Văn Cao, người đi tìm cái đẹp

Thái Bá Vân - Chủ Nhật, 11/02/2024 , 06:00 (GMT+7)

'Chưa bao giờ mình là nhạc sĩ cả', Văn Cao nói với tôi nhiều lần như thế. Anh băn khoăn về hội họa hơn hết. Tất cả những chén rượu nào có thể dẫn tới sự bàn bạc, tranh luận, về nghệ thuật giữa Văn Cao và chúng tôi, có thể nói, đều thuộc về hội họa.

Nhạc sĩ Văn Cao và nhà nghiên cứu và phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân chụp tại Triển lãm chân dung 1991.

Nhạc sĩ Văn Cao và nhà nghiên cứu và phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân chụp tại Triển lãm chân dung 1991.

Một đêm mùa đông cuối 1975, tại nhà khách Tỉnh ủy Hà Bắc, các đại biểu về dự hội nghị Hoàng Hoa Thám đã tắt đèn, đi ngủ, chờ mai về sớm. Riêng có phòng chúng tôi vì lâu ngày Nguyên Hồng không gặp Văn Cao, nên vẫn ồn ào trăm thứ chuyện.

Sáng hôm qua, khi chợt nhận ra nhau ở phòng họp. Nguyên Hồng (đang nói chuyện với bà Hoàng Thị Thế, con gái út cụ Đề) đã xô đẩy đám đông mà lao tới. Anh chào hỏi Văn Cao theo cái cách của mình, tát cho một cái, và: “Từ sáng đến giờ được hớp (rượu) nào chưa mày?”. Miệng nói, tay vặn cái nắp bình toong của lính rào rạo rót ừng ực ngay ra một chén.

Còn đêm nay là chia tay. Sau này tôi nói với Văn Cao là tôi đặt cho nó cái tên: Đêm thơ tiền chiến. Anh cười: Chốc chốc Nguyên Hồng lại vung chăn, ngồi dậy, vỗ đùi đen đét, đọc một câu, rồi tự khen lấy khen để thơ “lãng mạn” của mình, hồn nhiên hết mực. Chốc chốc Văn Cao lại đế vào một tiếng hoặc chữa một chữ, rồi phá lên cười êu êu, và: “Còn hớp nào nữa không ông?”. Đôi giày xăng đá bộ đội, không buộc giây, của Nguyên Hồng lại nện xuống sàn cồm cộp, rót ra một tí, đôi khi còn văng tục nữa. Tôi thì vẫn co ro trong chăn, thò đầu quan sát, đóng vai người khán thính - giả độc nhất của một diễn đàn thơ.

Nhạc sĩ Văn Cao.

Nhạc sĩ Văn Cao.

Có những câu thơ đầu tay của Văn Cao thuở 17, 18, lần này tôi được nghe là lần thứ nhất. Nó đẹp, một nỗi buồn xa và vắng:

“... Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc

Tôi gửi lời thư nhắn mẹ già,

Cố thét song lời tôi yếu quá

Ngựa đều chân chạy, nhạc càng xa...”

(Ai về Kinh Bắc - 1941)

“... Sông chầm chậm chảy trong mưa

Nghe chừng cô gái đã thưa nhát chèo

Mưa trong trăng, tiếng nhỏ đều

Bến bờ mịt mấy cái lều chơ vơ...”

(Đêm mưa - 1941)

Cũng là đêm đó, tôi được nghe hai anh nối nhau nhắc lại đầy đủ bài “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc” mà thuở nhỏ tôi đã có dịp đọc một lần trên báo Tiền phong, năm 1945, hình như số 1. Bấy giờ Văn Cao đã đứng vững trong hàng ngũ và hành động cách mạng. Văn Cao không mỹ miều. Văn Cao chính xác, độc địa:

“... Ngã tư nghiêng nghiêng xe xác...

Bánh nghiến nhựa đang kêu xào xạc,

Ai vạc xương đổ sọ xuống lòng xe...”

Và chắc chắn là Văn Cao đã bước vào nghệ thuật bằng cái tâm trạng cô đơn. Tôi không cho rằng, với người nghệ sĩ, hớn hở hay ngậm ngùi là điều quan trọng nhất. Mà quan trọng hơn là anh tìm được lối thoát nào, bằng nghệ thuật, và trên lối thoát đó, anh đã nâng xúc động thẩm mỹ của mình lên mức nào của Đẹp. Chưa hẳn là bởi tài năng tất cả, nhưng Văn Cao đã làm được điều đó. Đã làm được với thơ, không thì nhạc, không thì họa.

Có nhiều người sành, nhận xét rằng trong ba thứ đó, thơ Văn Cao là hay nhất. Tôi không phản đối, nhưng tôi muốn tìm trong chúng một liên quan, và cái gì là chung nhất. Chỉ tiếc rằng thơ anh ít phổ biến quá. Sau bài thơ dài Cửa biển những năm 60, vừa rồi mọi người mới được đọc ba khổ nhỏ Quy Nhơn trên báo Văn nghệ. Anh vẫn tỏ sự kiên nhẫn và kiên định trước Cái Đẹp của mình.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hết sức quý trọng và tự hào về phòng tranh trước Cách mạng Tháng Tám. Ta gặp ở đây nhiều cái tên xuất sắc và nhiều mỹ cảm tinh hoa. Giới mỹ thuật vẫn quen xếp Cô gái bên hoa huệ, Cô gái với hoa sen... và tác giả Tô Ngọc Vân vào hạng nhất.

Tôi không có gì để nói ngược lại. Nhưng tôi nghĩ với một tương quan âm nhạc, và muốn đề xuất Cái Đẹp âm thanh của Văn Cao, trong cùng một thời buổi và tâm trạng Thiên thai, Trương Chi, Cung đàn xưa, Suối mơ... là cái gì hoàn chỉnh về đường nét và màu sắc, trong trẻo về thể chất, vững chãi về kiến trúc, thuần khiết về ngôn ngữ, đặc biệt về tài năng.

 

Mọi tác phẩm nghệ thuật, ngoài giá trị về đề tài và phong cách là cái khẩu vị và lợi ích riêng của mỗi giai đoạn và xã hội nhất định, còn một chỉ tiêu đo đạc chung, đó là cái tiết hạnh thẩm mỹ; biểu lộ từ kết cấu, thể chất của riêng tác phẩm, mà trên đó thấp thoáng một cuộc đời. Đây là một căn số ở cấp độ trừu tượng để ta giải mọi bài toán về Cái Đẹp.

Bởi sức đập náo nức tột cùng của trái tim mẫn cảm, và bởi bản chất trong sáng của nghệ thuật, mà chưa bao giờ Cái Đẹp của Văn Cao rơi xuống chỗ tẻ lạnh, não nùng hay bạc bẽo như ở một số nhạc sĩ tiền chiến khác. Cũng chưa bao giờ bẽ bàng, khóc thương công cộng như một số du ca, tục ca sau này của Phạm Duy. Dù có buồn cô đơn, Văn Cao trước Cách mạng Tháng Tám, vẫn thốt lên được những tiếng gọi thiết tha về cuộc sống.

Là người nghệ sĩ mới, tôi thấy Văn Cao đã thấm nhuần cái tri thức cổ điển ngàn xưa của nghệ thuật: là sự thanh lọc của tâm hồn. Ta có thể quan sát một giai đoạn đặc biệt của Văn Cao, coi như nối tiếp, hay trái nghịch cũng được. Đó là từ đêm trước Cách mạng Tháng Tám – cuộc cách mạng mà bản thân Văn Cao có quyền gọi nó là “cuộc cách mạng của tôi”, cũng như Maiakovxki trước kia có quyền gọi Cách mạng Tháng Mười - cho tới khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp.

