Chuyện làm nông ở khu di tích mộ thuyền
Nhà trưởng thôn Động Xá, ông Bồ Xuân Bắc vẫn sống trong một gia đình 3 thế hệ. Làng có 38 dòng họ trong đó họ nhà ông là bé nhất, chỉ có 2 gia đình, tuy nhiên nhiều công trình trong làng có dấu ấn của người trưởng thôn này. Ông tâm sự, năm 1944, nạn đói giết chết bà nội, còn ông nội mang 3 đứa con nhỏ đến làng Động Xá ở đợ. Nhờ sự giúp đỡ của dân làng mà cả gia đình đã sống sót. Nay, trong tâm mình luôn muốn trả nợ những ân tình của người Động Xá thay cho ông nội bằng việc góp sức vào kêu gọi, vận động những việc chung trong làng.
Thôn có khoảng 1.000 hộ với 3.420 khẩu, trong đó 2 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo, canh tác trên 480 mẫu đất. Làm nông nghiệp, đa số là những người già ở độ tuổi mà dù có xin đi các khu công nghiệp cũng bị chê. Chi bộ thôn đa số là quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, được động viên vào để sau có thể giữ cương vị chủ chốt như Bí thư đoàn, thôn đội trưởng, trưởng phó thôn nhưng hầu hết đều thổ lộ nguyện vọng được đi xuất khẩu lao động hay nghề tự do. Bởi thế chi bộ cách đây 3 năm có 100 người, giờ chỉ còn 94.
Bà Trần Thị Hưng - Phó thôn là 1 trong 3 cán bộ đi từng nhà, hỏi từng người nên biết làng có khoảng 200 lao động xuất khẩu, 400 - 500 công nhân, 200 lao động tự do. 10 hộ có đất nông nghiệp thì bỏ đến 7, trước để hoang, giờ giá thóc lên cao thì cho mượn: “Giờ không có một thanh niên nào chịu cấy lúa cả. Năm thì mười họa trên đồng tinh mắt lắm mới thấy một thanh niên nhưng chỉ là đi làm giúp bố mẹ vào ngày thứ bảy, chủ nhật. Trên cánh đồng lúa không có bóng dáng thanh niên, chỉ thấy người già, trên cánh đồng chữ (đưa trẻ đến trường hay đi học thêm) không thấy bố mẹ, chỉ thấy ông bà”.
Tôi cùng ông Bắc ra đồng. Dừng chân trước gốc đa cạnh bờ mương, ông chỉ, nơi này hơn 20 năm trước khi làm thủy lợi dân làng đã phát hiện ra mấy chục cái mộ thuyền Đông Sơn, không xa đó đào được một cái trống đồng Đông Sơn. Giờ quanh những bờ mương, tôi cố dò những vết dấu của những mộ thuyền nhưng chỉ thấy một màu cỏ úa vàng chạy khắp cánh đồng, trải dài tít tắp tới tận chân trời tựa như bàn tay vô hình nào đó dội nước sôi. Những vạt cỏ đó đều chết bởi thuốc trừ cỏ.
Người làng phần lớn làm nông chỉ để có ít lúa sạch nhưng thực tế cũng rất xa vời. Nếu thời tiết thuận lợi họ phải 4 lần dùng thuốc BVTV gồm 1 lần thuốc cỏ, 1 lần thuốc ốc, 2 lần thuốc sâu, còn không phải 5 - 6 lần. Mỗi năm, làng có 20 - 30 đám tang, không ít trong số đó là do ung thư.
Lợn dịch, gà toi, cá rẻ, bò rẻ khiến đời sống của nhiều nông dân gần đây trở nên lao đao. Anh Phạm Văn Thắng nuôi tới 100 con bò, đông nhất vùng. Lúc tôi đến, chị Phùng Thị Anh - vợ anh mặt đẫm mồ hôi vì mải đuổi lũ bò đang nằm trú nắng dưới rặng nhãn. Đã 15 năm nay họ nuôi bò, cuối mùa, cỡ tháng 9 - 10, đồng nhiều cỏ thì tập trung chăn, sau đó vào vụ xuân thì bán dần bê. 45 con bò mẹ sẽ cho 45 con bê. Chưa bao giờ giá bê rẻ đến thế.
Bát phở trên thị trấn Lương Bằng vẫn 25.000 - 30.000 đồng, thịt bò trên sạp từ 230.000 đồng/kg xuống 200.000 đồng/kg nhưng con bê 6 tháng tuổi trước bán 20 - 23 triệu đồng giờ còn có 10 - 12 triệu. Tình trạng đó kéo dài đã 3 năm nay. Đã vậy khi gọi bán còn bị thương lái ỉ ôi chê ngược, chê xuôi. Anh chị chống đỡ với giá bò hạ bằng cách cắt hẳn thức ăn công nghiệp, cho ăn cỏ hoàn toàn. Nhờ đó vẫn còn lãi được khoảng 300 triệu đồng/năm, trong khi thời cao điểm 600 triệu đồng/năm.
Hết ở ngoài đồng, chúng tôi vòng trở lại làng rồi đứng bần thần trước ngôi nhà của ông Nguyễn Thọ Quỹ. Mái của nó đã sập quá nửa, tường dây leo đeo bám kín. Quanh vườn những gốc cây ăn quả cũng không thể nhận ra nổi là giống gì bởi dây leo bò chằng chịt đang khiến cho chúng chết từ từ.
