![Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, trao chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 'Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày' cho lãnh đạo UBND huyện Lâm Bình. Ảnh: Đào Thanh.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/08/lam-binh-don-nhan-bang-di-san-quoc-gia-ve-tri-thuc-trong-lua-nuoc-205230_254-213536.jpg)
Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, trao chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày" cho lãnh đạo UBND huyện Lâm Bình. Ảnh: Đào Thanh.
Tối 8/2, UBND huyện Lâm Bình tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho “Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày xã Lăng Can, xã Hồng Quang, xã Khuôn Hà, xã Thượng Lâm, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang”. Đây là một sự kiện đặc biệt, không chỉ tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống mà còn khẳng định niềm tự hào về di sản quý báu mà đồng bào Tày đã gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Bà Chẩu Thị Khuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, nhấn mạnh, tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào không chỉ của riêng huyện mà còn của cả cộng đồng dân tộc Tày trên toàn quốc.
Huyện Lâm Bình là vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa, hiện nay có 12 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó người Tày chiếm hơn 60% dân số. Trong lịch sử sinh sống và phát triển, đồng bào Tày đã sáng tạo ra hệ thống tri thức bản địa trong canh tác lúa nước. Những kỹ thuật chọn giống, gieo trồng, quản lý nguồn nước được tích lũy và truyền lại qua nhiều thế hệ đã không chỉ góp phần đảm bảo nguồn lương thực mà còn tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo.
![Chương trình nghệ thuật tại sự kiện. Ảnh: Đào Thanh.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/08/lam-binh-don-nhan-bang-di-san-quoc-gia-ve-tri-thuc-trong-lua-nuoc-205100_151-213537.jpg)
Chương trình nghệ thuật tại sự kiện. Ảnh: Đào Thanh.
Tri thức và tập quán trồng lúa nước không chỉ dừng lại ở các kỹ thuật sản xuất mà còn gắn liền với đời sống tinh thần của người dân. Các lễ hội truyền thống như Lồng tồng (lễ hội xuống đồng), nghi lễ mừng cơm mới hay những phong tục dân gian được lồng ghép trong mùa vụ đã góp phần tạo nên không gian văn hóa giàu ý nghĩa.
Việc công nhận tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày là di sản văn hóa phi vật thể không chỉ khẳng định giá trị văn hóa truyền thống mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững cho huyện Lâm Bình trong phát triển văn hoá bản địa và thúc đẩy ngành du lịch của địa phương phát triển rự rỡ hơn nữa.