'Đi về nơi hoang dã' cùng Nhật Tuấn

PHAN THỊ HÀ DƯƠNG - Thứ Sáu, 17/02/2023 , 16:25 (GMT+7)

Có những cuốn sách đến với ta rất tự nhiên, một buổi chiều khi mặt trời buông sớm, ta tần ngần đứng trước giá sách và rút xuống một cuốn đã quên lâu.

Bìa cuốn sách Đi về nơi hoang dã của Nhật Tuấn.

Thậm chí không nhớ là đã từng được tặng, và bỗng nhiên nó choán lấy toàn bộ suy tư của ta, như một quà tặng của sự Tình cờ. Có những cuốn sách đã đến với ta qua những kỳ công ngoạn mục để đến khi ta cầm trên tay thì đã có một câu chuyện gắn liền.

"Moon Palace" thuộc thể loại thứ nhất. "Đi về nơi hoang dã" thuộc thể loại thứ hai.

Một đồng nghiệp Pháp sau khi háo hức kể với tôi đã đọc gần hết các sách của Dương Thu Hương dịch ra tiếng Pháp, và mất hết hào hứng vì mấy câu trả lời của tôi, đã nói với tôi về "Retour à la Jungle". Tôi không thể hình dung đây là cuốn sách nào. Cũng may mà có tên tác giả Nhật Tuấn nên cuối cùng cũng tìm ra đó là "Đi về nơi hoang dã", chưa một lần nghe tên.

Cuốn tiểu thuyết có toàn văn trên mạng, và những trang đầu tiên đã cuốn hút tôi, nhưng tôi không tiếp tục vì chỉ quen đọc tiểu thuyết với những trang sách được mở ra. Tuy nhiên tìm một cuốn tiểu thuyết từ năm 1988 là không dễ, kể cả khi nó được tái bản năm 2005 đi nữa. Cuối cùng một người bạn đã tìm cho tôi bằng những tình cờ run rủi, nên đúng dịp 20/11 thì cuốn sách đã đến tay tôi như một quà tặng.

Vậy là mở những trang sách ra như đã đi qua một chặng đường. Cuốn tiểu thuyết cũng là một hành trình. Hành trình trong hoang dã. Tất cả chìm trong không gian một miền rừng núi đầy gai sắc, không có con đường nào, chỉ có mây mù trên đỉnh những rặng núi, đích tới mơ hồ và xa xăm. Những con người không tên không tuổi phải mở một con đường lên một đỉnh núi lơ mơ trên bản đồ trong cái đói quay quắt, trong sự cách biệt gần như tuyệt đối với đời sống bình thường. Gần như tuyệt đối, bởi vì vẫn còn một hai lần cuộc sống thường hiện diện.

Nhưng thật kỳ lạ là sự hiện diện ấy lại như kéo ta về một nơi nào rất xa lạ với dòng suy nghĩ và cảm xúc trong ta, ta chỉ muốn quay về ngay với miền rừng hoang dã kia, nơi không có sự hiện diện nào của đời sống, nơi sự cách biệt và cô đơn không chỉ giữa năm con người đó với phần còn lại của thế giới mà còn là giữa chính họ với nhau, mỗi người là một thế giới riêng, rất ít cảm thông và chia sẻ, kể cả khi đã bị dồn đến chân trời.

Ta muốn quay về nơi hoang dã đó vì chính ở đó những tâm tư của từng con người đã bộc lộ và đang sống cuộc sống trọn vẹn của mình. Vì ở nơi đó, chỉ có duy nhất thôi, một tấm lòng tự nhiên nhất, đang thẩm thấu và phản chiếu tâm tư của những người xung quanh.

Toàn bộ cuốn tiểu thuyết là một không gian mịt mùng nơi những ước vọng của con người được vun đắp và gìn giữ một cách tội nghiệp và tuyệt vọng, nơi dường như mỗi người cố bấu víu vào một quá khứ hay một tương lai của cuộc sống bình thường để có thể vượt qua những tháng ngày khốn khó này. Những bấu víu tưởng bền chắc như sức nặng một đời người vậy mà đã tuột trơn cùng với xối xả những cơn mưa.

Chỉ có một con người không quá khứ, không tương lai, không hy vọng, không tưởng tượng. Đơn giản và tự nhiên như một giọt nước trong.

Và chính vì thế, dẫu cho nhiều tăm tối và cay đắng, thì cuối cùng đọng lại trong ta vẫn là hình ảnh về một giọt nước trong.

Một giọt nước như ngàn giọt nước khác trong biển cả, nhưng nó trong veo. Nó chưa có những hạt bụi bẩn của những toan tính dính vào, và nó cũng chưa có những lấp lánh bụi pha lê chạm tới. Nó dường như không có ý thức gì về chính mình. Nó trong veo. Trong veo để có thể thẩm thấu và phản chiếu những hình ảnh của cuộc sống quanh mình.

Và ta hiểu rằng, với tất cả sự đơn giản tự nhiên nhất khi sinh ra, tâm hồn của một con người có khả năng thông cảm, có khả năng rung động, có khả năng chia sẻ và thấu hiểu những tâm tư.

Phó giáo sư Phan Thị Hà Dương học Đại học tổng hợp Toán đến hết năm thứ ba thì sang Pháp. Chị làm tiến sĩ Toán - tin và làm maitre de conférences tại Paris 7 năm 26 tuổi. Năm 2005 chị về nước công tác tại Viện Toán học. Phan Thị Hà Dương là con gái cố giáo sư Phan Đình Diệu, nhà toán học, nhà khoa học máy tính nổi tiếng của Việt Nam.

PHAN THỊ HÀ DƯƠNG
Tin khác
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.

Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc
Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc

‘Ký ức không phai’ là cuốn sách ghi lại kỷ niệm gắn bó với Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève.

Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện
Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện

Tâm sự nghề nghiệp của những người đã và đang đứng trên bục giảng với nhiều kỷ niệm khó quên, càng trở nên ấm áp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò
Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò

Cô giáo người Nùng Lý Thị Thủy đang dạy văn ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên, vừa ra mắt cuốn sách lý luận phê bình có tên gọi ‘Khơi chuyện’.

Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc
Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc

Tủ sách Văn Hóa Việt của Chibooks chính thức ra mắt độc giả đất nước tỷ dân tại Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 tại thành phố Nam Ninh.

Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?
Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật mới cho ra mắt cuốn sách 'Nguyễn An Ninh – Không ăn mày tự do' (2024) của tác giả Trần Viết Nghĩa. Sách mới mà quá nhiều lỗi sai hết sức sơ đẳng.

Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ
Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ

Sứ mệnh người thầy luôn gắn liền với sách, được các diễn giả đề cao tại talk show diễn ra ở Đường sách TP.HCM nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’
Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’

Họa sĩ Xu Man được nhà văn Trung Trung Đỉnh lấy làm cảm hứng sáng tác truyện dài ‘Con thiêng của rừng’ dày 124 trang, do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành.