm trong giấc ngủ cả thế kỷ.

Phía bên phải là khu đất có 2 ngôi nhà, 1 của ông bà Trần Văn Quyền đã mất, bỏ hoang cỡ chục năm nay, 1 là nhà thờ của gia đình mới xây, người con trưởng ở xa một năm đôi ba lần về thắp hương, còn người con thứ ở gần tháng đôi lần đến quét dọn. Phía bên trái là mảnh đất hoang của bà Nguyễn Thị Nhuấn đã đi Nam vài chục năm nay, trước có ngôi nhà nát, sau người con rể sợ sập phải phá đi. Nhưng cũng chỉ có một góc xóm ấy là hoang vắng, còn lại bên ngoài cuộc sống vẫn nhộn nhịp đúng kiểu đô thị hóa về làng.

Bể nước bị bỏ hoang trong khu đất của anh em nhà bà Ưởng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Ưởng năm nay 87 tuổi, phần lớn cuộc đời gắn bó với ngôi nhà cũ có mảnh vườn, cái ao quen thuộc này. Ngôi nhà cũ đó đã hơn 100 năm, bố mẹ rồi chị gái đều mất ở đó, bà vẫn còn nhớ những người vuốt mắt cho họ. Rồi cái đợt con dâu anh bà về chơi, đẻ rơi tại đây, bà với mẹ đỡ, nuôi đứa bé đến mấy tháng hai mẹ con mới rời lên thành phố.

Năm 2019 thấy nhà của bà nát quá, sợ mưa bão đổ nên các cháu đã làm cho cái nhà mới ở phía trước mảnh đất, từ đó bà về ở và bỏ hoang nốt ngôi nhà thứ hai. Các cháu bà, người gần ở TP Hưng Yên, TP Hải Dương, người xa ở Quảng Ninh, Hà Nội thi thoảng mới về, còn con cháu của ông anh cũng vậy. Vừa rồi bà phải nhờ người bê bát hương, bàn thờ từ nhà cũ của bố mẹ lên nhà mới bởi mối bắt đầu xông vào cái khung ảnh thờ.

Chân đau, mỗi lần bà ngồi phải có ghế, đứng lên phải có nạng, đi chập chà chập chững nên không tới thăm nhà cũ, vườn cũ được dù chỉ cách có vài chục mét. Mỗi bữa bà bày ra một bát thức ăn, một bát cơm và một đôi đũa. Chỉ ngày giỗ nhà mới lắm bát, nhiều đũa.

Bà Ưởng bên cái bàn thờ vừa di dời từ nhà cũ lên nhà mới để tránh mối xông. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Ngày 8 tháng này mày bán cho tao con gà trống 2kg và 2 con chim bồ câu để làm giỗ mẹ nhé”. Bà Ưởng nói với đứa cháu họ Trần Thị Hạnh nhà gần đó như vậy nhưng chị này lại khuyên: “Bà ơi, gà trống mà nặng có 2kg thì mỏng mình lắm, chẳng có mấy thịt đâu, phải 3 - 4 kg mới có thịt”. Bà Ưởng nghe xong, chép miệng: “Mua gà to sợ ít cháu về, không có người ăn. Giỗ vào thứ bảy nhưng tao tổ chức vào chủ nhật là để mong chúng nó về, không biết có đủ một mâm hay không”.

Bà có cái điện thoại nhưng không biết gọi mà chỉ biết nghe, có khi vài ngày mới phải sạc pin vì chẳng mấy khi có người liên lạc. Bận bà nằm viện hơn tháng khi về mới hay trộm vào nhà lấy mất ông di lặc bằng sứ và cái chậu đá cổ tự lúc nào.

Lương hưu của bà hơn 3 triệu đồng thì tiền thuốc nhiều hơn tiền ăn, được cái thỉnh thoảng các cháu lại cho thêm, khi thì tiền, khi thì ít dầu, ít mắm, cân thịt. Các cháu lại nhắc bà có đồng nào cứ ăn hết đi, chết có mang được đi đâu. Làm bạn với bà là hai con chó nhỏ mới mua để chúng cắn cho đỡ buồn và để người ta đến còn biết vì đôi tai bà đã khá điếc rồi. Làm bạn với bà còn có cái đài suốt ngày kêu ở đầu giường.

Những lúc thấy cô đơn quá thì bà Ưởng lẩm bẩm tụng kinh: “Ta nay ở ngự chốn thiên môn. Thấy cảnh trần gian thật chán buồn…”. Ấy vậy mà ngoài mồm bà vẫn nói: “Tôi ấy à, lúc nào cũng vui như ngày Tết ấy bởi đã có các ngài phù hộ”.

Bà Ưởng ngày qua ngày nấu cơm ăn một mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Ly hôn” dòng họ

Ông trưởng thôn không giấu nổi niềm tự hào khi nói về cái làng Tạ Hạ của mình mới đạt thôn kiểu mẫu vào năm 2022 với 5 tiêu chí gồm môi trường, đường giao thông, văn hóa, an ninh và tỷ lệ nhập ngũ. Khi công nghiệp phát triển, đa số thanh niên làng ra ngoài làm ăn, sinh sống, mặt tích cực là có kinh tế, có điều kiện giải trí và cho con cái học hành nhưng mặt tiêu cực là dễ mắc tệ nạn xã hội và băng hoại các giá trị truyền thống.

Chỉ cho tôi cái nhà thờ họ nằm uy nghi bên con đường mới mở, ông giới thiệu làng có tới 28 họ. Trong cuộc di dân đến thành phố, áp lực công việc khiến sự quan tâm tới họ hàng của những người ly hương bớt đi đã đành, mà ngay cả tình cảm của những người đang sống trong làng cũng thay đổi, không hiếm cảnh con cái tranh nhau đất của bố mẹ đã khuất hay cảnh người ta coi thường nhau bởi sự giàu nghèo.

Có ông lão đã 78 tuổi rời làng đi lên Hà Nội sinh sống lâu ngày không về làng, lúc trở lại, muốn đóng góp ít tiền xây dựng nhà thờ nhưng ông trưởng họ đã nhất định không nhận. Cực chẳng đã, ông lão phải đến gặp trưởng thôn đề nghị can thiệp, nói giúp. Tuy vậy ông trưởng họ vẫn gạt đi, lạnh lùng bảo: “Ông ấy đi xa, đã bao năm không tham gia việc họ, nay quan tâm đến là đã muộn rồi”. Cuối cùng ông lão kia đành phải gửi tiền cho một bà ở chi dưới, nhờ đóng góp vào xây nhà thờ chi để thỉnh thoảng có công việc gì thì báo cho ông về.

Ông trưởng thôn Tạ Hạ đứng ở mảnh vườn hoang nhà bà Ưởng nhìn về phía một ngôi nhà khác để không. Ảnh: Dương Đình Tường.

Còn về tệ nạn xã hội, ông Sóng khẳng định tuy tỷ lệ người trong thôn mắc khá ít nhưng nếu như không quan tâm đến thì về sau nó sẽ tàn phá các gia đình, sau đến là làng xóm: “Thôn có 7 người nghiện và nghi nghiện. 5/7 trường hợp nghiện và nghi nghiện ấy là con của những bố mẹ đi làm ăn xa, gửi cháu cho ông bà nuôi. Nói chung mọi thứ ở trong thôn vẫn đang khá tốt, chỉ có một số tiêu cực nhỏ. Đời sống vật chất thì thu nhập trung bình mỗi hộ hơn 100 triệu đồng/năm, chỉ còn 1 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo. Đời sống tinh thần thì có 1 đội văn nghệ, 2 đội dân vũ, nhiều gia đình cuối tuần đã tổ chức những chuyến đi chơi xa. Cuộc sống nói thật là hài lòng nhưng mỹ mãn thì chưa đâu”.

Thấy trên sân nhà trưởng thôn có phơi ít hoa đu đủ đực, tôi hỏi thì ông trả lời, đó là thuốc chữa ung thư của người chị. Thôn Tạ Hạ trước ít có trường hợp mất vì ung thư nhưng gần đây khá nhiều, năm 2023 có 3 người, 6 tháng đầu năm có 4 người. Ông ngờ rằng do dân làng trồng rau màu, “va” với thuốc sâu nhiều nên mới mắc ung thư nhưng cũng có người như chị mình dù không tiếp xúc trực tiếp với thuốc sâu mà vẫn bị. Các cuộc họp của thôn đều lồng ghép vấn đề phun nhiều thuốc sâu với bệnh ung thư nhưng cánh trẻ không làm nông, chỉ còn người già ở tuổi gần đất xa trời xông pha không hề tiếc…

Dương Đình Tường
Tin khác
Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.