| Hotline: 0983.970.780

Nhà văn Hoàng Minh Tường: Bí mật của ông 'lắm người nhiều ma'

Thứ Tư 27/09/2023 , 07:50 (GMT+7)

Sau khi tiểu thuyết 'Mảnh đất lắm người nhiều ma' xuất bản và liền ngay năm đó được giải nhất về tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam, tên tuổi Nguyễn Khắc Trường nổi như cồn. Ông trở thành biểu tượng, thành nhân vật số một của tỉnh Bắc Thái (cũ).

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường (bên phải) và nhà văn Kim Lân. Ảnh tư liệu.

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường (bên phải) và nhà văn Kim Lân. Ảnh tư liệu.

Tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường vừa được tái dựng lại trên sân khấu Nhà hát kịch Hà Nội, đem tin vui đến với bạn bè. Hữu xạ tự nhiên hương là thế.

Năm 2011, khi tiểu thuyết của ông được chuyển thể thành phim truyền hình “Đất và Người”, nghệ sỹ Hán Văn Tình đã làm cho nhân vật Quyềnh của làng Giếng Chùa nổi tiếng thành một thương hiệu chẳng kém gì Chí Phèo của làng Vũ Đại.

Lần tái chuyển thể thành kịch này, nếu Nguyễn Khắc Trường cùng đi xem mặt đứa con “phiên bản” của mình thì lí thú quá, không biết ông “lắm người nhiều ma” có “ly gia”, dời căn phòng cố thủ trên tầng hai để lên nhà hát phố Tràng Tiền được không?

1.

Nhằm ngày mát trời, tôi đến thăm nhà văn Nguyễn Khắc Trường ở khu cư dân Báo Văn Nghệ, phố Ngụy Như Kon Tum, nằm trên đất xã Nhân Chính ngày xưa. Nơi đây giờ là khu đô thị mới với nhiều nhà cao tầng, nhiều khu thương mại văn phòng, trường học vào loại sầm uất bậc nhất Hà Nội. Riêng khu tập thể hơn hai mươi căn hộ của Báo Văn Nghệ, như điểm kiến trúc lõi đầu tiên của toàn vùng, nhà bốn tầng liền kề, như một chiếc bánh chưng xắt lát theo miếng vuông, mỗi căn hộ đều mở cửa ra đường lớn. Một chiến công, một tài sản quá khủng của một tờ báo văn chương nổi lên, phất lên thời mở cửa.

Ấy là những năm 1991- 1992, sau cơn “lên đồng” của báo Văn Nghệ với một loạt truyện ngắn, bút ký, phóng sự, tiểu luận của Phùng Gia Lộc, Nguyễn Huy Thiệp, Đặng Bửu, Trần Huy Quang, Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến, Phạm Thị Hoài… làm bạn đọc cả nước, không chỉ văn chương, như cùng nhập đồng, thăng thiên như muốn lên giời. Tờ báo ăn nên làm ra, tòa soạn cũng muốn cải thiện đời sống cho cán bộ, phóng viên, nhất là chỗ ở.

Khi ấy, cả vùng đất bên kia sông Tô Lịch (khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính bây giờ), tức là bên kia đường Láng, nơi những làng ven sông từ Cầu Giấy trở xuống như Cót, Trung Kính, Hòa Mục, Mọc…, đều heo hút, um tùm. Trận địa tên lửa và trung tâm thông tin của Sư đoàn Phòng không 361 chơ vơ giữa đồng nước trắng. Những cánh đồng mênh mông, bốn mủa ngập nước kéo dài đến mãi Quốc Oai, Chùa Thầy.

Sau làng Mọc Nhân Chính có một khu lò gạch, ngổn ngang thùng đào thùng đấu lan ra tới nghĩa địa Cầu Dền. Có người đánh tiếng với Báo Văn Nghệ, có thể xin không được, chỉ cần chút đỉnh “bồi dưỡng” cho mấy ông lãnh đạo xã và hợp tác xã.

Thế là Phó Tổng biên tập phụ trách hành chính Võ Văn Trực, cùng mấy anh em công đoàn báo tiếp cận cán bộ địa phương. Mọi việc êm ru, văn tự nhượng đất dấu đỏ chói. Báo Văn Nghệ lên phương án phân chia cho những phóng viên, cán bộ khó khăn về nhà ở. Trừ bốn đồng chí lãnh đạo được ưu tiên bốn góc, diện tích rộng hơn chút đỉnh, các lô khác bằng nhau, 45m2 một hộ.

