Luật sư Nguyễn Mạnh Tường - Những bút ký đặc sắc

Nguyễn Mạnh Tường - Thứ Bảy, 10/02/2024 , 15:05 (GMT+7)

Trong những hoạt động đối ngoại trên trường quốc tế, luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã tham dự Hội nghị Nhân dân thế giới bảo vệ Hòa bình họp ở Viên, Áo (năm 1953).

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường tại Pháp (1989).

II. Bức thư gửi người bạn Pháp

Trưởng đoàn là đồng chí Xuân Thủy, Phó trưởng đoàn là cư sĩ Lê Đình Thám. Các thành viên trong đoàn gồm có giáo sư Đặng Chấn Liêu, nhạc sĩ Đỗ Xuân Oanh, Nguyễn Xuân Trâm, Anh hùng Lao động Ngô Gia Khảm, Anh hùng quân đội Nguyễn Thị Chiên…

Bài liên quan

Về hội nghị ở Viên, đoàn đại biểu hòa bình Pháp, có ông Jean Paul J.P. Sartre, nhà triết học nổi tiếng. GS.TS Nguyễn Mạnh Tường đã gặp và nói chuyện với ông trong thời gian nghỉ ngơi của hội. J.P. Sartre đã biểu hiện sự đồng tình ủng hộ cuộc chiến tranh trường kỳ của nhân dân Việt Nam dành độc lập, tự do. Không có thời gian để trao đổi cùng J.P. Sartre những vấn đề mà cả hai đều quan tâm, họ chia tay để vào phòng họp.

Trong hội nghị, Trưởng đoàn Xuân Thủy nói với Luật sư Nguyễn Mạnh Tường: “Anh hãy cố nói gì với đại hội trước khi chia tay”.

Bài phát biểu của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường được đưa cho ông CLAUDE MORGAN- chủ tạp chí Bảo vệ hòa bình (Revue défense de la paix).

Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu bức thư này:

**

Sau chừng ấy năm với sự khắc nghiệt của thời gian khiến cho tôi chỉ thoáng nhìn thấy bạn qua lớp sương mù kỷ niệm, giờ đây tôi mới có dịp gặp lại bạn giữa biết bao khuôn mặt đầy xúc cảm của các thành viên Phái đoàn Pháp đi dự Hội nghị các Dân tộc. Tôi viết cho bạn những dòng này từ Viên. Tôi cảm tạ sự tình cờ đã cho tôi được gặp lại bạn ở một thành phố tôi đã biết tới hồi còn trẻ và rất yêu quý, dù cho không yêu quý bằng so với Paris, nơi tôi đã sống những năm dài hạnh phúc, nhưng chắc chắn là nhiều hơn so với London hay Berlin, Madrid hay Rome, Athènes hay Bruxelles, La Haye hay Istanbul mà tôi từng viếng thăm trong những đợt hành hương đầy mê say. Rất có thể những đám mây yêu kiều mà tuổi hai mươi bao bọc lấy con người tôi đã làm cho tôi bước đi trong thế giới với nhiều mộng tưởng hơn thực tế, nhưng tôi thấy như thể sông Danube hồi ấy thật xanh, và tại Viên, thủ đô của âm nhạc, điệu valse chính là biểu hiện hoạt bát của niềm vui và giống như là tinh chất êm dịu của cuộc đời.

Chà! Những hoa hồng ngày xưa đâu mất rồi? Tôi vừa băng qua những bình nguyên Trung Hoa bao la, vừa nếm mùi tuyết bất tận của Liên Xô. Tôi cảm thấy mình được nâng lên bởi nhịp điệu mạnh mẽ của những niềm hào hứng tập thể. Một nhân loại làm chủ số phận của mình, biến giấc mơ thành sự thật, vui sướng lao động để xây dựng hạnh phúc từ gạch và đá, từ những con sông chuyển dòng chảy, từ những ngọn núi được dời đi, từ những cánh rừng mọc lên bằng bàn tay con người. Và sau đó tôi bắt gặp một thành phố Viên chịu thương tật, rên rỉ đau đớn qua những tòa nhà tan hoang, mái ngói bị chọc thủng, che giấu điêu tàn sau hàng rào những tấm ván! Xung quanh nhà thờ Saint-Étienne, quanh khu Nhà hát Lớn, giữa các khu phố xưa kia sáng lóng lánh trong một sự phồn vinh duyên dáng, tôi sững sờ khi bắt gặp những hình khối trống rỗng và im lìm. Tuy vậy với tôi cảnh tượng này thật thân quen, những đổ nát dấu vết của chiến tranh đó, chỉ cần nhắm mắt lại là tôi nhìn thấy trong tâm tưởng những điều kinh hoàng rải rác khắp đất nước tôi từ bảy năm nay, làm trái tim tôi se thắt lại. Nhưng những đau khổ mà chúng tôi phải gánh chịu cũng dần trở thành thói quen, trong khi đau khổ của những người mà chúng tôi thấy thân thiết, mà lại đột nhiên hiện ra, như thể đâm một mũi dao vào tim chúng tôi.

Để nỗi buồn có thể tan biến đi phải cần đến nụ cười bừng nở trên môi những người phụ nữ thành Viên đến gặp chúng tôi, những nụ cười rực rỡ không thua kém những bông mimosa mà họ dùng để gài lên khuy áo của chúng tôi. Thành Viên, với vẻ duyên dáng và lịch thiệp chỉ nhường bước trước Paris, thành Viên đặt lên các Đại biểu Dân tộc cặp mắt vẫn còn chưa thôi đẫm lệ, nhưng ở đó đã run rẩy một tia sáng bình minh. Cái thành phố thủ đô như thể luôn bừng sáng sự tươi vui của âm nhạc Mozart, sùng bái Goethe và Beethoven, đặt Nghị viện đằng sau bức tượng Pallas Athénée đầu đội mũ nạm vàng, cái thành phố thủ đô đón nhận mọi làn gió trí tuệ, rất xứng đáng với vinh dự mà nó được nhận, là làm Thủ đô Hòa bình trong một thời gian, trụ sở của Hội đồng các Dân tộc.

Thành phố đã tổ chức một buổi biểu dương lực lượng, đã hối thúc những đứa con tích cực của mình để khẳng định ý nguyện về hòa bình, và trong nhiều giờ liền nó đã diễu hành, giơ cao những ngọn cờ mang màu của niềm hy vọng, những hình ảnh chim bồ câu trong trắng, những tấm khăn rung động niềm tin. Các Đại biểu Dân tộc đã cảm thấy lướt qua trên đầu mình hơi thở của lịch sử. Họ ý thức được rằng một giờ khắc duy nhất vừa vang lên trong sự nghiệp con người. Là một chứng nhân tầm thường trong đám đông, tôi buồn bã, tiếc nuối với ý nghĩ Paris đã để tuột mất một cơ hội để gắn thêm lên chiếc vương miện của mình một viên kim cương tuyệt mỹ, được hào hứng tạc ra trong những hy vọng con người và mong ước của các dân tộc.

Bức thư đăng trên Défense de la paix, 1/1953. Tư liệu KMS.

Người bạn Pháp thân mến, vì đã sống tại đất nước của bạn trong vòng mười năm, đã học tập văn chương của bạn trong vòng ba mươi năm, ngưỡng mộ văn hóa của bạn, yêu mến các nhà văn và nghệ sĩ của bạn, gần gũi với những đứa con trai của bạn trên ghế giảng đường đại học, tại các thành phố và vùng đồng quê của bạn, tôi biết rõ là nếu chỉ dựa vào dân chúng Pháp, Paris hẳn đã không rơi vào tình thế không xứng đáng với quá khứ như thế, và nước Pháp hẳn là đã không đánh mất đi thứ hạng mà nó từng sở hữu suốt trong ba thế kỷ trên đỉnh cao của lòng nhân đạo và ở mũi nhọn của tiến bộ.

Nhưng chưa phải mọi thứ đã bị mất đi. Dân tộc Pháp vẫn luôn được hưởng lòng tin cậy và tình bạn của các dân tộc, ngay cả khi các dân tộc này có đủ lý do để phàn nàn về chính sách của chính phủ Pháp.

Để đưa ra một bằng chứng cho điều vừa nói trên đây, tôi chỉ cần lục tìm trong ký ức những hình ảnh thân thiết với tôi và mang tặng cho bạn một viễn tượng sẽ làm bạn cảm động. Từ thành Viên ồn ã tiếng nhạc hòa bình của những chiếc ôtô và tàu điện, ý nghĩ của tôi hướng về đất nước Việt Nam, nơi còn đang vang lên tiếng đại bác. Từ thành Viên tưng bừng ánh sáng, tôi nhìn qua hai mươi ngàn cây số những thành phố bị hủy diệt của chúng tôi, những ngôi làng và cánh đồng của chúng tôi nơi mọi hoạt động chỉ bắt đầu khi đêm đến, nương nhờ vào bóng tối, khi những chiếc máy bay đã tạm ngừng reo rắc kinh hoàng. Tôi nhìn thấy con trai tôi trong bóng tối lạnh giá đang dò dẫm trên đường, tay mang những cuốn sách quyển vở để đến chỗ bạn học là nông dân của nó, để rồi vượt qua những chặng đường khúc khuỷu, cùng nhau chúng hội tụ lại trong ngôi nhà lá để học tập.

Chúng bật những ngọn đèn dầu của chúng lên, cái ánh sáng vàng vọt đầy khói ấy làm mắt chúng bị mỏi và cổ họng chúng bị khan tiếng, chúng ngồi bệt xuống đất, chống cùi tay lên một cái bàn thấp nhỏ, rộng cỡ một chiếc khăn mùi soa, mà chúng xách theo từ nhà. Thầy giáo tới lớp và bài học bắt đầu. Chúng được học rất nhiều thứ, nhưng đặc biệt hơn cả là học về tình yêu các dân tộc, lòng tôn trọng con người và phẩm hạnh của lao động. Hẳn bạn sẽ không thờ ơ với việc những đứa trẻ con này cũng học một ngoại ngữ, ngoại ngữ ấy là tiếng Pháp và từ đầu tiên chúng được học là động từ YÊU. Hẳn bạn cũng sẽ không thờ ơ khi biết rằng xung quanh cái mà người ta vẫn gọi bằng uyển ngữ là ghế giáo sư của tôi, đêm nào cũng có hơn một trăm chàng trai cô gái ngồi chen chúc để nghe tôi giảng giải về Montaigne hay Racine, Victor Hugo hay [Charles] Péguy, Éluard hay Aragon.

Chao ôi! Không phải lúc nào chúng tôi cũng có những quyển sách mà chúng tôi cần, nhưng điều đó đâu có hệ trọng! Ban ngày sinh viên của tôi hào hứng mài nhẵn một phiến đá rồi dùng nó để in li-tô các văn bản mà chúng tôi cần. Thời giờ trôi đi, nhanh chóng và cần mẫn, và chúng tôi phải chờ tới nửa đêm để có thể tận hưởng niềm sung sướng. Tôi không nhìn rõ mặt các thính giả của tôi, nhưng, bên trên những ngọn đèn nhấp nháy như những ngôi sao bằng vàng tụ họp lại thành vòng tròn xung quanh tôi, tôi trông thấy những đôi mắt ánh lên niềm say mê.

Trong màn đêm đã buông xuống, chúng tôi hòa làm một với nước Pháp đích thực, nước Pháp sống động, nước Pháp cụ thể, cái đất nước mà mà chúng tôi vẫn không ngừng yêu mến ngay ở giữa những nỗi đau khổ của chúng tôi, nước Pháp của Joliot-Curie, của Raymonde Dien, của Henri Martin, của những người nông dân, những người công nhân, các trí thức, tất cả những ai cùng đau khổ nỗi đau khổ của chúng tôi, những ai đòi các đội quân Pháp rút khỏi Đông Dương, để cuộc huynh đệ tương tàn được chấm dứt, để những đứa con của chúng tôi không bị tan thây vì mảnh bom và mảnh pháo, mà có thể nảy nở dưới ánh mặt trời và học tập trong yên bình.

Cầu cho những dòng này tạo nên được một tiếng vọng trong trái tim bạn, người bạn Pháp mà tôi không hề muốn gọi tên, không mang một khuôn mặt nào. Trong suy nghĩ của tôi, bạn là người đàn ông hay người phụ nữ trong tim đang gầm lên sự căm thù nỗi bất công và bạo lực, người đem đam mê phụng sự cho vinh dự của nước Pháp.

Nước Pháp đã đánh mất rất nhiều. Nó không được đánh mất nhiều thêm nữa và nhất là không được đánh mất nền văn hóa ấy, nền văn hóa mang lại cho nó một niềm kiêu hãnh chính đáng, bởi vì nó được truyền cảm hứng từ lòng tôn trọng con người và tình yêu hòa bình, nền văn hóa đã tạo dựng được tên tuổi vững chắc nhất cho tình bạn giữa các dân tộc và sự biết ơn các trí tuệ, một nền văn hóa đang bị một chính sách kém cỏi mỗi ngày lại làm hại thêm một chút. Bạn ơi, người anh em thân mến, tay tôi đây, hãy nắm lấy, chúng ta sẽ cùng nhau chiến đấu bảo vệ những gì quý giá đối với chúng ta.

Nguyễn Mạnh Tường
Tin khác
Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.