Luật sư Nguyễn Mạnh Tường - Những bút ký đặc sắc

Nguyễn Mạnh Tường - Thứ Sáu, 16/02/2024 , 09:04 (GMT+7)

Với tư cách là Chủ tịch Đoàn Luật sư Hà Nội và Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Nguyễn Mạnh Tường được cử làm Trưởng đoàn đại biểu của Việt Nam.

GS.TS. luật sư Nguyễn Mạnh Tường.

GS.TS. luật sư Nguyễn Mạnh Tường.

III. Chúng ta họp mặt để canh gác cho pháp lý, bảo vệ hòa bình

Năm 1956 Liên đoàn Luật gia Dân chủ mở Đại hội ở Bruxelles (Bỉ). Với tư cách là Chủ tịch Đoàn Luật sư Hà Nội và Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Nguyễn Mạnh Tường được cử làm Trưởng đoàn đại biểu của Việt Nam. Trong đoàn còn có luật sư Nguyễn Huy Mẫn, Chánh án Tòa án Quân sự Lê Văn Chất và Hội thẩm ở Tòa án Quân sự Bùi Lâm. Nhiệm vụ của đoàn là làm cho Đại hội ra quyết nghị tán thành cuộc đấu tranh của dân tộc ta về thống nhất đất nước bằng hòa bình.

Bài liên quan

Khi trở về đến Hà Nội, đoàn được khen ngợi nồng nhiệt vì đã đạt được kết quả không ngờ ở Đại hội Bruxelles. Ông Ung Văn Khiêm, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng kiêm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao còn tổ chức cả một bữa tiệc danh dự để đón mừng Đoàn.

Hồi ký của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã viết khá rõ ràng và tỉ mỉ về sự kiện này.

**

Khi chiếc máy bay của hãng hàng không Sabrina  (Tây Ban Nha) chở chúng tôi hạ cánh xuống đất Bỉ, ở Bruxelles, ngày đã gần tàn. Một cô thư ký chờ đón và đưa chúng tôi về khách sạn. Chỉ còn đủ thời gian giải khát, thay quần áo và chúng tôi bước vào phòng ăn rộng mênh mông và rực rỡ ánh đèn. Những chiếc bàn tròn trải khăn trắng muốt và trang trí hoa tươi đều đã đầy chật. Chúng tôi là những người đến sau cùng và chúng tôi cùng nhau ngồi vào chiếc bàn duy nhất còn có chỗ. Bữa cơm tối đã xong, khi chúng tôi đưa nhau vào đại sảnh thì có một phái đoàn tiến đến chỗ chúng tôi: Đó là đoàn Bắc Triều Tiên. Chúng tôi thật thông cảm sâu sắc với các bạn cùng hội cùng thuyền cả hai đất nước của chúng tôi đều phải chịu chung cùng một cảnh ngộ.

Đoàn chúng tôi chia nhau đi tiếp xúc với các phái đoàn khác để lưu tâm họ đến lý do có mặt của đoàn chúng tôi. Riêng tôi, tôi phải thực hiện một cuộc viếng thăm xã giao ông Chủ tịch luật sư của thủ đô Bruxelles và trao đổi với Chủ tịch đoàn của Đại hội kiến nghị đưa vấn đề của chúng tôi vào chương trình nghị sự. Lời chối từ thật là lịch sự: Chương trình làm việc đã quá nặng rồi và nhất là Đại hội đã tự xác nhận cho mình làm công việc cứu vãn một nền hòa bình chứ không phải là hỗ trợ cho một cuộc đấu tranh vũ trang dù rằng cuộc đấu tranh ấy có là vì chính nghĩa chăng nữa! Tôi không vì thế mà mất đi nhuệ khí ban đầu, và tôi tìm cách thuyết phục các vị trưởng phái đoàn mà tôi cho rằng là những người có ảnh hưởng nhất đối với Đại hội, tôi cố gắng thuyết phục các vị này về sự cần thiết phải trao đổi về vấn đề mà chúng tôi hết sức quan tâm. Những nỗ lực của chúng tôi cuối cùng cũng chỉ đạt đến một kết quả nhẹ nhàng: Vấn đề Việt Nam sẽ được đưa vào chương trình nghị sự chút ít, nhưng ở cuối bảng liệt kê công việc! Chúng tôi đã cảm thấy ngao ngán trong lòng!

