Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Ngôn ngữ kỳ thị

Ngôn ngữ kỳ thị

Bài viết riêng cho Tiếng Việt – Văn Việt – Người Việt của PGS-TS Andrea Hoa Pham.

Bài viết riêng cho Tiếng Việt – Văn Việt – Người Việt của PGS-TS Andrea Hoa Pham, giáo sư tại Khoa Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa – Viện đại học Florida; tốt nghiệp Tiến sĩ Ngôn ngữ học, Đại học Toronto (Canada); Giải thưởng Giáo sư tiêu biểu, Đại học Florida (2021 - 2024).

***

“Mọi người sinh ra đều bình đẳng”, một câu nổi tiếng trong bản Tuyên ngôn Độc Lập của Hoa kỳ do Thomas Jefferson, người sau này trở thành vị Tổng thống thứ ba, viết cho buổi lễ Độc Lập năm 1776. Nhà sử học Jack Rakove cho rằng khi bản Tuyên ngôn này ra đời, từ “bình đẳng” được dùng với ý nghĩa các dân tộc đều được bình đẳng (*). Chỉ sau Cách mạng và cho đến bây giờ, “bình đẳng” được người ta hiểu với nghĩa là “mỗi cá nhân đều có quyền bình đẳng”.

Hai thế kỷ rưỡi sau, nhiều người dân Hoa Kỳ, lúc này lúc khác, vẫn còn mang mặc cảm bị kỳ thị, hoặc bị tổn thương bằng những lời lẽ xúc phạm. Hàng ngày người Hoa Kỳ vẫn còn cố gắng tìm những con đường để tiến đến việc xóa bỏ thành kiến, sự ghét bỏ, và sự kỳ thị giữa các dân tộc để bảo vệ giá trị “bình đẳng” này, với cả nghĩa dân tộc cũng như cá nhân. Bài báo này nói về những biểu hiện kỳ thị thể hiện qua ngôn ngữ, đặc biệt là về mặt chủng tộc.

Ở Tiệp Khắc vào những năm 50s của thế kỷ trước, có nhóm “punk” – nhóm thanh niên nổi loạn, phá phách, vì mọi thứ đều bị cấm đoán và bị kiểm soát khắt khe, kể cả âm nhạc và việc đi lại. Lúc ấy  mỗi khi bị bắt họ còn được cho ra tòa án để xử theo luật. Sang những năm 70s, các băng nhóm này khi bị cảnh sát bố ráp và bắt bớ thì hoặc họ bị trục xuất ra khỏi nước, hoặc bị bỏ tù, chứ không còn được xử ở tòa án. Người ta còn nhớ đầu những năm 90s ngay sau cuộc Cách mạng Nhung Tiệp Khắc 1989, nhóm punk này thường gây hấn và thậm chí đánh những người da vàng trên đường phố. Có một lần một phụ nữ Nhật đã bị chặn đánh, vì họ nhầm tưởng cô ấy là người Việt. Vụ này gây ra các rắc rối ngoại giao cho hai chính phủ. Không phải tự nhiên mà một số người Việt ở các nước Đông Âu cũ, khi ra đường gặp đồng hương hỏi đường, họ tránh trả lời bằng tiếng Việt vì sợ bị nhận diện là người Việt và có thể trở thành nạn nhân của punk.

Trong khi đó, ở Mỹ từ cuối thế kỷ trước, trong các thông báo tìm người bao giờ cũng phải thòng thêm câu chính sách tuyển người dựa trên nguyên tắc bình đẳng, “không phân biệt tôn giáo, dân tộc, màu da, nam nữ, hay xu hướng giới tính”. Người phỏng vấn cũng không được hỏi ứng viên bao nhiêu tuổi, để tránh việc kỳ thị tuổi tác. Hồ sơ xin việc tuyệt nhiên không có mục nào ghi năm sinh hoặc quê quán. Chỉ ghi quá trình đào tạo, các thành tựu đã đạt, và các phẩm chất cần cho công việc.