Với âm nhạc, đó là từ Tiến quân ca, Bắc Sơn, Chiến sĩ Việt Nam, Công nhân Việt Nam... cho đến Ngày mùa, Làng tôi, Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Tiến về Hà Nội... Và ở giữa đó, là lênh láng một Trường ca Sông Lô.

Các nhà nghiên cứu âm nhạc sẽ đi sâu vào sự khác nhau của giai điệu, môtíp và đề tài..., tôi thì vẫn cứ lắng nghe một cái gì ngoài những cụ thể đó. Chưa bao giờ tôi nghe hết cái trực tiếp vang ra chói chang của âm thanh, mà chỉ vô tình hoặc mơ hồ nhận được từng tiếng vọng đầy đủ, qua thời gian, nơi chốn, còn ngân trong hiện tại.

Tôi thuộc nhạc của anh. Ở trường tiểu học chúng tôi đã hát:

“... Bắc Sơn đây hố sâu mồ chôn

Rừng núi ngân tiếng hú căm hờn...”

(Bắc Sơn)

Bâng khuâng trong tiếng vọng núi rừng chiến khu, cũng như sớm nao nao cái hạnh phúc ngây thơ cái hạnh phúc của Lưu Nguyễn xưa, quên đường về:

“Thiên thai...

Có một mùa đào dòng ngày tháng

Chưa tàn phai một lần...”

(Thiên thai)

Hay bình yên lưu luyến:

“... Suối ơi, nghe rừng heo hút

Giòng êm đưa lá khô già trút...”

(Bài thơ bên suối)

Ở trường trung học, chính anh đã chỉ cho chúng tôi tha thiết:

“...Cờ pha máu chiến thắng mang hồn nước

Đứng đều lên, gông xích ta đập tan...”

(Tiến quân ca)

đã cho chúng tôi nghe rõ tiếng quê hương trong

“... từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung...”

(Làng tôi)

Dù là lần đầu tiên gặp Văn Cao ở đâu, bao giờ đi nữa, thì đối với tôi chắc không thay đổi được cái cảm giác khi sơ kiến là bị dòng kỷ niệm chồng chất từ bao giờ ập tới, lay động, ray rứt, ngạt ngào. Cái năng lượng khát khao mà ông già này đã bỏ cho cuộc sống và nghệ thuật thật là nhiều và sâu sắc, nhưng vẫn còn đọng ngầu trong đôi mắt tư lự và cử chỉ nhẹ nhàng. Anh viết đã nhiều, làm đã nhiều, nhưng những gì chưa viết được, chưa làm được, chắc còn nhiều hơn.

Trường hợp Văn Cao viết Tiến quân ca như thế nào, chúng ta đều rõ. Nét nhạc đầu tiên anh đã tìm thấy trong “ngọn lửa tím sầm, bập bùng trong những hốc mắt sâu hoắm” của “những người đói khổ, trần truồng: loang trên hồ Gươm nước lạnh”, như anh đã viết hơn một lần hồi ký.Tôi còn chiêm ngưỡng anh rất nhiều qua Trường ca Sông Lô nữa. Sự vươn lên chính mình, đối với người nghệ sĩ là quan trọng bậc nhất. Và Văn Cao đã vượt lên chính mình, đến nơi man mác, huy hoàng và thực sự yên bình của Cái Đẹp.

Khi bước chân anh tới trận địa, thì chiến dịch sông Lô đã kết thúc, chỉ còn những đám tro đang cháy nốt sau một cuộc tàn phá của giặc Pháp trên xác nhà, xác người. Trên cái:

“... nền khô tro than xám

đêm chìm đợi ánh chiều dương...”

anh vẽ lên một bức tranh bao quát của:

“...Sông Lô, sông ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u,

thu du bên sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màn khói thu...”

Làm sống lại nhiều cảnh tượng khi dập dìu, náo nức, khi tưng bừng, buồn nhớ sau một chiến công, để cuối cùng, xa kia cuộc sống vẫn khoan thai trong bình yên, tươi mát cũ:

“... dòng sông Lô trôi

mùa xuân tới, nước băng qua

ngàn sống im

ven bờ xanh êm bóng tre

dòng sông Lô trôi”

Ba mươi năm sau chiến thắng, mùa xuân 1977, tôi có theo xưởng Mỹ thuật Quân đội trở lại sông Lô tìm nơi dựng tượng đài kỷ niệm. Đứng trên mỏm núi cao nhìn xuống, chúng tôi còn như thực sự được thấy:

“...trên dòng sông trở về đoàn người

reo mừng vui trên sóng nước biếc

trôi đầy sông bao đám xác thù...”

và cả:

“...tiếng trái phá!

Quân thù gục chìm dòng Lô...”

Chiến tranh đã qua. Nhưng bài hát của Văn Cao còn lại. Một chiến thuật quân sự như đã diễn ra ở sông Lô năm 1947 là quá cũ rồi, không còn dùng được nữa. Nhưng từ đó mà ra, nét nhạc của Văn Cao là mãi mãi sống mãi mãi tốt tươi và mới mẻ.

Nhạc sĩ Văn Cao vẽ họa sĩ Trần Thị Mỳ, vợ nhà nghiên cứu và phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân.

Nhạc sĩ Văn Cao vẽ họa sĩ Trần Thị Mỳ, vợ nhà nghiên cứu và phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân.

Tại Đại hội Nhạc sĩ toàn quốc lần thứ III vừa rồi, Văn Cao ngồi ghế Chủ tịch Đoàn, và trúng cử vào Ban Chấp hành, như một viên gạch kỳ cựu, nung ở độ lửa già, của nền âm nhạc Việt Nam.

Nhưng “chưa bao giờ mình là nhạc sĩ cả”, Văn Cao nói với tôi nhiều lần như thế.

Anh băn khoăn về hội họa hơn hết. Tất cả những chén rượu nào có thể dẫn tới sự bàn bạc, tranh luận, về nghệ thuật giữa Văn Cao và chúng tôi, có thể nói, đều thuộc về hội họa.

Hoàn toàn không phải vì chỉ có hội họa là anh được học ở nhà trường đôi chút. Nó ở chỗ khác. Ở chỗ gặp đương nhiên của một nghệ sĩ thế kỷ chúng ta, bị ám ảnh và cầu trơ bất cứ chiếc lưới nào, miễn là có khả năng nối dài cánh tay để dang rộng và vây bắt cho kỳ được con bướm chập chờn của Đẹp, ngày càng khác thường, đổi mới.

Hội họa đã có nhiều vinh dự nhất và thành tựu nhất trong cuộc dẫn đầu trào lưu cách mạng nghệ thuật trên một trăm năm nay. Ở thế giới đã vậy, mà ở Việt Nam cũng đang vậy. Sự giao tiếp bằng con mắt đã chiếm quá ba phần tư mọi tiếp xúc trong đời sống nhân loại rồi.

Văn Cao phải có mặt ở đấy. Nhưng, cũng ở đấy, Văn Cao nợ nần nhiều hơn cả.

Trường hợp Văn Cao giác ngộ thẩm mỹ cách mạng trước những khát vọng giải phóng có gì đồng dạng với nhóm Siêu thực ở Pháp giữa những năm 30 thế kỷ này. Cũng như việc Aragon, Eluard, cả Picasso ở Pháp, và Văn Cao, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Tuân... cả Chế Lan Viên nữa, ở ta, vào Đảng Cộng sản, là nên được giải thích nhiều bằng nghệ thuật, cái gốc rễ cố hữu của họ, cái tầng kết cấu sâu xa, đau đớn và chân thành nhất của sinh mạng họ.

