| Hotline: 0983.970.780

Huyện Thanh Oai tập trung phát triển OCOP cho các đặc sản, sản phẩm làng nghề

Thứ Tư 15/11/2023 , 08:50 (GMT+7)

Gần đây tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ở thôn Thanh Lương, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội thấy trưng bày nhiều thứ hàng hấp dẫn, lôi cuốn khách.

Nào là bánh cuốn Thanh Lương, gạo thơm Bối Khê Tam Hưng, giò chả Ước Lễ, tương Cự Đà… Toàn những đặc sản, sản phẩm làng nghề có tiếng bấy lâu của các xã trong huyện Thanh Oai. Một điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP khác tại thị trấn Kim Bài cũng vừa khánh thành, bày biện nhiều thứ hàng bắt mắt và thu hút đông khách tương tự.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, thời gian tới, huyện sẽ chú trọng công tác phát triển các sản phẩm làng nghề, nông sản đặc trưng và mở thêm các điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại để kết nối. Qua đó hình thành các tuyến du lịch làng nghề nhằm tạo ra đa giá trị cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hàng trăm năm nay, ở Thanh Oai đã hình thành các làng nghề đặc biệt như nón lá ở làng Chuông, xã Phương Trung, điêu khắc ở Võ Lăng xã Dân Hỏa, Dư Dụ xã Thanh Thùy, đan quạt và lồng chim ở Vác xã Dân Hòa…Trên nền tảng vững chắc của các sản phẩm làng nghề truyền thống ấy và các sản phẩm nông nghiệp mới hình thành, huyện đã động viên các chủ thể đi đánh giá, xếp hạng OCOP và được 52 sản phẩm 4 sao và 5 sản phẩm 3 sao.

Sản phẩm lồng chim nghệ thuật. Ảnh: NNVN.

Sản phẩm lồng chim nghệ thuật. Ảnh: NNVN.

Quá trình này giúp quảng bá đến nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước hơn, nâng cao giá trị cho những sản phẩm này, tăng thu nhập cho các chủ thể và những nghệ nhân, người lao động ở các làng nghề. Ông Lê Văn Tuy, chủ thể của bộ sản phẩm nón được xếp hạng OCOP ở làng Chuông cho biết, trước đây nón Chuông đã nổi tiếng nhưng từ khi tham gia đánh giá, xếp hạng chương trình OCOP, các sản phẩm này ngày càng được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến hơn. Một số du khách còn tìm về tận làng để vừa đặt mua hàng vừa tham quan, du lịch tìm hiểu nghề làm nón.

Cũng từ khi được đánh giá, xếp hạng OCOP ông cùng các lao động trong làng đã có ý thức hơn trong việc nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã, nắm bắt các xu hướng của thị trường để đáp ứng theo yêu cầu của khách. Không chỉ thế, họ còn đánh giá được tiềm năng, thế mạnh sản phẩm của mình, đồng thời cũng học hỏi được các thế mạnh, cách tiếp thị, quảng bá của các chủ thể khác, từ đó mà hoàn thiện tốt hơn. Do vậy, sản phẩm nón làng Chuông không chỉ gia tăng được giá trị với tập khách hàng trong nước mà đã trở thành món quà mang đậm văn hóa đồng bằng Bắc bộ với tập khách hàng Mỹ, Nhật, Hàn, Trung Quốc...

Sản phẩm gạo đặc sản Tam Hưng. Ảnh: Tư liệu.

Sản phẩm gạo đặc sản Tam Hưng. Ảnh: Tư liệu.

Thanh Oai xác định OCOP góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, là một giải pháp quan trọng để nâng cao thu nhập, tỷ lệ lao động có công ăn việc làm trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nên thời gian qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ.

Cụ thể, cùng với việc bố trí gian hàng, huyện còn phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội cũng như các ban ngành của thành phố tổ chức các chương trình hội chợ, hội nghị kết nối, xúc tiến thương mại sản phẩm làng nghề, OCOP. Tại các hội chợ, hội nghị đó, các chủ thể OCOP ngoài việc bán hàng còn kể được các câu chuyện độc đáo về quá trình hình thành, phát triển sản phẩm của mình, ký được nhiều hợp đồng mua bán lâu dài...

Để nâng cao giá trị cho các sản phẩm OCOP đồng thời nâng cao thu nhập cho các chủ thể OCOP, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai ông Nguyễn Trọng Khiển khẳng định sẽ tạo điều kiện cho các hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và đưa các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng. Cụ thể, đối với các làng nghề truyền thống hay mới có sản phẩm được công nhận OCOP, huyện sẽ rà soát quỹ đất để bố trí điểm trưng bày sản phẩm, hình thành các tuyến du lịch tham quan, trải nghiệm.

Khách mua hàng tại một hội chợ kết nối. Ảnh: NNVN.

Khách mua hàng tại một hội chợ kết nối. Ảnh: NNVN.

Huyện cũng tập hợp danh mục các nhóm ngành hàng có thế mạnh, cần ưu tiên phát triển mà hỗ trợ các chủ thể trong việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, câu chuyện sản phẩm cũng như cách quản lý chất lượng, marketing bán hàng...Huyện cũng đẩy mạnh việc hoàn thiện các cụm công nghiệp đang dang dở để quy hoạch các cơ sở sản xuất ở làng nghề truyền thống vào, vừa đảm bảo môi trường vừa phát triển sản xuất kết hợp với du lịch.

Huyện Thanh Oai hiện có 46/51 làng nghề truyền thống, trong nông nghiệp đã hình thành các vùng sản xuất tập trung gồm vùng sản xuất lúa hơn 6.400ha chất lượng cao; vùng trồng cây ăn quả 300ha; vùng trồng rau an toàn hơn 100ha; vùng nuôi trồng thủy sản 300ha tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ; vùng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 diện tích 11,7ha; cơ sở trồng hoa lan nuôi cấy mô 4.500m2, cơ sở trồng dưa lưới và táo theo tiêu chuẩn VietGAP 5.300m2.

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.