Nguyễn Việt Chiến là nhà thơ sớm thành danh. Ông có “giao diện” riêng trên Bách khoa Toàn thư mở. Chỉ cần gõ ba ký tự “Nguyễn Việt Chiến”, bộ đếm của Google sẽ cho 72.500 kết quả, trong 0,38 giây. Trên trang Thi viện, “kho thơ” của Nguyễn Việt Chiến có 135 bài. Nói vậy để biết, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã là người nổi tiếng.
Cho đến nay, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã trình làng 8 tập thơ, gồm: “Mưa lúc không giờ”, NXB Hội Nhà văn năm, 1992; “Ngọn sóng thời gian”, NXB Thanh Niên, 1998; “Cỏ trên đất”, NXB Quân đội nhân dân, 2000; “Những con ngựa đêm”, NXB Hội Nhà văn năm 2003; “Trăng và thơ đọc chậm”, NXB Hội Nhà văn, 2012; “Tổ quốc nhìn từ biển”, NXB Hội Nhà văn (xuất bản lần đầu tiên năm 2015, đã tái bản nhiều lần); “Nguyễn Việt Chiến, thơ và trường ca”, NXB Hội Nhà văn, 2022. Về văn, ông cũng đã công bố "Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân 1975 - 2005" - Phê bình và tiểu luận, NXB Hội nhà văn, 2007; “Mùa khát” – tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, 2018.
Tổ quốc - “căn tính” thơ Nguyễn Việt Chiến
“Nguyễn Việt Chiến, thơ và trường ca” thật đồ sộ, chỉ riêng độ dày đã 450 trang in, khổ 16x24cm, đủ nặng để nâng, đủ sang để trọng. Ông kỹ lưỡng trong bản thảo, chia thành 5 phần; Phần I có tên “Ga Hàng cỏ dọc đường Nam bộ”, hay gọi cách khác là “Các miền đất, miền người”, gồm 45 bài thơ; Phần II có tên “Gặp Nguyễn Du trên sông đêm”, hay gọi cách khác là “Miền ký ức văn hóa, miền trầm luân thế sự”, gồm 106 bài thơ; Phần III có tên “Phố phái trong thơ”, hay gọi cách khác là “Trầm tích miền phố cổ”, gồm 9 bài thơ; Phần IV có tên “Biển khúc ngợi ca cái đẹp”, hay gọi cách khác “Miền hoài niệm, yêu thương, miền thời gian lắng đọng”, gồm 41 bài thơ; Phần V có tên “Thời đất nước gian lao” hay gọi cách khác “Miền trận mạc lưu đày, miền đau thương trầm cảm”, gồm 25 bài thơ. Các “miền” cảm xúc ấy trong tâm hồn thơ Nguyễn Việt Chiến, vẽ nên một bản đồ thi ca mang tên ông.
Mỗi phần, theo sắp xếp của Nguyễn Việt Chiến là một “miền cảm” của ông. Tuy nhiên, theo tôi, từ lâu Nguyễn Việt Chiến đã được định vị là một nhà thơ về Tổ quốc. Mỗi công dân dều thuộc về một cộng đồng dân tộc, thuộc về một đất nước (dẫu thời hội nhập, có thể chọn nơi để lập nghiệp, có quốc tịch thứ hai). Không ai chọn được cho mình bố mẹ và Tổ quốc. Vậy nên, Tổ quốc là một phần máu thịt. Tất nhiên, Tổ quốc không phải là khái niệm chung chung, mơ hồ. Tình yêu đối với Tổ quốc rất cụ thể, từ làng quê nơi mình sinh ra, từ những câu ca bà hay mẹ đưa nôi lúc thơ bé. Mỗi người có một người mẹ sinh thành và một “người mẹ” Tổ quốc.
Nói về lòng yêu nước, nhà văn I-li-a Ê-ren-bua (Liên Xô cũ) nói: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von-ga, con sông Von-ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Câu này, những người thế hệ 7X về trước từng thuộc, bởi được thầy cô bình giảng trong chương trình phổ thông. Theo nghĩa ấy, Tổ quốc có mặt trong cả năm “miền cảm” trong “Nguyễn Việt Chiến, thơ và trường ca”.
