Nhà văn Xuân Ba: Cá hừa

Xuân Ba - Thứ Ba, 14/03/2023 , 06:20 (GMT+7)

Giờ bạc cả đầu mưu sinh ở xứ xa, hễ cứ nhắm mắt lại nghĩ đến cụm từ cá hừa, lại hiển hiện hẳn hoi chứ không còn chập chờn nữa.

Ở quê Vĩnh Hùng vẫn sót lại vài cái hừa còn đang "ngắc ngoải".

Hoành tráng bát ngát lẫn đủ đầy như Google chẳng hạn. Nhưng khi tỉ mẩn gõ cụm từ "cá hừa", tra lẫn lướt mỏi mắt vẫn sạch bách, trắng tinh không có hai từ ấy lẫn ngữ nghĩa!

Đi hỏi không ít bậc túc Nho lẫn túc Nôm thì ai cũng lắc?!

Thế mà xứ Thanh quê choa lại có cá... hừa!

Trời ạ, về nhà ngồi mà gẫm ngược xuôi, chẳng dám gật đầu khẳng định chắc khừ lẫn chắc nịch nhưng chợt bừng ra, "hừa" là từ "hồ" mà ra?

Na ná từa tựa như phương ngữ, mà có lẽ chỉ xứ Vĩnh Lộc, hẹp hơn, vùng Biện Thượng dùng mà thôi?

Bài liên quan

Biện Thượng vùng đất cổ có từ thuở Lê sơ, xứ ấy có làng Sóc Sơn, nơi phát tích chúa tiên khởi Trịnh Kiểm bắt đầu triều đại vua Lê - chúa Trịnh, gọi tắt là Lê - Trịnh, sau này chính sử (không biết cớ gì?) phải gọi tránh đi bằng cụm từ đến là nhã - Lê Trung Hưng.

Biện Thượng thuộc đất Vĩnh Lộc. Vĩnh Lộc xưa gọi là Vĩnh Phúc. Chợt nhớ đôi câu đối ở đền nọ hơi bị hoành tráng ngợi ca nơi phát tích nhà Trịnh.

Trịnh gia thống kỷ thiên xuân thịnh

Biện Thượng danh cao vạn cổ đề.

Nghe nói thời Nguyễn hoặc thời Tây Sơn (mà tôi đồ rằng đích thời Nguyễn, do kỵ húy nên đổi Phúc là thành Lộc. Ý là kiêng tên đệm các chúa Nguyễn, Nguyễn Phúc Khoát, Nguyễn Phúc Trăn... chẳng hạn. Rồi khởi đầu tên 13 vị vua sau này là Nguyễn Phúc Ánh. Mãi sau nữa Nguyễn Phúc còn là tộc họ hơi bị hoành tráng của thời Nguyễn) Vĩnh Phúc gọi bằng Vĩnh Lộc như bây giờ vẫn dùng.

Thời chúa Trịnh Sâm vẫn còn tên Vĩnh Phúc. Bằng cớ là câu thơ Nôm của chúa ca ngợi đất Vĩnh Lộc quê hương: Đất Phúc xưa nay nhiều thắng tích/ Cần chi tô điểm Võng Xuyên đồ.

Biện Thượng cũng chả tránh được. Đầu năm 1946, thời điểm tổng tuyển cử Việt Nam Dân chủ cộng hòa, xứ Vĩnh Lộc nói riêng cũng như xứ Thanh cùng cả nước nói chung, hàng loạt tên làng cũ được thay mới. Theo đó (may mà Vĩnh Lộc được để nguyên) nhưng tất tật tên gọi những làng, tên xã cũ của Vĩnh Lộc đều được thay. Chỉ giữ lại chữ đầu “Vĩnh”.

Tên kêu choang choang những An, Hùng, Thịnh, Hòa, Khang, Ninh, Thành, Long, Phúc, Hưng...

Vậy mà dằng dặc bao năm làng xã vẫn khiêm nhường. So súi. Nghèo mạt.

Biện Thượng thành Vĩnh Hùng. Vĩnh Hùng đâm có tên, có danh. Một xã mà có đến 3 Di tích Quốc gia. Phủ Trịnh nghè Vẹt thờ chúa tiên khởi Trịnh Kiểm và 12 chúa Trịnh. Đền thờ Thái tể Hoàng Đình Ái gắn với công lao nhà Trịnh thời Lê Trung Hưng. Một địa danh nữa có lẽ thiên hạ quên lẫn lơi đi bao năm nay? Ấy là núi Hùng Lĩnh (hay còn gọi là núi Báo) là căn cứ dấy binh của nghĩa quân Tống Duy Tân.

Thôi kể bấy nhiêu thôi. Dài dòng ra lại bảo rằng khoe. Đậm trong trí nhớ, Vĩnh Hùng có ba con hồ lớn. Hai con hồ mé sông Mã. Và con hồ lớn mấy xã chung còn gọi là Mau Càu. Mau Càu thực ra là cánh đồng chiêm mênh mông tứ mùa lầy thụt. Các xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Tân, Vĩnh Thịnh cùng chung hưởng nguồn lợi thủy sản. Mau thì nhiều nơi ở Đại Việt dùng tên ấy thay cho hồ. Nhưng lạ cái, hai con hồ mé gần sông Mã thì hằng bao đời nay, những lẩu lâu, dân Vĩnh Hùng xa hơn là Biện Thượng đều nhất nhất kêu bằng hừa!

Hừa là gọi chệch đi cái tên hồ, là cách gọi khác của hồ. Nhiều xã ở Vĩnh Lộc gần thành Nhà Hồ như Vĩnh Quang, Vĩnh Phúc cách Vĩnh Hùng gần mươi cây số đều có tên gọi chệch đi ấy. Chính sử không chép. Nhưng dai dẳng trong dân gian bảo tồn cái tên kỵ húy đó!

Kỵ húy nào? Xin thưa, húy cụ Hồ Quý Ly. Húy thành nhà Hồ. Một nhân vật chỉ có 7 năm làm vua nhưng sử Việt còn phải tốn bao giấy mực để giãi mã luận bàn. Một ông vua có nhiệm kỳ cực kỳ ngắn ngủi trong những nhiệm kỳ vua dằng dặc kế nhau của Đại Việt nhưng đã kịp để lại ngôi thành đá kỳ vĩ nhất đông Nam Châu Á vừa mới rồi được UNESCO vinh thăng. Tôi đồ rằng các nhà mần sử lẫn nghiên cứu ngôn ngữ dường như mắc vô lắm sự kiện trọng đại, có lẽ do quá bận nên đã quên đã để xổng một chi tiết bé mọn ấy là việc biến âm chệch âm của hừa từ hồ?

Thôi xin trở lại với cái hừa mạn gần sông Mã của Vĩnh Hùng. Hừa chính giữa làng, trước vị trí Trường cấp II ngày trước là rộng nhất. Cái hừa ấy nay đã biến thành thổ canh lẫn thổ cư.

Lại đang nói cái hồi hừa còn sống.

Hừa ấy, meo méo xeo xéo hình chữ nhật dễ đến non cây số mỗi chiều, chỗ sâu phải hơn mét. Mùa nước, thường sông Mã duềnh lên tràn vào hừa. Cá tôm các loại theo nước vào hừa. Nước rút mải vui nên cái giống thủy tộc ấy bị giam cứng trong hừa sinh sôi nấy nở mau lắm.

Chao ôi, những lúc đứng trên bờ hừa ngó xuống làn nước xanh đen phủ trên tầng rong đuôi chó thấp thoáng đám năn lác, loang loáng lượn lờ cả thân hình hoặc những tăm những dạng cá trắm, cá chép, cá quả đan chéo hay thình lình xuất hiện mà thích mắt!

Nhưng đừng có lớ xớ mà làng phạt cho thì khốn. Một thứ hương ước bất thành văn là làng, từ Biện Thượng xưa đến Vĩnh Hùng nay, cấm tất tật nói chữ như bây giờ là cả năm cấm tiệt các phương thức đánh bắt cá tôm trong hừa. Mỗi năm, sau hôm cúng ông Táo lên giời, đúng đêm 23 rạng ngày 24 Tết thì tháo khoán cho tất tật mọi nam phụ lão ấu trong làng, ai có nơm dùng nơm, dậm dùng dầm hoặc bất kỳ phương tiện đánh bắt chi đó kể cả tay không đều được phép xuống hồ đánh cá!

Nghè Vẹt.

Một con hừa nhỏ hơn trước nghè Vẹt cũng loang loáng cá như thế. Nghè Vẹt thờ đại vương Trịnh Ra, một ông người làng Biện Thượng làm quan từ thuở Bắc thuộc đời Đường. Sau này mất đi được thờ phụng chu tất. Từng hiển mộng trợ giúp vua Lê Thánh Tông bình Chiêm. Được sắc phong trên cả Thượng đẳng thần. Sau này đền ấy được đổi thành nghè Vẹt phối thờ 12 vị chúa Trịnh.

Vẹt là vật linh nhà Trịnh. Thân mẫu chúa Trịnh Kiểm bị quân nhà Mạc bỏ rọ trôi sông. Hàng đàn vẹt bay rợp trời, rọ trôi đến đâu bay theo che phủ đến đấy. Nhớn lên, nhớ lớp Một trường làng học nhờ ở nghè Vẹt. Bụng đói, ngủ gật chập chờn ngó đôi vẹt khổng lồ tạc bằng gỗ (một trong hai cụ vẹt sau này được mang ra bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia cùng thời với việc rinh thi hài vua Lê Dụ Tông từ Thọ Xuân cũng đem bày bảo tàng ấy) có lúc tưởng đôi vẹt như đang rùng mình sắp bay. Ấy là đàn rắn ráo hứng lên đang nô trượt từ bụng vẹt gỗ ra. Rắn ấy cũng là thứ thiêng. Là rắn thờ nên chả ai dám đụng.

