Trong đời sống tâm linh người Việt, việc chọn cho thân nhân của mình một nơi “yên nghỉ” là cực kì quan trọng. Người xưa nói: “Sống vì mồ vì mả không ai sống vì cả bát cơm”… Riêng chuyện mồ mả từ xưa đã được coi là một “khoa” trong quan niệm của các nhà Nho (Nho, y, lý - địa lý, số).
Ngày nay do áp lực về việc đất đai khan hiếm, do việc quyi hoạch các nghĩa trang không cho phép việc đặt mồ đặt mả một cách tuỳ thích đã hạn chế rất nhiều việc chọn đất cho người chết đề kỳ vọng vào đó một sự “kết phát tài lộc” mà người sống được hưởng. Song không phải thế mà việc mồ mả bị xem nhẹ, vấn đề này ngày mỗi ngày càng nảy sinh nhiều chuyện.
Khoảng hơn hai mươi năm về trước, nghĩa trang Yên Kỳ (Ba Vì) được thành phố Hà Nội chọn mấy chục quả đồi thấp, trải dài mấy chục héc-ta làm nơi yên nghỉ cho các công dân thủ đô sau khi cải táng ở Văn Điển. Có thể nói Yên Kỳ là một nghĩa trang tương đối lý tưởng, mặt bằng thoáng rộng, đất đồi đá ong cao ráo, khoảng cách và mọi điều kiện thuận tiện. Trong thời bao cấp mỗi ngôi mộ được phân một phần đất như nhau. Toàn bộ nghĩa trang được chia thành lô theo thứ tư A, B, C..., các ngôi mộ được đánh số thứ tự. Hàng năm, thân nhân tìm về hương khói cho người quá cố chỉ việc tìm địa chỉ như tìm... số nhà vậy.
Những năm bao cấp, Công ty Nghĩa trang - Công viên của thành phố Hà Nội đặt ngay Công ty Xây dựng Ba Vì sản xuất (đúc bê tông) khuôn mộ. Hàng vạn chiếc khuôn giống nhau ra đời. Trong nghĩa trang, không phân biệt “nam, phụ, lão, ấu”, không phân biết giàu nghèo, các ngôi mộ đều như nhau.
Sau đổi mới, nghĩa trang Yên Kỳ cũng như vừa có một thoáng rùng mình mà thay đổi tất cả. Sẽ là không đúng khi so sánh: Thành phố của người sống như thế nào thì ở đây… cũng vậy! Nếu như trước đây các ngôi mộ được xây dựng theo qui chuẩn của nghĩa trang, khoảng cách giữa các mộ có thể thuận tiện cho việc thăm viếng, thì nay mộ nào mộ nấy đều được đẩy ra to đến không thể to hơn, cao đến nỗi phải làm mái và rộng đến hết... đất được phân! Vào nghĩa trang, các ngôi mộ lố nhố cao thấp, mỗi mộ một kiểu cách, một loại vật liệu, xanh đỏ tím vàng hoa cả mắt. Gọi là thành phố của... người chết cũng không sai.
Nông thôn Việt Nam trong quan niệm vẫn được coi là nơi còn lưu giữ được nhiều nề nếp. Chẳng hạn như cách đây vài mươi năm, cả một cánh đồng được làng quy định làm nghĩa địa không có một ngôi mộ nào dám xây... ngông! Nhà nọ bảo nhà kia, mình sống làm dân khi chết khiêm nhường xin làng một nấm đất làm dấu tích để hương khói cho thân nhân mình. Có khi vài trăm năm cả làng chỉ có một, hai ngôi mộ dụng công xây cất, đó là mộ của những người có công với nước với làng.
Vài năm trở lại đây “Phú quí sinh lễ nghĩa”, mồ mả từ đó mà bung ra muôn hình muôn vẻ, trăm hoa đua nở không hồi kết, như một cuộc cạnh tranh và lắm khi là sự kèn cựa.
Hiện nay, có rất nhiều gia đình ở thành thị về nông thôn mua đất ruộng để làm nghĩa trang gia đình. Do việc quản lý đất đai ở một số địa phương lỏng lẻo, dẫn đến việc mồ mả đặt không đúng nơi quy định, gây ra nhiều khó khăn trong quy hoạch.
Việc xây mồ mả đang có chiều hướng thái quá. Không kiếm làng quê có cảnh các họ đua nhau xây mộ tổ. Có những họ xây dựng một hệ thống từ thủy tố đến các tổ chi, nhánh… Ngôi mộ thủy tổ thì nhất định phải xây to nhất, đẹp nhất rồi cứ theo thứ tự mà giảm dần kể cả quy mô cũng như hình thức. Có người hài hước lý luận: Sau này, khi những người đang sống hôm nay trở thành… các cụ tổ thì con cháu biết xây như thế nào theo thứ tự giảm dần như các dòng họ hôm nay đang tiến hành.
Xây mồ mả tổ tiên là một nhu cầu chính đáng, nhưng việc làm ồ ạt như hôm nay đang đặt ra nhiều vấn đề cần các cơ quan quản lý quan tâm, có như thế mới tránh được những việc làm thiếu văn hoá, tốn phí công sức, tiền bạc một cách không cần thiết.