Sống - trong - mùa sạch

Tuỳ bút của Vi Thùy Linh - Thứ Sáu, 20/01/2023 , 06:35 (GMT+7)

Sự tử tế không phải cao đàm khoát luận xa xôi, nó từ từng hành động nhỏ. Tin nhân quả, quý từng giây sống, tương lai tích mỗi chớp mắt, nên phải nỗ lực mỗi giờ.

Ảnh mang tính minh họa.

Càng ngày càng cần "sống trong". Tôi tâm đắc chủ đề báo Nông nghiệp Việt Nam Xuân Quý Mão. Thế giới này đã và đang tồn tại nhiều Đạo. Vừa qua Giáng sinh, lễ lớn của người Công giáo, cả nhân loại nhiều cảm xúc, tâm trạng đón năm 2023. Tôi thì cho rằng: Đạo lớn nhất, là làm một người tử tế, sống tận tình một kiếp phận hiến dâng.

Trước khi hình thành tác phẩm này, tôi đã có cả tuần suy nghĩ để "lắng lọc" mình. Và khi chính thức viết vào ngày đầu tiên tuần mới, tôi đã gội, tắm từ Chủ nhật; sáng thứ Hai thay đồ mới, rửa tay, mở lọ nước hoa, thỏi son đỏ lần đầu chạm môi. Tôi ở nhà một mình. Nhưng nhất thiết làm những nghi thức ấy. Chính mình chân tình, trong sáng, thì quà của tâm hồn cho độc giả Nông nghiệp Việt Nam mới thơm tỏa chữ xanh.

Cuối đông mà chưa thấy những hàng lá mùi già chở rong. Tôi mê hương lá mùi, không thể không tắm nước lá mùi (có quả và hoa mùi nữa) trước khi đến bữa cơm Tất niên. Thủ tục lâu đời? Không, đây là mỹ tục, một nghi lễ.

Có khi, tôi cắm cả bó mùi già góc phòng tỏa hương thanh khiết. Thấy mùi già, là thấy Tết. Thấy, đâu cứ bằng mắt. Thấy, bằng mũi, bằng tai. Xuân đã lan âm thầm từ những hôm giá lạnh, các giác quan đều cảm nhận.

Mùa đông 2022 đến muộn, muộn vì mong mãi mới thấy rét. Đông thì phải ra đông, quy luật tưởng chân lý ấy đang bị phá vỡ bằng nhiều phi lý chưa từng có khi biến đổi khí hậu báo động toàn cầu.

Nào, chưa thấy mùi già thì có tinh dầu đây. Cô bán sản phẩm nói là 5kg lá mùi già tươi mới chưng cất được lọ tinh dầu 5ml này. Tinh tế không ở chốn đông náo loạn xô bồ. Tinh hoa luôn thuộc về số ít.

Xuân là mùa sáng tạo, họa sĩ, thi sĩ thường khai bút ngay giao thừa hay sáng đầu năm mới. Nhân gian thường quan niệm nhà thơ viết cho độc giả. Nhưng thực chất đọc tác phẩm, chính là "đọc" nhà thơ.

Chúng ta nhận từ thiên nhiên, hành tinh sự sống này bao điều quý giá, từ tài nguyên nước ngọt đến sự lao động cần mẫn của loài ong thụ phấn hoa, giúp cho sinh trưởng mùa màng; nhận từ mùa xuân diệp lục, sắc hương, sự sinh sôi, năng lượng mới. Trao đổi hai chiều mới phát triển bền vững, chúng ta đem gì đến mùa xuân?

Tân xuân là Tân niên, mùa mở, mùa đầu. Lệ nghìn năm khắp trái đất này, là nhà nhà dọn dẹp, lọc đồ cũ hỏng không dùng thì thanh lý hay vứt bỏ, mua sắm (trang phục, trang sức, giày, đồ dùng, xe...), tùy điều kiện kinh tế, quan niệm sống, tính cách và thời gian mà mỗi người, mỗi gia đình chi tiêu đón Tết khác nhau. Mọi thứ vật chất nhìn thấy được kia, sẽ không có "linh hồn" hòa nhịp xuân, khi chủ nhà không phấn chấn hay ý thức nhất định muốn có ít nhất một điều gì mới, khác, thay đổi tích cực... trong chính mình trước thềm năm mới.

Vì đông ít nên xuân đến sớm hơn. Công việc dồn dập chất chồng, năm nào cũng "ngộp" cữ cuối năm, năm nào cũng tự nhủ quyết tâm giải quyết xong, sao chưa khi nào thong dong "hết nợ" mà toàn vắt qua sau Tết Nguyên đán. Cuộc sống là thế, đủ thứ trách nhiệm, lo toan, thời gian lúc nào cũng thiếu, mấy ai được sống đúng mình, sống cho mình, dám là mình, như ý mình.

Tận sâu những bổn phận, giằng níu lắm khi khiến chúng ta gánh nặng quá tải ngược xuôi, lại là động lực thúc đẩy ta cố gắng, tạo sự gắn kết giữa mỗi người với gia đình, họ mạc, cộng đồng, xã hội.

Tết thú nhất là ở không khí đón Tết. Tết và xuân - mùa mỹ tục và lễ hội khắp trần gian. Thật có lỗi với mùa xuân, lỗi kéo dài của hầu hết mọi người, khi chỉ biết nhận từ xuân và gửi vào xuân nhiều hy vọng, ước mong, mà quên rằng: Bản thân đã chuẩn bị gì trong tâm thế, tâm hồn, tâm trí để trao cho xuân, có ý thức phấn đấu, tự thanh tẩy mình sạch lành, lắng lọc bản thân từ ý nghĩ, việc làm thật thiện, tử tế, trong khiết thiên lương để đón mùa xuân mới, để chờ để muốn để mơ nhận nhiều tốt đẹp hơn ở năm mới?

Khao khát thế, tôi thèm phố vắng sạch sáng mồng Một thiêng liêng. Tôi chưa một lần hào hứng và can đảm ra hồ Gươm đêm cuối năm. Tôi cũng chưa biết khi nào hết kinh hoàng về rác ngổn ngang sau đêm giao thừa mà truyền hình năm nào cũng phản ánh.

Đêm nào cũng có giao thừa. Mỗi đêm trước 0h, tôi đều kiểm việc đã làm, muốn mỗi ngày qua là một ngày đầy, và thường không cho mình ngủ sớm, ít nhất phải qua ngày mới 1 tiếng. Có hôm cấp bách việc nhiều, tôi trắng đêm. Vẫn biết thức thế hại sức khỏe, nhưng tình thế bắt buộc thì phải hy sinh. Mà chuyện thức đêm của tôi đã kéo dài 25 năm, đấy là chọn lựa hy sinh khi coi viết là lý tưởng sống. Thức qua 0 giờ, là cách tôi chuẩn bị cho giao thừa thiêng liêng nhất hàng năm.

Với tôi, văn chương là một tôn giáo mà tôi là tín đồ tận hiến.

Với tôi, sống đẹp là Đạo quan trọng nhất của kiếp người.

Sự tử tế không phải cao đàm khoát luận xa xôi, nó từ từng hành động nhỏ. Tin nhân quả, quý từng giây sống, tương lai tích mỗi chớp mắt, nên phải nỗ lực mỗi giờ.

Nghi thức, tập tục tắm lá mùi, vệ sinh trang hoàng nhà cửa, nhà lau nước thơm, bàn thờ đồ thờ kính cần lau bằng nước gừng, quế, nhưng chớ quên vệ sinh não. Tết là dịp thức dậy bao hồi niệm, nhưng để có chỗ cho ký ức bền vững, dung nạp những cái mới tốt đẹp thì phải biết loại, bỏ, xóa những gì đáng quên.

Vệ sinh não để não thư thái hơn, tinh thần phấn chấn hơn đón điều mới của mùa, của năm... với thời cơ, vận hội hay giản dị hơn là hẹn việc, dự định đặt ra hay từ năm cũ chưa làm hoặc chưa hoàn thành.

Sống đẹp, trước hết là sống trong. Trong lành, trong sáng. Sạch từ ý nghĩ, việc làm, chứ không chỉ sạch theo phạm vi dịch tễ.

Tắm rửa thân thể, tắm thơm tâm hồn, để kích hoạt mình năng lượng đầy, xuân, mãnh liệt hơn.

Giàu vật chất chưa chắc đã có cuộc sống thú vị, ý nghĩa nếu nghèo nàn, tẻ nhạt, đơn điệu, quẩn mòn, sáo nhạt, hời nông. "Dọn" mình để đón xuân, là đón những điều hay, ý thú trong thế giới thời 4.0 nhiều ảo - giả nhưng không quá khó để nhận chân giá trị.

Gần 60 năm trước, thi sĩ Trần Dần (1926 - 1997) đã công bố tập "Mùa sạch" (1964 - Nhà xuất bản Văn học, 1997). Ở đó, ông ước ao Hà Nội sạch, tất cả đều sạch, tinh khôi. Một tác phẩm cao thủ về chơi âm, kỹ thuật lũy tiến từ, lý tính, trí tuệ nhưng đầy lãng mạn.

"Anh vẫn tìm em qua thành phố sạch/ Qua tinh mơ xe cộ sạch/ Qua chiều sương tỏa lạnh sạch/ Anh vẫn tìm em qua chiều chủ nhật sạch/ Qua công viên trong vắt sạch/ Anh vẫn tìm em qua chiều thứ hai sạch/ Qua đôi môi mời sạch/ Qua Hồ Tây mây sạch/ Qua nhà đôi ngồi sạch/ Qua thơi thới ngày sạch/ Qua đôi giầy sạch/ Qua tia mắt ngân nga đường Bà Triệu sạch/ Qua vòng Bờ Hồ sạch/ Tìm em/ Anh vẫn tìm em qua chiều thứ tư sạch/ Qua Cổ Ngư sạch/ Qua Đường Thành thoai thoải sạch/ Qua nhà cây cậy sạch/ Tìm em/ Ơi em!/ Anh sẽ có em kề năm tháng sạch/ Có em kề khuya sáng sạch/ Anh đã tìm em qua mưa tuần lễ sạch/ Tìm em qua ban mai thành thị sạch/ Tìm em qua chiều tà tỉnh lỵ sạch/ Em nhỉ kề đôi năm thì sạch tháng thì giêng".

Đọc những câu hay nhất trong "Mùa sạch", tôi thấy mình muốn viết hay hơn, trong hơn, sâu hơn. Và nhất thiết phải riêng, phong vị tâm hồn. Từng chữ cái nghênh mùa mới thấm trí tuệ và thơm. Nói, viết, nghĩ - như là sống.

Tuỳ bút của Vi Thùy Linh
Tags:
Tags:
Tin khác
Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.