| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc trở lại là thị trường lớn nhất của cá tra

Chủ Nhật 13/10/2019 , 16:05 (GMT+7)

Với sự tăng trưởng tốt trong 8 tháng đầu năm nay, Trung Quốc - Hồng Kông trở lại là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam, bỏ xa các thị trường khác...

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh Lê Hoàng Vũ

Theo VASEP, trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra đạt 1,3 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu cá tra giảm, có nguyên nhân chính từ sự sụt giảm rất mạnh ở thị trường quan trọng hàng đầu là Mỹ. Trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang Mỹ chỉ đạt 187,9 triệu USD, giảm tới 41,5% so với cùng kỳ 2018.

Xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm mạnh chủ yếu do thuế chống bán phá giá quá cao theo kết luận cuối cùng của POR14.

Vì vậy, Việt Nam dù đang có 62 doanh nghiệp cá tra đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, nhưng chỉ có vài doanh nghiệp vẫn đang xuất cá tra sang Mỹ nhờ không chịu thuế chống bán phá giá hoặc thuế suất thấp.

Bên cạnh đó, sản lượng cá tra tăng mạnh trong năm 2018 và đầu năm 2019, dẫn tới dư thừa nguồn cung, khiến cho giá cá nguyên liệu và giá cá thành phẩm xuất khẩu đều giảm, cũng góp phần quan trọng làm giảm giá trị xuất khẩu cá tra.

Trong bối cảnh  đó, Trung Quốc đang trở thành niềm hy vọng lớn cho cá tra Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đã đạt 389,8 triệu USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều đáng chú ý là nếu như trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng trưởng không tốt do nước này siết chặt thương mại biên mậu và kiểm soát chất lượng, thì từ tháng 6 đến nay đã hồi phục đà tăng trưởng. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam và nhà nhập khẩu Trung Quốc đã bắt kịp những yêu cầu mới và có những điều chỉnh phù hợp.

Đặc biệt, trong tháng 7, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc – Hồng Kông tăng tới 71,1% so với tháng 7/2018.

Trong tháng 8, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng ở mức rất cao là 63,4%, và chiếm tới 40,6% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của tháng.

Với sự tăng trưởng mạnh trong mấy tháng qua, Trung Quốc - Hồng Kông đã trở lại vị trí là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang thị trường này vượt xa so với 2 thị trường đứng tiếp sau là Mỹ và EU.

Không những thế, thị trường Trung Quốc còn trở thành cứu cánh, là tâm điểm cho nhiều doanh nghiệp cá tra.

Bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty Sông Tiền (Tiền Giang), cho biết, mỗi tháng, công ty của bà xuất được khoảng 200 container cá tra xẻ bướm sang Trung Quốc theo đường chính ngạch. Nhờ Trung Quốc vẫn tiêu thụ tốt, nên đầu ra xuất khẩu của cá tra Việt Nam chưa bị bế tắc khi mà nhiều thị trường khác gặp khó khăn.

Thu hoạch cá tra. Ảnh Lê Hoàng Vũ

Một nét mới trong xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc, là đã đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu.

Nếu như trước đây, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cá tra nguyên con sang các tỉnh phía Nam Trung Quốc, thì trong năm nay, cá tra philê đã thâm nhập vào nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Đại Liên…

Nhìn chung, các sản phẩm cá tra xuất khầu sang Trung Quốc hiện đã khá đa dạng: cá tra phile đông lạnh, cá tra nguyên con xẻ bướm tẩm muối đông lạnh, bong bóng cá tra sấy, bong bóng cá tra đông lạnh, cá tra cắt khoanh đông lạnh, cá tra nguyên con đông lạnh, bao tử cá tra đông lạnh... 

Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc VASEP PRO, dự báo nhu cầu tiêu thụ cá tra của Trung Quốc sẽ còn cao hơn nữa. Bên cạnh đó, cá tra đã đáp ứng kịp thời các quy định mới của Trung Quốc. Do vậy, xuất khẩu cá tra sang thị trường này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng cuối năm nay.

Tuy nhiên, với thu nhập gia tăng, người Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn như xuất sang Mỹ, EU, Nhật Bản…

Bởi thế, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc cần quan tâm nhiều hơn tới chất lượng sản phẩm để giữ vững được thị trường quan trọng này.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm