Thiên Trường 900 là một trong những giống lúa chất lượng cao do Trung tâm Giống cây trồng Nam Định (Sở NN-PTNT Nam Định) nghiên cứu, chọn tạo, đã đưa vào sản xuất khảo nghiệm trong và ngoài tỉnh.
Tác giả giống lúa Thiên Trường 900, ông Phạm Ngọc Minh chia sẻ, qua nhiều vụ sản xuất khảo nghiệm ở một số huyện trên địa bàn tỉnh cho thấy, Thiên Trường 900 đã phát huy nhiều ưu điểm nổi bật, được nông dân trực tiếp tham gia sản xuất và đánh giá cao.
Hiện giống lúa Thiên Trường 900 được Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia (Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT) sản xuất khảo nghiệm ở 5 tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Thái Bình và Hưng Yên.
Theo ông Minh, giống lúa Thiên Trường 900 dễ canh tác, lượng phân bón trong quá trình sản xuất ở mức trung bình và gieo cấy được cả 2 vụ trong năm, thích hợp với chân đất vàn. Tốc độ sinh trưởng từ 135 - 138 ngày ở vụ xuân cho năng suất 65 - 67tạ/ha và 110 ngày ở vụ mùa cho năng suất 60 - 62 tạ/ha.
So với các giống lúa khác, giống lúa Thiên Trường 900 có bộ lá đẹp, thân cây cứng, đẻ nhánh khỏe, vụ xuân chỉ cần cấy 2 dảnh mạ/khóm, vụ mùa 2 - 3 dảnh/khóm, cấy từ 28 - 32 khóm/m2, tùy từng vụ.
Ngoài ra, lượng thóc giống Thiên Trường 900 để gieo mạ chỉ tốn khoảng 9 - 10 lạng/sào Bắc Bộ. Theo kiểm đếm, 1 bông lúa đến thời kì thu hoạch có tới 170 hạt thóc. Khi chín, thóc có màu vàng xám, dáng thon nhỏ; gạo màu trắng trong.
Ông Minh cho biết thêm, nếu đối chứng với giống lúa Bắc thơm 7 thì giống lúa Thiên Trường 900 có nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn. Năng suất cao hơn khoảng 20%. Khả năng chống chịu bệnh (đạo ôn, bạc lá, rầy) tốt hơn nhiều. Tỷ lệ lép đầu bông thấp.
“Phân tích chất lượng thương phẩm thì hàm lượng Amiloza ở Thiên Trường 900 chiếm khoảng 14,5% nên cơm ngon, mềm, dẻo hơn Bắc thơm 7, có mùi thơm nhẹ. Không những thế, mức độ chuyển hóa phẩm cấp thương phẩm chậm, nếu để lâu chất lượng gạo vẫn ngon, không bị giảm; vì vậy thời gian bảo quản được lâu hơn”, ông Minh bộc bạch.
Giống lúa Thiên Trường 900 vẫn đang trong quá trình sản xuất khảo nghiệm nhưng cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của sản xuất. Nếu thuận lợi, sẽ sớm được bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của Nam Định.
Vụ mùa 2020, xã Nghĩa Thái (huyện Nghĩa Hưng) là một trong những địa phương được Trung tâm Giống cây trồng Nam Định chọn là nơi trồng thử nghiệm giống lúa này với diện tích 4ha.
Theo đánh giá của ông Đinh Văn Chỉnh, Chủ tịch HĐQT HTX Nghĩa Thái và bà con trực tiếp tham gia sản xuất thì giống lúa Thiên Trường 900 đẻ nhánh khỏe, năng suất cao hơn Bắc thơm 7. Cân thóc tươi tại ruộng, các hộ đều đạt năng suất từ 2,1 - 2,3 tạ/sào.
“Mặc dù, giống lúa Thiên Trường 900 mới sản xuất khảo nghiệm tại địa phương được 1 vụ, nhưng đã được các hộ đánh giá cao về năng suất, chất lượng. Bà con rất phấn khởi. Ngoài ra, giống lúa này chống chịu bệnh tốt hơn Bắc thơm 7; cả quá trình canh tác bà con chỉ phun thuốc trừ sâu có 2 đợt, qua đó giảm thiểu được một phần chi phí về thuốc BVTV”, ông Chỉnh khoe.
Ông Hoàng Đức Hân, Phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định) cho hay, qua phân tích, giống lúa này có chất lượng gạo ngon, cơm dẻo và mềm; chống chịu bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá tốt hơn Bắc thơm 7, nhất là bệnh bạc lá.
“Với những ưu điểm vượt trội, Thiên Trường 900 hứa hẹn sẽ là một giống lúa đầy triển vọng trong tương lai. Trung tâm đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ, thủ tục, khảo nghiệm diện rộng. Hi vọng, tới đây giống lúa Thiên Trường 900 sẽ được Bộ NN-PTNT công nhận để sớm lưu hành, sản xuất đại trà”, ông Phạm Ngọc Minh chia sẻ.