Luật sư Nguyễn Mạnh Tường - Những bút ký đặc sắc

Nguyễn Mạnh Tường - Thứ Sáu, 09/02/2024 , 08:25 (GMT+7)

Lập luận và tri thức uyên thâm của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã góp phần làm cho thế giới biết đến một Việt Nam kháng chiến, kiên cường và trí tuệ...

GS.TS. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909 – 1997).

GS.TS. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909 – 1997).

Là một trong những người trí thức Việt Nam thông minh siêu việt gắn với nhiều huyền thoại, sau cách mạng tháng Tám 1945, Giáo sư - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909 – 1997) với tầm kiến thức rộng lớn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Đà Lạt (1946). Những năm sau, ông còn tham gia vào đoàn Đại biểu của Chính phủ kháng chiến Việt Nam dự Hội nghị Bảo vệ Hoà bình ở Bắc Kinh (Trung Quốc - 1952), Đại hội Hoà bình Thế giới ở Vienna (Áo - 1953), rồi làm trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Luật gia Dân chủ Thế giới ở Bruxelles (Bỉ - 1956). Lập luận và tri thức uyên thâm của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã góp phần làm cho thế giới biết đến một Việt Nam kháng chiến, kiên cường và trí tuệ...

Báo NNVN giới thiệu đến bạn đọc những bài bút ký đặc sắc của ông qua sự tuyển chọn của nhà báo Kiều Mai Sơn.

I. Thư của giáo sư đại học Việt Nam gửi hội nghị Hòa bình châu Á

Bài liên quan

Giữa một dân tộc đang hy sinh và chiến đấu để tự giải phóng và góp xương máu vào công cuộc bảo vệ hoà bình thế giới, chúng tôi đang xây dựng nền Đại học Việt Nam, gửi lời chào mừng Hội nghị các chiến sĩ hoà bình. Chúng tôi được sung sướng đặt hết hy vọng và tin tưởng của toàn thể nhân loại, vào sự cố gắng và tận tuỵ của các vị. Tiếng nói của chúng tôi  chưa được hùng hồn nhưng chúng tôi ước mong sẽ có hiệu quả vừa để tán dương tinh thần hăng hái của các vị, vừa để mở cho chúng tôi một con đường đi, trên đó chúng tôi được gập và sát vai với các người thiết tha đến danh dự con người, hạnh phúc nhân loại và chiến đấu cho cái mà Giáo sư Jôliô-Curi gọi là bảo vật quý giá nhất của nhân loại các nước: Hoà bình.

Chúng tôi đang từ một thung lũng tối đen cố leo lên các đỉnh núi giàn giụa ánh sáng. Trưởng thành dưới chế độ thực dân, chúng tôi đã đo lường cái sâu độc của một chính sách chỉ có mục đích đào tạo một số ít ỏi thượng lưu trí thức tách khỏi khối vĩ đại của dân tộc và hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, phụng sự quyền lợi của đế quốc thống trị. Một nền giáo dục cắt đứt cội rễ của con người với các truyền thống tốt đẹp của quốc sử, của đồng bào, một chương trình kiến trúc dựng vài lâu đài “nguy nga” nhưng trơ trọi giữa hàng triệu túp lều tranh xiêu vẹo, chỉ có thể lừa bịp được một số ít lữ khách ngoại kiều, mà các hình ảnh nông cạn, các hư danh, các khái niệm siêu hình, đủ làm say mê rồi.

Chính các cá nhân được chế độ ấy trọng đãi, cũng cảm thấy chung quanh tháp ngà của họ, một nỗi hiu quạnh vô bờ bến. Vài vị kỹ sư, bác sĩ, giáo sư “tượng trưng”, được mang đi phô trương đây đó để chứng minh ý chí khai hoá của đế quốc, không phải là một bình phong che lấp đủ hang triệu người mù chữ trong nhân dân,cũng như đèn điện chiếu sáng các đô thị không thể xoá mờ được quang cảnh tàn khốc, điêu khổ trong hương thôn. Lìa đầu óc với chân tay, nuôi cái đầu với các hư tưởng trong khi thân thể suy nhược vì ốm đói, dung bả vinh hoa để mê muội sĩ phu, ngăn cản họ khỏi nghe tiếng ta than, rên rỉ của quần chúng, đem mồi truỵ lạc để dụ dỗ thanh niên, khủng bố dã man người yêu nước để dập tắt hào hứng và lửa thiêng của căm hờn dân tộc, đục rũa các tâm hồn lành mạnh, áp bức các ý chí cao thượng, ai hơn chúng tôi, đã từng nếm mùi vị cay đắng của món quà văn hoá giáo dục mà thực dân ban biếu để kìm hãm dân chúng trong vòng nô lệ?

Ngay hiện thời, trên các mẩu đất mà chúng còn dẫm chân lên, chúng vẫn giữ thủ đoạn cũ. Với sự đồng tình của một nguỵ quyền mà chúng cho phép vẫy vùng trên núi vàng kiến lập với mồ hôi, nước mắt, xương máu của đồng bào, chúng theo đuổi và phát triển cực độ chương trình hủ hoá dân chúng. Hàng đại đoàn hồng lâu, hang sư đoàn gái điếm trình bầy các hình thái quái gở của một văn minh đồi bại và đặt cơ sở cho một nền văn nghệ khiêu dâm. Trong khi thân thể đắm đuối trong các khoái lạc nhục dục, tinh thần nhu nhược hấp thụ dễ dàng các lý tưởng lạc hậu. Chủ nghĩa nào tiến bộ thì bị bưng bít hay xuyên tạc. Các ngực thở khó, các tâm thần hoảng hốt rung sợ trước các hình ảnh bi đát của một cuộc chiến tranh mà nhà đương cục cho là không thể tránh được. Để chuẩn bị một tương lai nặng nề thất vọng, các nhà cầm quyền thủ tiêu các tự do cuối cùng và dành phận to nhất của ngân sách cho quỹ binh phí.

Nhưng may mắn, thanh niên bất khuất vẫn cảnh giác. Để đánh thức đồng bào, để giải thoát dân chúng khỏi cơn ác mộng, máu học sinh sẵn sang chẩy, hoặc ở Sài Gòn để phản đối bù nhìn bán nước, hoặc ở Bắc Bộ để chế nhiễu nguỵ quyền và suy tôn Hồ Chủ tịch. Từ đống bùn hôi hám, luồng gió thanh tươi thổi về chiến khu, tin tưởng và hy vọng của quần chúng đau khổ.

Trong lúc ấy, người kháng chiến xây dựng một tương lai cho dân tộc.

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường cùng các thành viên đoàn Việt Nam đi dự Hội nghị Hòa bình (1952).

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường cùng các thành viên đoàn Việt Nam đi dự Hội nghị Hòa bình (1952).

Cuộc cách mạng đã giải phóng toàn dân. Nhưng cuộc giải phóng chỉ có thể hoàn thành được khi nào mọi người được giải phóng về tinh thần cũng như vật chất. Cuộc tranh đấu tư tưởng kịch liệt như cuộc chiến đấu quân sự. Muốn thu được thắng lợi trên mặt trận nọ cũng như ở mặt trận kia, chiến lược độc nhất vẫn là áp dụng tinh thần dân chủ để phục vụ nhân dân. Một nền giáo dục và văn hoá chủ trương giải phóng con người phải kiến thiết, như Lênin và Xtalin dậy, dưới một hình thể quốc gia bản chất “xã hội chủ nghĩa”. Hội nghị các ngài đã từng nghe thấy trong phiên họp ở Pa-ri năm 1949:

Ilia Êrenbua tuyên bố: “Ai yêu chuộng văn hoá thế giới cũng yêu mến đặc tính của mỗi dân tộc, một người ái quốc chân thật yêu quý nhân loại cũng như một người có tinh thần quốc tế thật thà phải tận tuỵ với dân tộc mình”.

