| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc trở lại là thị trường lớn nhất của cá tra

Chủ Nhật 13/10/2019 , 16:05 (GMT+7)

Với sự tăng trưởng tốt trong 8 tháng đầu năm nay, Trung Quốc - Hồng Kông trở lại là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam, bỏ xa các thị trường khác...

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh Lê Hoàng Vũ

Theo VASEP, trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra đạt 1,3 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu cá tra giảm, có nguyên nhân chính từ sự sụt giảm rất mạnh ở thị trường quan trọng hàng đầu là Mỹ. Trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang Mỹ chỉ đạt 187,9 triệu USD, giảm tới 41,5% so với cùng kỳ 2018.

Xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm mạnh chủ yếu do thuế chống bán phá giá quá cao theo kết luận cuối cùng của POR14.

Vì vậy, Việt Nam dù đang có 62 doanh nghiệp cá tra đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, nhưng chỉ có vài doanh nghiệp vẫn đang xuất cá tra sang Mỹ nhờ không chịu thuế chống bán phá giá hoặc thuế suất thấp.

Bên cạnh đó, sản lượng cá tra tăng mạnh trong năm 2018 và đầu năm 2019, dẫn tới dư thừa nguồn cung, khiến cho giá cá nguyên liệu và giá cá thành phẩm xuất khẩu đều giảm, cũng góp phần quan trọng làm giảm giá trị xuất khẩu cá tra.

Trong bối cảnh  đó, Trung Quốc đang trở thành niềm hy vọng lớn cho cá tra Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đã đạt 389,8 triệu USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều đáng chú ý là nếu như trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng trưởng không tốt do nước này siết chặt thương mại biên mậu và kiểm soát chất lượng, thì từ tháng 6 đến nay đã hồi phục đà tăng trưởng. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam và nhà nhập khẩu Trung Quốc đã bắt kịp những yêu cầu mới và có những điều chỉnh phù hợp.

Đặc biệt, trong tháng 7, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc – Hồng Kông tăng tới 71,1% so với tháng 7/2018.

Trong tháng 8, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng ở mức rất cao là 63,4%, và chiếm tới 40,6% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của tháng.

Với sự tăng trưởng mạnh trong mấy tháng qua, Trung Quốc - Hồng Kông đã trở lại vị trí là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang thị trường này vượt xa so với 2 thị trường đứng tiếp sau là Mỹ và EU.

Không những thế, thị trường Trung Quốc còn trở thành cứu cánh, là tâm điểm cho nhiều doanh nghiệp cá tra.

Bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty Sông Tiền (Tiền Giang), cho biết, mỗi tháng, công ty của bà xuất được khoảng 200 container cá tra xẻ bướm sang Trung Quốc theo đường chính ngạch. Nhờ Trung Quốc vẫn tiêu thụ tốt, nên đầu ra xuất khẩu của cá tra Việt Nam chưa bị bế tắc khi mà nhiều thị trường khác gặp khó khăn.

Thu hoạch cá tra. Ảnh Lê Hoàng Vũ

Một nét mới trong xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc, là đã đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu.

Nếu như trước đây, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cá tra nguyên con sang các tỉnh phía Nam Trung Quốc, thì trong năm nay, cá tra philê đã thâm nhập vào nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Đại Liên…

Nhìn chung, các sản phẩm cá tra xuất khầu sang Trung Quốc hiện đã khá đa dạng: cá tra phile đông lạnh, cá tra nguyên con xẻ bướm tẩm muối đông lạnh, bong bóng cá tra sấy, bong bóng cá tra đông lạnh, cá tra cắt khoanh đông lạnh, cá tra nguyên con đông lạnh, bao tử cá tra đông lạnh... 

Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc VASEP PRO, dự báo nhu cầu tiêu thụ cá tra của Trung Quốc sẽ còn cao hơn nữa. Bên cạnh đó, cá tra đã đáp ứng kịp thời các quy định mới của Trung Quốc. Do vậy, xuất khẩu cá tra sang thị trường này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng cuối năm nay.

Tuy nhiên, với thu nhập gia tăng, người Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn như xuất sang Mỹ, EU, Nhật Bản…

Bởi thế, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc cần quan tâm nhiều hơn tới chất lượng sản phẩm để giữ vững được thị trường quan trọng này.

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm