Mùa xuân đã gõ cửa những bản làng vùng cao Lâm Bình (Tuyên Quang), mang theo hơi thở trong trẻo của đất trời, mở ra một hành trình mới đầy sắc màu cho những người yêu khám phá. Những năm gần đây, mảnh đất này đang dần chuyển mình, không chỉ giữ trọn những nét văn hóa nguyên sơ mà còn vươn lên trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch cộng đồng.
Những nếp nhà sàn thức giấc cùng mùa xuân
Trong tiết trời xuân se lạnh, những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày hiện lên như những nét chấm phá tinh tế giữa núi rừng xanh thẳm. Những mái nhà gỗ sẫm màu, vững chãi theo thời gian, giờ đây không chỉ là chốn đi về của người dân mà còn trở thành điểm dừng chân đầy hấp dẫn cho du khách yêu thích sự trải nghiệm.
Gia đình bà Lộc Thị Loan, homestay Triệu Cường ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, đã tất bật từ những ngày đầu xuân để đón khách. Những đoàn du khách tìm đến đây không chỉ để nghỉ ngơi mà còn để hòa mình vào đời sống văn hóa bản địa. Tại đây, họ được thưởng thức những món ăn truyền thống cùng những ly rượu ngô cay nồng, làm ấm lòng những người lữ hành trong tiết trời xuân vùng cao.
Bà Loan chia sẻ: "Ngày Tết, không khí ở homestay nhộn nhịp lắm. Khách đến không chỉ để tận hưởng cảnh đẹp mà còn để trải nghiệm cái Tết của người dân bản địa. Chúng tôi chuẩn bị chu đáo từng món ăn, từng chỗ nghỉ, chỉ mong sao ai đến cũng cảm nhận được sự ấm áp như ở nhà".
Cái tên homestay Triệu Cường được đặt theo tên người con trai duy nhất của bà Loan - anh Triệu Kiên Cường, chàng trai từng có nhiều hoài bão nơi thành thị nhưng đã quyết định quay về quê hương để khởi nghiệp.
Trước đây, anh Cường từng theo học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, với ước mơ về một tương lai nơi phố thị sầm uất. Nhưng rồi, khi nhìn cha mẹ ngày một già đi, khi nhận ra quê hương mình có tiềm năng du lịch vô cùng lớn mà chưa được khai thác đúng mức, anh đã quyết định từ bỏ nhịp sống đô thị, trở về nhà dựng xây một điều mới mẻ.
Ban đầu, khó khăn chồng chất. Gia đình anh chỉ có một căn nhà sàn lớn, phải sửa sang lại để đón khách. Nhưng với ý chí và sự học hỏi không ngừng, anh đã dần mở rộng mô hình, đầu tư xây dựng thêm 5 căn bungalow đầy đủ tiện nghi và đưa vào sử dụng trong năm 2024. Sự đổi mới ấy đã nhận được sự ủng hộ từ du khách, khiến lượng khách đặt phòng ngày một ổn định. Giờ đây, vào những dịp lễ hay cuối tuần, homestay của anh luôn kín khách, trở thành một trong những điểm lưu trú nổi bật của vùng.
Anh Cường chia sẻ: "Ban đầu, tôi cũng băn khoăn lắm, nhưng chính tình yêu quê hương đã giữ tôi lại. Tôi tin rằng, nếu biết khai thác đúng cách, du lịch cộng đồng sẽ giúp quê mình giàu đẹp hơn mà vẫn giữ được hồn cốt văn hóa".
Không dừng lại ở đó, anh còn ấp ủ thêm nhiều kế hoạch để nâng cao chất lượng dịch vụ, mang lại những trải nghiệm phong phú hơn cho du khách.
"Đợt tới, gia đình tôi đang có dự kiến sẽ dựng thêm một gian nhà hàng ăn với lối kiến trúc mộc, hòa hợp với thiên nhiên. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn phát triển thêm dịch vụ tắm lá thuốc, xông hơi, massage cổ vai gáy, body... để du khách có thể tận hưởng trọn vẹn sự thư giãn sau những hành trình dài khám phá thiên nhiên Lâm Bình", anh Cường chia sẻ.
Du lịch ngày Tết - Trải nghiệm mới của du khách
Tết Nguyên đán vốn là dịp sum vầy của mỗi gia đình, nhưng những năm gần đây, xu hướng du lịch ngày Tết đang ngày càng phổ biến. Nhiều gia đình lựa chọn dành những ngày đầu năm mới để khám phá những vùng đất mới, trải nghiệm phong tục tập quán độc đáo của các dân tộc anh em.
Anh Đặng Tùng Lâm, một du khách đến từ Hà Nội, hào hứng chia sẻ: "Chúng tôi quyết định lên Lâm Bình để đón Tết theo một cách khác. Ở đây, không khí thật trong lành, người dân hiền hậu, đồ ăn ngon, và quan trọng nhất là cảm giác bình yên, thư thái mà khó nơi nào có được".
Bà Hoàng Thị Bích Dung, du khách đến từ Gia Lâm, Hà Nội, không giấu nổi sự thích thú: "Tôi đã đi nhiều nơi nhưng chưa nơi nào mang lại cảm giác đặc biệt như ở đây. Không chỉ là phong cảnh đẹp, mà sự thân thiện, nồng hậu của người dân mới là điều khiến tôi nhớ mãi. Được ngồi bên bếp lửa sưởi ấm, thưởng thức những món ăn truyền thống và lắng nghe những câu chuyện của đồng bào Tày, tôi cảm thấy mình như đang sống trong một không gian khác, yên bình và đầy chất thơ".
Không chỉ đến để nghỉ dưỡng, du khách còn được hòa mình vào những lễ hội mùa xuân đặc sắc của người dân tộc Tày, Dao, Mông. Tiếng đàn tính, điệu hát then vang vọng trong không gian, những điệu múa xòe quanh đống lửa, hay những phiên chợ vùng cao tấp nập người mua kẻ bán, tất cả tạo nên một bức tranh xuân vừa sôi động vừa đậm đà bản sắc.
Thời điểm này, các homestay trên địa bàn huyện Lâm Bình đang chuẩn bị mọi điều kiện, sẵn sàng đón du khách trong dịp Lễ hội Lồng Tông và Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình, sẽ diễn ra từ ngày 8, 9/2/2025 (tức thứ bảy, chủ nhật ngày 11, 12 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Có thể thấy, từ một vùng đất thuần nông, giờ đây, Lâm Bình đang chuyển mình, trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ trên bản đồ du lịch miền Bắc. Và khi mùa xuân tiếp tục len lỏi qua từng ngôi nhà sàn, qua từng con đường làng quanh co bên triền núi, Lâm Bình vẫn ở đó, vẫn vững vàng giữa đại ngàn, đón những bước chân lữ khách với tất cả sự nồng hậu, chân thành và bình yên vốn có.