Ngày 10/10, tại tỉnh Bến Tre vừa phát hiện điểm sạt lở đê bao do triều cường dâng cao tại một đoạn đê ở tổ 16 ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách với chiều dài sạt lở hơn 6m. Vụ sạt lở làm nước tràn vào ngập nhà và 16ha vườn cây ăn trái của 19 hộ dân.
Hiện nay, các địa phương ven sông, cù lao ở tỉnh Bến Tre đang chủ động các lực lượng trực, ứng phó triều cường. Gia cố các điểm xung yếu, tổ chức nhân lực, vật lực sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sạt lở đất ven sông.
Còn tại tỉnh Tiền Giang, Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có 93 điểm sạt lở với chiều dài hơn 4.000m, cần nguồn kinh phí gần 69 tỷ đồng để khắc phục. Những ngày qua mưa lớn kết hợp triều cường cũng làm sạt lở tại nhiều khu vực ven sông Tiền. Đặc biệt, các cù lao bị nước tràn vào vườn cây, nhà ở, gây ngập cục bộ.
Tại cồn Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho có hàng chục ha vườn cây nhãn, cây bưởi danh xanh của người dân bị chìm trong biển nước. Tại các xã Hội Xuân, Tân Phong (huyện Cai Lậy) có nhiều đoạn đê bao ven sông Ba Rài, sông Tiền bị sạt lở gây ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân.
Trước tình hình triều cường dâng cao, mưa bão diễn biến phức tạp, chính quyền và người dân đang khẩn trương ứng phó như bơm tát nước, gia cố các đoạn đê xung yếu. Các hệ thống cống đập vận hành theo hướng thích hợp, nhất là tháo nước mưa và chống triều cường tràn vào nội đồng.
Ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết: "Tại Tân Phong, mấy ngày nay có sạt lở đoạn đê dài hơn 10m, chiều ngang gần 5m. Một số chỗ bờ bao đất yếu, bờ nhỏ có ngập tràn nhưng không ngập úng. Xã Tân Phong đã chủ động mua bao, khu nào xung yếu thì người dân nhận đất về kè”.