Một cuộc xây dựng gấp rút tiến hành. Móng bè bê tông kết liền khối các căn hộ, sâu tới 2m, có thể chồng nhà 6 - 7 tầng. Kinh phí báo hỗ trợ một phần, còn mỗi suất móng nộp 30 triệu. Thời giá ngày ấy phải có máu mặt mới dám xây móng kiểu ấy.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật, liền móng nhà với Nguyễn Khắc Trường, phải đi vay giật mãi mới đủ tiền nộp, đến bây giờ ô đất vẫn trống trơn, chưa xây nổi nhà.

Từ trái qua, các nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Văn Dân, Hoàng Minh Tường đến thăm bạn văn Tô Đức Chiêu. Ảnh tư liệu.

Từ trái qua, các nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Văn Dân, Hoàng Minh Tường đến thăm bạn văn Tô Đức Chiêu. Ảnh tư liệu.

Trong số cán bộ được chia đất, họa sĩ Thành Chương được phân lô đất sát góc. Khi ấy, anh vừa chia tay minh tinh màn bạc Thanh Quý, có ý định giải tán nhà Cống Quỳnh chuyển lên đây để kết hợp xây một bảo tàng tranh và nghệ thuật. Cả tôi cùng hai nhà thơ Võ Văn Trực, Trần Thị Thắng và một người nữa ở báo đều ủng hộ, dồn bốn suất đất cho họa sỹ để đủ rộng hơn hai trăm mét vuông. Thành Chương liền quây tường bao quanh và gấp rút xây dựng bảo tàng. Cả tập thể báo khấp khởi mừng thầm vì sẽ được sống gần một bảo tàng nghệ thuật tầm cỡ quốc gia. Tiếc rằng sau đó, có người giới thiệu một vạt đồi phía bên kia sông Hồng, Thành Chương liền bỏ ý định, nhượng lại năm suất đất và lên Sóc Sơn xây ngôi biệt phủ tương lai.

2.

Thời gian đó, nếu không có lô đất lò gạch Nhân Chính này, một người nổi tiếng khác của Báo Văn Nghệ, nhà văn Nguyễn Khắc Trường của chúng ta, chắc chắn đã quay về Bắc Thái quê hương ông, nơi ông đang được lãnh đạo tỉnh thân hành xuống tận nơi săn đón, mời mọc.

Số là, sau khi tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” xuất bản và liền ngay năm đó được giải nhất về tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam (1991), cùng với hai tiểu thuyết “Thân phận tình yêu” (Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh, và “Bến không chồng” của Dương Hướng, tên tuổi Nguyễn Khắc Trường nổi như cồn. Ông trở thành biểu tượng, thành nhân vật số một của Bắc Thái (ngày ấy Bắc Thái chưa tách tỉnh thành Thái Nguyên và Bắc Kạn như bây giờ).

Người ta xa lạ ngay cái tên Thao Trường. Tưởng như cây bút quân đội Thao Trường với nhà văn Nguyễn Khắc Trường là hai người hoàn toàn khác nhau. Rất ít độc giả nhớ đến Thao Trường từng có truyện ngắn đăng trên tạp chí Văn Nghệ Việt Bắc từ năm 16 tuổi, từng là tác giả của ba tập truyện về chiến tranh và người lính: “Cửa khẩu”, truyện vừa, 1972; “Thác rừng”, tập truyên, 1976; “Miền đất mặt trời”, tập truyện, 1982. Với ba tác phẩm ấy, năm 1982, Nguyễn Khắc Trường được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam, cùng đợt với tôi và hơn chục cây bút tên tuổi. Thậm chí bút ký "Đinh Núp" được giải nhất Báo Văn Nghệ và Đài Tiếng nói Việt Nam trao tặng năm 1986 cũng bị quên đi, như chẳng dính líu gì với nhà tiểu thuyết Nguyễn Khắc Trường.

Từ nay bút danh Thao Trường đã thành dĩ vãng, thậm chí đã bị khai tử, dường như nó chấm dứt cho một thời kỳ tập dượt, để trả lại cái tên khai sinh, tên cúng cơm Nguyễn Khắc Trường, nổi tiếng giỏi văn của trường cấp ba Võ Nhai mà suốt mấy chục năm đã bị ẩn mình chờ thời.

Ông “Mảnh đất lắm người nhiều ma” Nguyễn Khắc Trường thành một Văn hiệu từ đó.

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường cùng các bạn văn đi thực tế vùng mỏ. Ảnh tư liệu.

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường cùng các bạn văn đi thực tế vùng mỏ. Ảnh tư liệu.

Báo Văn Nghệ, sau khi nhà thơ Hữu Thỉnh thay nhà văn Nguyên Ngọc làm Tổng biên tập, liền xin trung tá Nguyễn Khắc Trường từ Tạp chí Văn nghệ Quân đội về làm Phó Tổng Biên tập phụ trách mảng văn xuôi và phê bình, nghệ thuật. Khi ấy, nhà văn Ngô Ngọc Bội, Trưởng ban Văn xuôi vừa nghỉ hưu, chỉ còn tôi và Trần Huy Quang thay nhau trực, mỗi người luân phiên biên tập rồi đi thực tế sáng tác.

