Trong các nhà kính rộng hơn 400ha ở địa khu Hòa Điền, phía nam Tân Cương, các nhà khoa học từ Viện Nông nghiệp Đô thị (IUA) thuộc Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc gần đây đã thu hoạch đợt lúa đầu tiên được trồng trên sa mạc.
"Thay vì sử dụng phương pháp canh tác thông thường, lúa được trồng trên khung 3 tầng và được kiểm soát môi trường chính xác trong nhà kính ở sa mạc. Thời gian tăng trưởng của cây lúa cũng giảm một nửa khi chỉ trong 60 ngày đã có thể thu hoạch", Dương Kỳ Xương, người đứng đầu dự án, cho biết.
Ông Dương cho biết thành công này được xây dựng dựa trên những kết quả nghiên cứu trước đó của phòng thí nghiệm ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc, nơi nhóm của ông bắt đầu nghiên cứu rút ngắn chu kỳ sinh trưởng của cây lúa bằng cách điều chỉnh các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, nồng độ carbon dioxide và phân bón hồi năm 2021.
Theo quan điểm của ông Dương, khí hậu khắc nghiệt ở sa mạc Hòa Điền không những không phải là trở ngại, mà còn mang đến nhiều cơ hội. Các đặc điểm địa lý đặc trưng của khu vực này, bao gồm số giờ nắng trong ngày nhiều hơn và sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm, là điều kiện lý tưởng cho việc canh tác lúa.
Các nhà nghiên cứu cũng đã đẩy nhanh tốc độ sinh trưởng của cây lúa bằng cách áp dụng các công nghệ chiếu sáng nhân tạo hiện đại, công thức dung dịch dinh dưỡng đặc biệt và công nghệ thủy canh tiên tiến.
"Bằng cách tận dụng những lợi thế của khí hậu sa mạc, như nguồn ánh sáng dồi dào và nhiệt độ cao, tiềm năng cho nông nghiệp ngày càng trở nên hứa hẹn, mở đường cho sản xuất lương thực bền vững ở Tân Cương", Thạch Đại Vỹ, trợ lý nghiên cứu tại IUA, cho biết.
Theo ông Dương, bằng cách sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng trong nhà kính sa mạc Hòa Điền, chi phí vận hành đã giảm đáng kể so với nhà kính thông thường.
"Hiện tại, chi phí xây dựng nhà kính sa mạc tiết kiệm năng lượng là 350 NDT/m2, khoảng 1/3 so với nhà kính ở Hà Lan. Trong khi đó, chi phí hoạt động của nó chỉ bằng 1/4 các nhà kính ở Hà Lan", ông Dương nói, đồng thời cho biết thêm rằng các nhà kính ở Hà Lan được công nhận là một trong những mô hình nông nghiệp hiệu quả hàng đầu thế giới.
"Trong tương lai, cả chi phí xây dựng và vận hành loại nhà kính này đều có thể được giảm bằng cách sử dụng năng lượng xanh, cơ giới hóa và trí tuệ nhân tạo. Những nhà kính như vậy sẽ có tính cạnh tranh cao trên trường quốc tế", ông nói thêm.
Không chỉ vậy, ông Dương và nhóm nghiên cứu của ông cũng đã khám phá các công nghệ quan trọng để tăng tốc độ sinh trưởng của các loại cây trồng chủ lực như đậu tương, ngô và lúa mì, cải dầu, bông và linh lăng trong nhà kính sa mạc ở Hòa Điền.