| Hotline: 0983.970.780

Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề xã Phú Nghĩa

Thứ Bảy 09/12/2023 , 09:12 (GMT+7)

Triển lãm các sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thủ công mỹ nghệ và làng nghề xã Phú Nghĩa thu hút hơn 30 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia.

Sở Công Thương Hà Nội vừa phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ khai mạc Triển lãm các sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thủ công mỹ nghệ và làng nghề xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) năm 2023.

Hơn 30 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tham gia

Triển lãm sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 7 đến ngày 9/12 tại xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), có quy mô trên 2.000m2 thu hút hơn 30 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm mây tre đan, sản phẩm nông nghiệp của các nghệ nhân và làng nghề huyện Chương Mỹ.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ) 2023 là nơi làng nghề giới thiệu, quảng bá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mây tre đan đến với người dân Thủ đô. Đây cũng là dịp để doanh nghiệp, làng nghề của huyện có thêm cơ hội tiếp cận, kết nối hoạt động thiết kế những mẫu sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khách hàng. 

Người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thông qua triển lãm.

Người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thông qua triển lãm.

Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ 2023 góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề nói chung và ngành mây tre đan nói riêng, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất - chế biến, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Triển lãm cũng phần nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề với hoạt động du lịch. Từ đây sẽ tạo tiền đề để xây dựng và hình thành sàn giao dịch các thiết kế, mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội, phục vụ cho phát triển ngành thủ công mỹ nghệ nói chung và Chương trình OCOP Hà Nội nói riêng. Ngoài ra còn tạo môi trường cung cấp thông tin trao đổi, tư vấn hiệu quả về thiết kế mẫu sản phẩm giữa các nhà thiết kế với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ.

Theo báo cáo của huyện Chương Mỹ, trên địa bàn huyện có 584 doanh nghiệp công nghiệp và trên 8.000 cơ sở sản xuất. Trong thời gian qua, tăng trưởng kinh tế của huyện đạt trên 11%; giai đoạn 2021-2023, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng 18-21%/năm, dự kiến năm 2023 đạt 12.670 tỷ đồng.

Mong muốn gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống

Trên địa bàn huyện có 175/206 làng có nghề, trong đó có 36 làng nghề được UBND thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống, với các ngành nghề, mộc, điêu khắc đá, thêu ren… Đáng chú ý, ngành mây tre đan của huyện chiếm tới 27/36 làng được công nhận làng nghề truyền thống, hiện 85% dân số trong địa phương đều biết làm mây tre đan truyền thống.

Sản xuất mây tre đan xuất khẩu tại xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội).

Sản xuất mây tre đan xuất khẩu tại xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội).

Toàn xã Phú Nghĩa có 17 công ty kinh doanh hàng thủ công truyền thống; số hộ biết sản xuất hàng thủ công chiếm 85% tổng hộ dân trong toàn xã. Tuy nhiên đến nay, việc sản xuất tại các làng nghề chỉ bó hẹp trong hộ gia đình bởi từ lâu Phú Nghĩa đã được quy hoạch thành khu công nghiệp, địa phương không thể đáp ứng nhu cầu mặt bằng để mở rộng sản xuất.

Từ 2014, các sản phẩm làng nghề của Phú Nghĩa đã có nhãn hiệu chung. Tuy nhiên, các DN, hộ sản xuất kinh doanh vẫn chưa gắn mác tập thể - dù chính quyền và các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền vận động. Các DN từ khi thu gom đến khâu hoàn thiện để xuất khẩu, chỉ gắn nhãn mác riêng của DN mình vào sản phẩm. Còn với các hộ gia đình, do chỉ sản xuất sản phẩm thô nên cũng chưa quan tâm đến nhãn mác. Hội Nông dân là đơn vị được giao quản lý về nhãn mác nhưng do không có kinh phí nên cũng khó khăn trong công tác triển khai.

Nghệ nhân mây tre đan Nguyễn Văn Trung chia sẻ, muốn bảo tồn nghề truyền thống cần phải làm cho lớp trẻ ham nghề. Muốn vậy, các Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng mây tre đan phải thu hút lao động trẻ bằng các chế độ phúc lợi như bảo hiểm xã hội, y tế…Phải để họ được lao động trong môi trường chuyên nghiệp, nếu không thanh niên rất dễ quay lưng với nghề của cha ông.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.