Đoạn tế khai xuân được một lúc thì ông tôi ở đình về. Đình làng tôi là đình làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Vẫn như mọi năm, ông để nguyên y phục đại lễ, chiếc khăn lượt ngay ngắn trên đầu, từng vòng vải chéo đi chéo lại xếp một chữ “nhân” trước trán khiến gương mặt ông vốn đã điềm đạm lại càng thêm quắc thước. Ông tôi chít khăn khéo lắm, nổi tiếng một vùng. Tôi biết ông tôi đợi ai rồi… đợi cụ phó cả Đá!
Thông lệ, cứ khoảng này là cụ phó cả Đá đã tới nhà. Hôm nay vẫn chưa thấy, chốc chốc ông tôi lại vòng tay kéo xe (ống làm bằng tre để hút) chiếc ống điếu. Nghe tiếng điếu kêu, nhìn lửa đóm nhảy nhót ý chừng ông tôi sốt ruột lắm. Nhà tôi có một cái điếu “tam sư” (Ba con sư tử đắp nổi lên mặt điếu) từ xưa truyền lại. Điếu đẹp lắm, nhưng tôi thích nhất là cái xe. Cái xe này do một người bạn của cụ tôi trên ngược biếu. Đó là một gốc trúc già gần bằng ngón tay trỏ, đoạn cuối có một tay trúc cuốn quanh. Người thợ khéo tạo hình trông như đầu rồng với chiếc “râu cái” rất hoa mỹ. Đoạn trúc dị dạng cong như chiếc ngà voi, uốn lượn mềm mại theo không gian ba chiều. Ở nhà quê cái điếu bát để trên bộ ghế ngựa không chỉ là một vật dụng mà còn là vật trang trí.
Sẩm sẩm, thầy trò cụ phó cả Đá đã tới nhà. Tôi vùng ra sân vòng tay: “Cháu chào ông ạ!” mà như trút được gánh hồi hộp. Cụ phó cả Đá năm nay đã gần bảy mươi nhưng vóc người còn phong độ lắm. Cụ người đằng xuôi, nghe nói ở Phủ Quốc (Quốc Oai), mà có lẽ chỉ có Phủ Quốc mới có những người thợ tài hoa như thế. Cả nhà tôi quý cụ, gia đình nhà tôi gắn bó với nhà cụ đã mấy đời nay rồi. Nhà tôi làm ruộng, nhà cụ làm nghề, nhưng không giống những gia đình khác, ông tôi không dụng công mà dụng cái tài hoa của người thợ. Chẳng thế mà những lúc bên chén rượu cụ phó cả Đá vẫn vừa cười, vừa nói: “Ông trưởng (người con lớn) là người sành lắm, biết người, biết của…”.
Đá không phải là tên cụ thợ, chỉ vì cụ là người làm nghề khai thác đá ong nên cả nhà tôi gọi như thế, lâu rồi thành tên. Riêng tôi thì bảo: “Trời đặt tên cho cụ!” Cụ như tảng đá ong xù xì nhám ráp, tồn tại bên cạnh bao nhiêu đá mà chẳng lẫn mình. Tàng ẩn bên trong cái đẹp làm nên dáng vẻ một thời. Tuy ngắn ngủi song đủ sức trường tồn và mang tính nghệ thuật độc đáo.
Tôi mạnh tay quạt, lửa trong hỏa lò reo phần phật. Những hoa lửa rời bếp được gió xuân luồn qua kẽ giại nâng cao, chúng lóe lên rồi vụt tắt, trông như những vì sao rất vui mắt. Sau một tuần trà ông tôi dè dặt nói: “Năm nay, giao thừa ra sân làm lễ thấy khí trời vượng lắm. Người làm ruộng mong cho mưa thuận gió hòa, chiêm mùa hai bát úp một cũng được vực cơm đầy. Công việc năm ngoái tồn lại còn bề bộn lắm… Tôi và cụ năm nay cũng gần thất tuần rồi, sống chết chẳng biết sao. Mong cụ chiều theo sở nguyện của tôi, cả hai cùng cố một chuyến nữa để dối già…”. Tiếng cười của hai ông lão ấm cả chiều xuân.