Gần đây có những trường hợp một người da vàng ngoài đường bị người nào đó bực tức quát “cút về nước mày đi!”. Có thể đó là lý do mà hiện nay ở Mỹ, người ta được nhắc nhở là không nên hỏi một người với câu “Where are you from?”, họ từ đâu đến, vì điều đó có thể hàm ý kỳ thị xuất xứ, đất nước của họ.

Nơi được thảo luận đầy đủ và tinh tế nhất về vấn đề ngôn ngữ kỳ thị là nhà trường. Đấy là nơi đào tạo ra nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà chính trị… những người làm việc với chữ nghĩa và có trách nhiệm lớn với công chúng về việc dùng chữ nghĩa. Vì các nhà làm chính sách, các thầy cô, nhà báo, nhà văn, những người làm truyền thông, những chính khách đó là lớp người “nói” thay xã hội và có ảnh hưởng lớn đến nhận thức và thói quen của công chúng… nên tất cả đều phải qua đào tạo từ trường ốc. Trong môi trường giáo dục, người ta dạy học sinh, sinh viên tránh dùng những từ hàm ý miệt thị chủng tộc, giai cấp hoặc giới tính. Chẳng hạn thay vì từ “black people” (người da đen) thì người ta dùng “African American” (người Mỹ gốc Phi). Sinh viên học tiếng Việt biết nhận ra và tránh dùng từ “Mỹ đen” ngụ ý coi khinh. Tương tự, cũng không phải là đứng đắn khi gọi người Mexico là “dân Mễ”.

Ở Đại học Florida, bắt đầu từ năm 2003, sinh viên thực hiện một dự án gọi là the Wall Project (dự án Bức Tường). Dự án này nhằm nhắc nhở, nhấn mạnh tính chất đa chủng tộc, đa văn hóa của Mỹ, đưa mọi người gần lại với nhau, chung tay xóa bỏ bức tường ngăn cách vì kỳ thị. Vào cuối tháng giêng, khi trời mát mẻ dễ chịu, không còn lạnh lắm, một nhóm sinh viên (nộp đơn xin và được chọn), cùng tham gia với một công ty xây dựng, mang những viên gạch lớn màu nhạt, và phấn màu đến sân trường. Họ xếp các viên gạch lên nhau, dựng lên một bức tường dài khoảng 13 mét dọc lối đi ở khu vực nơi có nhiều người qua lại nhất. Trên mỗi tấm gạch sinh viên viết lên một từ hoặc một nhóm từ mà họ đã từng bị người khác dùng để xúc phạm. Ví dụ như “He is so gay” (anh ta trông quá là “bóng”), “no fags” (không có chỗ cho fags, từ lóng miệt thị người đồng tính), “nigger” (đồ da đen, đồ mọi), “all homeless people are lazy” (tất cả những người sống vỉa hè đều là thứ lười biếng), “slut” (đồ điếm), “bitch” (đồ chó), “Only homos and junkies have AIDS” (chỉ dân đồng tính và đồ cà lơ mới bị si đa), “Muslim = terrorist” (người Hồi giáo là những tên khủng bố), “Third world = dumb” (dân các nước nghèo là bọn ngu si), v.v...

Bức tường tượng trưng cho những áp đặt kỳ thị, những đè nén, ngăn cách con người đến với nhau. Có thể gọi đó là “bức tường ô nhục”. Họ để đấy trưng bày một thời gian, đủ cho nhiều người qua lại đọc những lời trên các viên gạch, hoặc chính người xem tự tay điền thêm những lời khinh thị họ đã trải nghiệm mà chưa thấy ai viết ra. Sau đó, mọi người xúm lại kéo đổ bức tường, hành động tượng trưng cho việc xóa bỏ các hàng rào ngăn cách nhau vì định kiến, kỳ thị, áp bức. Những người tham gia cảm thấy việc xô đổ bức tường cho họ một nguồn sức mạnh để tạo ra những thay đổi tích cực cho tương lai. Năm 2006, Viện trưởng Đại học Florida đã đến phát biểu ở bức tường này, ở thời điểm bức tường bị kéo xuống. Phong trào này đã lan tỏa ra nhiều đại học khác, như Đại học Northeastern, Đại học Kansas, Đại học Đông Washington…

 
 

Là nhà giáo dục, phải bỏ qua cảm tính hoặc quan điểm cá nhân, chúng tôi phải qua những lớp huấn luyện, học tránh những cách nói ngầm ý kỳ thị, cách giải thích hoặc làm trọng tài khi trong lớp nổ ra một cuộc tranh luận về những vấn đề kỳ thị, phổ biến nhất là về chủng tộc hoặc giới tính. Tuy hiếm, nhưng tôi đã một lần đối phó với tình huống này khi một sinh viên gốc Việt phát biểu “những người đồng tính là những người bị bệnh”. Vài sinh viên gốc Âu bắt đầu rộn lên cãi lại. Tôi phải khất lại cuộc tranh luận, về nhà tra tìm những nhân vật kiệt xuất nhất trong lịch sử mà là người đồng tính, để hôm sau dùng danh sách đó trả lời cho sinh viên gốc Việt đã phát biểu trên kia. Trong danh sách có cả Sir Francis Bacon (1561-1626), cha đẻ của phương pháp khoa học (the scientic method); Alan Hart (1890-1962) người nổi tiếng trong việc chữa bệnh lao, nguyên nhân gây ra đa số cái chết ở Mỹ thời kỳ ấy; Alan Turing (1912-1954), người được xem là cha đẻ của ngành máy điện toán; Sally Ride (1951-2012), người phụ nữ Hoa Kỳ đầu tiên bay vào vũ trụ trên con tàu Challenger… những người mà nhân loại chịu ơn một cách sâu sắc. Cuộc tranh luận kết thúc nhanh chóng, đây là lớp học tiếng, không phải lớp về văn hóa. Sinh viên gốc Việt kia đang theo học ngành Khoa học máy tính (Computer Science).

Năm nay, các trường ở tiểu bang Florida mở đầu năm học, xôn xao với luật HB 7 mới vừa được thông qua. Luật này đặt ra với mục đích cho các doanh nghiệp, nhân công, trẻ em và gia đình một công cụ chống lại các phân biệt đối xử hoặc cách áp đặt quan điểm, thái độ, phương pháp làm việc ở nhà trường hoặc nơi làm việc. Luật này không cho phép các thầy cô trong lớp được “đồng tình, ủng hộ” một quan điểm nhất định nào đó, một người nên cảm thấy như thế nào về những kỳ thị chủng tộc mang tính hệ thống, hoặc nói về những tác hại về phân biệt nam nữ trong xã hội và mối liên quan của cá nhân đó với những vấn đề này (ám chỉ cá nhân đó bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp, và nên có nhận thức hoặc cảm giác như thế nào về điều đó). Nói một cách nôm na là thầy cô không được phát biểu hay nhận định về một tình trạng xã hội mang tính chất khẳng định, như “người châu Á hay bị kỳ thị”, “dân da màu thường làm các công việc lao động phổ thông lương thấp”, “làm cùng công việc nhưng lương phụ nữ thấp hơn lương nam giới”, v.v.  Vấn đề ở đây là mặc dù trong thực tế có những thống kê đã đăng về điều đó. Như vậy thầy cô phải dùng “bằng chứng” như thế nào để tránh bị kết tội “áp đặt quan điểm lên người khác”?

 

Một mặt, người Mỹ sống tuân theo pháp luật. Mặt khác, trong các trường đại học ở Mỹ, thầy cô được quyền tuyệt đối tự do phát biểu về các nội dung học thuật. Tự do này gọi là Academic Freedom, một phần quan trọng của “hiến chương” giáo dục. Không ai, không tổ chức chính trị nào có thể xâm phạm, siết chặt, hoặc lấy đi cái quyền thiêng liêng này, vì điều đó đồng nghĩa với việc kiểm duyệt khoa học. Năm 1633 Galileo phải nộp mình cho nhà thờ Thiên chúa giáo và bị kết án chung thân vì tội báng bổ khi cho rằng trái đất quay quanh mặt trời. Bây giờ một vị thầy hay cô có thể tha hồ cãi rằng trái đất đứng yên, miễn là đưa ra được chứng cớ thuyết phục.