Khi nghĩ về đề tài này, người yêu thơ Nguyễn Việt Chiến hẳn dành sự chú ý vào phần 5 “Miền trận mạc lưu đày, miền đau thương trầm cảm”. Ở đây có những bài thơ “Ta như có trên ngực trần đất nước”, “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Tổ quốc là tiếng mẹ”, “Thời đất nước gian lao”, “Tổ quốc nơi biên thùy”, “Da vàng”, “Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra”, “Mẹ - Tổ quốc”, “Tổ quốc bên bờ biển cả”, “Thời đất nước gian lao”...
Cũng xin nói rằng, đất nước Việt Nam được tạo hóa ban cho “đặc ân” lớn về biển, hải đảo. Nghìn năm nay, biển với người Việt không chỉ là không gian sống, không gian sinh tồn, mà còn là không gian văn hóa, tinh thần... Rất nhiều nhà văn, nhà thơ có tác phẩm về biển; cũng có những nhà thơ được “phong” là “nhà thơ của biển”... Nhưng theo tôi, chỉ với “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Tổ quốc bên bờ biển cả”, Nguyễn Việt Chiến xứng đáng được tôn vinh là nhà thơ đích thực của biển. Biển và Tổ quốc ở đây hòa làm một, trong khái niệm nọ, có khái niệm kia, trở thành niềm tự hào dân tộc.
Điều này, không áp đặt. Với “Tổ quốc nhìn từ biển” Nguyễn Việt Chiến đã mang về cho mình khá nhiều giải thưởng: Giải Nhì, Cuộc thi thơ hay về biển năm 1992; Giải Nhì, Cuộc thi thơ “Đây biển Việt Nam” năm 2012; Giải thưởng văn học 5 năm 2010 - 2014 cho trường ca về biển của Bộ Quốc phòng; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2016, cho tập thơ “Tổ quốc nhìn từ biển”; Giải thưởng Tôn vinh tác phẩm thơ hay nhất viết về biên giới hải đảo từ 1975 - 2020 cho tập thơ “Tổ quốc nhìn từ biển”.
Bài thơ “Tổ quốc là tiếng mẹ” có bảy khổ, Nguyễn Việt Chiến đưa ra nhiều khái niệm: Tổ quốc là mây trắng, Tổ quốc là cây lúa, Tổ quốc là ngọn gió, Tổ quốc là sóng mặn và Tổ quốc là tiếng trẻ, là câu hát, là tiếng mẹ.
Tổ quốc là tiếng mẹ
Trải bao mùa bão giông
Thắp muôn ngọn lửa ấm
Trên điều trùng núi sông.
(Tổ quốc là tiếng mẹ)
Nhà thơ Liên Xô (cũ), Raxun Gamzatốp (1923 - 2003) là người rất giữ bản sắc Đaghexxtan của mình, ông viết rằng: “Khi chết, người ta để lại cho con cái mình nhà cửa, ruộng vườn, thanh gươm và cây đàn Pandur. Nhưng một thế hệ mất đi thì để lại cho thế hệ sau tiếng nói”. Không phải tự nhiên bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ “nằm lòng” nhiều thế hệ người Việt. Quốc ngữ là tiếng mẹ, là Tổ quốc. Với Nguyễn Việt Chiến, tôi cho rằng Tổ quốc trở thành “căn tính thơ” chủ đạo.
Bản thể gánh gồng thân phận
Nguyễn Việt Chiến yêu thơ và làm thơ từ rất sớm. Ông có thơ in ở các báo Trung ương từ năm lớp 9, khi đang theo học tại trường Chu Văn An, năm 1969. Năm 1970, đúng 18 tuổi, vào thời điểm “bước ngoặt” của cuộc kháng chiến chống Mỹ vì quyết tâm thống nhất đất nước của cả dân tộc, Nguyễn Việt Chiến tham gia quân đội. Năm 1974, trước “thềm” giải phóng, ông được xuất ngũ và bước vào giảng đường đại học.