Riêng ở Văn Cao, tiếng vọng hoài niệm, như một vẻ đẹp của thẩm mỹ siêu thực, theo tôi, là một ẩn hiện di truyền, lác đác trong cả cuộc đời nghệ sĩ đẹp đẽ của anh.

Hội họa của Văn Cao nghèo hơn so với nhạc, văn, thơ về tác phẩm. Đó là điều thiệt thòi của anh. Nhưng cái nhìn hội họa của anh có địa vị dẫn đường và chi phối. Chính Văn Cao và vài ba người nữa, vào những năm 60, đã mở một thẩm mỹ mới cho minh họa và đồ họa sách. Những đề xuất của anh về một ngữ pháp mới cho đồ họa, theo tôi, đến nay vẫn còn khả năng khai thác và biến thể một Thế hệ ngôn ngữ nữa. Có thể nói Văn Cao đã lập được trường phái minh họa và bìa sách. Nhiều minh họa của anh trên báo Văn nghệ phải gọi là xuất sắc.

Mà trên thơ ca anh, đời sống chữ nghĩa được sử dụng theo quy luật hội họa khá nhiều. Ta dễ dàng nhận ra những sáng-tối tương phản, những đậm nhạt thầm lặng, những đường viền nặng nề rời bỏ rơi, trôi trìm vào bóng tối, những chữ sắc nét như dao trổ, những hình tượng đầy dồn về phía trước, những không gian tượng trưng.

Nếu âm nhạc và thơ là một bản thể tươi tốt của anh, thì hội họa là một tri thức sâu sắc. Cái nhìn thế giới của anh nghiêng về hội họa. Là bởi phép viễn cận của các thời đại hội họa, là tiềm thức sâu kín của mọi phối cảnh xã hội, nơi Văn Cao tỏ ra nhạy bén về xúc cảm, và tinh tường trong quan sát.

Lịch sử và lịch sử nghệ thuật rất khác nhau ở một điểm là: lịch sử nghiên cứu và phán xét cái gì đã qua, còn lịch sử nghệ thuật thì nghiên cứu và phán xét cái gì còn ở lại.

Trên bàn viết của lịch sử là những con người, những triều đại, những nền văn minh đã đi. Nhưng trên bàn viết của lịch sử nghệ thuật là một đời sống thẩm mỹ vẫn còn lại. Nền văn minh nguyên thủy trồng lúa nước đã đi qua, nhưng nghệ thuật Đông Sơn thì còn đấy. Chế độ phong kiến đã chết, nhưng tranh làng Hồ và điêu khắc đình làng vẫn thở.

Đó là cánh cửa ưu quyền mở cho các nhà lịch sử nghệ thuật, không phải để nhìn các tác phẩm như người ta nhìn ra hoa cỏ và mộ chí ở nghĩa trang, mà là để vin vào Cái Đẹp, do con người làm nên, rồi vui vẻ đứng lên, bước tiếp vào cuộc sống.

Tháng 8, 1986

******

- Viết cho Người Hà Nội, số 33 -1986, trên Đất Việt.

- Canada, số đặc biệt về Văn Cao, Số 11-1987. Lời tựa cho Tuyển tập nhạc Văn Cao: Thiên thai. Nhà xuất bản Trẻ TP.HCM, 1988, Tập san Hợp Lưu Mỹ, số đặc biệt về Văn Cao và Xuân, 1993.

- Trong Văn Cao - Cuộc đời và tác phẩm. Nhà xuất bản Văn học, 1996.

- Trích in trong Thời văn. Tuyển tập Văn học và Tri thức TP.HCM và 13-14-1996.

Thái Bá Vân
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Hà Giang hút khách
Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?
Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?

Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'
Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'1

Một người dạy tiếng Việt ở Mỹ, giáo sư Andrea Hoa Pham cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, dù muốn hay không cũng không ngăn được thực tế ấy.

Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano
Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Bộ phim đã khiến tôi tò mò và tôi đã tìm hiểu rộng hơn lịch sử đất nước và tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân ta trong kháng chiến.