| Hotline: 0983.970.780

'Chuyện đời' cây tỏi Lý Sơn

Thứ Hai 02/05/2022 , 07:05 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI Với vài trăm m2 đất, người trồng tỏi ở Lý Sơn thu được đến mấy chỉ vàng mỗi vụ. Đó là lý do mà loại cây này được ví với cái tên 'vàng trắng'.

Tuy nhiên, thời "hoàng kim" của loại cây đặc sản này chỉ còn là dĩ vãng. Bây giờ, người dân sản xuất nông nghiệp trên đảo đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Một thời vàng son

Chúng tôi hỏi những bậc cao niên ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) rằng người dân trên đảo đến đây và trồng tỏi từ bao giờ, họ cũng không thể nào nhớ rõ. Chỉ biết rằng, từ thuở ban đầu đến đảo khai hoang, lập làng, đến nay có tới 6 dòng họ. Trong đó, có những dòng họ đã tồn tại đến hơn 400 năm.

Diện tích đất nông nghiệp trên đảo Lý Sơn khoảng hơn 400ha, chủ yếu là trồng tỏi. Ảnh: L.K.

Diện tích đất nông nghiệp trên đảo Lý Sơn khoảng hơn 400ha, chủ yếu là trồng tỏi. Ảnh: L.K.

Bài liên quan

Đa số những người đầu tiên đến đây là ngư dân. Trong quá trình khai thác hải sản, họ thường ghé đảo để lấy nước ngọt hoặc neo đậu tránh gió bão. Khi nhận thấy nơi đây đất đai màu mỡ, có thể định cư được nên đã đưa gia đình, người thân ra đảo sinh sống, khai khẩn đất đai, vừa sản xuất nông nghiệp vừa đánh bắt hải sản. Cuộc sống cũng từng bước ổn định.

Ông Trần Văn Thuyền (62 tuổi, trú thôn Đông An Vĩnh, Lý Sơn) kể rằng, đất trên đảo vốn là đất đỏ bazan nguyên thủy nên giàu chất dinh dưỡng, trồng cây gì

Bài liên quan

xuống cũng lên vun vút. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp cũng không hề dễ dàng, nhất là nước tưới, phải lấy nước ở rất xa rồi gánh về.

Bởi vậy mà mỗi người cùng lắm cũng chỉ canh tác được vài chục đến khoảng 100m2 chứ không đủ điều kiện để sản xuất được với diện tích rộng như trong đất liền. Cho nên, việc lựa chọn cây trồng gì phù hợp, có giá trị kinh tế cao để bù lại khó khăn là điều mà người dân ở đây luôn trăn trở.

Sau nhiều năm, từ cây đậu, bắp…, rồi cuối cùng, tỏi được chọn là loại cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp ở huyện đảo Lý Sơn cho đến tận ngày nay. Với ông Thuyền, cây tỏi cũng gắn liền với cuộc đời ông suốt mấy chục năm qua. Ông xây được nhà cửa, cho con cái ăn học cũng nhờ vào tỏi.

Ông Thuyền và những người trồng tỏi lâu năm ở huyện đảo Lý Sơn chắc chắn không thể nào quên được một thời hoàng kim của loại cây này. Đó là vào khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, khi giá trị của cây tỏi được đổi bằng vàng. Nhờ vậy mà rất nhiều gia đình đã vươn lên khá giả, giàu có.

Cây tỏi đã từng 'trị vì', làm giàu cho nhiều thế hệ người dân huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: L.K.

Cây tỏi đã từng "trị vì", làm giàu cho nhiều thế hệ người dân huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: L.K.

“Thực ra thì giống tỏi ở Lý Sơn ban đầu cũng được đưa từ đất liền ra. Hồi đó, cách trồng cũng khác bây giờ. Tỏi được tách ra thành từng tép, bóc sạch vỏ rồi mới cào lên thành từng luống để trồng. Công việc mất rất nhiều thời gian nên một gia đình nhiều nhất cũng chỉ đủ sức làm trên dưới 1 sào. Nhưng bù lại, hiệu quả thu được lại rất cao”, ông Thuyền nhớ lại.

