Nguyễn An Ninh: Đồng và làng những ngày Một Chạp

Nguyễn An Ninh - Thứ Bảy, 10/02/2024 , 08:30 (GMT+7)

Cũng đã thấy tiếng lao xao của mấy nhà hẹn nhau 'đụng lợn'. Con lợn chừng dăm chục ký, nuôi vỗ cả năm, giờ chuẩn bị thịt để ăn Tết...

Đồng làng vụ đông xuân.

Đồng làng vụ đông xuân.

Ông bà vẫn quen gọi hai tháng cuối năm âm lịch là Một và Chạp.

Vào độ này, trong làng vẫn còn yên ắng lắm, hầu như mọi người ai vẫn vào việc nấy, chưa tính gì đến Tết. Trẻ con đi học, người già tha thủi với mảnh vườn, cái bếp và người lớn thì ra đồng. Trời còn rét lắm nhưng phải tranh thủ làm đất để có thể cấy sớm và kiếm con tôm con cá.

Bởi vậy, ngoài đồng vẫn rộn rịch hơn trong làng.

Đồng Gốc hồi ấy, dù vẫn cày cấy hàng năm nhưng cuối vụ đông, đồng trũng, nước sâu. Bạt ngàn là lúa dài cùng năn lác. Lại có cả tiếng mấy con sít, gà lôi kêu táo tác, hoang vu. Nhìn lướt qua tưởng cánh đồng hoang.

Không, vẫn có người đấy…

Nước đồng rất trong, cái lạnh càng thêm trong. Những cụm rong đuôi chó cũng sắp tàn một vòng sinh trưởng, bắt đầu ngả vàng nhưng vẫn thành bè đặc xanh trên từng vùng ruộng. Lạnh, cá đen lên cạn, cá trắng xuống sâu. Trong những chân đon rạ, dưới những lớp rong xanh, cá trú nhiều lắm. Bọn trẻ đi úp biết vậy…

Có những ngày gió mùa đông bắc về, đài báo nhiệt độ xuống 7 - 8 độ, như nói ở đâu, chứ còn trên đồng thì giá lắm. Đường đê dẫn xuống đồng Gốc vừa dài vừa hun hút lạnh. Cũng chẳng dám chân đất đi dưới bóng tre ở vệ đê để tránh rét nữa, bao nhiêu là gai. Dưới chân đê, một rặng tre gai hộ đê, tay tre rậm rịt, lá vàng khô lào xào, thân cọ nhau kĩu kịt trong tiếng gió. Đêm vắng đi đoạn này hãi lắm.

Cả lũ đi úp với nơm lớn, nơm bé thành một hàng. Đứa nào cũng chân đất, áo đơn một manh, áo ấm một chiếc, co ro trong gió lạnh. Nào có dày dặn gì, chiếc áo Đông Xuân là thứ vải dệt kim dày hoặc cái áo bông cà tàng, qua mấy đời anh mặc rồi đến em. Tay áo đã dãn, cổ áo đã xoạc, hơn kém cái dẻ lau xe bây giờ một chút… Tất cả đều không che nổi gió bấc.

Tới nơi rồi, không cần bảo, tất cả đều tụt quần dài buộc lên cổ, chỉ còn độc manh quần đùi để lội cho tiện. Tự dưng cổ và ngực thêm ấm. Những cặp chân khẳng khiu nhưng rắn chắc, da óng màu đồng hun và nếu dùng móng tay cạo nhẹ, sẽ thấy một lớp phấn trắng nổi lên. Cùng với đó là móng chân đỏ vì đất chua. Dấu hiệu của dân lội ruộng đấy. Đố thấy những điều đó ở “dân cày đường nhựa”… Lát nữa những cặp chân ấy sẽ lại nổi mẩn đỏ như phát ban vì nước lạnh. Dân làng gọi đó là “phát cước”.