Nguyễn Việt Chiến tốt nghiệp Đại học Mỏ địa chất. Năm 1990, ông chuyển sang nghề báo; bắt đầu từ báo Văn Nghệ, năm 1992 về làm phóng viên tại báo Thanh Niên, bắt đầu dấn thân “phẫu thuật” những mảng miếng phía sau của cuộc đời hào nhoáng.
Nguyễn Việt Chiến là một nhà báo chiến đấu. Có lẽ, không cần nhắc đến “tai nạn” nghề báo mà ông đã trải. Những người quan tâm đến Nguyễn Việt Chiến, vẫn nhớ hình ảnh ông khảng khái, với lời chào bạn bè, đồng nghiệp khi vướng vào lao lý. Đó là 14h chiều ngày 12/5/2008, không thể nào quên. Tôi vẫn nhớ nụ cười của ông khi chia tay các đồng nghiệp, tự tin đến nhà tạm giam, hầu tra. Đó là nụ cười “thượng tôn luật pháp”, của người quân tử “dám làm dám chịu”, tin yêu những điều tốt đẹp.
Đất nước đã thay đổi, con người đã thay đổi. Thơ ca, với tư cách là “món ăn tinh thần” không thể đứng yên. Tuy nhiên, thơ ca không thể đứng ngoài số phận. Thi ca là thứ nghệ thuật chung của tâm hồn đã trở nên tự do (Denise Levertov); nhưng nó tự cất lên khi tâm hồn tràn đầy. Các nhà thơ ngày càng có xu hướng trở về tìm ra tiếng nói bản thể, nhưng không thể, dựa vào đó để biện minh cho sự “mơn trớn” cảm xúc cá nhân, đứng ngoài thân phận con người, những khúc quanh trong đời sống của quê hương, đất nước. Đây cũng chính là một phần của tham luận nhà thơ Nguyễn Việt Chiến tham gia tại Tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay”, bên lề Ngày thơ Việt Nam năm 2023, được tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long. Thơ là gì? Khái niệm này, chắc chắn ngày càng phong phú về quan niệm. Đến như Nguyễn Việt Chiến, đến giờ vẫn tự hỏi mình:
Thật lòng. Tới cõi khổ đau
Thơ là ngọn nến. Nhiệm màu xót xa
Cháy một mình. Cứu rỗi ta
Cháy từng chữ cháy. Sáng ra kiếp người
(Chợt nghĩ về thơ)
Sẽ ra sao, nếu thơ ca ngày càng trở nên ích kỷ, các nhà thơ quên mất rằng “Sắc đẹp câu thơ cũng phải đấu tranh cho chân lí” (Chế Lan Viên)? Chắc chắn, công chúng yêu thơ, ngày càng xa lánh thơ. Chắc chắn, thế hệ nhà thơ của thời “Vóc dáng nhà thơ ngang tầm chiến lũy”, sẽ buồn lòng về “hậu thế”. Nguyễn Việt Chiến thuộc thế hệ “gạch nối” giữa hôm nay và ngày mai, luôn dằn vặt trên trang viết, nghĩ về trách nhiệm của người làm thơ: “Còn ta/ yếu đuối và bạc nhược/ lấy hít thở làm đầu/ trước khi nghĩ đến thơ/ nên thơ ta/ chỉ là bụi cát” (Giữa thơ và thở). Hay: "Sự sáng tạo - hồn nhiên và khổ ải/ Anh một mình cứu rỗi một anh thôi/ Nếu cuộc sống không buồn đau tai hại/ Nhà thơ ơi! Anh cần thiết cho ai" (Sự sáng tạo).
Nguyễn Việt Chiến luôn nhìn thấy “trên gương mặt thời gian/ trên gương mặt người đời/ nước mắt không bao giờ ngừng chảy” (Những ngôi chùa trong đêm). Vì thế, bản thể Nguyễn Việt Chiến chứa đầy thân phận. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng nói: “Từ bao giờ cho đến bây giờ, từ Hômerơ đến kinh thi, đến ca dao Việt Nam, thơ vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó đã ra đời giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế”.
Là người thơ tìm tòi, cách tân, Nguyễn Việt Chiến luôn thể hiện phẩm hạnh thi sỹ.