Fa-dé-ef kêu gọi các trí thức, vô luận quốc tịch, nòi giống, chính kiến hay tôn giáo, chống lại bọn khiêu chiến và bè lũ tâng bốc chúng, thét tiếng của nhân văn chủ nghĩa mà các phần tử ưu tú nhất của mỗi dân tộc đã truyền lại.  

Quách Mạt Nhược động viên tất cả các lực lượng hoà bình trên hoàn cầu.

Chúng tôi tán thành các ý kiến ấy, chúng tôi hưởng ứng các lời kêu gọi ấy. Vì vậy, hôm nay chúng tôi trình diện trước Hội nghị một nền Đại học Việt Nam, mạnh dạn, cương quyết bước chân trên con đường mà các chiến sĩ hoà bình đã vạch mở.

Nẩy nở trong khói lửa kháng chiến, dĩ nhiên Đại học Việt Nam mang trong bản thân dấu vết của thời cục. Dưới sự khủng bố của phi cơ thực dân, trong các lều trống sơ sài, hay các đình chùa mục nát, giữa đêm tối, ngồi sát đất, chống tay lên chiếc bàn thấp bé, cạnh ngọn đèn dầu hoả mà ánh sang nhẩy múa theo nhịp của gió, mỗi thanh niên Việt Nam học hỏi lý thuyết của Mác và En-ghen, Lênin và Xtalin, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh, khảo cứu các tác phẩm của Mít-su-rin và Lít-sen-kô, thưởng thức thơ của A-ra-gông và Êlua, mơ tưởng đến Mạc-tư-khoa và Bắc Kinh, căm thù quân đội thực dân nhưng mến chuộng nhân dân và văn hoá Pháp quốc, thông cảm với bao nhiêu triệu thanh niên dân chủ trong các tư tưởng, các hy vọng chung. Không ai có thể tưởng tượng tách được cá nhân khỏi đại chúng, dân tộc khỏi nhân loại. tư tưởng khỏi hành động, kháng chiến khỏi kiến quốc, tinh thần quốc gia khỏi tinh thần quốc tế và hoà bình khỏi dân chủ.

Ai nấy đều tin tưởng ở tương lai của dân tộc cũng như của nhân loại và chỉ mong muốn trở nên một người lao động dùng sức lực của mình để xây dựng xã hội chủ nghĩa, hoàn lại danh dự cho con người và hạnh phúc cho nhân loại.

Dân Việt hiến cho hoà bình thế giới trong non một thế kỷ đau khổ của các nhà cách mạng yêu nước, trong bẩy năm nay gian khổ của nhân dân, hy sinh của quân đội và bây giờ sự cố gắng trong việc xây dựng một Đại học, thành trì của Hoà bình. Ngoài chủ trương đoàn kết các từng [tầng] lớp nhân dân để chống ngoại xâm, ngoài sự thả tù binh khi chiến tranh vẫn diễn ác liệt giữa hai bộ đội, còn gì chứng tỏ hơn ý chí hoà bình của chính thể dân chủ nhân dân Việt Nam bằng sự mở mang cho thanh niên cái mà nhà Nho gọi là rừng văn bể học, cái mà Lênin coi là một kiêu hãnh to tát của nhân loại.

Vì vậy, Ban giáo sư chúng tôi quyết định, lên tiếng trước Hội nghị để trình bầy công việc của chúng tôi làm và đợi chờ sự ủng hộ của các chiến sĩ Hoà bình mà chúng tôi hy vọng được đứng trong hàng ngũ. Chúng tôi tin tưởng ở các vị và sẵn sàng thi hành các quyết nghị mà các vị tuyên bố để thực hiện nguyện vọng chung của nhân dân các nước.

Tháng Chín 1952

Nguyễn Mạnh Tường chấp bút
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Hà Giang hút khách
Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?
Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?

Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'
Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'1

Một người dạy tiếng Việt ở Mỹ, giáo sư Andrea Hoa Pham cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, dù muốn hay không cũng không ngăn được thực tế ấy.

Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano
Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Bộ phim đã khiến tôi tò mò và tôi đã tìm hiểu rộng hơn lịch sử đất nước và tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân ta trong kháng chiến.