Phó Tổng Biên tập Nguyễn Khắc Trường thân thiết và tỏ ra hợp gu, cùng chịu chơi với chúng tôi. Những truyện ngắn, bút ký, phóng sự được chọn làm bài đinh cho mỗi số hầu như đều dễ được “bộ ba” đồng tình.

Những ngày về Báo Văn Nghệ, Nguyễn Khắc Trường mới có dịp gánh vác trách nhiệm làm cha. Con trai anh, có vẻ ngơ ngác như một chú trai người Mông xuống núi, sẽ phải ngụp lặn trong các lò luyện thi thủ đô mới mong đọ sức với bọn học gạo, giành một suất ở đại học. Hơn hai mươi năm thời bình, nhưng vợ chồng, cha con vẫn Hà Nội - Thái Nguyên, một trăm cây số mà đi mất mất nửa ngày.

Tổng biên tập bảo ông cứ lấy xe cơ quan mà về. Nhưng với Trường không bao giờ thế. Những dịp kết hợp công tác lên Thái Nguyên, giữa ngày họp, Trường mới nhờ Chi hay Dũng lái xe qua cầu Gia Bẩy lên nông trường chè Sông Cầu ở huyện Đồng Hỷ. Cậu con trai mặt non choẹt, nhưng hình như đã chớm hói, lần đầu về thành phố, tá túc trong căn phòng làm việc của cha trên tầng ba dãy nhà phía sau của tòa nhà 17 Trần Quốc Toản, trong một tờ báo toàn những gương mặt trong sách giáo khoa, hàng ngày gặp toàn những tên tuổi vang rền ngang tầm thời đại, chứng kiến họ đọc thơ, diễn thuyết, cãi cọ, tung hứng nhau không hề giống người thường. Cho nên hầu như không lúc nào cậu thấy thôi khép nép, run rẩy.

Hồi ấy, gia đình tôi cũng được ở nhờ căn phòng tầng xép cạnh Nguyễn Khắc Trường, chúng tôi có nhiều thời gian đàm tiếu, tranh luận, đọc, uống, tâm sự. Một hôm Trường bỗng buồn rầu bảo tôi: “Có khi tôi phải chuyển về Thái Nguyên ông ạ. Tổ chức tỉnh mời tôi về làm Tổng biên tập Báo Bắc Thái, nếu về tỉnh sẽ bố trí cho đất ngay trung tâm thành phố để làm nhà. Chứ ở đây, như người đi ở nhờ. Ông bảo tôi có nên về không?”.

Tôi biết Trường vừa lỡ một cơ hội. Hồi chuyển từ Tạp chí Văn nghệ Quân đội sang, chính Tổng thư ký Vũ Tú Nam hứa Hội Nhà văn sẽ phân nhà cho anh, vì lúc ấy Hội đang được nhà nước xây cho khu nhà ở phường Thanh Xuân Nam, cạnh Tổng Công ty Sông Đà. Nhưng giấy tờ thủ tục chuyển công tác lâu quá, khi Trường về thì quỹ nhà đã phân hết. Bố con ở tạm phòng làm việc, tức là ăn nhờ ở đậu.

Đúng, ăn nhờ ở đậu, giống như trung tá Nguyễn Khắc Trường đã từng ở căn phòng rất sang trọng trong tòa nhà cổ mà trước đây các nhà văn như Triệu Bôn, Lê Lựu từng ở tại số 4 Lý Nam Đế, anh có thể ở suốt những năm tháng công tác, nhưng chỉ được ở một mình, thỉnh thoảng tiếp vợ con đến chơi, tức là vợ chồng con cái vẫn biền biệt hai đầu Hà Nội - Thái Nguyên.

Bức xúc quá. Cả đời ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân, ước nguyện lớn nhất đời lính đời văn là có một gian nhà cho vợ và hai đứa con, vậy mà vẫn chưa thành. Bây giờ tỉnh Bắc Thái bỗng xuống xin nhà tiểu thuyết Nguyễn Khắc Trường về làm quan báo. Sẽ phân cho một căn nhà, hoặc một thửa đất ở trung tâm để xây nhà. Tổng biên tập một tờ báo Đảng tức là có nhà, có xe riêng, có lái xe. Và tất nhiên phải cơ cấu vào tỉnh ủy viên, có chế độ biệt đãi chăm sóc và bảo vệ sức khỏe... Biết nói với Trường thế nào đây?

Một đằng là thăng tiến chính trị, từ Tổng biên tập báo, sẽ lên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thậm chí Phó Bí thư, Bí thư Tỉnh ủy, vào trung ương… Con đường quan lộ thênh thang. Nhưng còn nhà văn? Anh còn viết được không? Nghề báo sẽ giết chết nghiệp văn. Anh còn thời gian đâu để để đi tìm nhân vật, để cúi xuống những thân phận khốn khổ, những kiếp người vật vã trong cõi nhân sinh như lão Quyềnh, bà Son, cô Đào, trung tá Chỉnh?

Báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn, chưa có nhà cho anh, nhưng đã đưa anh về vũ đài trung tâm của nền văn học, tháp ngà của văn chương…

Rất may, đúng lúc đó, mở ra dự án nhà tại khu lò gạch xã Nhân Chính.

3.

Quả nhiên ông “lắm người nhiều ma” vẫn đang ngự ở căn phòng tầng hai quen thuộc. Căn bệnh quái ác khiến hai chân ông như làm bằng sậy, đi không vững. Bác sĩ đầu ngành, lương y cũng “bó tay chấm com” vì căn bệnh sơ vữa toàn bộ động mạch, tĩnh mạch chân. Đầu óc vẫn minh mẫn, ăn ngủ tạm được, duy đôi chân không chịu sự điều khiển của cả người lẫn ma.

Từ hồi Covid, hai chân ông hầu như không đứng được, nếu không nhờ chiếc nạng bốn chân có bánh xe đẩy. Thế là căn phòng 15m2, với bàn viết, tầng tầng giá sách có ban công mở sang dãy nhà đối diện, và chiếc giường mét hai, trở thành Hillton siêu sao. Hết ngày dài rồi lại đêm thâu ông ngự ở đây, ăn, ngủ, xem, đọc, tiếp chuyện bạn bè... và nghĩ vơ vẩn đến thế giới người và ma…

Tôi đứng sững ở cửa, lặng nhìn nhà văn đang ngồi xếp bằng trên giường, mặt ngó ngơ lên trần nhà, cái khung người đồ sộ ngày nào, giờ ngót lại, gồ lên hai mỏm vai và dựng lên cái đầu hói nhọn một cách bơ vơ, bỗng thấy nhói lên câu thơ Thế Lữ: “Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!”

- Sút đi nhiều. Nóng quá, hay không ăn ngủ được? Tôi cầm tay ông, ngồi xuống bên giường. - Năm nay thế là nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã 77 tuổi rồi. Hơn nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ hai tuổi. Người đẹp Mỹ Dạ, và liền sau đó, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng vừa đi…

- Biết rồi… Thương hai người ấy quá. Họ ốm lâu quá. - Ông “lắm người nhiều ma” như biết hết cả. - Mỹ Dạ học cùng tôi ở khóa 1 Trường viết văn Nguyễn Du đấy. Người đẹp thơ hay, dịu dàng thùy mị mà cuối đời quá vất vả. Đi thế là mừng cho hai người. Tôi thấy mình cũng sống đủ rồi ông ạ. Sống kiểu này chán lắm. Năm nay tôi cũng 79 rồi đấy. Tôi tuổi Khỉ, Giáp Thân ông ạ.

Tôi tròn mắt. Lần đầu tiên nghe ông nói về tuổi thật của mình. Hồ sơ lý lịch, kỷ yếu nhà văn, đều ghi Nguyễn Khắc Trường sinh năm 1946, tuổi Bính Tuất cơ mà.

- Lũ nhà quê chúng ta làm gì có giấy khai sinh? Khi đi học, tôi khai 1946. Thực ra tôi sinh 1944, sang năm bát thập, sống thế là dai lắm…

Đôi chân xếp bằng bỗng rung lên bần bật và ông bật cười khà khà sảng khoái. Đúng cái điệu cười không thể cưỡng được, không kìm nén được mỗi khi chúng tôi gặp nhau hồi Nguyễn Khắc Trường còn làm Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Hồi ấy, những năm 2005 - 2010, tôi làm việc ở Ban Sáng tác Hội Nhà văn, bên số 9 Nguyễn Đình Chiểu, hầu như tuần nào chúng tôi cũng gặp nhau vài buổi trưa ở 65 Nguyễn Du. Lên tầng hai, rẽ trái, đẩy nhẹ cánh cửa khép hờ là thấy cái đầu hói cổ kính của ông “lắm người nhiều ma” đang cúi xuống tập bản thảo, như một gã thư lại mẫn cán. Phí quá, làm tổng biên tập, đọc và duyệt tất tật bản thảo đưa lên, dù mang danh bà đỡ cho các nhà văn, rất cần, rất đáng trân trọng, nhưng phí một cây bút tiểu thuyết.

Hai cuốn tiểu thuyết ông từng viết dở, một cuốn về cuộc chiến ở Quảng Trị, một cuốn về làm “trang trại” ở vùng bán sơn địa quê ông, mới trích đăng, đã rất ấn tượng. Nếu có thời gian ông sẽ viết lại, viết tiếp. Giá cứ để nhà văn Nguyễn Khắc Trường là anh lính thiếu úy quèn trong tổ sáng tác nào đó, hàng tháng đi lang thang la cà, có thể sẽ có thêm vài cuốn tiểu thuyết trứ danh về người lính, về thôn quê cho nền văn học.

Hồi còn ở Văn Nghệ Quân đội, nếu không có mấy tháng đi lang thang khắp các làng xã từ huyện Thọ Xuân tới huyện Triệu Sơn, Nga Sơn, Thanh Hóa; tiếp đến là các chuyến điền dã Thái Nguyên, rồi Hưng Yên, Hải Dương… thì làm sao có cuộc thù hận, tranh bá đồ vương của hai họ Trịnh, họ Vũ làng Giếng Chùa khiến độc giả sững sờ, kinh dị? Chỉ Xứ Thanh mới có những nhân vật Quyềnh, Hàm, Thủ, Phúc…, những phe cánh làng họ truyền kiếp, những nhân vật sống động với tính cách khác thường. Cái làng Giếng Chùa vùng bán sơn địa bên dòng sông Công, quê hương của Nguyễn Khắc Trường chỉ có thể đẻ ra cô Thống Bệu, bà Son, bà Ngật, ông Chỉnh, cô Đào…

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường cùng các bạn văn Dương Hướng, Nguyễn Kiên, Bảo Ninh. Ảnh tư liệu.

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường cùng các bạn văn Dương Hướng, Nguyễn Kiên, Bảo Ninh. Ảnh tư liệu.

Cái tài của nhà tiểu thuyết là đã ghép nối các thân phận, các sự kiện của những miền quê đã trải ấy với cái làng bên sông Công của mình thành một chỉnh thể tiểu thuyết hoàn chỉnh dưới ngòi bút trào lộng, trầm tĩnh, sắc sảo và cuốn hút. Đọc lại “Mảnh đất lắm người nhiều ma” sau hơn 30 năm, vẫn câu chuyện tình kiểu Romeo - Juyliet xưa cũ, lề thói làm ăn, nghĩ ngợi, tập tục dòng họ, phe phái đấu đá, nghị quyết, phong trào… xưa cũ, nhưng vẫn không hề xa lạ, vẫn thấy nóng bỏng những vấn đề của đời sống hôm nay, vẫn hiển hiện thân phận, kiếp người quen thuộc quanh ta.

Nghĩ đi rồi phải nghĩ lại. Ấy là tôi tiếc cho cái tài của nhà tiểu thuyết chưa được thi thố hết. Chứ, nếu không có một nhà văn Nguyễn Khắc Trường, người thẩm văn tinh quái, mà nhiều giáo sư văn chương chưa chắc đã đủ trình như vậy, nếu không có một tổng biên tập, một phó giám đốc dũng cảm dám bảo vệ cho các tác phẩm gai góc, “nhạy cảm”, những tác giả có bản sắc và dám khám phá… thì nền văn học sẽ dễ bị rơi vào tình trạng bằng phẳng, tròn trịa, nhợt nhạt, hoặc sẽ thiếu vắng không ít tác phẩm khác lạ như chúng ta đã biết.

Trường hợp doanh nhân - học giả Nguyễn Trần Bạt là một ví dụ. Gần chục bản thảo của ông luận về xã hội và thời cuộc, lăn lóc qua nhiều nhà xuất bản, phải đến tay Nguyễn Khắc Trường mới được biên tập, được xuất bản và trở thành những cuốn sách gây ấn tượng.

Riêng tôi, cần viết ra đây như một nghĩa cử cảm ơn: Không có Nguyễn Khắc Trường “trấn” ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn, chưa chắc sách “Thời của Thánh Thần” của tôi đã “vượt qua vòng gửi xe” để trình làng như một đứa con tinh thần quý tử của tôi, đến tay bạn đọc.

Ấn tượng nhất của nhà văn Nguyễn Khắc Trường hồi ông đương chức ở nhà xuất bản, vẫn là những tiếng cười. Không thể ngăn được tiếng cười khi tôi và ông gặp nhau. Như một cặp pê đê. Như tình nhân. Như Bá Nha và Tử Kỳ. Những trưa ấy, thường là được “bôi trơn” một vài ly (tất nhiên phải rượu ngoại, rượu ngâm thuốc, hoặc rắn, rết, gấu, hổ, do cộng tác viên biếu) và kết thúc những trận cười là dẫn nhau đi ăn cơm bụi, bún riêu, bánh đúc.

Có thời kỳ chúng tôi mê nhau, rất nhiều chuyện đáng giễu nhại và đáng ăn mừng. Nhiều nhất là tiếu lâm văn nghệ. Những lúc ấy, cái trí nhớ siêu phàm, sức đọc đáng nể, con người thông tuệ, hóm hỉnh, dí dỏm của Trường mới được dịp bung ra hết. Giá có cái máy ghi âm ghi lại những mẩu chuyện giữa những trận cười ấy, sẽ được những tập giai thoại lý thú. Ví như cái chuyện trạng văn xứ Kinh Bắc. Cái xứ nổi tiếng nói trạng ngày xưa, nhưng so với nay vẫn thua xa về sự uyên thâm, hoạt ngôn, tinh quái, lọc lõi, trào lộng…

Nguyễn Khắc Trường kể, lần ấy cùng Đỗ Chu (biệt danh là Trạng Chu) và Trần Ninh Hồ (Trạng Hồ), đi chiếc Lada của Báo Văn Nghệ lên Lạng Sơn dự hội nghị văn học. Khi xe ngang qua Bắc Ninh, Trần Ninh Hồ chợt nảy ý rủ bạn ghé thăm ông bố. Thấy Hồ gợi ý đột ngột, Đỗ Chu bảo: “Thế thì ghé cửa hàng mua tặng ông cụ gói quà”. Hồ bảo: “Có quà rồi. Thằng bạn vừa tặng lạng cao khỉ, tôi mang về biếu cụ, nhân tiện lấy chai rượu làng Vân tối nay chúng mình cùng uống”. Đỗ Chu cầm xem lạng cao rồi đút ngay vào túi áo ngực, quay sang bảo Hồ: “Cái này để tao. Lát nữa phải tao xử lý mới xong”.

Ông cụ thân sinh ra thi sĩ Trần Ninh Hồ, với gia đình nhà văn Đỗ Chu, vốn là chỗ thân tình. Gặp ông cụ, Đỗ Chu kính cẩn rút lạng cao ra. “Kính cụ. Lâu quá không ghé thăm cụ, nhân có lạng cao ông bạn trong Tây Nguyên cho, nay xin biếu cụ ngâm rượu uống để dưỡng già…”.

Trường cười ha hả, buông câu kết luận: “Trạng Hồ đã khôn ngoan, lọc lõi, nhưng so với Trạng Chu, còn thua xa”.

Cả hai chưa dứt tiếng cười thì Trạng Chu xuất hiện. Chúng tôi lại cười ha hả và kéo nhau đi ăn bún ngan và uống bia chai Hà Nội ở phố Nguyễn Thượng Hiền.

Bây giờ, vẫn tiếng cười ấy, mà hầu như bị giam giữa bốn bức tường. Tôi bảo với chị Khang, vừa thắp hương từ tầng thượng xuống:

- Phải chuẩn bị làm thượng thọ tám mươi cho nhà văn Nguyễn Khắc Trường, chị Khang ạ.

Chị Khang, như chẳng già chút nào từ khi chuyển từ Thái Nguyên về Hà Nội, vừa pha nước mời khách vừa thừa nhận:

- Anh Trường hơn tôi một tuổi. Tôi sinh năm Ất Dậu, 1945. Anh Trường học với anh trai tôi. Ngày ấy, mấy huyện mới có một trường cấp ba. Tôi là con địa chủ, phải tìm cách đi học trung cấp, anh Trường phải lên học cấp ba Võ Nhai...

Lần đầu tiên tôi được nghe một thiên tình sử. Trường và Khang người cùng làng. Cả hai nhà cùng thành phần địa chủ nên cổng trường đại học xa vời. Năm 1965, Trường đi bộ đội, làm lính kỹ thuật mặt đất ở Quân chủng Phòng không - Không quân, Khang đi học trung cấp bưu điện rồi lên công tác ở Cao Bằng. Có thời kỳ, hồi Nội Bài còn là sân bay dã chiến, hàng tháng trời anh binh nhất Nguyễn Khắc Trường, với cơm nắm, lương khô, bi đông nước, ôm máy dò sóng ra đa nằm phục ở sườn Tam Đảo từ sáng sớm đến chiều tối để phát hiện máy bay Mỹ. Ngày nắng cũng như ngày mưa, dằng dặc canh chừng và thông báo về chỉ huy sở. Những ý tưởng cho trang viết, những khát vọng văn chương nảy sinh ở đó. Thế rồi họ cưới nhau trong dịp Trường tranh thủ vài ngày về nghỉ phép để chuyển vào mặt trận Quảng Trị. Người vợ lại trở lại Cao Bằng. Con gái đầu lòng của họ sinh năm 1973 ở Cao Bằng, khi người lính pháo đang đối mặt giặc trời ở vùng tuyến lửa. Rồi lần thứ hai, khi sinh cậu con trai quý tử, người vợ đã được chuyển về Thái Nguyên, nhưng vẫn phải vượt cạn một mình…

Tôi nhìn lên bức tường và giá sách trước mặt, nơi có bằng Giải thưởng Nhà nước cho tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người chiều ma”, có ảnh chân dung hai vợ chồng nhà văn, comple, cravat, áo dài, lồng khung kính như đôi chim cu. Tôi đồ rằng bức ảnh kia do các con ông chụp, phóng to lên, nhân một dịp kỷ niệm gần đây, một sự kiện hi hữu.

Tôi nhìn người đàn bà trong ảnh và ngoài đời, đang kể lại chuyện ngày xưa, và tôi tin một trăm phần trăm, Khang chính là hình mẫu của hai mẹ con, vừa của nhân vật cô Đào, vừa của nhân vật bà Son, hai người đàn bà đẹp nết đẹp người, sẵn sàng hy sinh hết thảy cho người yêu, cho chồng con, trong cuốn tiểu thuyết sáng giá của Nguyễn Khắc Trường. Rồi tôi nheo mắt ngắm kỹ “ông lắm người nhiều ma” và cả quyết, hai nhân vật cường hào thời đổi mới Trịnh Bá Hàm, Vũ Đình Phúc cầm đầu hai dòng họ trong tiểu thuyết, chính là sự phân thân của tác giả. Phúc yêu Son với tình yêu nồng cháy, dâng hiến, tinh khôi, còn Hàm yêu Son với một tình yêu sở hữu thầm kín, da diết, quyết liệt và vụng trộm. Chẳng bao giờ lão Hàm thổ lộ tình yêu với bà Son, ngay cả với chính mình. Lão giấu vợ cả ánh mắt, cả nụ cười, cả một câu nói thân thương trìu mến.

Chơi với Trường hơn ba mươi năm, biết bà Khang cũng gần ấy năm, nhiều lần ăn cơm do bà Khang nấu, nhưng chưa bao giờ tôi thấy ông bộc lộ một cử chỉ, một lời nói, một ánh mắt vợ chồng, chưa bao giờ hé lộ một mẩu thông tin gì về người vợ tào khang luôn lặng lẽ ở bên ông suốt mấy chục năm qua.

Tôi nghĩ, ít nhất có hai Nguyễn Khắc Trường mà tôi quen thuộc: Một người cô đơn, âm thầm như một nhà hiền triết, khi ngồi một mình trầm ngâm soi ngẫm chính mình, khi đối diện với trang bản thảo trước mặt. Một người hoạt náo, cười ha hả, tuôn trào những mạch nhớ, những ý tưởng, những bình luận sắc bén, uyên bác, hoặc vụt đứng trước đám đông, trước hội nghị dõng dạc và khúc chiết, mạch lạc và sắc sảo bảo vệ một tác giả, một tác phẩm, một vấn đề nào đó.

Hồi còn họp giao ban sáng thứ ba các Tổng biên tập báo tại nhà số 8 Nguyễn Cảnh Chân, tôi (khi ấy là Quyền Tổng Biên tập Báo Du Lịch), đã chứng kiến mấy lần Nguyễn Khắc Trường, với tư cách Phó Tổng Biên tập Báo Văn Nghệ, vụt giơ tay đứng dậy trước hội trường, đối diện với các vị lãnh đạo để bảo vệ một truyện ngắn, một bút ký, phóng sự báo vừa đăng, bị một số người săm soi hiểu lầm hoặc suy diễn theo hướng phi văn chương. Lúc ấy, con người nhà văn, phẩm chất nhà văn, kiến thức nhà văn của ông mới nhuần nhị, sắc sảo, trào lộng, đầy uy lực và sức thuyết phục.

Nhưng nhớ nhất, ấn tượng nhất suốt những năm tháng chơi với Nguyễn Khắc Trường, vẫn là con người trung thực đến tận cùng với chính mình, luôn trăn trở với lương tâm mình đến tận cùng, con người không bao giờ biết giả dối, của ông.

Ấy là dịp Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII, năm 2010, tại Hội trường Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Một đại hội không hề bình lặng, giống như vài đại hội trước của các nhà văn. Cũng có diễn ca, tiếu lâm, chuyện bên lề. Nhưng nổi cộm vẫn là vấn đề nhân sự. Bầu ai? Ai sẽ là Chủ tịch Hội Nhà văn thay nhà thơ đã thất thập. Tôi ngồi với Nguyến Khắc Trường phía dưới hội trường, để quan sát “tấn trò Văn”. Đến lúc bỏ phiếu, Trường ghé tai tôi: “Nhất trí thế nhé”. Bỏ phiếu xong là chúng tôi kéo nhau đi uống bia. Ai cũng nghĩ, kíp nhà văn trẻ, lứa Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Thị Thu Huệ… sẽ thắng. Ai ngờ, Nguyễn Y Vân là vẫn y nguyên.

