Sáng 22/4, Bộ NN-PTNT tổ chức tọa đàm “Sách cho bạn, cho tôi” với chủ đề “Sách với nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.
Chương trình có sự tham gia của Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội các ngành Sinh học Việt Nam, GS.TS Nguyễn Xuân Trạch, nguyên Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Trong triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, người nông dân được xem là chủ thể, được đặt vào vị trí trung tâm. Nhưng muốn thực hiện được vai trò chủ thể và tương xứng với vị trí trung tâm, điều cần phải làm là nâng cao năng lực người nông dân qua tri thức hóa và sách chính là công cụ.
Lấy ví dụ từ hai cuốn sách “Cuộc cách mạng rau sạch” của tác giả Toshimichi Yoshida, một người tiên phong trong phong trào trồng rau sạch, và cuốn tiểu thuyết hiện thực “Quả táo thần kỳ của Kimura”, về người nông dân “lập dị” của Nhật Bản trong hành trình 20 năm theo đuổi ước mơ trồng táo không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ về ngôn ngữ sử dụng trong sách dành cho người nông dân.
Theo đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng sách viết cho nông dân không những cần truyền tải kiến thức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp mà còn cần truyền tải tinh thần, niềm tin và sự nhẫn nại trên con đường làm nông nghiệp khi gặp khó khăn mất mát.
Bộ trưởng kỳ vọng trong tương lai sẽ có những đầu sách “tích hợp” có thể chia sẻ đến người nông dân từ kỹ thuật, kiến thức, tri thức nông nghiệp song hành cùng cách thức chế biến, kinh doanh, từ đó đưa câu chuyện tri thức hóa người nông dân đi vào thực tiễn.
“Sách cho nông dân đọc phải viết bằng ngôn ngữ của nông dân, tránh diễn đạt quá hàn lâm, ngôn ngữ hình ảnh phải đơn giản, dễ hiểu, súc tích, để bà con dễ dàng tiếp cận kiến thức”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.
Chia sẻ với ý kiến của Bộ trưởng, GS.TS Nguyễn Xuân Trạch, nguyên Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết sách là yếu tố quan trọng để xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội các ngành Sinh học Việt Nam mong muốn các Viện, trường thuộc Bộ NN-PTNT có thể cùng đóng góp, xây dựng nội dung sách đúng hướng để sinh viên ngành nông nghiệp có kiến thức đi vào thực tiễn.
Cũng nằm trong chuỗi hoạt động về sách, Bộ NN-PTNT tổ chức Chương trình "Thiếu nhi đọc sách cùng Xích Lô". Tại đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ về ý nghĩa của việc đọc sách và kêu gọi thiếu nhi, là con em các đoàn viên, thanh niên, cán bộ của Bộ cùng xây dựng thói quen đọc sách hàng ngày để nâng cao tri thức, phát triển bản thân.
Chiều cùng ngày, diễn giả Nguyễn Quốc Vương đã tới chia sẻ với đoàn viên, thanh niên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ về chuyên đề: “Đọc sách trong thời kỳ kỹ thuật số”.
Theo diễn giả Nguyễn Quốc Vương, với mỗi quốc gia và dân tộc, văn hóa đọc là nền tảng cơ bản nhất để phát triển bền vững và có vị thế trên thế giới; các sản phẩm của văn hóa đọc trở thành hàng hóa “đắt giá” trong kinh tế toàn cầu. Còn đối với cá nhân, sách là phương pháp, cách thức giải trí lành mạnh, ít tốn kém, cũng như là phương pháp học tập chủ động, học tập suốt đời.
Do đó, đọc sách phải cân bằng giữa yếu tố sâu và rộng để vừa phục vụ công việc, vừa ứng dụng vào đời sống tinh thần của mỗi tập thể và cá nhân.
Dẫn lời của chuyên gia Giản Tư Trung: “Muốn có văn hóa đọc phải có văn hóa học”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, chúng ta không thể cầm cuốn sách lên đọc mà bản thân không muốn học.
Bộ trưởng cũng chia sẻ rằng việc học là thái độ chứ không chỉ là học tri thức và kêu gọi sinh viên, cán bộ Bộ NN-PTNT cần xây dựng thái độ ham học hỏi, ham khám phá, để kích hoạt bản thân, bắt nguồn từ thói quen đọc sách, tiếp cận tri thức. Từ đó, sự thay đổi của một con người có thể dẫn đến sự thay đổi tích cực của cả một cộng đồng.