Thơ lục bát và những bà mẹ quê

Lê Hồng Khánh - Thứ Ba, 27/12/2022 , 06:20 (GMT+7)

Dù các bà mù chữ, thậm chí không biết thế nào là 'ca dao', nhưng trong hàng ngàn câu lục bát ấy, vần vè, niêm luật đâu vào đó, phá thể y chang đúng cách.

Trên dòng sông quê tôi.

Xóm bờ sông An Khánh quê tôi (làng Thọ Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) có hai người phụ nữ mà người làng, vào độ tuổi ngoài lục thập như tôi, ai cũng biết.

Người lớn tuổi hơn là bà Một Út, gọi theo tên con như tục của làng, là bà Dựa, mẹ của anh Lê Văn Dựa, sau đổi là Lê Văn Chỉnh. Hai mẹ con đã thành người thiên cổ vài mươi năm rồi.

Người nhỏ tuổi hơn là bà Mai (gọi theo tên con), tên cúng cơm là Lê Thị Em. Bà Mai là mẹ của anh Nguyễn Văn Minh. Anh Minh, anh Dựa, và tôi học cùng lớp vỡ lòng (bây giờ gọi là mẫu giáo) ở chùa xóm Gò, sau lên học trường 5 lớp (trường tiểu học của làng) cũng ngồi chung nhau. Bà Mai mất cách đây chừng 10 năm. Nếu còn sống, bà Dựa ngoài trăm tuổi, bà Mai cũng qua cửu thập. Cả hai bà đều có cái miệng rất duyên, luôn sẵn nụ cười chúm chím trên đôi môi nhai trầu đỏ thắm. Bà Mai còn quấn lọn tóc trên đầu bằng một mảnh ruy băng rất điệu đà.

Cả hai bà đều xuất thân là những người nông dân rất nghèo. Tuổi nhỏ, đi làm con sen, con ở cho nhà người ta, một chữ bẻ đôi không biết. Ấy vậy mà bài vè “Cháy nhà bà Nhân” dài mấy trăm câu, bà Dựa vừa đọc vừa diễn từ đầu đến cuối không quên một từ. Bà Mai thì thuộc hàng ngàn câu thơ lục bát, nhiều câu trữ tình hay đến mê ly. Biết bao nhiêu là tên đất, tên người quê tôi hiện ra trong những câu thơ từ cửa miệng của hai bà: Rộc Cổ, bến Biền, Xích Hậu, chợ Hố, bến Đá, cửa Khâu…

Tài ứng tác của hai bà thì khỏi nói, bất cứ chuyện gì xảy ra ở làng, đều lập tức từ miệng hai bà bật ra mấy câu như sắp sẵn trong đầu. Dĩ nhiên, không phải câu nào cũng hay, chính xác hơn, hầu hết là những câu kể có vần, trong đó nhiều câu tếu táo, thậm chí mượn lời nói tục để giễu cợt, chọc cười. Thì vậy thôi, thơ ca ở chốn quê mùa, bãi mía nương dâu, chủ yếu để kể chuyện, giải khuây, may ra có ngài Khổng Tử bên Tàu mới san định thành Kinh Thi cho người đời sau học đạo.

Mà lạ, dù các bà mù chữ, thậm chí cũng không biết thế nào là “ca dao”, nhưng trong hàng ngàn câu lục bát ấy, vần vè, thanh điệu, niêm luật đâu vào đó, biến thể, phá thể đều y chang đúng cách. Rất nhiều khi tôi ngồi nghe các bà vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa đọc ca dao mà thầm nghĩ: Gọi là tiếng mẹ đẻ là thế này đây. Chuỗi âm thanh nằm trong hơi thở, lặn vào những mạch máu li ti trong huyết quản. Cái tiếng từ vành nôi, từ lời ru của bà mẹ nghèo đưa giấc mơ của đứa con thơ đến với cánh đồng thơm hương lúa.

Có nhiều ý kiến về nguồn gốc câu thơ lục bát, trong đó có thuyết nhắc đến một thể thơ của dân tộc Chăm. Tôi không có điều kiện tìm hiểu sâu về chuyện ấy. Chỉ biết rằng, thơ lục bát có cả một kho tàng chất ngất trong ca dao - dân ca người Việt, có đỉnh chữ ngút trời trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, có những nỗi niềm lắng sâu thăm thẳm trong thơ Huy Cận, Đinh Hùng, Nguyễn Đình Thư, Phạm Thiên Thư, Cung Trầm Tưởng…

Về phần tôi, bà ngoại, mẹ tôi cùng với hai người phụ nữ mà tôi kể ở trên và biết bao nhiêu bà mẹ, biết bao bậc cha anh mà tôi đã gặp trên những nẻo đường điền dã, thực sự là những người thầy, người thân mà tôi mang nợ suốt đời. Không có họ, cuốn sách "Ca dao Quảng Ngãi" (NXB Thông tin Truyền thông, 2014) của tôi mãi mãi cũng chỉ là một ao ước chẳng thể thành hình.

Làng Thọ Lộc, tháng 12/2022.

Lê Hồng Khánh
Tin khác
Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.