Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), thương mại hạt tiêu toàn cầu giảm mạnh trong nửa đầu năm nay. Thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), cho thấy, thương mại hạt tiêu toàn cầu 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 122 ngàn tấn, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 5 nước xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới, Việt Nam, Brazil và Malaysia là những nước có lượng xuất khẩu giảm trong nửa đầu năm nay, với mức giảm lần lượt 6,8%, 6% và 8,1%…
Trái ngược với 3 nước trên, xuất khẩu hạt tiêu của Indonesia và Ấn Độ lại tăng 48,3% và 34,1%. Tuy nhiên, do Việt Nam và Brazil là 2 nước xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới và chiếm phần lớn lượng hạt tiêu xuất khẩu trên toàn cầu, nên sự gia tăng mạnh về xuất khẩu của Indonesia và Ấn Độ vẫn không bù đắp được sự sụt giảm về xuất khẩu của Việt Nam và Brazil.
Tuy giảm về lượng xuất khẩu, nhưng giá xuất khẩu của hạt tiêu Việt Nam và các nước khác lại tăng cao. So với cùng kỳ năm 2023, 6 tháng đầu năm 2024, giá FOB trung bình tiêu đen và tiêu trắng ở hầu hết các quốc gia sản xuất chính tăng mạnh, trừ Ấn Độ. Cụ thể, giá FOB trung bình tiêu đen tăng 27% và giá FOB trung bình tiêu trắng tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng mạnh nhất được ghi nhận ở tiêu đen Brazil, kế tiếp là Việt Nam và Indonesia.
Tại Việt Nam, giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 6 tháng đạt 4.365 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.983 USD/tấn, tăng lần lượt 922 USD đối với tiêu đen và 1.028 USD đối với tiêu trắng so với cùng kỳ 2023.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA, nhận định, nguồn cung hạt tiêu thiếu hụt do sản lượng thu hoạch giảm ở Việt Nam và Brazil là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc giá tiêu tăng trên thị trường thế giới. Việc thiếu nguồn cung hạt tiêu tại Việt Nam khiến cho giá tiêu thế giới tăng cao đã cho thấy tầm quan trọng của ngành hàng hồ tiêu Việt Nam, một nước có sản lượng tiêu mang tính quyết định với thị trường tiêu toàn cầu.
Về nguồn cung hạt tiêu trong những tháng cuối năm, VPSA cho biết, xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam đạt 142,5 ngàn tấn so với sản lượng thu hoạch năm 2024 đạt khoảng 170 nghìn tấn, sản lượng còn lại ước khoảng 28 nghìn tấn. Tồn kho vụ 2023 chuyển sang cộng với lượng nhập khẩu năm 2024 khoảng 40 - 45 nghìn tấn. Như vậy, nguồn hàng xuất khẩu từ tháng 8 cho tới cuối năm sẽ thấp hơn mọi năm và kéo dài cho đến tháng 3/2025 khi vụ mùa 2025 dự kiến sẽ thu hoạch.
Sản lượng hạt tiêu sản xuất ở các quốc gia khác như Brazil, Indonesia dự báo giảm trong năm cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cho các tháng cuối năm 2024.
Dù xuất khẩu giảm, nhưng hạt tiêu Việt Nam vẫn chiếm thị phần lớn nhất tại nhiều thị trường chính. Theo số liệu thống kê từ Eurostat, trong 5 tháng đầu năm 2024, EU nhập khẩu hạt tiêu từ thị trường ngoại khối đạt 49 nghìn tấn, trị giá 225 triệu EUR (tương đương gần 244 triệu USD), tăng 22,2% về lượng và tăng 29,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, EU nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam đạt trên 31 nghìn tấn, trị giá gần 136 triệu EUR (tương đương 147 triệu USD), tăng 24,7% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của EU từ thị trường ngoại khối chiếm 64,18% tổng lượng và chiếm 60,44% tổng kim ngạch trong 5 tháng đầu năm 2024.
Thông tin từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, cho hay, trong 5 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu hạt tiêu của Hoa Kỳ đạt 37 nghìn tấn, trị giá 176 triệu USD, tăng tăng 33,3% về lượng và tăng 34,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Hoa Kỳ nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam đạt 28 nghìn tấn, trị giá 130 triệu USD, tăng 26,5% về lượng và tăng 30,4% về trị giá. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ là 73,9% trong 5 tháng đầu năm 2024.