Diễn thuyết của học giả Hội Trí tri

Ông Trạng Bịu

Nguyễn Tường Phượng - Thứ Năm, 16/02/2023 , 06:05 (GMT+7)

Từ Hậu Lê đến nay có ngót 130 năm, biết bao nhiêu cuộc tang thương biến cải, những dấu tích của bậc danh nhân ấy cũng phải theo cái luật chung mà mất dần.

Bài viết được trích lược từ “Diễn thuyết Việt Nam nửa đầu thế kỉ XIX - Những thanh âm văn hóa của Hội Trí tri” (Nguyễn Văn Học sưu tầm, giới thiệu. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 2023).

Ông (Trạng Bịu) Nguyễn Đăng Đạo, sau đổi ra là Nguyễn Đăng Liễn, tự Chất Phu, người làng Hoài Bão Thượng, tục danh là làng Bịu, tổng Nội Duệ, huyện Tiên Du. Ông sinh về đời Lê Thần Tông niên hiệu Khánh Đức thứ ba (1651), thân phụ ông là cụ Nguyễn Đăng Minh đỗ tiến sĩ làm Sơn Tây Hiến Sát sứ, sau đổi ra Quốc Tử Giám Tế tửu.

Bài liên quan

Ông Nguyễn Đăng Đạo có ba anh em; ông anh nhớn là Đăng Tuân đỗ tiến sĩ, ông là thứ hai, và một người em là Đăng Tuyển đỗ hương tiến (tức là cử nhân) đều làm quan. Trong một nhà mà cha con, anh em, bác cháu đều hiển đạt thật là một việc hiếm có. Lúc thiếu thời ông rất thông minh, tính tình lỗi lạc, ngang tàng và phóng dật.

Theo hành trạng, năm 32 tuổi ông thi hương, đậu hương tiến (cử nhân) được sơ bổ tri huyện, huyện Lương Tài (Bắc Ninh), năm sau vào Kinh thi hội trúng cách đình chỉ từ Trạng nguyên vào năm Quý Hợi, niên hiệu Chính Hòa thứ tư đời vua Lê Hy Tông (1683) được bổ vào tòa hàn lâm.  Đến niên hiệu Chính Hòa thứ tám (1687) nhân kì tuế cống, ông được cử đi sứ Tàu. Khi sứ bộ do ông Nguyễn Đăng Đạo đi chánh sứ, đến Bắc Kinh, ngày Nguyên đán; do tòa hàn lâm hướng dẫn vào chầu Thiên triều là Khang Hi hoàng đế, rồi ra quán hội đồng trú sở. Trong hội đồng quán có cả các sứ thần các nước khác đều ở đó.

Một ngày một người thiếu nữ cầm biển đến nhà hội đồng, trên biển Triều đình nhà Thanh ra cho các số câu đối rằng: “Xuân triều phong nguyệt, nguyệt thiêm hoa sắc, phong tống hoa hương, hương sinh sắc, sắc sinh hương, hương hương sắc sắc mãn xuân tiêu, tương tư khách hứng tương tư khách”. Diễn nôm: Đêm xuân có giăng có gió, giăng thêm sắc, đẹp cho hoa, gió đưa hương ngát cho hoa, có hương rồi có sắc, có sắc lại có hương, hương hương sắc sắc suốt đêm xuân, khách tương tư lại nghĩ đến người tương tư.

Sứ Cao Li đối: “Tùng viện trúc mai, mai sinh ngọc diệp, chúc hóa ngọc chi, chi tị diệp, điệp tị chi, chi chi diệp diệp, liên tùng viện, hữu tình nhân thức hữu tình nhân”. Diễn nôm: Nhà mát có trúc có mai, cây mai sinh ra lá ngọc, cây trúc hóa ra cành ngọc, cành liền với lá, lá liền với cành, cành cành lá lá quanh nhà mát, người hữu tình đã biết kẻ hữu tình.  Quan Tàu phê: Hậu thế tất hữu khóa tắc chi sự công (nghĩa là về sau con sẽ làm nên hơn cha).