Kinh nghiệm qua các cuộc hội nghị quốc tế đã chỉ bảo cho chúng tôi rằng, khi hội nghị đã bước vào giai đoạn kết thúc, thì một số không ít các phái đoàn đã tranh thủ cầm sẵn vé (máy bay) để trở về và còn bận vào việc “khóa va-ly” của họ! Thế là với con tim đã có tí “ỉu sìu” và nét mặt thì dài ra, chúng tôi bước vào dự phiên họp bế mạc. Chẳng lẽ chúng tôi đã du hành dài như vậy để chẳng kiếm chác được tí gì ư? Lúc trở về chúng tôi có thể ăn nói như thế nào đây với các cấp lãnh đạo?

Một bất ngờ thú vị đã chờ đợi chúng tôi. Khi bản tham luận cuối cùng đã được đọc xong, người ta mời phái đoàn Việt Nam lên diễn đàn. Chúng tôi đã không còn chờ đợi gì ở một sự ân cần niềm nở như vậy: giờ kết thúc sắp điểm chuông rồi còn gì nữa; tôi vẫn cứ lên phát biểu ý kiến sau khi Chủ tịch Đoàn Đại hội nghị thông báo với chúng tôi rằng phiên họp bế mạc sẽ được kéo dài thêm mười lăm phút…

Tôi mừng rỡ rối rít, tim đập rộn ràng, bằng một giọng nói đầy xúc động, tôi trình bày bài diễn văn của tôi:

“Một cuộc đấu tranh, cho dù là có vũ trang đi nữa, để trừ tiệt cái xấu, để tróc tận cội rễ bất công, đàn áp, bạo tàn, cuộc đấu tranh đó hợp thành đúng đắn bản nhạc dạo đầu, giai đoạn mở màn của cuộc hành trình trên con đường đi đến hòa bình và cứu vãn hòa bình. Trí khôn ngoan La-tinh đã chỉ bảo chúng tôi rằng muốn có hòa bình thì cần phải chuẩn bị cho chiến tranh. Trừ phi là không có một trường phái nào khác để mà đối lập giữa chiến tranh và hòa bình, người ta sẽ nói sao đây khi có ý kiến khẳng định rằng: Nếu một cuộc chiến tranh xâm lược giết chết hòa bình, thì một cuộc chiến tranh chính nghĩa, ngược lại, là phương tiện để giành lấy hòa bình, giành được hòa bình và bảo vệ hòa bình? Chỉ có một thứ chủ nghĩa hòa bình còn non trẻ ấu trĩ mới bày đặt ra câu chuyện giữa chiến tranh và hòa bình là một cuộc đấu tranh của những điều trái ngược nhau, của một sự đối kháng không khoan nhượng như giữa ngày và đêm. Thử hỏi ai lại có thể chấp nhận một cách nhìn sự vật lệch lạc như vậy?

Tôi trình bày những lý lẽ về tình cảm, về chủng tộc, về lịch sử, về ngôn ngữ học bênh vực cho chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Hòa bình Thế giới ở Bruxelles (Bỉ) – 1956.

Phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Hòa bình Thế giới ở Bruxelles (Bỉ) – 1956.

Trong đoạn kết của bài diễn văn, hướng về các vị thính giả, tôi nói rằng: “Hỡi các  bạn Ba Lan, Hung-ga-ry thân mến, mới hôm qua thôi, các bạn còn phải đau xót vì đất nước các bạn bị chia cắt; các bạn Triều Tiên, Đức, hôm nay đây, các bạn lại là nạn nhân của cùng một nỗi thống khổ ấy! Nhưng các bạn vẫn còn hạnh phúc hơn chúng tôi, các bạn không bị buộc phải chứng kiến tận mắt những nét mặt nhăn nhó đau đớn, phải nghe thấy tận tai mình tiếng rên la thảm thiết của những sinh mạng có cùng dòng máu cũng đang chảy trong huyết quản của các bạn, có trái tim cùng một nhịp đập với trái tim của các bạn về những niềm yêu thương, nhưng cùng những mối hận thù chung, và hiện nay thì những người đó đang quằn quại đau đớn dưới bàn tay của một lũ đao phủ!

