| Hotline: 0983.970.780

Trưởng bản đưa mùa vàng về vùng Lòm

Thứ Hai 09/08/2021 , 07:30 (GMT+7)

Lần đầu tiên, bà con đồng bào dân tộc ở vùng Lòm, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình tận mắt nhìn thấy ruộng lúa vàng bội thu.

Ông Hồ Khiên tranh thủ be bờ ruộng lúa của mình.  Ảnh: TP.

Ông Hồ Khiên tranh thủ be bờ ruộng lúa của mình.  Ảnh: TP.

Hết lòng vì dân bản

Vùng núi có địa danh Lòm nằm tách biệt dưới chân dãy núi Giang Màn xa thẳm. Từ Quốc lộ 12A, rẽ vào con đường độc đạo ngoằn nghèo, đèo dốc và đi gần hai giờ đồng hồ mới đến được đầu bản Dộ - Tà Vòng.

Bản có 74 hộ thuộc bà con dân tộc Mày, Vân Kiều. Những năm trước đây, bà con dân bản đều trong tình trạng khó khăn, thiếu đói quanh năm. Cuộc sống của bà con gần như phụ thuộc vào việc lên rừng làm rẫy hoặc kiếm cái ăn.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa tâm sự, để đưa được cây lúa nước về bản Dộ - Tà Vòng phải kể đến công lao của Trưởng bản Hồ Khiên. Học theo gương trưởng bản, nhiều bà con đã triển khai làm lúa để chủ động lương thực ăn hàng ngày.

Ông Hồ Khiên, Trưởng bản Dộ - Tà Vòng năm nay ngót 60 tuổi được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản đã nhiều năm nay. Thấy ông là trưởng bản đầy nhiệt huyết và luôn vì công việc chung nên bà con trong bản càng tín nhiệm và bầu luôn cho ông kiêm thêm nhiều chức vụ như công an viên, Chi hội trưởng Chi hội nông dân.

Dù ở vị trí nào, ông Hồ Khiên cũng là người luôn năng nổ với công việc, đặc biệt là luôn đi đầu trong công tác xóa nghèo ở bản.  “Mình làm vậy để mong cho bà con trong bản được ấm cái bụng, để không còn cái đói, cái nghèo nữa”, ông Hồ Khiên bộc bạch.

Khi là Chi hội trưởng nông dân, Hồ Khiên được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi do ủy ban xã, huyện tổ chức. Những lúc được tập huấn, ông luôn chú ý lắng nghe và ghi chép một cách tỉ mỉ.

Trở về bản, ông vừa truyền đạt những kiến thức đó đến với bà con vừa tự mình làm để dân bản thấy có hiệu quả mà làm theo. Sau lần tập huấn về kỹ thuật làm vườn, khi về ông thực hiện ngay ở nhà mình và hướng dẫn bà con rào vườn để trồng rau, cây ăn quả để chủ động được nguồn thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày.

Cán bộ xã Trọng Hóa trao đổi, hướng dẫn thêm cách chăm sóc lúa nước cho ông Hồ Khiên. Ảnh: N.Tâm

Cán bộ xã Trọng Hóa trao đổi, hướng dẫn thêm cách chăm sóc lúa nước cho ông Hồ Khiên. Ảnh: N.Tâm

Khi dự lớp tập huấn phát triển chăn nuôi, ông Hồ Khiên lại động viên bà con làm chuồng trại chăn nuôi phát triển đàn gia súc chứ không chăn theo lối thả rông. Khu chuồng trại được làm ở khu vực xa nhà ở để hạn chế ô nhiễm môi trường. Nghe và làm theo ông, nhiều hộ ở bản Dộ - Tà Vòng đã biết trồng rau, cây ăn quả như: bưởi, thanh long, mít và nuôi gia súc.

Tin tưởng ở trưởng bản, nhiều gia đình đã học theo biết làm vườn, chăn nuôi heo, gà và thêm trâu bò nên thu nhập cũng được tăng dần lên. Cuộc sống bà con bản Dộ - Tà Vòng dần được nâng cao.

Ông Hồ Ba, một người dân của bản ghi nhận: “Có ông Hồ Khiên chỉ đường cho mà làm nên bà con biết cách phát triển kinh tế đó. Nếu không cũng chỉ mang dao đi vào rừng kiếm cái ăn suốt thôi”.

Đi học làm ruộng bậc thang

Nhiều lần xem ti vi có nói đến bà con đồng bào Rục, Mã Liềng…ở trong huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa làm ruộng lúa nước nên chủ động được lương thực làm ông Hồ Khiên thích lắm. Ông cứ trăn trở làm sao có được đám ruộng để làm như bà con bên đó.

Nghĩ là làm, mấy hôm sau, ông bới cơm một mình lên vùng rẫy cách nhà khoảng nửa cây số, nơi có con suối chảy qua để thực hiện làm lúa nước. Một mình ông vác đá, đào kênh… dẫn được lạch nước nhỏ về vùng đất rộng gần sào rưỡi (gần 750m2).

Gần tháng cặm cụi làm trong sự hăng say, ông đã có được thửa ruộng bậc thang đầu tiên để thực hiện ý  định của mình. Vụ lúa đầu tiên đó, ông sử dụng giống lúa TH6. Ông nhờ người mua cho mấy bao phân hữu cơ để bón chứ không dùng phân hóa học. Rồi phải canh nước. Nghe mưa lớn là phải ra ruộng kẻo sợ nước xiết làm trôi be bờ đi mất. Vụ lúa đầu tiên trong khấp khởi mừng và lo. Khi thu hoạch, cả bản đi xem. Hạt thóc vàng đưa về nhà đựng đầy gần chục bao tải (loại bao 40 kg).

Ông ngồi hý hoáy cộng, trừ một hồi rồi mới khẳng định: “Vậy là năng suất vụ đầu tiên đạt được 50 tạ/ha đấy nhé. Năng suất vậy là kém hơn ruộng dưới đồng bằng. Nhưng vì vụ đầu tiên, đất chưa thục, chăm bón chưa được rành mà như vậy là quá tốt rồi”.

Để người dân làm theo và mở rộng diện tích lúa, lãnh đạo xã Trọng Hóa hỗ trợ thuê máy móc và nhân lực giúp ông Khiên làm mảnh ruộng thành những ô, thửa thuận tiện cho việc canh tác.

Ông Hồ Khiên chia sẻ cách ngâm ủ giống lúa nước bậc thang cho bà con dân bản. Ảnh: TP.

Ông Hồ Khiên chia sẻ cách ngâm ủ giống lúa nước bậc thang cho bà con dân bản. Ảnh: TP.

Đảng ủy xã cử anh Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã và Trưởng bản Hồ Khiên đi tham quan, tìm hiểu, học tập mô hình làm ruộng bậc thang ở các tỉnh miền núi phía bắc. Theo anh Phạm Văn Bắc, việc đưa lúa nước lên miền non cao này là một hành trình, là bước đột phá để thay đổi tập quán sản xuất cho bà con người Khùa, Sách, Mày… ở vùng miền núi phía tây Quảng Bình.

Trở về, dưới sự hướng dẫn của cán bộ xã, ông Khiên tự mình ngâm, ủ giống rồi đưa vào gieo sạ. Ngày nào ông cũng có mặt ở ruộng để cho nước vào chân ruộng, theo dõi sự phát triển của cây lúa.  Hoặc khi rãnh rỗi, ông lại vác cuốc be bờ, đào đắp cho chắc chắn thêm bờ thửa, mương thoát nước để phòng khi có mưa lớn để về là ruộng không bị ảnh hưởng nặng.

Vào mùa hè, có những tháng cao điểm khô hạn, khi gió phơn tây nam thổi mạnh trong cái nắng nóng kéo dài thì đa số lúa rẫy của bà con đồng bào dân tộc ở Trọng Hóa và các xã của huyện Minh Hóa đều bị khô kiệt. Những vạt lúa rẫy chết trắng đồi, bà con gần như trắng tay về mùa màng. Vậy nhưng, vùng ruộng lúa nước của ông Hồ Khiên vẫn xanh mơn mởn.

Bà con trong bản và ở vùng khác hay tin kéo nhau đến xem. Nhìn thấy cây lúa no nước rập rờn trong cái nắng khét khiến ai cũng trầm trồ khen. Những lúc ấy, ông Hồ Khiên chỉ dẫn tận tình cho bà con cách làm ruộng, cách gieo trồng và chăm sóc cây lúa. Ông cũng hy vọng qua năm sau, nhiều bà con sẽ học theo mô hình của ông mà làm theo để mở rộng diện tích ruộng bậc thang trên vùng miền núi.

Sau lần đi tham quan ở các tỉnh phía bắc về, ruộng lúa bậc thang của ông Hồ Khiên đã cho thu hoạch. Ông hồ hởi khoe lúa được mùa, hạt thóc mẩy lắm, năng suất còn cao hơn vụ trước. Đến bây giờ thì lúa trên ruộng đang chuẩn bị cúi chín. Nhiều bà con đến xem rồi bảo sẽ về làm như cách ông đã làm để có được hạt thóc vàng trong nhà.

“Ông Hồ Khiên không chỉ là trưởng bản năng nổ với công việc mà còn là Chi hội trưởng nông dân nhiệt tình, luôn đi tiên phong trong lao động sản xuất. Ông là người dân tộc Mày đầu tiên mạnh dạn khai hoang đồi núi làm lúa nước bậc thang. Ông xứng đáng là gương sáng để dân bản học tập, làm theo. Qua đó, mở ra hướng sản xuất mới để nâng cao đời sống cho đồng bào ở vùng miền núi”. Bà Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.