Hôm nay, khi viết những dòng này, tôi thấy ở ngoài kia, đằng xa, phía không có người, trong ánh sáng một ngày hè, Jaromil. Tôi muốn nói với cậu rằng tôi luôn hiểu cậu, tôi đã muốn khóc khi đọc về đoạn cậu làm thơ, chưa bao giờ tôi cảm nhận được nỗi đau của khao khát diễn tả cái đẹp sâu đến thế.
Có lần, tôi trò chuyện với một cậu học trò, cậu ấy kể nhiều chuyện về Phật, tôi bảo là tôi đọc sách không nhớ được mấy, nhưng đọc truyện thì lại hay thích. Tôi kể ngày xưa tôi đọc "Câu chuyện dòng sông" và tôi thích lắm lắm, đoạn đầu.
Hồi đầu năm, cậu học trò gặp tôi và bảo cậu ấy đã đọc, và cũng thích "Câu chuyện dòng sông", và cậu ấy khuyên tôi nếu thế thì cô nên đọc "Đường xưa mây trắng", cậu bảo nếu cô đã thích những phân tích suy nghĩ của nhân vật thì đọc cuốn này cô sẽ thấy những trăn trở được diễn đạt sâu sắc hơn nhiều.
Mấy ngày sau, tình cờ tôi thấy trên giá sách của bố tôi cuốn đó, tôi lấy xuống đọc. Tôi chưa đọc hết, chỉ đọc những đoạn mà tôi nghĩ mình sẽ thích nhất thôi.
Đọc rồi, cái ý nghĩ ấy, cái ý nghĩ đã từng nhen nhúm trong tôi ấy, mà tôi đã từng rất muốn diễn đạt nó, hiện ra, nhưng dưới một ánh sáng khác. Phải, tôi đã từng rất mong diễn đạt được rành mạch và thấu đáo những ý nghĩ về việc vì sao người ta thích đọc một cuốn sách nào đó. Tôi đã có những cảm nhận, nhưng tôi không biết diễn đạt, vì cảm nhận thì mong manh mà diễn đạt thì cần phải chặt chẽ.
Tôi đã đọc nhiều đoạn trong "Đường xưa mây trắng", tôi đã cảm phục, tôi đã thích thú, cũng có thể tôi đã cảm động. Nhưng tôi đã không có được sự xao động mơ hồ mà sâu thẳm như khi xưa tôi đọc "Câu chuyện dòng sông". Có thể có nhiều cách để giải thích điều này, nhưng hôm nay tôi muốn giải thích nó theo cách mà tôi muốn, theo cách mà nhờ có nó tôi sẽ diễn đạt được cái cảm nhận mong manh về việc đọc sách kia của tôi.
Tôi muốn gọi tên sự vật, có thể nếu tôi gọi tên nó một cách chính xác thì tôi sẽ đặt được tên cho bài này. Đó có phải là "sự bình đẳng" không. Chữ này không quá sai, nhưng sao nó khô khan đến vậy. Những mong manh mơ hồ ấy cần đến một từ ngữ mềm mại và thân thương hơn.
Tôi ngồi ở sân bay, người qua lại nhốn nháo, tôi rất thích những cảnh vật như thế, như thể tôi đang trôi trong một dòng sông, như thể tôi đang nhìn thấy tất cả mà không nhìn thấy gì. Người ta vẫn hay nói, hạnh phúc giống như sức khỏe, khi ta không nghĩ đến nó là ta đang có nó. Tôi thì nghĩ ngược lại, tôi luôn muốn mình cảm nhận được hạnh phúc trong từng giây từng phút mình có nó, tôi còn có cái mong muốn điên rồ là gọi tên nó, diễn đạt nó, chìm sâu vào phân tích và cảm nhận nó.