Tôi luồn đĩa bánh dầy nướng vào giữa rồi lui ra. Bánh dầy đầu năm đưa phần gặp lạnh cứng như đá. Tôi kê mũi dao bầu vào ngạch cửa, tay vít cán như vít dao cầu của mấy cụ lang thuốc Bắc, sắt ra từng miếng vuông vức như những lá bài tam cúc, dày chừng một phân rồi đem nướng trên than hồng. Bột nếp gặp nóng nở phồng như bánh đa, nhìn giống như mặt đá ong vừng vậy. Cụ phó cả Đá nhìn tôi cười bảo: “Cậu Khóa lại cho ông nhắm rượu đá ong à?”. Cái gì tôi cũng quý cụ, chỉ ghét cụ cứ gọi tôi là “cậu khóa”. Tôi ra tỉnh học, bố tôi cho học chữ “Tây” hẳn hoi, chứ tôi đâu còn là chú tiểu đồng năm xưa, đầu cạo trọc lốc chừa lại mỗi miếng mỡ trước trán, tay cầm thỏi mực xoay xoay trong đĩa, mắt nhìn ra cây hồng giấy đã rạc lá, mê mẩn với những chú chim sâu mà mơ đến những chân trời mới lạ.
Mấy ngày sau, ông tôi và cụ phó cả Đá rong ruổi khắp vùng tìm đá. Gần hết tháng Giêng mới được một vùng như ý. Đó là cánh đồng có tên Suối Mẻ ngay bên cạnh làng. Ghềnh đá nằm trên một vạt đồi của một người khác. Chủ ruộng biết ông tôi say đá nên đòi một giá đổi quá đắt. Mười thước đất đồi đổi lấy hai sào ruộng cấy thượng đẳng điền. Mẹ tôi tiếc của xót ruột cứ xuýt xoa mãi. Mẹ đâu có hiểu nỗi đam mê nhiều thế hệ truyền lại. Cụ ngũ đại nhà tôi chẳng đã từng xây một vạch tường dài hơn trăm mét toàn đá ong. Cái tường không chỉ có ý nghĩa biên giới mà còn là sự khẳng định tính tồn tại vững bền của các cộng đồng cư dân nông nghiệp cổ đến giai đoạn cực thịnh.
Đầu tháng Hai làm lễ khai lò. Đó là một mạch đá ong nằm sâu dưới mặt đất gần bốn thước ta (một thước ta ăn 40 phân tây). Đá ở đây đẹp lắm, vàng như cháy cơm nếp. Thịt đá nạc, thớ đá dẻo dai, nổ đá trung bình. Ông tôi khác với người khác, vùng khác ở điểm này. Ông tôi bảo: “Nổ đá (bộng ong) quan trọng lắm, nó quyết định vẻ đẹp của các công trình sau này”.
Những ngày nông nhàn, cát được đội trên đầu những người đàn bà từ bến sông Cái (sông Hồng) đưa vào. Đoàn người dài và liên tục như nước chảy. Ông tôi quây cót đóng cát trong nhà. Cặp trâu mộng sau vụ nhẩn nha kéo gỗ, gặp cây nặng chúng thở phì phì, cục nước bót xòe ra trắng cả hai mép. Tiếng xe cút kít chiều chiều nặng nề lăn trên đường làng chở đá nguyên liệu từ lò về… Đó là công việc thường niên của làng quê thuở thái bình.
Sau nước tống mã (Rằm tháng Bảy) coi như gác việc cấy cày. Gió heo may bắt đầu thổi mang lại cái lạnh hanh hao. Sang tháng Tám, gió thổi căng dây diều thì đã vào mùa xây dựng. Năm nay ông tôi làm nốt cái cổng cho xong phần việc của mấy đời hoạch định. Hôm phạt mộc, cụ phó cả Đá chít khăn nhiễu đỏ, các chú phó khác khăn nhiễu xanh theo lối đầu rìu. Khói hương nghi ngút trang trọng lắm!