Cả bọn chia làm mấy tốp, lần từ cạn xuống sâu. Bước chân quen lội, nhấc cao, mũi chân được thả xuống trước, thành thử không nghe tiếng ì ùm, sợ cá động. Dưới bùn sâu bàn chân thấy ấm hơn, mặt nước vẫn giá buốt. Càng lạnh giống cá đen càng ngược lên cạn, có con chuối hoặc sộp nằm chìa cả vi lên trên mặt nước. Nó có lẽ không cử động đã lâu, mùn của bùn phủ bạc toàn thân, trông như cái tàu ngầm bất động. Mấy con trê thì tìm vũng chân để trú. Nó tạo ra một vùng đục nhẹ, cái râu vẫn ngo ngoe phía trên như ăng ten dò sóng.

Cá cóng vì lạnh thường rúc vào những chỗ kín, thường là bụi rong, đám bèo hoặc dưới chân mấy đon rạ. Nhẹ tay nhấc đon rạ sang một bên, lấy nơm chổ thẳng vào chỗ đó. Có cá, tiếng phóng cồng cộc trong nơm là cá chuối, nghe tiếng phịch là cá trê, tành tạch là cá rô hoặc giếc. Giống cá máu lạnh mà bắt lên tay còn thấy ấm, mới biết trời giá đến thế nào.

Chịu khó lặn lội, chút nữa lên vệ đê đốt lửa sưởi. Ấm lại ngay thôi mà…

*

*     *

Mấy hôm nay, huyện lại điều thêm về đội máy cày “bánh lồng” giúp “hợp tác” làm đất vụ đông xuân. Đó là những chiếc máy kéo nay trở thành máy cày. Chừng 2.000 chiếc đã được Liên Xô viện trợ cho nông nghiệp Việt Nam dạo ấy.   

Cái máy kéo MTZ, vào những năm 70 đã không còn là của hiếm ở miền Bắc. Cái tên MTZ là chữ viết tắt của “Nhà máy chế tạo máy kéo Minxcơ” (Belarus). Sơn toàn thân màu đỏ, chạy dầu điêzen, cực khỏe với 50 mã lực, khi lắp thêm dàn lưỡi cày và phay đất thì nó thành máy cày. “Khổ” một nỗi, là nó được chế tạo để hoạt động trên thảo nguyên, đồi bãi chứ không xuống đồng trũng được. Nặng chừng trên 3 tấn, toàn sắt thép với bánh lốp, hiển nhiên là nó không hợp với những cánh đồng chiêm trũng.

Không sao cả, mấy anh công nhân cơ khí nông nghiệp đã hoán cải nó thành “con trâu đỏ” giúp bà con. Đôi bánh kéo khổng lồ của nó được tháo ra và thay vào đó là hai bộ lồng để vừa tạo lực đẩy, vừa phay đất. Hỗ trợ nâng máy trên đồng là bộ thùng phao được hàn kín và gắn chặt dưới gầm. Với trang bị mới, chiếc máy MTZ trông như con cà cuống lặc lè tha bụng trứng.    

Đầu cánh đồng, gần vệ đê khuất gió bấc một chút, có cái lều rơm để mấy anh công nhân lái máy cày làm chỗ nghỉ tạm. Mấy thùng phuy dầu, cái đầy cái rỗng, xoong gang nấu cơm, mấy ông đầu rau chầu hẫu… Cái nào cũng đen nhẻm, hăng hái sẵn sàng như đang vào trận cùng “con trâu đỏ”. Đèn pha của máy sáng suốt đêm. Những chiếc máy cày MTZ, lắp bộ thùng phao và “bánh lồng” để làm đất trũng, xồng xộc chạy hết cánh này đến cánh khác. Phải đợi chừng vài ngày, bùn lắng xuống những cánh này mới chang trải, cấy hái được.       

Tiếng máy xua đi cái vắng vẻ hoang vu của cánh đồng xa làng. Mặt ruộng trước đầy cỏ năn và lúa dài, nay ngầu bùn và vô số cá nhao nhác vì bị sức máy khuấy động.