Ông mất đã lâu, bà ở trong làng trông nhà cho người con trai thứ, còn nhà cũ thì người con trai cả làm ăn ở trong Nam cứ để hoang đó, cả năm có khi cũng chẳng thấy về. Giờ ngôi nhà sập là hang ổ cho lũ rắn hổ mang. Người ta đã bắt được 4 con rắn con rồi nhưng chưa bắt được con rắn mẹ cứ thoắt ẩn, thoắt hiện.
Làng có 4 - 5 ngôi nhà bỏ hoang hoàn toàn như vậy, còn số bỏ không đầu năm, cuối năm chủ đi làm xa mới về phải cỡ 15 - 20 cái. Những ngôi nhà đóng cửa im ỉm, sân tường rêu phong, bên trong mạng nhện phủ đầy.
Trầm cảm vì phải sống xa mẹ
Một cô giáo nhận xét với tôi rằng: “Em thấy ngày nay nhiều bạn trẻ họ nghĩ kiếm tiền là đủ trách nhiệm rồi hay sao ấy bởi họ đi miết, đi từ lúc đứa con 1 tuổi tới lúc nó học cấp 2, hết cấp 2. Ông bà lớn tuổi, cháu ốm đau khổ cực cả ông bà cả cháu... Rồi các cháu tiếp cận công nghệ, mạng xã hội sinh hư ông bà không biết nên tương lai em thấy có nhiều sự bất ổn”.
Người lớn đi xuất khẩu lao động hay đi làm ăn xa, gửi lại con cho ông bà nuôi. Những đứa trẻ cứ thế lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương, sự gần gũi, quan tâm dạy dỗ của bố mẹ trở nên thành một thế hệ bất ổn về tâm hồn. Chuyện nhà bà L.T.P là một ví dụ. Bà có 4 người con, 3 trai, 1 gái, trong đó H đi xuất khẩu lao động Nhật Bản đã 6 năm nay chưa về, để lại 3 đứa con, lúc đó thằng út mới hơn 1 tuổi vừa cai sữa, đứa gái thứ hai 8 tuổi, đứa gái đầu 14 tuổi cho mẹ nuôi. Hết hạn 3 năm đáng ra H về chơi nhà được 1 tháng nhưng sợ các con bịn rịn nên không về.
Bà P kể, lúc mẹ nó đi, thằng bé mới còn ăn cơm nát, còn đòi sờ ti tôi để đỡ nhớ mẹ. Bố mẹ chúng bỏ nhau nhưng chưa ly hôn mà chỉ ly thân. Năm đầu bố còn đến thăm con vài lần, không vào nhà mà chỉ gọi chúng ra cổng, rủ đi cắt tóc, giờ thì không thấy đến nữa dù nhà gần đây thôi. Có dạo bố đón đứa đầu về ở cùng nhưng chỉ một thời gian nó bị trầm cảm, mắt nhìn toàn thấy gián với chuột, tai nghe toàn thấy tiếng mấy đứa em nhưng thực ra là không có gì, phải đi viện chữa, bỏ học mất 2 năm, giờ về ở với tôi mới tiếp tục đi học. Ngày nào con gái tôi cũng gọi điện thoại qua mạng cho các con để đỡ nhớ. Lần nào chúng cũng hỏi: “Bao giờ mẹ về?”. Mẹ nó trả lời: “Sang năm mẹ về rồi cho đi biển”.
Người chồng luống tuổi vẫn tranh thủ đi xây kiếm thêm, ở nhà ngoài chăm 3 đứa cháu ngoại, bà còn phải chăm 3 đứa cháu nội bởi vậy nhà cứ như một cái nhà trẻ. 5 giờ sáng bà dậy nấu ăn cho cả gia đình, 7 giờ kém đạp xe chở đứa cháu học lớp 1, lớp 3 đi học, tiếp đó hối hả về chở đứa cháu lớp mẫu giáo tới trường. 2 đứa còn lại đã lớn hơn nên tự đi xe đạp.
“Nuôi cháu thời nay còn vất vả hơn thời nuôi con ngày xưa chú ạ, giờ không ngon là cháu không ăn, rồi ốm đau mình cũng phải lo tất. Mỗi đứa cháu, nội cũng như ngoại tôi lấy 1 triệu đồng/tháng. Con H làm bên Nhật dạo này "man" (tiền Nhật - PV) thấp, mỗi tháng nghe đâu quy ra tiền Việt chỉ được có khoảng hơn 20 triệu đồng nên vất lắm. Tôi ở nhà chăm mấy đứa con của nó dù có khổ nhưng vẫn có chồng, có con trai hỗ trợ, còn nó một mình nơi xứ người mà cứ suy nghĩ về chuyện con cái sinh ốm thì lại khổ nên cứ phải động viên suốt”…
Thanh niên đi rỗng làng, chỉ Hội Người cao tuổi là hoạt động sôi nổi nhất. Ông Đào Xuân Thủy - Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Động Xá thống kê, hội có 511 hội viên, đủ các hoạt động như bóng chuyền hơi, cầu lông, dưỡng sinh, dân vũ, văn nghệ sáng, chiều trên sân nhà văn hóa, đông và vui lắm: “Ngủ lại làng, sáng mai mời cháu ra sân nhà văn hóa mà xem các cụ tập thể dục. Năm 2023, làng chúc thọ cho hơn 30 cụ hơn 90 tuổi, còn năm 2024 này chúng tôi đang tổng hợp, hơn 100 tuổi có 1 cụ, 91 - 99 tuổi có vài chục cụ, dưới 90 thì nhiều lắm”. (Hết)