Đúng, tôi đang muốn chìm sâu vào và phân tích niềm hạnh phúc khi tôi đọc "Câu chuyện dòng sông", khi tôi đọc rất nhiều đoạn trong các cuốn sách của Kundera, và có thể cả những cuốn khác nữa, nhưng tôi sẽ không có thời gian nếu quá sa đà. Vì sao tôi lại nghĩ đến chữ "bình đẳng" nhỉ, có phải vì tôi nhớ đến một đêm khuya, trong ánh sáng mờ ảo dưới bầu trời và những rặng cây, Jane đã nói với ông Rochester “Hiện tôi nói chuyện với ông đây không phải là theo tập tục, theo quy ước, mà cũng không phải là qua con người bằng xương bằng thịt; đây chính là linh hồn tôi nói chuyện với linh hồn ông, như thể ông và tôi đều đã qua những nấm mồ và cùng đứng bình đẳng với nhau dưới chân Thượng đế... như hiện chúng ta đang bình đẳng!”.
Đúng, tôi đã cảm nhận thấy sự bình đẳng ấy khi đọc những cuốn sách tôi thích. Tôi sẽ cố gắng diễn đạt điều này thật sáng tỏ.
Tôi nghĩ đến Nguyễn Bính, thơ của ông gần gũi, thân thuộc, rất nhiều người thấy những tình cảm của mình được ông diễn đạt sao giản dị và chính xác. Tôi nghĩ đến những câu người ta vẫn hay bình luận về một tác phẩm nào đó, như, nhà văn này đã nói hộ chúng ta những suy nghĩ của chúng ta, ông đã diễn tả được những điều mà chúng ta cảm nhận nhưng không biết diễn tả, ông đã nói thay cho tiếng nói của cả một lớp người, cả một thế hệ, vv (ôi không, tôi không hề có ý định chỉ trích gì đâu, chỉ là vì không viết theo cách cẩn thận hơn được, nên cứ nhớ gì viết nấy).
Nhưng đó không phải là điều làm nên hạnh phúc của tôi khi đọc sách. Tôi nhớ lại những giây phút cảm động nhất của tôi.
Tôi nhớ đến cách đây gần 6 năm, khi đọc Kundera nói về sự cảm thông trong "Đời nhẹ khôn kham". Teresa nằm mơ thấy mười đầu ngón tay của mình bị kim đâm. Cô hét lên trong giấc ngủ, và cô kể cho Tomas. Qua giấc mơ của Teresa, Tomas biết cô đã khám phá ra việc ngoại tình của mình. Tomas, người luôn coi trọng sự riêng tư hơn cả phụ nữ, phút giây ấy cảm nhận đầu tiên là gì? Cảm nhận đầu tiên của Tomas là thấy đau điếng, như thể những dây thần kinh ở mười đầu ngón tay bị kim đâm của Teresa đang chạy thẳng lên óc mình. Tomas, vào phút giây ấy đã cảm nhận nỗi đau hệt như Teresa cảm nhận. Đó là sự cảm thông. Đó là tình cảm mà Kundera gọi là chia sẻ và cao quý nhất trong các tình cảm.
Khi đọc đến đoạn này, tôi gấp sách lại, nhìn lên trần nhà. Trên trần nhà có Kundera, và dưới trần nhà, có tôi. Duy nhất, một mình tôi.
Tôi nhớ đến cách đây 8 năm khi đọc "Cuộc sống không ở đây". Jaromil làm thơ.
"Bài thơ của cậu đầy những nét xấu xa của chủ nghĩa tự nhiên; Jaromil không quên cả những chiếc răng vàng, cả mủ ở khóe mắt, cả cái bụng nhẽo nhợt; nhưng đằng sau sự tàn bạo của những chi tiết này, có một ham muốn cháy bỏng giới hạn tình yêu vào sự vĩnh cửu, vào sự không thể phá bỏ, vào những gì có thể thay thế vòng tay người mẹ, vào những gì không được đặt cạnh nhau lúc đó, vào những gì là cái trung tâm không là gì ngoài trung tâm, vào những gì có thể vượt qua quyền lực của cơ thể; cái cơ thể ngồn ngột có vũ trụ trải ra trước cậu như một lãnh địa hoang vắng nơi cư ngụ của sư tử". (Trích mục 22 Phần 3 - Nhà thơ thủ dâm).
Khi tôi đọc đến đoạn này, tôi gấp sách lại, nhìn lên trần nhà. Trên trần nhà có Kundera, và dưới trần nhà, có tôi. Có thể, ở đâu đó, lơ lửng, có Jaromil. Nhưng chỉ thế thôi, ngoài ra, không ai khác.
Và còn nhiều những giây phút như thế nữa, như khi tôi đọc “kỷ niệm là một hình thức của sự lãng quên”.
Những khi đó, tôi luôn chỉ thấy có mình tôi ở đó, đối diện với tác giả. Những khi đó, tôi cảm thấy, tác giả đã đâm thẳng vào cảm nhận của tôi, lôi ra từ đáy sâu những ý nghĩ chưa thành hình. Nhưng không chỉ có thế, và điều này thậm chí còn quan trọng hơn: những khi đó, tôi cảm thấy, chính tôi, cũng đang đâm vào tác giả. Tôi muốn nói với ông rằng: tôi hiểu hết, tôi cảm nhận được hết, những điều ông nói.
Tôi vẫn hằng mong gặp được những tác giả không viết hộ ai, không viết hộ một thế hệ nào, không viết vì một mục đích nào, mà chỉ viết cảm nhận của chính mình, riêng tư, trong thế giới của những trải nghiệm mà ông đã sống qua hay ông đã tạo ra. Chỉ có tác giả trước trang sách, cô độc. Và giờ đây, cũng chỉ có mình tôi trước trang sách, cô độc. Đó là một giây phút ích kỷ tuyệt vời, chỉ có tôi và tác giả, bình đẳng trước Thượng đế.
Tôi không cần biết những người khác có cảm nhận được ông hay không, tôi chỉ cần biết là lúc này đây, dưới trần nhà và trong ánh sáng buổi chiều chập choạng, có hai linh hồn đang bình đẳng. Và chỉ có hai linh hồn ấy. Không còn khoảng cách giữa một nhà văn lớn và một kẻ ít đọc, giữa một con người từng trải và một kẻ ít trải nghiệm, chỉ là sự cảm nhận tuyệt đối. Có lẽ nó cũng gần như một sự cảm thông vậy.
Hôm nay, khi tôi nhớ lại “Đường xưa mây trắng”, tôi hiểu vì sao tôi đã không có được giây phút ích kỷ tuyệt đối ấy, bởi vì tôi không có được cảm nhận về sự bình đẳng. Bởi vì tôi thấy ở đó một bài học, một đường hướng. Tôi chỉ là một học trò đọc sách, một học trò đang được khai phá cho vỡ vạc ra, tôi không thể chết đi và trở thành một linh hồn đứng bình đẳng với người thầy đã tạo nên cuốn sách.
Hôm nay, khi nhớ lại những nhà thơ đáng mến như Nguyễn Bính, tôi hiểu vì sao tôi không có được sự bình đẳng của hai linh hồn đã qua cái chết, bởi vì tôi không có được cảm nhận về sự ích kỷ. Bởi vì tôi được bao quanh bởi nhiều người, bởi vì những cảm xúc được ông diễn tả ấy không phải là cảm xúc ở tầng dưới cùng trong tâm hồn tôi. Và tôi đau lòng nhận ra rằng, hình như rất hiếm có nhà văn Việt Nam nào cho tôi những giây phút ích kỷ tận cùng.
Hôm nay, khi viết những dòng này, tôi thấy ở ngoài kia, đằng xa, phía không có người, trong ánh sáng một ngày hè, Jaromil. Tôi muốn nói với cậu rằng tôi luôn hiểu cậu, tôi đã muốn khóc khi đọc về đoạn cậu làm thơ, chưa bao giờ tôi cảm nhận được nỗi đau của khao khát diễn tả cái đẹp sâu đến thế.
Hôm nay, tôi nhìn thấy một dáng người ngồi bên một dòng sông, và lắng nghe từ sâu thẳm dòng sông một tiếng Om.
Ghi chú:
"Câu chuyện dòng sông", Hermann Hesse
"Đường xưa mây trắng", Thích Nhất Hạnh
"Đời nhẹ khôn kham", Kundera
"Cuộc sống không ở đây", Kundera
"Jane Eyre", Charlotte Brontë
"Giây phút ích kỷ tuyệt vời" - chữ trong Man Nương, Phạm Thị Hoài.
Phan Thị Hà Dương
(Sân bay Kuala Lumpur, 7h - 9h sáng, 15/04/2011)