Xây dựng hệ sinh thái Halal
Tháng 4 vừa qua, Cơ quan chứng nhận Halal Việt Nam - HALCERT ra đời, được các đối tác quốc tế đánh giá là một cột mốc quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế Halal toàn cầu.
"Bằng cách áp dụng chứng nhận Halal, Việt Nam khẳng định mình là nguồn cung cấp sản phẩm Halal đáng tin cậy, mở ra cơ hội mới cho các nhà sản xuất Việt Nam trên thị trường quốc tế. Sáng kiến này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực Halal mà còn góp phần vào thành công chung của nền kinh tế hướng đến xuất khẩu của Việt Nam", Tiến sỹ Yousif S.AlHarbi, Phó Chủ tịch Trung tâm Halal Saudi nhận định.
Mặc dù các tiêu chuẩn Halal có thể tương đối mới đối với Việt Nam, nhưng các giá trị cốt lõi mà chúng đại diện như sự tinh khiết, tính đạo đức và tôn trọng thiên nhiên thì đã bén rễ sâu trong văn hóa Việt Nam.
Lãnh đạo Trung tâm Halal Saudi cho rằng, câu nói “Ăn sạch, sống khỏe” của người Việt, hoàn toàn phù hợp với bản chất của Halal. Đó là đảm bảo những gì chúng ta tiêu thụ vừa tinh khiết, vừa có lợi cho sức khỏe và tinh thần.
Sự phù hợp về các giá trị này mang đến cho Việt Nam một cơ hội tuyệt vời để tích hợp trơn tru các nguyên tắc Halal và mở rộng các sản phẩm của mình trên thị trường toàn cầu.
Ở góc độ của mình, Tiến sỹ Yousif S.AlHarbi tin rằng hợp tác quốc tế là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Halal toàn cầu. Ông cũng khẳng định lại cam kết của Saudi Arabia trong việc hợp tác với Việt Nam để phát triển hệ sinh thái Halal mạnh mẽ.
"Bằng cách hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam, chúng tôi hướng tới đảm bảo rằng chứng nhận Halal tại Việt Nam không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn mà còn được công nhận trên phạm vi quốc tế, qua đó giúp các sản phẩm của Việt Nam tiếp cận các thị trường mới và mở rộng năng lực xuất khẩu của đất nước", Phó Chủ tịch trung tâm chia sẻ.
Theo đó, sự hợp tác này sẽ huy động các nguồn lực và chuyên môn kỹ thuật để hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong việc đáp ứng nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm Halal được chứng nhận.
Ngoài ra, các hoạt động này sẽ góp phần củng cố nền kinh tế của cả hai nước, tăng cường an ninh lương thực và thúc đẩy các giá trị chung của hai quốc gia về sản xuất đạo đức và bền vững.
"Trung tâm Halal Saudi mong muốn dẫn đầu ngành công nghiệp Halal toàn cầu trong việc thống nhất và phát triển. Tầm nhìn của chúng tôi là xây dựng cầu nối giữa các quốc gia, hỗ trợ việc thiết lập cơ sở hạ tầng Halal vững mạnh mang lại lợi ích cho cả người sản xuất và người tiêu dùng", lãnh đạo cơ quan này nhấn mạnh thêm.
Trong bối cảnh Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng Halal toàn cầu. Với nguồn tài nguyên dồi dào, vị trí địa lý chiến lược và cam kết về chất lượng, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để trở thành một trung tâm lớn cho các thành phần và sản phẩm được chứng nhận Halal.
Mở rộng ra, bằng việc kết hợp các nguyên tắc Halal vào quy trình sản xuất, Việt Nam có thể tạo ra các sản phẩm thu hút lượng người tiêu dùng rộng rãi trên toàn thế giới, vượt xa thị trường Hồi giáo.
Cần có bộ tiêu chuẩn thống nhất
Việt Nam hiện đang là một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á với sự phát triển liên tục và mạnh mẽ và ngành công nghiệp Halal đang mở ra nhiều cơ hội to lớn cho Việt Nam.
Tuy nhiên, lợi ích từ ngành công nghiệp Halal chỉ có thể được phát huy toàn diện khi chúng ta áp dụng các tiêu chuẩn chung và tuân thủ các quy trình kiểm định của chứng nhận Halal.
Đại diện Viện Tiêu chuẩn và Đo lường các Quốc gia Hồi giáo (SMIIC) cho rằng, đây chính là lúc vai trò của đơn vị này được thể hiện. Cụ thể, SMIIC là một tổ chức được thành lập bởi Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) vào năm 2010. Công việc của SMIIC trong việc phát triển hệ thống tiêu chuẩn Halal thống nhất trên toàn cầu.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn Halal thống nhất trong ngành công nghiệp Halal chắc chắn sẽ hỗ trợ nhiều cho Việt Nam trong tăng trưởng kinh tế, khuyến khích đổi mới sáng tạo và mở ra một kỷ nguyên mới của quan hệ đối tác toàn cầu.
Do vậy để hội nhập thành công vào hệ sinh thái Halal toàn cầu, việc tuân thủ các tiêu chuẩn OIC/SMIIC sẽ là chìa khóa quan trọng giúp Việt Nam duy trì sự phát triển bền vững của ngành Halal.
Ông Ihsan ÖVÜT, Tổng Thư ký SMIIC cho biết, tổ chức này hiện có 17 phòng ban kỹ thuật, làm công tác phát triển và chỉnh sửa các tiêu chuẩn OIC/SMIIC theo nhu cầu của nền công nghiệp Halal. Các tiêu chuẩn OIC/SMIIC được biên soạn theo quy trình chuyên nghiệp nhất được đề cập trong các thông lệ quốc tế.
"Tính đến năm 2024, chúng tôi đã ban hành 58 tiêu chuẩn, trong đó có 20 tiêu chuẩn cho các vấn đề trong ngành Halal. Các tiêu chuẩn này trải dài trên nhiều phạm trù như thực phẩm Halal, chất phụ gia, du lịch, gelatin, hệ thống quản lý Halal, thức ăn chăn nuôi, dược phẩm, chuỗi cung ứng và còn nhiều lĩnh vực khác", Tổng Thư ký Ihsan ÖVÜT thông tin thêm.
Họ cũng đang có những dự án tiêu chuẩn về nhiều vấn đề khác trong ngành công nghiệp Halal như tiêu chuẩn về dịch vụ cung cấp bữa ăn Halal trên tàu, nhận dạng sản phẩm chứa thịt lợn, bao bì Halal, chăm sóc sức khỏe theo dịch vụ du lịch Halal, du lịch y tế Halal, đạo đức và giá trị Hồi giáo trong hệ thống quản lý Halal... Dự kiến, những tiêu chuẩn này sẽ sớm được công bố tới người tiêu dùng trong thời gian tới.
Có thể thấy, một bộ tiêu chuẩn thống nhất không chỉ giúp xây dựng lòng tin với người tiêu dùng mà còn tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại xuyên biên giới.
Điều này sẽ giúp chứng nhận Halal không cần phụ thuộc vào hệ thống công nhận của từng quốc gia, đồng thời thúc đẩy niềm tin, tính minh bạch và sự nhất quán của hệ thống tiêu chuẩn trên toàn thế giới.
Với 47 thành viên từ 4 châu lục khác nhau, SMIIC đang mở đường xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng toàn cầu thống nhất và vững mạnh về tiêu chuẩn Halal.