Nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh chấm phá vẻ đẹp thế giới sách

Lê Thiếu Nhơn - Thứ Ba, 30/07/2024 , 10:04 (GMT+7)

Nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh là một gương mặt quen thuộc trong giới văn chương và giáo dục, vừa ra mắt cuốn sách ‘Chấm phá’ tôn vinh văn hóa đọc.

Nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh tuổi 77.

Nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh nổi tiếng với giai thoại cô giáo tuổi hai mươi từ Nam Định thời chống Mỹ vượt Trường Sơn tìm chồng đang công tác tại Trung ương cục miền Nam. Nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh cũng nổi tiếng với những tập thơ trữ tình mà nhiều vần lục bát của chị đã lan tỏa sâu rộng như “Nếu anh biết được chiều nay/ Gió từ đâu tới thổi gầy nhành mai/ Một đời gió có vì ai/ Xô nghiêng chiều tím ra ngoài hoàng hôn”.

Đã có rất nhiều thanh âm cổ súy nồng nhiệt cho văn hóa đọc thời hội nhập toàn cầu, và cũng đã có rất nhiều nỗi ca thán về thói quen đọc sách đang bị lãng quên trong đời sống của người Việt hôm nay, nhưng giá trị của sách vẫn bất biến đối với độc giả đích thực. Nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh không chỉ là một độc giả đích thực, mà còn là một độc giả đặc biệt.

Vì sao phải nhấn mạnh độc giả đích thực kiêm độc giả đặc biệt ở nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh, có phải do chức danh kép nhà thơ – nhà giáo của chị không? Hoàn toàn không! Một người mang phong thái nho sinh trước trang sách thì mọi lời tán dương hay mọi câu tâng bốc đều vô nghĩa. Ở đây, Đặng Nguyệt Anh lặng lẽ đọc bằng sự say mê và lặng lẽ ghi lại bằng sự chân thành, về những cuốn sách đã cùng mình đi qua thác ghềnh của cuộc đời nhiều gian khó lắm thương yêu.

Tác phẩm cảm nhận văn chương mang tên “Chấm phá” dày gần 200 trang, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành, chính là kết quả của một hành trình nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh tận tụy với sách. Có người đọc sách để lấy thông tin, có người đọc sách để được thư giãn. Còn chị đọc sách để đánh thức bản thân, để soi rọi bản thân, để chiêm nghiệm bản thân.

Cầm “Chấm phá” trên tay, có thể hình dung nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh đọc sách không giống như câu thơ “bâng khuâng với một chiều đầy cả em” mà chị từng viết. Chị đọc sách, vừa nghe tiếng sột soạt từng trang giấy lật qua hoài niệm cá nhân, vừa nghe tiếng thì thầm buồn vui trắc ẩn số phận tiền nhân.

Với quan niệm “mỗi cuốn sách mở ra một chân trời”, nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh đọc hầu hết kinh điển, từ Kinh Thánh, Kinh Vê Đa đến Pháp Cú Kinh, Đạo Đức Kinh, từ Luận Ngữ của Khổng Tử đến “Những linh hồn chết” của Gogon và “Những người khốn khổ” của Victor Hugo, từ truyện ngắn của Gorky đến truyện cổ tích của Andersen, từ thơ Đỗ Phủ đến thơ Blok, từ “Chiến tranh và hòa bình” đến “Sự tích đàn bà”...

Đọc danh tác đã không dễ, mà tóm tắt lại danh tác theo góc nhìn riêng và thái độ riêng càng khó hơn. Vậy mà, nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh cũng có được “Chấm phá” khá bất ngờ và khá thú vị. Không thể nói khác, đó là bản lĩnh cộng hưởng từ một phụ nữ làm thơ đa cảm và một cô giáo dạy Văn đa đoan.

Nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh không phải người đầu tiên “chấm phá” những cuốn sách kinh điển. Từng có nhiều cách làm, như “danh tác rút gọn” hoặc “từ điển giản yếu tác phẩm”, nhưng kiểu “chấm phá” của Đặng Nguyệt Anh bay bổng hơn, nhờ chị lồng ghép những thổn thức cá nhân. Ví dụ, với tiểu thuyết “Chuông nguyện hồn ai”, chị hồi đáp: “Chưa trọn ba ngày đêm/ Một tình yêu lửa cháy/ Một tình yêu thiêng liêng/ Một tình yêu cuồng dại/ Một tình yêu lớn lao/ Một tình yêu vĩ đại/ Mạnh hơn cả chiến tranh/ Mạnh hơn cả cái chết”.

Tập sách "Chấm phá" khẳng định giá trị văn hóa đọc.

Dù chỉ với tinh thần “chấm phá”, nhưng nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh thỉnh thoảng còn cơi nới biên độ thưởng thức cho tác phẩm bằng những câu thơ của mình. Chẳng hạn, với tác phẩm “Hiệp sĩ Đôn Ki Sốt” của Cervantes, chị nhấn nhá vần điệu: “Đôn Ki Sốt có nỗi bất hạnh lớn: Ông luôn cố gắng nuôi dưỡng danh dự của hiệp sĩ, trong khi chẳng ai thèm nghĩ đến danh dự và lòng vị tha/ Thế mới là đời/ Thất bại và sự chế nhạo theo ông bất cứ thời đại nào/ Cũng vì vậy Đôn Ki Sốt trở thành bất tử”.

Dõi theo cuộc “Chấm phá” của nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh, người thờ ơ với văn chương nhất cũng nhận ra, không có tác phẩm nào hướng con người vào sự thấp hèn ích kỷ và sự toan tính xấu xa, mà mỗi trang sách đều khiến con người kích hoạt sự bác ái và bồi đắp sự lương thiện.   

Với “Chấm phá” từ một trái tim ân cần, nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh ở tuổi 77 tự nguyện làm một tri âm của sách, và phập phồng tìm kiếm những tri âm của mình. Chắc chắn, chị không cảm thấy bơ vơ như thuở nào chị xao xác “nhân gian đi vắng cả rồi/ để mình em với một trời nhớ nhung”.                                        

Lê Thiếu Nhơn
Tin khác
Đàn trâu của nhà thơ Phạm Đức
Đàn trâu của nhà thơ Phạm Đức

Thơ hay thường vận vào người. Chung cuộc, cho tới khi rũ áo ra đi, nhà Thơ Phạm Đức chỉ có một mình. Gia tài ông để lại là căn nhà bên mép sông Bùi còn chưa hết nợ, một tủ sách đồ sộ mấy trăm cuốn. Và đàn trâu…, gần hai trăm con.

Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học
Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học

Tác giả trẻ Nguyễn Đinh Khoa với truyện dài ‘Dị bản’ vừa được Hội Nhà văn TP.HCM trao giải thưởng văn học dành cho các cây bút dưới 40 tuổi.

‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ
‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ

‘Minh đạo sách’ là tác phẩm mới của nhà thơ Khúc Hồng Thiện, vừa được Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành, mang nhiều suy tư về tinh thần văn hóa Việt.

‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước
‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước

‘Linh khí quốc gia’ là ý tưởng được đại tá Trần Thế Tuyển viết thành trường ca, nhằm kêu gọi hành động thiết thực cho những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?
Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Cuốn sách 'Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)' do Nguyễn Tuấn Cường- Đỗ Thị Bích Tuyển (chủ biên) phát hiện thêm 2 vua Quang Trung giả trong chuyến mừng thọ vua Càn Long.

Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ
Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ

Trong cuốn 'Nợ đời' Lê Chín còn in những bài viết chân dung, ca ngợi những người tài, những người giàu nhiệt huyết mà tác giả ngưỡng mộ, quý mến.

Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ Võ Chí Nhất vừa có tiểu thuyết lịch sử ‘Hoàng cung’ được Nhà xuất bản Fiori D'asia Editrice dịch và in tại Ý, với nhan đề ‘Palazzo reale di Thang Long’.

Có một người tu hành như thế
Có một người tu hành như thế

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài: 'Có một người đã tu hành như thế và đã truyền cảm hứng sống tốt lành đến nhiều người'.

Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.