Tôi đọc "Đời nhẹ khôn kham" lần đầu tiên tại Pháp và trong suốt nhiều năm tháng tôi không thể cảm thấy quen thuộc với việc coi mọi sự là nhẹ bồng của Tomas. Sự nhẹ bồng bông lơn và vì vậy có sức quyến rũ của anh đối với các cô gái là điều gì đó xa lạ, cũng gần như Don Juan vậy.
Nhưng gần đây đọc lại, mỗi ngày tôi mỗi thấy sức nặng của Tomas, mỗi ngày anh lại trở nên bớt xa lạ hơn, và chính vì vậy, mâu thuẫn và trớ trêu thay, lại quyến rũ hơn.
Tôi nhận ra với Tomas không chỉ việc có nhiều người phụ nữ là nhẹ bồng, mà cả sự nghiệp, hay đúng hơn công việc cũng là nhẹ bồng. Và chỉ điều này mới thật sự là khám phá mới tôi có.
Tomas là bác sĩ phẫu thuật, anh rất yêu thích công việc của mình, nó gần như là lẽ sống, là việc duy nhất anh muốn làm. Vậy nhưng anh đã lựa chọn từ bỏ nó. Cán cân bên kia của sự lựa chọn là anh đã không chịu đính chính bài viết của mình trên báo, một bài viết mà dù anh tâm đắc cánh mấy thì cũng chỉ là vô thưởng vô phạt. Trong bài viết đó anh ví những người đã có lỗi với lịch sử (dù là do thiếu hiểu biết) thì cũng như Oedipus vì không biết mà đã giết cha cưới mẹ, nhưng sự khác nhau là họ khi nhận ra sai lầm vẫn sống và lấy "sự không biết" biện minh cho hành động quá khứ còn Oedipus khi nhận ra lỗi của mình đã tự chọc mù hai mắt.
Vậy là Tomas người cả đời chỉ gắn bó với bàn mổ, đã ra đi, vất vưởng ở vài trạm xá vớ vẩn, rồi làm anh thợ lau cửa kính và cuối cùng là lái xe tải ở nông thôn để rồi chết (thảm) trong một tai nạn cùng vợ mình.
Bằng sự lựa chọn không khuất phục trước cường quyền và buộc lòng coi nhẹ công việc của mình, anh có lẽ đã được xếp vào hàng ngũ trí thức dũng cảm. Nhưng lại một lần nữa ở đây, điều đó với anh cũng là nhẹ bồng. Khi được thuyết phục ký vào một lá thư yêu cầu trả tự do cho tù nhân chính trị, việc mà anh cũng có lẽ đồng tình, thì anh đã từ chối vì những lý do hết sức vu vơ. Sự từ chối này hẳn đã gây thất vọng cho các trí thức dũng cảm đã tưởng như cùng chiến tuyến với anh.
Vậy là Tomas ở lưng chừng, không về bên nào, và nhẹ bồng như chiếc lá bay về nông thôn lái xe tải.
Nhưng chỉ khi này đây, trong giới hạn tận cùng của sự nhẹ bồng, tôi mới nhận ra Tomas, nặng trĩu đè xuống cuốn truyện. Một mình anh thôi, chẳng cần ma nào cả. Trong sự khước từ tất cả mọi đe doạ của cường quyền cũng như mọi thuyết phục của đồng đội, trong sự coi nhẹ tất cả những điều với nhân gian là nặng trĩu ấy, ta mới thấy ở bên kia cán cân là cả khối nặng gấp ngàn lần. Khối nặng ấy là chính anh. Tomas chỉ coi trọng chính anh. Anh đã không vì bất cứ một áp lực nào mà thay đổi mình. Cả sự nghiệp, và có lẽ cả danh dự hay hình ảnh trong mắt thế gian, thảy đều không đáng kể.
Chính trong sự buông bỏ "anh không có sứ mệnh nào cả, không ai trên đời có sứ mệnh nào cả" (lời anh nói với Tereza vào những ngày cuối) đã biến anh thành con người hạnh phúc.
Chữ hạnh phúc có lẽ là mâu thuẫn khi Tomas và Tereza chết ngay lập tức trong tai nạn xe tải, cũng có thể anh say, cũng có thể xe hỏng. Nhưng ở đây rõ ràng đã có sự ưu ái của Kundera khi cái chết của Tomas là cái chết trong những ngày tháng bình yên và ngập tràn tình yêu thương với vợ anh, Tereza. Chắc hẳn là trước khi lên xe tải, họ đã nhảy bên nhau, dịu dàng hay lả lơi trong tiếng nhac, họ đã yêu thương nhau trọn vẹn và đi về thiên đường trong nụ cười.
Kundera ngược lại đã rất bất công với con người tốt bụng Frank khi bắt anh phải chết trong câm lặng và cùng cực phẫn uất bên một người vợ mà mình căm ghét và đang diễn vở bi hài kịch trên cơn hấp hối của mình.
Vì sao lại như vậy? Vì sao có sự bất công như vậy? Đời vẫn vậy, Kundera cũng như phụ nữ có sự mẫn cảm trong tình yêu. Tôi nhớ Nguyễn Huy Thiệp có viết về việc cô Giang tự tử bên mộ Nguyễn Thái Học, đại ý: phải là một người đàn ông đáng kể thế nào thì mới có một người con gái chết vì mình; và phụ nữ là những người rất mẫn cảm, họ có thể nhận ra được người đàn ông đáng kể.
Vậy đó, vậy là Tomas, vẻ như kẻ trăng hoa, nhưng đã được cả hai người phụ nữ Tereza và Sabina yêu say đắm, là bởi anh có sức nặng và chỉ những người phụ nữ mới cảm nhận được sức nặng đó. Và anh đã sống một đời là chính mình để được chết trong hạnh phúc.
NHÀ VĂN MILAN KUNDERA QUA ĐỜI
Tôi vừa được một bạn văn báo tin ông mất. Cảm giác của tôi là thẫn thờ. Cảm giác của một người đọc ông và dịch ông đầu tiên ở Việt Nam. Tôi chưa được gặp ông ngoài đời vì không có dịp, và nhất là vì thái độ dứt khoát của ông không muốn trưng mình ra trước bàn dân thiên hạ. Muốn biết ông hãy đọc các tác phẩm của ông, thế là đủ. Chính vì vậy các sách của ông in ở đâu cũng không có dòng nào tiểu sử, không có dòng nào đánh giá, nhận xét của ai cả. Ngay ở Pháp ông cũng chỉ cho ghi một dòng thế này ở mặt trong sách: "Milan Kundera sinh ở Tiệp Khắc năm 1929 và từ 1975 sống ở Pháp". Chỉ thế. Còn lại chỉ có chữ trong sách. Và đó là con người ông.
Một điều lạ là tuy không gặp nhau, tuy không đọc tiếng Việt, nhưng nghe các bạn làm bản quyền ở Nhã Nam kể thì khi CV dịch giả của tôi gửi đến là được ông chấp nhận nhanh chóng. Có lẽ đó là một cái duyên văn chương cho tôi.
Ông mất khi ở Việt Nam các sách dịch của ông đang được ông cho tái bản. Mấy năm trước là ba tiểu thuyết tôi dịch (Sự bất tử, Chậm, Căn cước). Năm nay là các tập tiểu luận do nhà văn Nguyên Ngọc dịch (Những di chúc bị phản bội, Nghệ thuật tiểu thuyết). Năm trước tiểu thuyết "Sách cười và lãng quên" của ông qua bản dịch của tôi cũng đã xuất bản.
Milan Kundera chia tác phẩm của mình thành hai loại. Loại đầu gồm sáu cuốn ông viết bằng tiếng Pháp và bảy cuốn dịch từ tiếng Czech mà tác giả cảm thấy hài lòng. Bảy bản dịch này đều có dòng ghi "có cùng giá trị như bản gốc tiếng Czech". Loại hai gồm các tác phẩm văn học được viết trước "Trò đùa" như "Con người, khu vườn rộng" (thơ, 1953), "Những độc thoại" (thơ, 1957), "Người giữ chìa khóa" (kịch, 1962) và "Nghệ thuật tiểu thuyết" (tiểu luận, 1960), tất thảy chúng theo ý ông đều là "vô giá trị".
Năm 2003, trong cuộc trò chuyện tại Paris với Yu Zhongxian, dịch giả tiếng Trung của ông, khi Yu hỏi ông thích cuốn nào trong các tác phẩm của mình, ông đáp: "Thật khó nói tôi thích cuốn nào nhất. Nói một cách tương đối thì tôi thiên về cuốn "Sự bất tử".
Sơ lược tiểu sử Milan Kundera: Ông sinh ngày 1/4/1929 tại Brno (Tiệp Khắc cũ). Sau Thế chiến II ông làm công nhân và nhạc công chơi nhạc jazz. Khoảng thời gian 1948 - 1952 ông học Đại học Charles ở Praha về âm nhạc học, văn học, mỹ học, đạo diễn phim và biên kịch.
Thời thanh niên sôi nổi Kundera đã gia nhập Đảng Cộng sản Tiệp Khắc năm 1948. Nhưng hai năm sau ông đã bị khai trừ vì những "hoạt động chống đảng". Kundera đã dùng vụ việc này làm cảm hứng cho chủ đề chính cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông "Trò đùa". Ông vào đảng lại năm 1956 nhưng đến 1970 lại bị khai trừ lần hai.
Năm 1975 Kundera được mời làm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Rennes ở Pháp. Ông bị tước quốc tịch Tiệp Khắc năm 1979 và từ 1981 trở thành công dân Pháp.
Năm 1982 Kundera hoàn thành tiểu thuyết "Đời nhẹ khôn kham" tại Paris. Đây là cuốn tiểu thuyết đã đưa Milan Kundera thành tác giả nổi tiếng quốc tế.
"Sự bất tử" (1988) là cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp đầu tiên của Kundera. Thực tế, đó là cuốn tiểu thuyết Pháp nhất của ông. Không có nhân vật người Czech mà chỉ có nhân vật người Pháp trong "Sự bất tử". Là sự phê phán nền văn minh hiện đại cuối thế kỷ XX, "Sự bất tử" là cuốn tiểu thuyết châu Âu mang âm sắc Pháp.
Ông mất ngày 11/7/2023, ở tuổi 94.
Vĩnh biệt Milan Kundera - nhà văn tầm cỡ thế giới.
Nhà văn Phạm Xuân Nguyên