Trong bối cảnh luật HB7 này thì quyền Academic Freedom được bảo vệ như thế nào? Nghiệp đoàn giáo chức đang bàn bạc, tranh luận để bảo vệ quyền này một cách hợp pháp, để thầy cô một mặt không phạm luật, một mặt vẫn giữ được môi trường đại học là nơi mọi ý kiến về học thuật đều được tự do nói lên, kể cả của sinh viên. Thầy cô không cần phải nói theo định hướng nào. Ngoài khoa học, họ không phải phát biểu phục vụ ai cả, vì bản thân thầy cô cũng là những nhà khoa học.

Luật HB7 chú trọng đến “tình cảm” (feeling) và “nhận thức” (perception), tức là những khái niệm khó xác định. Sinh viên có thể than phiền với nhà trường là trong lớp, thầy cô nào đó đã nói về vấn đề gì đó mà sinh viên ấy “cảm thấy” hàm ý bị kỳ thị. Cho nên thầy cô thật dễ rơi vào rủi ro phạm luật HB7. Để “né luật” mà vẫn bảo vệ được quyền tự do này, nghiệp đoàn đề nghị một số trường hợp cụ thể. Tôi chỉ dẫn một trường hợp.

Ví dụ như luật HB7 cấm nói “một cá nhân thuộc một chủng tộc, màu da, nơi xuất xứ, hoặc giới tính nào đó, dù vô thức hay có ý thức, một cách tự nhiên họ có xu hướng kỳ thị chủng tộc, giới tính, hoặc áp bức người khác”. Thì thầy cô có thể “đề nghị hoặc nhận định, rằng một người thuộc một chủng tộc nào đó, trong một cấu trúc xã hội nhất định nào đó, có lợi thế hơn những người thuộc các chủng tộc khác”, và lưu ý rằng điều này khác với việc nói rằng một cá nhân, từ trong máu là người kỳ thị chủng tộc, giới tính hoặc áp bức kẻ khác.

Quay lại trường hợp Việt Nam, chừng nào còn một vài nhà báo, nhà văn, nhà giáo có ảnh hưởng lớn, có hàng chục ngàn likes trên mạng xã hội, mà lạnh lùng gọi tên xuất xứ quê quán của người khác một cách xấc xược bằng những cụm từ như “dân rau muống”, “dân rau má”, “dân cá gỗ” v.v thì chuyện tránh dùng ngôn ngữ kỳ thị phải bắt đầu trước hết với những nhà mang danh làm “văn hóa”, làm “giáo dục” đó. Họ phải là những người đầu tiên tự nguyện xô đổ bức tường ô nhục ngăn cách những con Lạc cháu Hồng.  

* https://news.stanford.edu/press-releases/2020/07/01/meaning-declaratnce-changed-time/

Andrea Hoa Pham
Trương Khánh Thiện
Wall Project
.

Tin khác

Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 02/01/2025
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 26/12/2024
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 23/12/2024
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 21/12/2024
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức được hậu sinh nhắc đến một cách trân trọng tại hội thảo kỷ niệm 10 năm ông qua đời, vừa tổ chức sáng 18/12 ở TP.HCM.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/12/2024
Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc

Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc

Tác giả trẻ My Tiên ở đất võ Bình Định vừa ra mắt tập thơ ‘Vùng da thiêng’ với nhiều cảm xúc nồng nàn về quê hương và con người Nam Trung bộ.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 16/12/2024
Mạch nha Thi Phổ

Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 12/12/2024
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 11/12/2024
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 09/12/2024
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 06/12/2024
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 05/12/2024
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 04/12/2024