Chỉ tay về phía ngôi nhà rộng rãi, kiên cố của mình, ông Thuyền bảo, đó là thành quả từ vụ tỏi đông xuân năm 1983 – 1984. Khi đó, cứ vài chục kg tỏi đổi ra được 1 chỉ vàng. Căn nhà ông xây hết 3 cây vàng tương đương với khoảng 1 tấn tỏi mà năm đó gia đình ông sản xuất được.

“Nhiều người trồng tỏi sau mấy năm mà đổi được cả mấy lon vàng rồi chuyển vào miền Nam mua đất xây nhà, làm ăn sinh sống. Cây tỏi có giá trị đến nỗi chúng tôi vẫn thường kể lại cho con cháu rằng, hồi đó chỉ cần mang theo vài kg đến chục cân tỏi là có thể vào đất liền ăn chơi thoải mái”, ông Thuyền cười khề khà.

Sở dĩ cây tỏi thời điểm đó có giá trị cao là vì hầu như ở phía Nam không có địa phương nào trồng loại cây này, còn miền Bắc và miền Trung thì cũng chỉ rải rác ở một vài nơi, diện tích không đáng kể. Cùng với đó, người dân trên đảo Lý Sơn có phương pháp trồng tỏi rất đặc biệt.

Ngoài nguồn đất bazan thì mỗi năm, họ còn sử dụng cát trắng hút từ dưới biển lên thay thế cho lớp đất cũ, phân bón được sử dụng chủ yếu là rong biển và một vài loại lá cây có trên đảo nên tỏi trồng ở đây rất chắc củ, giữ được màu trắng sáng rất lâu, chất lượng thơm ngon và mang một hương vị đặc trưng mà không nơi nào có được.

Chông chênh giữa thế thời

Thấy giá trị cao, cùng với sự xuất hiện của máy bơm nước, điều kiện sản xuất đỡ vất vả hơn, nhiều người dân trên đảo Lý Sơn bắt đầu mở rộng diện tích trồng tỏi. Khi diện tích nhiều, sản lượng lớn thì giá bán cũng vì đó mà giảm đi. Càng về sau, người dân làm nông nghiệp ở đây càng phải đối mặt với nhiều khó khăn về dịch bệnh, thiên tai, rồi giá cả bấp bênh. Thương hiệu tỏi Lý Sơn vẫn còn đó nhưng hiệu quả không còn được như trước.

Hiện nay, người trồng tỏi ở Lý Sơn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ảnh: L.K.

Hiện nay, người trồng tỏi ở Lý Sơn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ảnh: L.K.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế - Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn, trong số hơn 400ha đất nông nghiệp toàn đảo, hiện có khoảng 330ha diện tích người dân chuyên canh tác tỏi. Do đất nông nghiệp hạn chế nên mỗi khẩu chỉ được bố trí 100m2 đất sản xuất. Những hộ trồng nhiều tỏi hầu hết đều thuê lại của những hộ gia đình bỏ sản xuất nông nghiệp để chuyển qua khai thác thủy sản hoặc ngành du lịch, dịch vụ.

Đưa tay gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt đen sạm vì nắng, gió biển, lão nông Đinh Ngọc Thoại (60 tuổi, trú thôn Đông, An Vĩnh, Lý Sơn) chia sẻ rằng, bây giờ làm nông nghiệp trên đảo đã có máy móc hiện đại, hệ thống bơm tới tự động nên người dân cũng đỡ vất vả hơn. Nhưng để kiếm được đồng tiền cũng hết sức trầy trật, khó ai có thể giàu được từ cây tỏi như thời trước.

