| Hotline: 0983.970.780

Phát triển hoa, cây cảnh gắn với du lịch nông nghiệp

Thứ Hai 25/03/2024 , 15:03 (GMT+7)

Trong các sản phẩm gắn với du lịch nông nghiệp thì hoa, cây cảnh là lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế nhất.

Câu lạc bộ Đổi mới sáng tạo (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) vừa tổ chức hội thảo "Thúc đẩy ứng dụng sản xuất và tiêu dùng rau, hoa, quả theo hướng nông nghiệp sinh thái có kết hợp với du lịch nông nghiệp".

Hội thảo thu hút sự quan tâm tham dự của rất nhiều nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) và Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cùng hàng chục nhà vườn nông nghiệp sinh thái ở khắp các tỉnh phía Bắc.

Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu cùng thảo luận về nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch nông nghiệp. Ảnh: Hải Tiến.

Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu cùng thảo luận về nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch nông nghiệp. Ảnh: Hải Tiến.

Tham luận tại hội thảo, ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á, kiêm Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam chỉ rõ, phát triển du lịch cộng đồng ở nước ta cơ bản vẫn mang tính tự phát, dẫn đến việc tạo ra các sản phẩm giống nhau, không phát huy được tiềm năng lợi thế địa phương hoặc vùng miền, còn có sự hiểu lầm giữa phát triển homestay với du lịch cộng đồng.

Nhiều nơi học hỏi làm mô hình du lịch cộng đồng nhưng không biết phân tích để áp dụng vào thực tiễn; chưa bám vào văn hoá bản địa để tạo ra sự khác biệt giữa các sản phẩm du lịch. Đặc biệt, chưa đưa sinh kế và môi trường vào phát triển du lịch cộng đồng; thiếu quy định và chính sách hỗ trợ rõ ràng từ phía chính quyền và các cơ quan liên quan nên khó khăn cho thu hút đầu tư và thúc đẩy du lịch nông nghiệp...

Theo ông Quỳnh, để xây dựng, quảng bá thương hiệu "Travel Shopping" cho các sản phẩm du lịch nông nghiệp Việt Nam, cần sự hợp tác giữa các ngành liên quan với Bộ NN-PTNT. Cần đào tạo, nâng cao hiểu biết về du lịch nông nghiệp cho người dân và phải xây dựng được chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh, an toàn, an toàn thực phẩm. Nên xây dựng các homestay và nhà trọ chất lượng để du khách có thể trải nghiệm và tương tác với đời sống và công việc nông nghiệp của địa phương. Khuyến khích đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị thu nhập và chất lượng sản phẩm.

Mô hình trồng sen hồng kết hợp với du lịch sinh thải ở Đồng Tháp. Ảnh: TL.

Mô hình trồng sen hồng kết hợp với du lịch sinh thải ở Đồng Tháp. Ảnh: TL.

Về lộ trình thực hiện, ông Quỳnh đề nghị ưu tiên thành lập HTX, trong đó có các tổ dịch vụ; xây dựng các dòng sản phẩm dựa trên các sản phẩm bản địa đặc sắc, sau dùng sức mạnh cộng đồng để hỗ trợ các homestay hoàn thiện quy chuẩn phát triển sinh kế. Đồng thời thiết lập mạng lưới kết nối giữa nông dân, nhà sản xuất và người tiêu dùng nhằm tạo sự tin tưởng trong quan hệ thương mại. Cuối cùng là dạy cho bà con biết cách truyền thông.

"Phát triển du lịch cộng đồng sẽ giúp nâng cao cơ hội và tạo việc làm cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương thông qua bán sản phẩm và dịch vụ du lịch. Đồng thời cung cấp cho thị trường hàng hoá và các dịch vụ tại địa phương, nâng cao hình ảnh quốc gia và làng quê sở tại", ông Quỳnh hiến kế.

Tại hội thảo, nhiều câu hỏi của các đại biểu đã được đặt ra như: Du lịch nông nghiệp là gì; sự khác nhau giữa du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng; khách du lịch thích làm gì khi ở địa phương; vai trò của du lịch sinh thái trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn... 

Mô hình sản xuất nho hữu cơ gắn với du lịch nông nghiệp, trải nghiệm nghề làm vườn ở Hưng Yên. Ảnh: Hải Tiến.

Mô hình sản xuất nho hữu cơ gắn với du lịch nông nghiệp, trải nghiệm nghề làm vườn ở Hưng Yên. Ảnh: Hải Tiến.

PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả chia sẻ, trong các sản phẩm gắn với du lịch nông nghiệp thì hoa, cây cảnh là lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế nhất. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thành công trong xây dựng các mô hình sản xuất hoa, cây cảnh kết hợp với du lịch nông nghiệp.

Tại Việt Nam cũng có một số làng hoa, cây cảnh đã gắn được với du lịch lễ hội và sản xuất nông nghiệp như Lễ hội làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), Lễ hội hoa tam giác mạch (Hà Giang), Lễ hội làng hoa Xuân Quan, Phụng Công (Hưng Yên), Lễ hội hoa, cây cảnh làng Vị Khê (Nam Định), Lễ hội hoa đào Nhật Tân (Hà Nội)...

Ông Đông cho biết, hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh của Viện Nghiên cứu Rau quả đang phối hợp với Trường Đại học Xây dựng và UBND huyện Phúc Thọ (Hà Nội) nghiên cứu xây dựng mô hình làng hoa, cây cảnh trên địa bàn này để tạo thêm điểm nhấn cho các nhà vườn nông nghiệp sinh thái trong toàn quốc đến tham quan, học hỏi.

"Nông nghiệp sinh thái là nông nghiệp bền vững, dựa theo tự nhiên và không trái ngược với nông nghiệp hàng hóa. Nông nghiệp thâm canh (hiện nay) dựa trên hóa chất để thúc đẩy năng suất là trái ngược với nông nghiệp bền vững và hiệu quả cộng dồn. Nên có thể nói, hệ thống nông nghiệp thích ứng tốt nhất với các thách thức trong tương lai là hệ thống dựa trên nông nghiệp sinh thái", TS Phạm Văn Hội (Trung tâm Sinh thái Nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nêu quan điểm.

Xem thêm
Nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu

Ninh Thuận Mô hình nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu giúp nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế tăng trên 10% so với chăn nuôi đại trà.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...