Tôi không biết rõ, trong số các quý vị đồng nghiệp đang lắng nghe tôi nói, có vị nào, vì nghề nghiệp bắt buộc, đã từng phải tận mắt chứng kiến việc hành quyết một khách hàng của mình? Điều đó đã xảy ra đối với tôi trong thời gian chiếm đóng thuộc địa. Hồi đó, Tòa án Thượng thẩm Hà Nội đã kết án tử hình một tên cướp người Trung Hoa, tên này ở vịnh Hạ Long đã giết khoảng mười hành khách trên một chiếc tàu biển chở khách. Lúc đó với tư cách là luật sư được ủy thác bào chữa cho tên tội phạm, tôi đã phải chứng kiến cuộc hành quyết tên tử tù này. Nét mặt nhợt nhạt của hắn chẳng gợi được chút lòng thương cảm nào, nhưng cái nhìn trống rỗng cuối cùng của hắn khi hắn gục đầu lên cái thớt của máy chém đã gợi tôi lòng thương hại. Tôi đã quay mặt đi khi lưỡi kiếm chém rơi xuống chặt đứt cổ hắn. Một dòng máu đỏ phụt ra. Đầu hắn rơi xuống một bên, còn thân hắn rơi xuống một bên. Cả hai bộ phận đều lăn gọn gàng vào hai cái áo quan chứa đầy mạt cưa.

Thế mà, thưa các bạn thân mến, cái máy chém ấy, cái máy chém của thế kỷ đã qua rồi ấy, bây giờ đây nó lại được lê đi khắp miền Nam Việt Nam để chém đầu không phải của những kẻ tử tội, mà là của những người yêu nước đang đấu tranh cho việc thống nhất đất nước họ! Hơn thế nữa, chiếc máy chém của bạo tàn ấy còn được dùng để khủng bố dân chúng và kìm hãm lòng yêu nước của họ!

Và con sông Hiền Lương với cái tên sao mà hiền dịu đến thế, lại là con sông đang chia cắt đất nước Việt Nam ra làm đôi. Đó là cái gì nếu không phải là lưỡi kiếm ác nghiệt đang được thọc vào xương thịt còn tươi sống của nhân dân chúng tôi, nó đang chia cắt các gia đình mà bà con thân thích đứng trên đôi bờ sông “Hiền Lương” ấy chỉ còn có thể ngóng nhìn sang qua sông mà đoán ra nhau qua những cặp mắt đẫm lệ. Đúng là không phải nước trong của dòng sông đang chảy nữa, mà là những dòng nước mắt của các bà các mẹ; trong đó có cả máu của những người đã liều mạng sống, họ lao xuống sông để tìm cách bơi qua sang bờ bên kia với người thân và họ đã bị chìm ngỉm xuống tận đáy sông dưới các làn đạn ác nghiệt của các tàu tuần tiễu bắn xả vào họ.

Hỡi quý vị đồng nghiệp thân mến, trải qua suốt cuộc đời làm luật sư của chúng tôi, hơn một lần, chúng tôi đã có dịp chứng kiến những cặp vợ chồng li hôn. Trong cuộc gặp mặt mở đầu đi hòa giải diễn ra trong phòng của Chánh án tòa án, chắc các ngài còn nhớ rõ những nét mặt ủ rũ của các bậc làm cha làm mẹ, nhưng nhất là những cặp mắt thẫn thờ, ngơ ngác và đầy nước mắt của các em bé hết nhìn vào mẹ rồi nhìn sang bố, từ bố lại nhìn sang mẹ và những em bé này còn đang ngỡ ngàng trước tấn bi kịch đau lòng của sự chia tay đã xảy ra giữa bố mẹ các cháu, của sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình, của tấn thảm kịch ngày càng cao sắp quét đi một cộng đồng của con người, trong cộng đồng đó mới ngày hôm qua thôi, các thành viên còn cùng nhau sum họp tạo cho tổ ấm gia đình sôi động lên bởi một niềm vui ầm ĩ đầy ắp tiếng trẻ thơ; vậy mà chỉ ngày mai thôi, chúng sẽ bị tách nhau ra mỗi đứa chúi vào một góc nhà để khóc thút thít, khóc cho những nỗi bất hạnh không còn hàn gắn lại được nữa của chúng. Có vị luật sư nào lại có thể dửng dưng, lạnh lùng, vô tri giác trước cảnh ly tán của một gia đình?

Thế mà, thưa quý vị đồng nghiệp thân mến, ở nước Việt Nam hiện nay không phải chỉ có một gia đình phải chịu tai họa ấy: phải kể đến hàng triệu gia đình đang khóc than trong cảnh khốn cùng và trong nỗi kinh hoàng! Vĩ tuyến 17 đã không còn là một đường tuyến trừu tượng, chỉ có tính cách đơn thuần địa lý nữa, nó đang là một làn sóng vô tuyến lan truyền đi trên khắp đất nước chúng tôi mà lan ra cả thế giới những âm vang rên xiết, những lời than thở và những tiếng la hét của hàng triệu con người bị giằng giật khỏi tay người thân, với không có lý lẽ nào có thể chấp nhận; và họ đang tố cáo một sự tàn ác đối với con người đã áp đặt lên nỗi thống khổ của sự chia cắt và sự cô đơn! Cũng làn sóng đó đang lan truyền đi những tiếng gào thét vì giận dữ, vì hờn căm của hàng chục nghìn người yêu nước đang chết gục dưới những làn đạn hoặc trên giá treo cổ; chỉ vì một tội là họ đã thực hiện ước mơ được sống trong một đất nước thống nhất, được sống hòa bình, hòa hợp giữa họ với nhau và giữa họ với những người khác!

Tôi vừa mới nói lên một tiếng thiêng liêng: Hòa bình! Chúng ta họp mặt ở đây là để canh gác cho pháp lý của việc bảo vệ Hòa bình. Chính vì nhân danh nền hòa bình ấy mà phái đoàn chúng tôi lúc thoạt đầu đã phải đứng trước sự từ chối ghi vấn đề Việt Nam vào chương trình nghị sự của Đại hội. Chắc hẳn các bạn đều có đầy đủ thiện chí, nhưng có bạn đã để tâm nhiều đến bề ngoài của các ngôn từ nhiều hơn là đến chiều sâu ý tứ của các ngôn từ ấy, và các bạn ấy đã cho rằng một Đại hội mang danh nghĩa bảo vệ Hòa bình thì không thể ủng hộ một cuộc đấu tranh vũ trang! May thay, các bạn ấy đã nghĩ lại, lương tri của con người thắng thế, và tôi rất hân hạnh được đứng trên diễn đàn này, trước các bạn để chúc mừng và khẩn khoản kêu gọi sự ủng hộ cao quý của các bạn đối với những nỗ lực mà nhân dân chúng tôi đã đưa ra nhằm thiết lập lại hòa bình ở Việt Nam dựa vào sự thống nhất được Tổ quốc chúng tôi!

Chúng tôi hiểu rất rõ rằng sau những hy sinh nặng nề đã phải chịu đựng trong suốt cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ II và nhất là sau quả bom nguyên tử báo động thời gian của sự tận thế sắp tới, nhân loại, đờ ra vì khiếp sợ, đã cảm nhận được nhu cầu bức thiết của Hòa bình và phải cứu vãn lấy nó! Nhưng nỗi khiếp sợ ấy, biến thành một sự ám ảnh triền miên, sự tương phản: Chiến tranh – Hòa bình tràn lan trong các đám đông quần chúng và bị đơn giản hóa, tầm thường hóa đi, trở thành mơ hồ mù mịt, điều đó lại càng nhấn mạnh thêm sự đối lập giữa hai từ này, chặn đứng sự qua lại biện chứng giữa chúng với nhau theo cả hai chiều. Cái chung của con người là thường bị gắn với hình thái bề ngoài của sự vật và bỗng đặt ra giữa hai từ ngữ này một thanh chắn ngang không thể vượt qua, từ này phủ định từ kia! Câu cách ngôn La-tinh mà chúng tôi nhắc sau đây: “Si vis pacem, para bellum” [Muốn có hoà bình phải chuẩn bị chiến tranh], phải được hiểu theo nghĩa không phải là một lời khuyên xấu xa, nhưng phải theo nghĩa là giữa Hòa bình và Chiến tranh, không tồn tại một ranh giới nào cả.

Chúng ta hãy nhớ lại, năm 1938 Neville Chamberlain đã mang về cho thủ đô Luân-đôn bản Hiệp ước Muy-nich và tuyên bố rằng: Hòa bình đã được cứu vãn! Thật sai lầm: Cái hòa bình đó chẳng qua chỉ là khúc dạo đầu của chiến tranh. Chiến tranh đã nổ ra ngay trong năm sau! Trái lại, khi diễn ra cuộc chiến mà tính chính nghĩa không thể nào bác bỏ được, bởi lẽ các công trình để bảo vệ cho chính nghĩa chống lại một cuộc xâm lược của nước ngoài, để giành lại độc lập một đất nước và tự do cho một dân tộc, để xóa bỏ sự chia cắt đất nước thành hai miền và biến những giọt nước mắt đau thương thành nước mắt của niềm vui sum vầy, phải chăng cuộc chiến tranh đó chính là khúc dạo đầu của một nền hòa bình công bằng vững chắc, hợp lòng dân, cuộc chiến tranh đó lại dẫn dắt và tụ hợp trong một mái ấm chung những bà con anh em ruột thịt trong một gia đình bị “sẩy đàn tan nghé”. Cuộc chiến tranh làm khô những giọt nước mắt vô tội, làm nở lại trên môi những nụ cười đã từng bị héo tàn, làm hồi sinh lại trong tim họ hạnh phúc, tình yêu và hy vọng, cho phép những kẻ tử tù tìm thấy lại lòng ham thích cuộc sống, làm nẩy sinh lại những điều kiện nhân đạo! Cuộc chiến tranh đó được duy danh định nghĩa là, nếu không phải là trong ngôn ngữ chung của loài người, thì chí ít cùng là trong tâm khảm của chúng tôi, đó là Hòa bình!

Lẽ nào chẳng phải là nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta, những luật gia dân chủ, là làm dễ dàng cho việc thiết lập nền Hòa bình ấy trên trái đất này bằng cách ủng hộ những cuộc đấu tranh mà đoạn cuối là nền Hòa bình, một kết thúc thật là huy hoàng!

Tôi xin mạnh bạo tự cho phép mình đặt vấn đề này ra trước sự xét xử cao cả của các vị! Mong sao nhân dân chúng tôi không bị thất vọng với những nguyện vọng chính đáng của mình và nhận được từ các vị một sự khuyến khích quý giá, sự khuyến khích đó sẽ cho phép nhân dân nước tôi gia tăng thêm những nỗ lực mới, sẵn lòng chấp nhận những hy sinh mới vì sự nghiệp thánh thiện của chính nghĩa, của pháp lý và của Hòa bình!”.

Những cố gắng của chúng tôi đạt kết quả rực rỡ và chúng tôi giành được Quyết nghị của Đại hội mà nhân dân đang chờ đợi!

Nguyễn Mạnh Tường
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Hà Giang hút khách
Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?
Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?

Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'
Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'1

Một người dạy tiếng Việt ở Mỹ, giáo sư Andrea Hoa Pham cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, dù muốn hay không cũng không ngăn được thực tế ấy.

Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano
Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Bộ phim đã khiến tôi tò mò và tôi đã tìm hiểu rộng hơn lịch sử đất nước và tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân ta trong kháng chiến.