Ông Đặng Quang Dinh ở thôn Yến Đô, xã Tân Việt (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) là người yêu thích cây cảnh từ khi còn nhỏ tuổi, nhưng phải tới năm 2001 ông mới giao dịch thành công những cây trồng chơi này thành sản phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế cao. Chỉ với gần 100 chậu cây cảnh đặt trong sân nhà, năm nào ông Dinh cũng thu được 40 - 50 triệu đồng lợi nhuận, tương đương thu nhập từ thâm canh gần 1ha nhãn.
Vào thời kỳ cây cảnh được giá như năm 2011, ông Dinh còn thu được lợi nhuận 500 triệu đồng/năm. So với số vốn, diện tích sản xuất và công lao động bỏ ra, đây được coi là nghề siêu lợi nhuận.
Bên cạnh việc tạo cây cảnh từ các cây phôi, ông Dinh còn mua lại những cây cảnh đã bị phá thế, xấu dáng về trồng chăm sóc, uốn tỉa, nâng cao giá trị thẩm mỹ cho cây rồi bán cho những người có nhu cầu. Ông Dinh kể, có những cây cảnh khi mới mua nhiều người dân trong làng bảo ông "mua củi giá cao" nhưng ông vẫn bỏ ngoài tai để tập trung chăm sóc, cắt tỉa tỷ mỉ, định vị lại kiểu dáng cây, đưa lên chậu cho ký đá, ký thuỷ, 1 - 2 năm sau lại trở thành những cây cảnh đẹp cuốn hút, bán được giá rất cao.
Theo ông Dinh, một chậu cảnh đẹp tối thiểu phải đảm bảo cân đối giữa đôn, chậu và cây trồng trong chậu; các lá trên cây càng nhỏ càng tốt; gốc cây càng to, chiều cao cây càng thấp càng đẹp. Tuy nhiên chiều cao cây tối đa không được vượt quá 7 lần đường kính gốc tại vị trí lớn nhất. Đồng thời gốc cây phải to đều, không lép hậu, bộ rễ không cơi quá cao và phải thể hiện được sự vững chắc. Các nhánh cây phải to, khoẻ, không có nhánh mọc ngược vào thân, cây phải biểu hiện được sự khoẻ khoắn, không tỳ vết sâu bệnh.
Ngoài ra, cây cảnh đẹp còn phải hội tụ được đủ 3 yếu tố là kỳ, cổ, mỹ. Cây càng mới lạ về kiểu dáng, chủng loài, càng lâu năm, cổ thụ càng mang được hàm ý nhân văn sâu sắc và sẽ càng có giá trị về nghệ thuật, giá trị kinh tế.
Hình thái cây cảnh cũng có rất nhiều biến thể khác nhau, thông dụng nhất vẫn là dáng siêu, dáng huyền, dáng hoành, dáng làng, dáng trực, dáng văn nhân và các thế ngũ phúc, tam đa, phu thê, mẫu tử. Về chủng loài cây cảnh hiện nay, phổ biến là sanh, sung, lộc vừng, tường vi, tùng lá kim, tùng la hán, duối...
Ông Dinh cho biết, sản xuất cây cảnh giống như điêu khắc tranh nghệ thuật, hàm ý nông, sâu tuỳ vào trí tưởng tượng của mỗi người, nhưng với bức tranh chỉ khắc vẽ một lần là xong, còn cây cảnh phải thường xuyên chăm sóc, gò uốn, cắt tỉa tỉ mỉ mới duy trì được giá trị thẩm mỹ của cây, nếu không cây sẽ tự phá thế, mất dáng. Mặt khác, cây cảnh là hình ảnh thu nhỏ từ tự nhiên, vì vậy trong phạm vi không gian hẹp phải làm sao phản ánh được đầy đủ nội dung giống khung cảnh ngoài thực tế.
"Để tạo được một cây cảnh đẹp, mang tính nghệ thuật cao, trước hết phải quan sát kỹ thân, gốc, cành và lá của cây phôi, từ đó tìm ra hình tượng cho cây cảnh trong tương lai. Sau mới tiến hành cắt, tỉa, bóc vỏ, tạo hốc, dùng dây kẽm, dây vải để co kéo, gò uốn định vị thân, cành và tán lá cây theo hình dáng, ý tưởng đã định', ông Dinh bật mí.
Sản xuất cây cảnh không cần nhiều thời gian, lao công sức động, nhưng giá trị vật chất, tinh thần do cây cảnh mang lại thì ít có lĩnh vực sản xuất nào sánh kịp. Đặc biệt, trồng chơi và kinh doanh cây cảnh luôn phù hợp với mọi lứa tuổi, nhất là với người già, chỉ cần một không gian trống, thoáng như góc sân, tiền sảnh, vườn nhà... là có thể cho phép bày đặt các chậu cây cảnh, rồi tranh thủ sớm tối chăm sóc, duy trì hình thế và ngắm nhìn thưởng lãm cảnh cây, đôi khi còn nảy sinh thêm các ý tưởng mới để tạo ra một kiểu dáng cây cảnh độc, lạ nào đó.
"Chơi cây cảnh là nét đẹp văn hoá, thú chơi tao nhã và là món ăn tinh thần không thể thiếu với nhiều người Việt. Hiện nay, tốc độ đô thị hoá đang diễn ra nhanh, nhu cầu thưởng ngoạn, giải trí từ các loại sinh vật cảnh nói chung, cây cảnh nói riêng đang ngày càng phổ biến. Người chơi cây cảnh nếu biết chăm sóc, cắt tỉa đúng cách sẽ càng để lâu càng có giá. Với nhiều hộ dân nước ta, cây cảnh được coi là biểu tượng cho nề nếp, gia phong của gia đình, dòng tộc", ông Dinh nhìn nhận.