Buổi tối, hơn mười giờ, sắp đi ngủ, Nguyễn Khắc Trường điện cho tôi, giọng não nề:

- Nhà thơ thân thiết của hai chúng ta vẫn trúng phiếu cao làm tôi áy náy quá ông ạ. Hóa ra chúng mình nhìn người sai à? Hay chúng ta vẫn chưa đánh giá đúng, chưa công bằng với ông ấy. Chúng ta không bỏ phiếu nhưng nhiều người vẫn bỏ phiếu cho ông ấy.

Tôi nói như muốn an ủi:

- Không cần phải “lạy ông tôi ở bụi này” đâu. Con mắt lõi đời ấy luôn biết chúng ta nghĩ gì… Thực ra là chúng ta thương anh ấy phải làm việc quá sức, ôm đồm quá sức. Phải thừa nhận rằng người thủ trưởng cũ của chúng ta là một người anh lớn đã từng thân thiết, giúp đỡ, sẻ chia, mà chúng ta phải mang ơn… Nhưng chúng ta nghĩ cho cái chung, cái cao hơn một lá phiếu bầu, Anh ấy tuổi cao rồi, cũng cần được nghỉ ngơi và sáng tác. Vả lại, chúng ta phải nghĩ đến lớp trẻ, những người kế cận. Sự nghiệp văn học phải được trao quyền cho họ. Không thể tham quyền cố vị. Sự già nua không bao giờ còn khả năng cho sự sinh sản, sáng tạo…

- Nhưng mà tôi ân hận ông ạ. Có lẽ mai tôi phải gặp để nói hết với ông ấy. Rằng tôi không bầu cho anh, vì nghĩ anh đã cao tuổi, lại đã làm hai khóa liền, đã sơ cứng và cũ kỹ, bảo thủ, anh nên nhường cho lớp trẻ, tạo cơ hội cho họ cống hiến, góp phần đổi mới, sáng tạo, khác lạ... Nhưng kết quả là anh vẫn trúng. Và tôi thấy áy náy. Có thể tôi vẫn chưa hiểu hết anh, chưa đánh giá hết tầm cỡ của anh. Chúng ta còn làm việc với nhau, nên tôi phải nói để anh biết…

- Trời ơi, ông định làm thế vậy sao? Có hàng trăm người không bỏ phiếu cho vị ấy. Và không ai nghĩ rằng họ đã làm sai. Và cũng không ai tự buộc mình phải thú nhận điều đó. Ngủ đi ông ơi. Rồi ông sẽ thanh thản vì ông đã trung thực với chính mình…

Tôi tắt máy. Nhưng rồi đêm ấy tôi cũng không ngủ được. Nỗi day dứt của nhà văn Nguyễn Khắc Trường làm tôi mất ngủ.

Hôm sau, Nguyễn Khắc Trường báo tin cho tôi:

- Tôi đã đến tận nhà gặp nhân vật của chúng ta và nói thẳng mọi điều như tôi đã nói với ông. Có thế tôi mới thanh thản hàng ngày đến cơ quan, nhìn thẳng vào mắt ông ấy, gặp và làm việc với ông ấy và mọi người.

Tôi nhìn Nguyễn Khắc Trường và bỗng thấy nhân cách của ông, đang ở một tầm cao.

Câu chuyện này, đến giờ vẫn chỉ có tôi và Nguyễn Khắc Trường biết. Và tất nhiên, có một người thứ ba nữa. Và tôi tin rằng, dù tôi không viết ra, người ấy cũng không thể quên đã có một người cộng sự như thế.

(Trích trong tập “Mệnh Vô chính diệu”)

Xem thêm
Câu chuyện thứ mười một: Câu chuyện tiếp thị

Nguyên tắc thị trường là phải tiếp thị, không tiếp thị hoặc tiếp thị không đúng sẽ giới hạn không gian đối tượng tiêu dùng.

Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 3] Chú ý cắt tỉa khi nhãn vừa đậu quả non

Để quả nhãn đủ chất lượng và tiêu chuẩn xuất khẩu, người dân cắt tỉa đợt 1 khi đậu quả non và giai đoạn 2 khi quả nhãn to bằng đầu đũa.

Bí kíp của tỷ phú thanh trà ngọt Năm Cập

Vĩnh Long Hơn 1 thập kỷ nghiên cứu, ông Huỳnh Văn Cập đã tìm ra cách để cây thanh trà ngọt tăng khả năng ra hoa đậu trái, không còn phụ thuộc vào thời tiết.

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến ngành đánh bắt cá của Na Uy

Đánh bắt cá là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Na Uy. Ngành này đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi biến đổi khí hậu.