Đến lượt sứ An Nam, ông Nguyễn Đăng Đạo đối: “Hạ nhật cầm thi, thi ngụ ngã tình, cầm hoa ngã tính, tính viên tình, tình viên tính, tính tính tình tình, thu hạ nhật, tri âm nhân thức tri âm nhân”. Diễn nôm: Ngày hạ có đàn có thơ, câu thơ giãi nỗi tình ta, cây đàn họa rõ tính ta, tính theo với tính, tình theo với tình, tính tính tình tình thâu ngày hạ, bạn tri âm riêng biết bạn tri âm.  Quan Tầu phê: Hậu thể tắt hữu hân thiên chi sự nghiệp. (Nghĩa là về sau sẽ làm nên sự nghiệp lừng lẫy).  Sau lại ra một bài phú: Búi nguyệt đình (không thấy chép). Ông Nguyễn Đăng Đạo xong trước nhất, các bài vở đệ lên vua ngự lãm, vua phê cho ông: Bắc triều đệ nhất Trạng nguyên.

Lễ ra mắt Hội Trí tri. Ảnh: TL.

Một phiên chầu bên Trịnh phủ, các quan đều mặc đại triều phục duy có ông Nguyễn Đăng Đạo là đội mũ bình đính và mặc áo thường triều. 

Trịnh chúa hỏi: Sao nhà ngươi vào chầu ta mà lại mặc thường triều? 

Ông Đăng Đạo trả nhời rằng: Tôi nghe đại triều y quan là để chầu Thiên Tử, nay nhà chúa cũng là bầy tôi đấng thiên tử, nếu lấy mũ áo chầu Lê hoàng mà dùng vào việc chầu chúa tôi e không hợp lễ nên tôi không dùng.

Trịnh chúa khen là người trung trực, thưởng cho 100 nén vàng.

Thưa các ngài, hồi ấy đã là một thời đại chuyên chế huống chi chúa Trịnh lại uy hiếp vua Lê, không phải đế, không phải bá mà quyền chính trong nước sinh sát ở một tay thời phỏng còn ai dám đương đầu. Thế mà ông Nguyễn Đăng Đạo biết lấy lễ vua tôi dùng lời nói thẳng, hành động theo chân lí làm cho kẻ quyền thần phải cảm phục, cách hành động ấy tuy nhiên có người cho là nguy hiểm, cho là không biết theo thời thế, nhưng biết đâu không phải là cái đặc điểm của những người có chút tâm huyết đã không vì sợ quyền thế mà uốn lưng theo thói thường tình, lại không vì cái phú quý nhất thời mà bỏ lễ vua tôi. Cho hay cái nhẽ phải dầu khó khăn đến đâu cũng có người theo, cũng có người biết mà cảm phục.

Ông làm Đô đài ngự sử được ngót 30 năm được thăng lên chức Tham tụng (tức như Tể tướng) rồi lần lần làm đến Lễ bộ Thượng thư kiêm Đông các điện Đại học sĩ Tước bá. 

Gặp khi ấy trong nước thường có giặc giã luôn, lại thêm mất mùa đói kém ông hết sức trù tính việc trị an và việc chẩn cấp cho dân nghèo đói. 

Tỉnh Bắc Ninh cũng chịu một kiếp vận trong nước, dân sự mất mùa đói kém, nhất là mấy làng Tam Tảo, Khắc Niệm và ba thôn Hoài Bão (làng ông) dân gian khổ lắm, ông ở kinh đô được tin như vậy liền viết thơ về cho phu nhân ở nhà quê rằng:

“Ta nay làm quan đến Tể tướng có nhỡ đâu để dân tỉnh nhà chết đói hay sao, vậy phải nuôi những người đói khó ở mấy làng Tam Tảo, Khắc Niệm, Hoài Bão, tìm cách phát chẩn và phát thóc giống đề cho họ cày cấy làm ăn”.  Phu nhân vốn là bậc hiền phụ nên nhất nhất đều theo như nhời dặn trong thơ. 

Năm thứ tư niên hiệu Vĩnh Thịnh (1708) ông lại tâu xin phá lệ lập các trang trại, vì hồi ấy các nhà quan trưởng, các nhà phú hào thường hay lấy thế lực, hoặc tiền tài để chiếm đoạt ruộng đất hoặc mua rẻ tự điền của dân để lợi riêng một mình khiến cho dân phải xiêu tán. Không những thế, trong các trang trại lại thường mặc các điền tốt trốn thuế, trốn tạp dịch, trốn việc đi lính. Nhời tâu lên, Chúa Trịnh phê hạn trong 3 tháng các trang trại phải phá bỏ, nếu hết bạn ấy mà các chủ trại chưa kịp tuân hành, thì các Thừa ti và Hiến ti (các quan đầu tỉnh) có quyền theo luật định tội và phải các quan Trấn thủ phủ các trang trại ấy đi. 

Ông lại tâu xin xét lại những số đạc điền và đinh bạ trong nước, phàm những nơi khe ngòi, rãnh nước, chuôm ao hay chân núi mà hoa lợi không được mấy thời cho giảm bớt thuế điền; dân định kẻ nào già yếu tàng tật, xét ra là phế nhân thì cho trừ sưu. Khi ông làm Tham tụng, một đôi khi thong thả việc triều chính về chơi làng, thường cho mời tất cả người làng già trẻ đến chơi, ăn trầu uống nước, rồi ân cần hỏi han từng người một về công việc làm ăn, lại tự xuất ra cùng hai ngôi đình và cấp ruộng đề chi về việc tế lễ sự thần.

Xem câu chuyện trên đây, ông Nguyễn Đăng Đạo khoa đỗ đến Nhất giáp, hoạn làm đến Tể tướng mặc thường phục vào Trịnh phủ mà không sợ, thật là một người tài giỏi nhất trong nước, thế mà khi về đến chốn hương thôn còn biết ân cần hỏi han đến những người quần nâu áo vải, hèn kém hơn mình, một người có tài mà có hạnh như ông tưởng cũng ít có, song cái sĩ hạnh và sự độ lượng ấy họa chăng chỉ có những bậc sĩ quân tử mới có, người thường đâu có những tư tưởng ấy.

Đối với người ngoài, ông cư xử như vậy, nhưng đối với mình thì rất là cần kiệm.

Năm Chính Hòa thứ 16 (1898) khi Bắc sứ về ông về quê thăm nhà thấy phu nhân mới làm thêm 2 gian nhà ngói, ông không bằng lòng mà nói rằng: 

“Nhà ta vốn nhà học trò được thế này tưởng cũng đã quá lắm, làm gì mà phải làm đẹp đẽ to tát như thế”.

Năm Kỉ Hợi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 15 đời vua Lệ Dụ Tông (1719) ông bị bệnh mất, thọ ngót 70 tuổi, nhà vua và Trịnh chúa rất lấy làm thương tiếc, sai quan khâm mệnh về tận làng điện tế, tặng phong Lại bộ Thượng thư, tước quận công, ban cho bốn chữ: Lưỡng quốc Trạng nguyên (Trạng nguyên hai nước). 

Một đôi câu đối:

Tiến sĩ, thượng thư, thiên hạ hữu,

Trạng nguyên, Tể tướng thế gian vô

(Tiến sĩ thượng thư thì thiên hạ còn làm được, 

Trạng nguyên, Tể tướng thời thật là hiếm có).

Nguyễn Triều năm Nhâm Tí, Tự Đức thứ 5 (1852), triều đình sức tỉnh Bắc Ninh khai các thần tích và công nghiệp của các bậc cố thần xét thấy công nghiệp của cụ Nguyễn Đăng Đạo mới ban phong làm Phúc thần làng Hoài Bão thượng, tức là làng Bịu bây giờ. 

Xét gia thế hành trạng thời ông Nguyễn Đăng Đạo gọi là một bậc phi thường, làm quan thời trung trực liêm chính, đi sứ giữ gìn được quốc thể, lại thêm có lòng nhân từ quảng đại thật là một tấm gương sáng của đời Hậu Lê phản chiếu đến nay.

Từ Hậu Lê đến nay có ngót 130 năm, biết bao nhiêu cuộc tang thương biến cải, những dấu tích của bậc danh nhân ấy cũng phải theo cái luật chung mà mất dần. Họa chăng có còn lại: một ngôi nhà thờ cổ, một cỗ khám con, một cái hương án, một bộ đòn võng nét chạm đã mờ, lớp sơn đã lở, là tiêu biểu những thời kì hiển hách lúc làm quan, khi đi sứ, những vật này sở dĩ còn lại là vì con cháu về sau đã ra công gìn giữ, nhưng biết đâu vài mươi năm nữa những dấu tích ấy lại không theo cái luật hữu hình tốt hữu hoại mà mai một đi ư? Trái lại chỉ có một vật vô hình mà không bao giờ là hủy hoại được. Vật ấy là gì? Là cái sự nghiệp vẻ vang ghi chép ở sử sách, truyền tụng ở nhân gian, chỉ có những sự nghiệp ấy không sao mất được, không sao tiêu diệt được, cho nên người ở đời cần phải có sự nghiệp, mặc dầu to hay nhỏ, vì có làm nên sự nghiệp mới khỏi mang tiếng là hư sinh.

Nguyễn Tường Phượng Nguyễn Văn Học (Sưu tầm và giới thiệu)
Tin khác
Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện
Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện

Tâm sự nghề nghiệp của những người đã và đang đứng trên bục giảng với nhiều kỷ niệm khó quên, càng trở nên ấm áp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò
Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò

Cô giáo người Nùng Lý Thị Thủy đang dạy văn ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên, vừa ra mắt cuốn sách lý luận phê bình có tên gọi ‘Khơi chuyện’.

Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc
Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc

Tủ sách Văn Hóa Việt của Chibooks chính thức ra mắt độc giả đất nước tỷ dân tại Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 tại thành phố Nam Ninh.

Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?
Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật mới cho ra mắt cuốn sách 'Nguyễn An Ninh – Không ăn mày tự do' (2024) của tác giả Trần Viết Nghĩa. Sách mới mà quá nhiều lỗi sai hết sức sơ đẳng.

Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ
Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ

Sứ mệnh người thầy luôn gắn liền với sách, được các diễn giả đề cao tại talk show diễn ra ở Đường sách TP.HCM nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’
Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’

Họa sĩ Xu Man được nhà văn Trung Trung Đỉnh lấy làm cảm hứng sáng tác truyện dài ‘Con thiêng của rừng’ dày 124 trang, do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành.

Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’
Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’

Nhà thơ Mai Thìn gây ấn tượng cho người đọc, bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình.

Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn
Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn

Từ khi đăng quang đến nay, Hoa hậu H’Hen Niê đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng, trong đó có chương trình đưa ‘Thư viện thân thiện’ về nông thôn.

Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời
Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời

Người quê lúa Đặng Đình Liêm sau chuỗi ngày tham gia quân đội và công tác xa nhà, đã trở về Thái Bình thanh thản viết lại những câu chuyện đời mình.

Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê
Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê

‘Thức dậy một dòng sông’ của tác giả Trần Nam Phong hình thành một bút pháp với những câu thơ ngân như ngọn gió không lời vừa quen vừa lạ.

Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình
Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình

Tôi nhớ tới thuật ngữ “nước khách” của vùng rốn lũ Lệ Thủy và chỉ mong nước như một vị khách quý đến rồi lại đi nhẹ nhàng, đừng để lại những đau thương, tổn thất gì cho quê hương.

Nứt ra từ đá những chân tình vùi dưới cơn mưa
Nứt ra từ đá những chân tình vùi dưới cơn mưa

‘Nứt ra từ đá’ là tập thơ thứ 7 của nhà thơ Phạm Phương Lan, một gương mặt nữ khá ấn tượng trong đời sống thi ca đô thị phương Nam.