Thế mà trong phong trào phá đền chùa bài trừ mê tín cũng nhân thể lấy vật liệu xây lò sấy thuốc lá, nội thất nghè bị phá sạch bách. May mà ngoại thất tức là cái mái nghè, ba ông trèo lên rỡ ngói thì cả ba ông đều lăn xuống ộc máu mồm. Khiếp quá nên người ta đành tạm quên. Và may quên đến bây giờ nên đám hậu sinh có cái vỏ mà rinh vào nhiều đồ khí tự. Thế là thành di tích.

Cái hừa trước nghè một thời có lẽ thiêng và kiêng thế nên cá trong hừa gần như được bảo quản tuyệt đối, trừ đêm 23 rạng ngày 24 Tết!

Nghè Vẹt thì loạn ảnh trên mạng trên gúc gồ. Nhưng không có bất kỳ một tấm ảnh nào còn lưu lại cái hừa ấy (nay hình như chỉ còn cái ao nông choèn?) hay cảnh đánh cá hừa đêm 23 rạng 24 Tết.

Tác giả bên một cái hừa còn sót lại.

Nhưng giờ bạc cả đầu mưu sinh ở xứ xa, hễ cứ nhắm mắt lại nghĩ đến cụm từ cá hừa, lại hiển hiện hẳn hoi chứ không còn chập chờn nữa, những bó đuốc, những ngọn đèn man (thứ đèn soi cá cổ lỗ mà bây giờ đó tìm thấy) rừng rực cháy khởi đầu từ giờ Tý. Phương tiện đèn lửa thịnh hành thời ấy chứ làm chi có đèn pin đèn đất như bây giờ? Đuốc làm bằng đóm bằng những lóng nứa phơi nỏ cứ gọi là bùng bùng. Lửa đóm ấy xé toạc màn đêm mịt mùng cái lạnh cắt da. Như chập chờn khi mau khi khoan hiện ra từ thuở hồng hoang, đoàn người già trẻ lớn bé tùm hum mớ quần áo mà cũng có thể là giẻ rách, bao tải quấn trên đầu trên người cốt để chống rét hăng hái quơ rậm, vung nơm.

Có lẽ là láng giếng hàng xóm cả, nhưng hầu như chẳng ai nhận ra ai, Có nhận ra cũng là do âm thanh chốc chốc vuột ra tố cáo sự khoan khoái lẫn tiếc rẻ khi vớ được hoặc để sổng những trắm chép nào đó.

Lạ cho cái sự đông chật ham cá là thế nhưng tịnh bao cuộc đánh cá hừa, đêm hôm mù mịt rét mướt cùng bùn nước mà không xảy ra cãi vã to tiếng hoặc đánh nhau. Và lạ chẳng ai bị nơm xỉa vào chân.

Chao ôi, trong rét mướt nhòe nhoẹt bùn đất cứ râm ran những cung bậc người. Thường nhật, những ca vốn thường rên rẩm của những ông những anh những bà sốt rét bụng báng lưng đau gối mỏi. Vậy mà vào đêm hội cá hừa cấm thấy ai than! Mà hăng phải biết. Nhiều anh tham, hăng cứ ngỡ bên hừa nghè Vẹt lắm cá hơn hồ này hay sao, đánh một lúc choáng choàng ùn ùn vác nơm chạy sang hoặc ngược lại!

Tỷ mẩn ngồi điểm, mỗi nhà bao nhiêu suất đinh có khả năng kiếm cá thì được huy động hết ra hừa.

Đinh thì đa, diện tích hừa lại thiểu. Nhưng vẫn đủ chỗ cho tất tật người. Hùng hục quần quật từ đêm đến sáng bạch, trên mặt hừa chỉ còn những anh sát cá. Họ có cách sục sao đó cho những cụ cá chuối cá trê ngoan cố nặng chịch béo mầm phải phát lộ ra kỳ được. Nhưng hầu hết các nhà đã thu quân từ lượt gà gáy canh ba, canh tư.

Bửng tưng hăm bốn Tết, hai mặt hừa ngổn ngang nhòe nhoẹt bùn. Nhà kiếm khá thì phải đầy giỏ (thường là 5 - 7kg, khá nữa phải hơn 10kg), thôi thì từ rô nhép đến quả, trắm, chép bự, tất thày đều gọi là lộc của làng.

Bừng lên chút lóe nắng hanh. Nhưng vẫn se sắt lạnh. Việc giặt giũ hong phơi tất niên cứ gọi là tấp nập. Hăm bốn Tết cũng là phiên chợ Bồng, cá hừa các loại được giăng khắp chợ. Làng trên xóm dưới sực nức mùi cá kho khô lót giềng, cái mùi đại trà rất hiếm nơi có? Ấy là những khoanh trắm chép, chuối, riếc... kẹp giữa hai vỉ tre tươi đem nướng sơ. Thứ ấy đem kho với rễ hành cùng vỏ hành (lạ thứ này bây chừ chả ai dùng?). Mâm cơm cúng ngày Tết nhà nào cũng có cá hừa nướng sơ, kho hành như thế...

Cái mùi đại trà ấy hằng bao năm cứ ngược ngọn gió thời thế mà thúc vào ký ức.

Xuân Ba
Tin khác
Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.