Có mấy chú bé, tay nơm tay giỏ đang ngồi trong lều đợi máy chạy, bùn ngầu, kiếm cá ngoi lên…

Ông chủ nhiệm hợp tác xã, vai vẫn đeo xà cột vải bạt, bóng nhẫy bởi mồ hôi và nhiều thứ khác, từ làng ra rẽ vào lều làm một mồi thuốc… Sau tiếng điếu rít, ngồi lặng thinh, mắt dõi xa xa trên cánh đồng nơi cái máy đang quần thảo cho vụ mới. Tay ông bấm bấm như thày cúng bắt quyết, rồi lại rút sổ trong xà cột ra, tính tính toán toán. Vẫn nghe thấy thấy tiếng ông lẩm nhẩm: “Tiến độ chậm quá, khéo đất không kịp cho “mùng ba xuống đồng”…

Rồi lại nhổm dậy, đi ngay, chân không bén đất. Phải thăm lại mấy sướng mạ xem sao. Đợt rét vừa rồi, che chắn, đốt lửa đầu bờ xua sương muối cho mạ đến khổ. May mà không thấy “anh nào” thâm rễ. Hỏng lứa mạ vừa chậm tiến độ vừa khổ vì phải chạy lên Phòng Nông nghiệp xin thêm.  Được cái giống “Nông nghiệp 1” này chịu dầu dãi. Phải tạng cao cây này mới chịu được đồng trũng. 

Ra thế, ông đang lo cho vụ cấy của hợp tác, sẽ bắt đầu ngay từ mùng ba tháng Giêng. Tết nhất gì, “trong kia” bà con và anh em bộ đội ta còn bao gian khổ. Ai cũng nói vậy.

*

*     *

Nhưng ở độ Một Chạp, làng cũng đã phải nghĩ đến Tết.

Gì thì gì, đã thấy anh thông tin đã nắn nót trên cái bảng gần cửa Đình “Chúc mừng năm mới - Xuân Giáp Dần, 1974” bên cạnh dòng chữ cổ động: “Tất cả vì Miền Nam ruột thịt, cấy vụ đông xuân kịp thời!”.

Rồi lại thấy anh nhảy lên cái xe đạp, mải mốt về phòng phát thanh, nơi đang vang vang những bài hát: “Trường Sơn ơi, trên đường ta qua không một dấu chân người…” rồi, “Ngày đầu anh đi, đường cày đâu thẳng ngay…”. Người thương binh ấy, với chiếc chân giả, thoắt đầu làng, thoắt cuối làng. Anh là bóng đàn ông trai trẻ hiếm hoi của làng độ ấy.

Mấy cô gái vừa ở ngoài đồng về, bừa trên vai, bên con trâu được khoác cái bao tải chống rét. Họ cũng vừa đi làm đất về. Trời lạnh thế mà trong cái khăn len Nam Định, mặt các cô vẫn hồng rực. Họ hỏi nhau về giá lá dong, măng miến trên chợ huyện và cả kiểu áo chiết ly nào đó. Tiếng cười nói lanh lảnh. Có người trong đám ấy, vừa nhận được thư của người yêu đi bộ đội từ Miền Nam gửi ra.   

Đụng lợn ở quê.

Đụng lợn ở quê.

Cũng đã thấy tiếng lao xao của mấy nhà hẹn nhau “đụng lợn”. Con lợn chừng dăm chục ký, nuôi vỗ cả năm, giờ chuẩn bị thịt để ăn Tết. Chia bốn hoặc chia tám, mỗi nhà một phần bằng nhau và có mọi bộ phận của con lợn thì gọi là “đụng”. 29 tháng Chạp mới mổ để cỗ cúng giao thừa có đủ lợn, gà…

Nghe đâu, trại lợn hợp tác cũng đã “cân đối” phần thịt ăn Tết cho mỗi khẩu năm nay. Chừng hơn ký “móc hàm” cho một người. Gần như năm ngoái, vậy là được rồi.

Mấy cái ao lớn cuối Chạp bắt đầu xì xùm tát cá ăn Tết. Tiếng máy bơm điêzen “Trần Hưng Đạo” ành ành cùng dòng nước ào ào đổ ra từ cái ống cao su lõi thép móp méo vì vận hành và vận chuyển. Nó nhẫn nại làm nước đổ ải ngoài đồng bao lâu rồi mới theo xe cải tiến về tát ao đấy. Hợp tác xã chỉ có hai cái máy bơm nhỏ quần thảo trên cánh đồng suốt hai vụ, lúc bơm vào lúc đẩy ra, tất cả chỉ xoay quanh nước và lúa. Bây giờ mới thấy tiếng máy cười cùng người bên ao cá Tết.

Lá dong xanh đã thấp thoáng, dập dềnh ngâm bên các cầu ao cùng với mấy cái mo cau đen xì, vì gác bếp cả năm. Mo cau để làm vỏ cho giò hoa (giò thủ). Nó dai và bền nên chịu được ép kẹp. Đêm mùa hè nghe tiếng mo rụng báo một buồng cau viên mãn. Sáng ra bà nhặt từ vườn, lựa phần vừa vặn, cho lên gác bếp cho món giò Tết…

Và trong làng đã có mùi hương trám của vài đám giỗ. Cứ đến độ Một Chạp, trời rét ngọt, người già không chịu nổi, các cụ “đi” nhiều. Cũng bởi vậy trong làng đã thoang thoảng mùi hương. Thứ hương màu đen, lõi bằng tre non, cỡ chừng gần bằng cái đũa. Thô tháp, mộc mạc nhưng chúng làm cốt cho thứ hương đặc biệt chỉ phổ biến ở làng quê Bắc bộ. Hương làm bằng nhựa cây trám. Với một số người, chỉ có mùi hương trám mới thật sự là mùi của giỗ Tết. Trong mưa bụi lất phất bay, mùi hương càng quyện.

Chợ làng họp vào ngày lẻ, vào phiên thì đông hơn, nhưng ngày dưng thì vẫn có mấy cái quán bán đấy. Đã thấy những mặt hàng Tết. Tranh Tết phô phang những màu sắc bắt mắt. Có câu đối viết bằng chữ phổ thông, có tranh in cái “cuốn thư” hiện đại với dòng chữ “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do!” và có cả những phiên bản cổ điển như “Lý ngư vọng nguyệt”… Tất cả đều được in tại nhà máy in Tiến Bộ.

Cả pháo nữa chứ. Đã thấy từng băng dài trong túi “bóng” treo trên phản bày hàng. Pháo con bằng đầu đũa và mấy quả pháo đùng bằng ngón tay, sắc hồng ấm áp. Chúng lúc lắc trong gió bấc, như mời gọi, như chào Xuân.

Lũ trẻ con chỉ ham pháo tép. Cái thứ pháo vài hào một băng, rất vừa túi tiền. Quả pháo bé tý, nổ đánh tẹt, hiền lành. Thuốc pháo được làm bằng diêm tiêu và than xoan mùi thơm thoang thoảng. Tiếng pháo của trẻ con, tiếng pháo vui vẻ, tiếng pháo hòa bình sẽ râm ran suốt gần tháng. Chúng báo hiệu Xuân về!

Vâng, đấy là cảnh sắc của độ Một Chạp quê tôi cách đây đúng nửa thế kỷ.

Nguyễn An Ninh
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Hà Giang hút khách
Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?
Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?

Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'
Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'1

Một người dạy tiếng Việt ở Mỹ, giáo sư Andrea Hoa Pham cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, dù muốn hay không cũng không ngăn được thực tế ấy.

Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano
Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Bộ phim đã khiến tôi tò mò và tôi đã tìm hiểu rộng hơn lịch sử đất nước và tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân ta trong kháng chiến.