Những bài đăng báo cuối cùng của cụ Lương Văn Can: [Kỳ 2] Quan tham bởi đâu?

N.C (Lương Ngọc Can) - Thứ Tư, 04/10/2023 , 08:21 (GMT+7)

Quan thanh liêm thì pháp luật mới công bằng, quan tham thì pháp luật không khỏi thiên lệch, pháp luật công bằng thì nước thịnh yên, pháp luật thiên lệch thì nước suy dân hại...

Từ nước quân chủ, nước dân chủ cho chí nước lập hiến, không một nước nào không công nhận quan trường là những người đứng lên giữ pháp luật.

Quan thanh liêm thì pháp luật mới có công bằng, quan tham nhũng thì pháp luật không khỏi thiên lệch, pháp luật công bằng thì nước thịnh yên, pháp luật thiên lệch thì nước suy dân hại; cho nên dù phong tục thay đổi đến nhường nào, đời chuộng quyền thuật là bao nhiêu, cũng phải lấy tiếng thanh liêm làm tiếng đáng yêu, đáng quý, đáng tôn đáng chuộng, mà lấy tiếng tham nhũng làm tiếng đáng chê, đáng cười, đáng trách, đáng giận vậy.

Cảnh một phiên tòa xét xử ở Vĩnh Long năm 1885. 

Nước ta xưa lương bổng quan rất bạc, cây lương chỉ có bao nhiêu phương thóc, nguyệt bổng chỉ có mấy chục quan tiền ví với lương các quan bây giờ mười phần chưa được một.

Lương đã ít như thế, mà phần nhiều ngài vẫn giữ được tiếng thanh liêm như ngọc lành không hề có vết, gương trong chẳng chút bụi trần, xem trong lịch sử ta chép lắm ông làm đến cực phẩm {phẩm hàm cao nhất trong triều} cũng vẫn thường túng bấn, là vì phong hóa bấy giờ còn quý thanh bạch, trọng tiết kiệm, chuộng liêm sỉ mà kiêng sợ cái tiếng tham ô như cái vết nhọ, cho nên càng làm quan to, càng nghèo càng lấy làm cao thượng, thủy chung chỉ lo không giữ được tiếng Liêm thôi.

Nay lương bổng các quan ta nhiều gấp bội phần lương bổng các quan khi trước, tưởng bất tất thu thái không ngại cứ lương mà tiêu cũng đã đủ phú túc, thừa phong lưu, các quan ngày nay giữ cái tiếng thanh liêm lại dễ hơn, các quan khi trước mới phải sao mà bây giờ trong quan trường ta giữ tiếng thanh bạch thì rất ít, mà chỉ đua nhau thi cái thủ đoạn nạo khoét thì rất nhiều, chỉ cốt làm thế nào cho đầy túi tham mà cái tiếng thanh liêm với tiếng tham thì gác ngoài tai không lấy làm giới ý.

Kìa ta thử xem như những ông làm quan chưa được bao lâu đã thấy tậu nhà cho thuê hàng đấy, tậu ruộng mở liềm từng khu, ăn tiêu may mặc tha hồ cực xỉ cùng xa, tiền của đào đâu ra nhiều như thế, bất tất phải nói ai cũng đã rõ.

Lương bổng đã rất hậu mà cái thói tham ô vẫn không hết, là bởi cớ gì? Tại không có pháp luật trừng trị việc tham tang hối lộ chăng? Hay tại thông lệ bây giờ dân gian tất phải mang lễ vào quan công việc mới xong chăng? Không phải thế, luật “tham tang” {ăn của hối lộ, đút lót} không đâu không thi hành, không nha môn nào không có, mà tờ chỉ dụ năm trước “cấm dân không được mang lễ vào quan, cấm quan không được thu lễ của dân” hãy còn rành rành ra đó, những người năng đến cửa quan tưởng cũng đã in sâu vào tâm não. Vậy thì pháp luật trừng trị việc tham tang cũng đã rành rọt, dân gian có lệ luật nào phải mang lễ vào quan.

Thế thì quan tham bởi đâu? Sự đó có nhiều nguyên nhân, nhưng cái nguyên nhân gần nhất là tại dân ta phần nhiều hãy còn ngu dại, không hiểu pháp luật vậy.

Cứ phép công mà bằng ra thì không khi nào dân phải mang lễ vào quan, mà cũng không được mang lễ vào quan. Sao dân ta cứ để của vào quan tựa hồ như nước chảy chỗ trũng, như than bỏ vào lò. Quan ăn lương tức là thuế của dân đóng, thì phải làm việc hết bổn phận đối với dân, khi dân có việc gì cần phải đến công môn, cứ việc mà vào, xong việc thì ra việc gì cứ phải vào quan tất phải có chè, lá đơn kèm theo đồng bạc.

Tòa Hội đồng làng Bộ La, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình, khoảng 1920-1939.

Nói như việc bầu cử thì bên nào đúng lệ thì được, hơn phiếu thì được, có lẽ nào làm chánh phó tổng phải lễ quan mất một vài nghìn, bảy tám trăm làm chánh phó lí phải lễ quan mất năm ba trăm, sáu bảy chục, cùng là các việc khác như chánh phó hương hội, tuần tổng, xã đoàn, có lẽ nào tất phải đem tiền lễ quan mới làm xong thì bên nào phải thì được, trái thì thua, quan phải lấy luật công bằng mà xử, việc gì ta phải ra sớm vào tối, khấn trước một đôi trăm, luồn trước vào sau, đút lót năm chục, bảy chục.

Lại như từ khi thi hành luật mới, chỉ có chuyện phiếm tòa án là bắt được dân, quan không có phép bắt bằng trát, thế mà nhiều nơi vẫn bắt bằng trát, vẫn thấy linh về sai, sao dân cũng chịu, người đi là có tiền theo đi. Bởi cái dại của ngu dân đem tiền đến công môn như thế, thành ra nuôi cái ác cho người giữ pháp luật ở chốn công thự, thấy của thèm tối mắt, hám lợi mất lương tâm, mà văn ngay ra cong, xoay phải ra trái, cái thói hối lộ đã thành nếp, không có không yêu, cái quyền uy tác phúc mới lạm dụng vậy.

Đương cái thời đại kim tiền này biết bao kẻ vì đồng tiền mà phá hoại cả danh dự, vì đồng tiền làm trái cả kỉ cương, thế mà ta cứ đệ tiền mãi vào quyền môn {cửa quyền} để cầu thân, thì có khác gì đem thịt vất cho hổ đói. Tả thử nghĩ người thục nữ trinh tiết thì không bao giờ kẻ cường bạo làm ô nhục được danh, người giao thiệp khôn ngoan thì không bao giờ kẻ gian quyệt dám lừa lấy lợi.

Suy thế biết nếu dân ta sành sỏi thì quan không có đường lối nào mà ăn của đút được. Chẳng qua dân ta chỉ quen cái thói “tốt lễ dễ van” mới có những hạng thỉnh thót quan mà làm cò mồi, thờ phụng quan mà làm chó săn, vạch lông tìm vết, bới bèo ra bọ, điều lành sinh điều dữ, cái sảy nảy cái ung, để xoay xỏa lũ dân hèn mà kiếm chác. Hầu riêng trong tư thất, đêm khuya dẫn bạc vào, thì sở Thanh tra cho người dò xét khôn khéo đến mức nào cũng không có chứng cớ được. Trách nào quan chả càng ngày càng giàu, dân chả càng ngày càng hại.

Nay dân ta muốn thoát khỏi cái hại ấy, không gì bằng lớn từ một tỉnh, một huyện, nhỏ đến một xã một thôn, những người có kiến thức bạo dạn khuyên bảo cho hạng ngu si hèn nhát, đem pháp luật ra mà giảng giải cùng nhau, có việc gì lâm đến việc quan không việc gì phải mất tiền khai tiền trình, tiền lễ, tiền tạ, vào thầy nha không phải mất chè lá, nhận trát bắt không phải mất tiền sai, lại cần phải bảo rõ họ biết rằng: “đem tiền vào quan là phạm tội”, một làng như thế, trăm nghìn làng như thế thì họa may mới lấp được cái suối tham trong hoạn trường vậy.

Nếu không thế thì quen mui thấy mùi, đào được đào mãi, dẫu đem hết của huyết hãn dâng vào đã chắc bụi sống tác phúc cho đâu. (còn nữa)

N.C (Lương Ngọc Can) (Thực nghiệp dân báo, 23/3/1926)
Tin khác
Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.