Công việc bắt đầu, những tấm ván thôi (ván dùng làm hòm chôn người chết, sau khi cải táng (bốc mả) tiếc gỗ còn tốt, người ta đem ngâm xuống ao vài tháng rồi để dùng vào những việc thổ mộc) được trải ra mặt đất. Những người thợ tay cầm rìu cần mẫn đẽo đá, lật đi lật lại cho đến khi năm mặt đá cắn sát mặt ván là được. Mặt còn lại được đẽo cho mui luyện (gồ lên). Sau khi đặt xong đường đá thứ nhất, người thợ căng hai sợi dây gai theo hai mép viên đá vừa xây làm ga. Căn cứ theo hai dây ga mà đẽo lại đường đá vừa xây cho thật thẳng. Sau đó dùng cái vời (vời giống như rìu nhưng lưỡi cong như đục móng), vời cho tường đá vừa xây xong lõm mặt (lòng mo) xuống. Đây là cơ sở để đặt tiếp đường đá tiếp theo. Vữa xây là đất đồi trộn trấu. Miếng hồ đặt vào mặt lõm, lấy mặt lồi kháp lại sao cho khít, vữa xây không bị phè ra bên ngoài là được… Cứ thế, đá chồng lên đá thành tường, tường như một phiến đá liền. Nắng dãi mưa dầu, nổ đá phô ra như bộng ong. Đó là lúc đạt được cái đẹp của đá ong. Nếu đá có nổ nhỏ như đá ong vùng Quốc Oai (Hà Nội) vẻ đẹp của đá khác hẳn. Ông tôi kén đá ngoài mọi tiêu chuẩn thì nổ đá phải là hàng đầu. Nổ đá phải mang đúng cái tên của nó - đá ong.
Cổng đã xong, ông tôi hoàn thành phần việc cuối cùng trong hệ thống kiến trúc gia đình mà mỗi đời chỉ làm được một phần việc. Cổng được làm theo lối cổ truyền, trên là mặt bia, dùng đá ong vừng (loại đá có nổ nhỏ lì) trang trí những đường triện vuông theo kiểu “triện tàu lá nảy”. Đường triện tinh xảo, mềm dẻo. Lòng bia chạm nổi bốn chữ đại tự “Danh sơn lương ngọc”. Nét chữ tươi tắn, rắn rỏi và tinh vi như không phải là trạm trên đá ong vậy. Phần cổng là vòm cuốn quai giỏ, đá triết múi cam, sau khi nhốt viên khóa, các cạnh đá đều hướng về tâm cổng. Ông tôi tâm đắc nhất điểm này. Tâm cổng là điểm vô hình mà cũng là hữu hình nhờ các cạnh đá. Đó là điều lý thú nhất trong cách quan niệm cổ. Khách đến cổng, đá xòe ra như nan quạt tựa một lời mời mọc mến khách, giảm được tính thâm nghiêm đường bệ của đá ong.
Tôi đi lang thang khắp làng, lòng lâng lâng một cảm xúc khó tả xâm chiếm… Ở những đoạn đường dốc triền đồi, sống đá đột ngột trồi lên. Âm dương giao hòa, đá bị phong hóa, mặt đá đen xì, lưng đá cứng như sắt nguội. Đặt chân lên, khí đá mát lạnh thức tỉnh tâm can. Đá âm thầm ngàn đời tồn tại dưới chân ta nhưng mấy ai đã thổi được hồn cho đá sống, đá hòa nhập vào đời sống con người.
Vào triều Minh Mạng (1825), vua sức giấy xây thành. Thợ đá khắp mọi miền Xứ Đoài (Sơn - Hưng - Tuyên, tức Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang) được triệu về. Tài hoa của một vùng địa linh nhân kiệt, hun đúc khí thiêng lập nên ngôi thành nhỏ nhắn và vuông vức như cái bánh chưng. Thành Sơn Tây có kiến trúc Vauban rộng 16ha, mỗi cạnh 400m, cao 5m toàn bằng đá ong. Duy chỉ có 4 cổng thành vòm cuốn bằng gạch kết nối với nội thành bằng đường “thập đạo”. Thành Sơn Tây bị phá trong tiêu thổ kháng chiến (1947)…
Tôi ra tỉnh học, buổi trưa vào trong thành, lang thang khắp cổ thành hoang vu. Cây vảy rồng (cỏ bịu) mỗi đốt một cụm rễ bám vào mắt đá lan tỏa kín cả tường thành. Chỉ có cây vảy rồng mới sống được trên đá ong. Cây và đá như mách bảo con người tính trường tồn, mà có một thời đá đã làm nên nghệ thuật kiến trúc độc đáo, đầy chất thơ.
Lớn lên tôi vào Thanh (Thanh Hóa), thăm thành nhà Hồ, nhận thấy vòm cuốn cổng thành Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) chẳng kém gì đá xanh cổng thành Tây Đô mà cha con Hồ Quý Ly xây dựng. Nếu như thành Tây Đô nhà Hồ là niềm tự hào về kiến trúc của một vương triều tuy đã sụp đổ từ lâu, thì thành Sơn Tây với bốn cổng thành đã đi vào lòng người. Những đường cong mềm mại biểu hiện nét tài hoa của những người thợ đá, lưu giữ trong tâm khảm những người xa xứ, niềm kiêu hãnh về một vùng quê Xứ Đoài, một cổ thành nơi miền sơn cước heo hút.
Năm 1947, Pháp tấn công lên Sơn Tây, qua làng tôi chúng đốt. Thuận gió lửa lan đến cuối làng, hết nhà mới dừng lại. Tôi ở tỉnh về, gặp một toán lính và một thằng Tây trắng ngay gốc đa làng. Bọn chúng thấy tôi ăn vận đàng hoàng, hỏi tôi bằng tiếng Pháp: “Mày ở đâu về và… mày đi về đâu?”. “Loạn lạc, công sở đóng cửa, tao đi về làng”. Thằng Tây nhìn quang cảnh hoang tàn, nhà cháy sụp đổ, nhưng những dãy tường đá ong vẫn đừng sừng sững bị hun khói đen xì, nó nói với tôi một câu bằng tiếng Việt thật bất ngờ: “Thạch Thán" (một địa danh của phủ Quốc Oai, hai chữ này có nghĩa Hán là đá tàn, đá thối). Vừa nói nó vừa giộng mạnh báng súng vào một viên đá bên cạnh. Viên đá cứ trơ trơ. Tôi nói với nó mà như hét lên: ‘Đá ông, đá cụ…”. “Đả Thạch Ông” - thằng Tây nhắc lại.
Thằng Tây chơi chữ, nó định mang chuyện quan Thượng thư Tôn Thất Thuyết sau khi kháng Pháp không thành chạy sang Tàu. Thời gian còn lại suốt ngày ông ngồi đập đá, người Tàu thấy vậy gọi ông là “Đả Thạch Ông” (Ông đánh đá). Nó là thằng Tây ngu tôi thù nó một, nó là thằng Tây hay chữ tôi thù nó mười! Hoàng hôn nhập nhoạng, gió chiều thổi bùng lên những đám cháy đó đây còn sót lại. Tường đá ong vẫn đứng trơ trơ. Tôi như lạc vào đế đô Đồ Bàn của Vương quốc Chăm xa xưa. Lòng tôi rầm rập tiếng chân của hàng trăm thớt voi xung trận… Tất cả, tất cả nâng bước chân tôi lên núi Ba Vì (căn cứ địa trong kháng chiến chống thực dân Pháp) nhập vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Đi khắp nơi, gót chân Vệ quốc đoàn lội từ Trung Hà qua Vu Qui, Ngọc Nhị. Ngược lên Phủ Bạt (phủ Bất Bạt - quê của cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu) chợ Dày. Rẽ sang Đá Chông, Ba Trại rồi xuôi về Sơn Đông, Cổ Đông, Phủ Quốc… Nhưng chẳng nơi nào có đá ong như đá ong làng tôi, làng Mông Phụ - xã Đường Lâm… Đá chồng lên đá, đá làm thành tường, tường như một phiến đá liền. Đó là tình đá tình người trong những làng quê phồn thịnh.
Sau năm 1975, tôi giải ngũ về làng. Trong phong trào “ngói hóa”, những lò đá vội vàng được lật ra. Con người dụng công, dụng lực đánh đá cho dày, cho nặng xây cho nhanh được tường. Nhìn những viên đá, viên thì môi mè, viên thì chân tượng. Khi xây lấy vữa làm chính, để kê đệm cách làm kém cỏi. Mạch xây to bè, lấy vữa trát đi cái cách nghĩ nông cạn.
Tôi ngồi trên một ghềnh đá ong lộ thiên, giữa mùa hè mà nghe đá đổ mồ hôi lạnh toát biết rằng một thời đá đã đi qua… Sau “mở cửa”, bê tông và gạch Tây đẩy đá vào quá vãng. Nhưng mỗi khi nghĩ về đá vẫn thấy một niềm tự hào: Thuở xa xưa… Có một thời đá đã từng như thế!