Tại Lý Sơn, vụ tỏi thường bắt đầu từ đầu tháng 9 và kéo dài cho đến tháng 2 âm lịch. Trong khi đây là thời điểm mà địa phương này thường xuyên hứng chịu những đợt mưa bão lớn. Tính trung bình, mỗi năm nơi đây hứng chịu ít nhất 2 cơn bão đổ bộ trực tiếp, rồi nhiều đợt áp thấp gây mưa lớn. Do đó, sản xuất vẫn theo kiểu “được mất nhờ trời”. Thế nên một số năm, người trồng tỏi lâm vào cảnh thua lỗ. Điển hình nhất là vào vụ đông xuân 2020 – 2021 vừa qua, năng suất của cây tỏi ở Lý Sơn giảm đến 70%.

Độc canh cây tỏi qua nhiều thời kỳ nên rủi ro sâu bệnh hại ngày càng thường xuyên. Ảnh: L.K.

Độc canh cây tỏi qua nhiều thời kỳ nên rủi ro sâu bệnh hại ngày càng thường xuyên. Ảnh: L.K.

“Tôi trồng gần 15 sào tỏi, bình thường mỗi năm thu trung bình khoảng 7 – 8 tấn nhưng vụ vừa rồi chỉ còn được 2 tấn. Trong khi đó, giá giống, phân bón, tiền mua cát biển cũng đều tăng nên hầu như không đủ chi phí đầu tư. Còn những năm được mùa thì thương lái ép giá, rồi ảnh hưởng của dịch bệnh. Nói chung, bây giờ nghề nông ở đây vất vả lắm, chỉ mong đủ chi phí tiêu dùng, sinh hoạt trong nhà là tốt rồi”, ông Thoại chia sẻ.

Tỏi là cây ưa khí hậu mát mẻ nên mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ. Những tháng còn lại, trên diện tích này, người Lý Sơn lại chuyển qua trồng hành hoặc một số loại cây rau màu khác. Tuy nhiên, những năm gần đây, sâu bệnh hại thường xuyên xuất hiện khiến nhiều diện tích bị thiệt hại, chi phí sản xuất tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm trên đảo cũng đang dần trở nên khan hiếm. Thực trạng này đang là thách thức không nhỏ cho ngành nông nghiệp ở Lý Sơn…

Theo ông Võ Trí Thời, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng nông nghiệp huyện Lý Sơn, nhìn chung, hiện nay sản xuất nông nghiệp trên đảo vẫn chủ yếu theo kiểu hộ gia đình truyền thống nên bị tác động rất nhiều bởi thời tiết, khí hậu, dịch bệnh cũng như giá cả, thiếu tính bền vững.

“Theo định hướng đến năm 2025, Lý Sơn sẽ giảm dần diện tích đất nông nghiệp xuống còn 300ha để nhường chỗ cho các dịch vụ du lịch, nhà ở. Trong khi đó, huyện vẫn xác định cây tỏi vẫn là cây chủ lực trong sản xuất nông nghiệp nên những năm tới sẽ ưu tiên tập trung đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đồng thời, chúng tôi cũng hướng tới việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, ưu tiên theo hướng hữu cơ, VietGAP; có chính sách khuyến khích và thu hút các công ty chuyên về sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, dược liệu… có tiềm lực tài chính đến đầu tư. Từ đó tăng giá trị cũng như đảm bảo tính bền vững cho sản phẩm tỏi Lý Sơn”, ông Thời nói.

Xem thêm
Định hướng phát triển bò thịt đến năm 2030

Đến 2023, đàn bò thịt trong nước từ 6,5-6,6 triệu con, 30% nuôi trang trại; phát thải khí nhà kính chăn nuôi giảm 18%, trong đó khí mê tan không quá 15,2 triệu tấn.

Đàn vật nuôi an toàn trước dịch bệnh nguy hiểm

BẾN TRE Nhờ công tác tăng cường kiểm soát giết mổ, vận chuyển, thúc đẩy tiêm vacxin, đàn gia súc, gia cầm của tỉnh Bến Tre an toàn trước các dịch bệnh nguy hiểm.

Sẽ tập trung đầu tư hạ tầng cho các viện nghiên cứu

NINH THUẬN Làm việc với Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết sẽ tập trung đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu.