| Hotline: 0983.970.780

Triển khai quy hoạch lâm nghiệp phải gắn với thu hút đầu tư

Thứ Tư 09/10/2024 , 18:11 (GMT+7)

Quy hoạch là marketing hình ảnh cho quốc gia. Sau khi có quy hoạch hoàn chỉnh, các bên phải tìm cách tiếp thị sản phẩm ấy đến đông đảo người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Quy hoạch lâm nghiệp cần đi đôi với thu hút đầu tư'. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Quy hoạch lâm nghiệp cần đi đôi với thu hút đầu tư'. Ảnh: Bảo Thắng.

Tăng nhanh số khu bảo tồn thiên nhiên

Theo quy hoạch lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, ngành lâm nghiệp duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42-43%, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân năm đạt 5-5,5%, trồng rừng sản xuất bình quân 238.000ha/năm, rừng phòng hộ và đặc dụng 8.600ha/năm, ít nhất 1 triệu ha rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Sản lượng gỗ trong nước đạt 35 triệu m3 (2025) và 50 triệu m3 (2030). Đến năm 2025, thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 1,5 lần, thu dịch vụ môi trường rừng tăng bình quân 5%/năm. Đến năm 2030, 100% diện tích rừng của chủ rừng là tổ chức được quản lý bền vững.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết, thời kỳ này đất lâm nghiệp được quy hoạch hơn 15,8 triệu ha, trong đó gần 93% là đất có rừng. Cụ thể, diện tích đất rừng đặc dụng đến năm 2030 là 2,45 triệu ha, đất rừng phòng hộ là 5,23 triệu ha, còn lại 8,16 triệu ha là đất rừng sản xuất.

Để phục vụ những mục tiêu này, ngành lâm nghiệp phải đảm bảo cung cấp bình quân 575 triệu cây giống/năm vào 2030, xây dựng được 5-7 khu công nghệ cao, công suất khoảng 200 triệu cây giống/năm. 

Đồng thời, trồng rừng 2,47 triệu ha, riêng gỗ lớn là 1 triệu ha. Diện tích khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng trung bình đạt 93.000ha/năm. Hoàn thành trồng 1 tỷ cây xanh đến năm 2030. Phấn đấu đạt 1 triệu ha diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững vào năm 2030. 

Những dịch vụ đi kèm được phát triển đồng bộ, như bảo trì và mở mới 6.000km đường giao thông, 5.400km đường băng cản lửa. Dịch vụ môi trường rừng (bao gồm tín chỉ carbon), du lịch sinh thái gắn với bảo vệ, phát triển rừng được đẩy mạnh. Đặc biệt, khoảng 3,7 triệu ha rừng đang được quản lý bởi UBND cấp xã sẽ được giao đến tay chủ rừng.

Quy hoạch cũng định hướng phát triển lâm nghiệp. Trong đó, tập trung vào 2 vùng có nhiều dư địa là Trung du miền núi phía Bắc (khoảng 6 triệu ha) và Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung (khoảng 5,8 triệu ha). Hai khu vực này phấn đấu đạt tỷ lệ che phủ rừng bình quân khoảng 55% vào năm 2030.

Cục trưởng Trần Quang Bảo: 'Các địa phương ngày càng quan tâm đến lâm nghiệp'. Ảnh: Bảo Thắng.

Cục trưởng Trần Quang Bảo: "Các địa phương ngày càng quan tâm đến lâm nghiệp'. Ảnh: Bảo Thắng.

Cục trưởng Trần Quang Bảo đánh giá, theo quy hoạch vừa được phê duyệt, diện tích rừng trên cả nước cơ bản ổn định. Do đó, quy hoạch đặt ra nhiều vấn đề về nâng cao chất lượng rừng, góp phần giúp Việt Nam thực hiện những cam kết về chống biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, địa phương ngày càng quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ cho lâm nghiệp. Ông Bảo lấy ví dụ, vào thời kỳ trước đó, cả nước có khoảng 180 khu bảo tồn thiên nhiên, nhưng sang giai đoạn 2021-2030, số khu này tăng lên hơn 230. Một số khu bảo tồn như Xuân Liên (tỉnh Thanh Hóa) còn nỗ lực chuyển hạng lên vườn quốc gia, nhằm thu hút thêm nguồn lực bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

Phó cục trưởng Phạm Hồng Lượng thông tin thêm, rằng cơ sở dữ liệu liên quan tới quy hoạch đã được bàn giao cho địa phương. Hiện Cục Lâm nghiệp tiếp tục phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cập nhật lên cơ sở dữ liệu quốc gia, đồng thời nghiên cứu, xây dựng các bộ chỉ tiêu để giám sát việc thực hiện quy hoạch.

"Quy hoạch lâm nghiệp liên quan tới rất nhiều quy hoạch ở đja phương", ông Lượng chia sẻ và đề nghị Chi cục Kiểm lâm, Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố tham mưu UBND cấp tỉnh cụ thể hóa quy hoạch và triển khai kế hoạch thực hiện đến cấp xã, trong đó ưu tiên số 1 là duy trì, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.

Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp còn lưu ý đến hơn 3 triệu ha đất rừng chưa có chủ trên cả nước và đề nghị 60 tỉnh, thành phố có rừng linh hoạt nguồn ngân sách để bố trí nguồn lực cho lâm nghiệp, bên cạnh việc khai thác từ 2 chương trình mục tiêu quốc gia là giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững.

Một số địa phương nêu ý kiến tại điểm cầu chính - trụ sở Bộ NN-PTNT. Ảnh: Bảo Thắng.

Một số địa phương nêu ý kiến tại điểm cầu chính - trụ sở Bộ NN-PTNT. Ảnh: Bảo Thắng.

Quy hoạch là marketing hình ảnh quốc gia

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao công tác lập, thẩm định và tổ chức quy hoạch lâm nghiệp quốc gia. Ông gợi mở thêm, rằng khi lập quy hoạch, tổ soạn thảo nên tư duy thêm làm thế nào để thu hút nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn lực xã hội hóa.

"Quy hoạch là marketing hình ảnh địa phương, cao hơn là hình ảnh quốc gia. Sau khi có bản quy hoạch hoàn chỉnh rồi, chúng ta phải tìm cách tiếp thị sản phẩm ấy đến với đông đảo người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Phải làm cho các nhà đầu tư thấy được cơ hội khi tham gia vào quy hoạch", Bộ trưởng nói.

Theo người đứng đầu Bộ NN-PTNT, từ 1 nhà đầu tư ban đầu, họ có thể sẽ dẫn dụ ra thêm 2, 3 nhà đầu tư kỳ vọng nữa. Do đó, ngay khi triển khai kế hoạch phải định hướng tăng cường trao đổi thông tin với nhà đầu tư. Thông qua những cuộc thảo luận ấy, địa phương có thể tiến hành rà soát, điều chỉnh (trong phạm vi có thể), từ đó tìm ra những điểm chung và khai phá thêm những không gian mới, tạo ra thêm động lực thu hút nhà đầu tư.

Trên tinh thần “Cái gì tốt thì cố gắng làm, cái nào có thể làm tốt hơn nữa thì tiếp tục cố gắng", Bộ trưởng tin rằng công bố quy hoạch lâm nghiệp chỉ là bước khởi đầu cho một chuỗi hoạt động kế tiếp. Ông lấy ví dụ về việc khoanh nuôi tái sinh rừng. Đây từng là vấn đề tồn tại nhiều năm tại Tây Nguyên, Tây Bắc khi người dân du canh, du cư, khiến tỷ lệ rừng nghèo, kiệt còn rất lớn.

Để có thể đạt mục tiêu khoanh nuôi tái sinh bình quân 93.000ha/năm, ngành lâm nghiệp cần phải tạo ra sinh kế cho bà con, ngoài các buổi tập huấn về kỹ thuật nâng cao chất lượng rừng.

Rừng thông tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Thanh Thủy.

Rừng thông tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Thanh Thủy.

Nhấn mạnh giá trị của rừng không chỉ là gỗ hay dược liệu dưới tán rừng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới.

Thứ nhất, địa phương rà soát quy hoạch lâm nghiệp quốc gia để tích hợp với quy hoạch tỉnh, tiến tới ban hành nghị quyết chuyên đề về lâm nghiệp. Thứ hai, xây dựng những mô hình bảo đảm sinh kế cho người dân sống tại vùng đệm, sống xung quanh rừng, thay vì chỉ hỗ trợ tiền cho công tác tuần rừng, bảo vệ rừng.

Thứ ba, toàn ngành lâm nghiệp nghiên cứu, phát triển kinh tế dược liệu dưới tán rừng, ban hành quy trình trồng dược liệu dưới tán rừng, đồng thời có cơ chế, chương trình hỗ trợ giống, đưa người dân vào HTX, hướng dẫn thủ tục cấp mã số vùng trồng để mở rộng hoạt động của người dân, tránh tình trạng nhỏ lẻ, manh mún.

Thứ tư, xây dựng nhiều câu chuyện xung quanh việc khai thác đa giá trị từ rừng, làm thế nào để bán “cái nhỏ” mà thu được “cái to” từ rừng. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng gợi ý, Cục Lâm nghiệp có thể phối hợp địa phương làm những clip ngắn, giới thiệu tiềm năng thế mạnh của vùng được quy hoạch, giúp tạo thêm cảm xúc cho nhà đầu tư.

Thứ năm, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong công tác nghiên cứu, chọn tạo giống, phát triển đa dạng kỹ thuật lâm sinh, khoanh nuôi tái sinh rừng, đặc biệt là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa.

“Tư duy quy hoạch của phương Tây là xã hội đầu tư, còn ở ta lại là Nhà nước đầu tư”, Bộ trưởng trăn trở. Do đó, ông kêu gọi mỗi người khi triển khai quy hoạch lâm nghiệp hãy cố gắng tìm những dư địa, cơ hội phát triển mới để không phải "hối tiếc" khi nhìn lại.

Một số ý kiến của địa phương tại hội nghị cho rằng, nên có cơ chế linh hoạt trong các nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng. Hiện nhiều nơi xuất hiện tình trạng "có tiền nhưng không tiêu được". Vì thế, kiến nghị Bộ NN-PTNT có thêm hướng dẫn để triển khai quy hoạch lâm nghiệp một cách có hiệu quả.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Những loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng tại Việt Nam từ 1/2025

Bộ NN-PTNN vừa ban hành Thông tư về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam từ tháng 1/2025. Sẽ có những loại thuốc nào bị cấm?

Nguyên nhân vụ cháy nhà trọ làm 2 người chết

TP.HCM Ngôi nhà 4 tầng, rộng khoảng 60m2, được ngăn thành hơn chục phòng nhỏ cho thuê, tầng trệt để xe máy, thời điểm xảy ra cháy, khu trọ đang có 23 người ở các phòng.