| Hotline: 0983.970.780

Bất ngờ trồng sim dại, hái tiền

Thứ Tư 21/07/2021 , 10:54 (GMT+7)

Quảng Bình Từ cây sim dại, người dân đưa về trồng tập trung trên đồi hoang. Khó ngờ là cây sim cho quả tới 40 tạ/ha, thu nhập cao gấp 5-6 lần so với trồng rừng.

Xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa sát với xã miền núi Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình). Đời sống của bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một số hộ gia đình đã chuyển hướng đưa cây sim hoang dại vào sản xuất. Và điều bất ngờ là quả sim đã mang lại thu nhập cao cho bà con…

“Đói lòng ăn một trái sim”...

Cụ Nguyễn Văn Đông năm nay đã ngoài 80 tuổi ở xã Cao Quảng cho chúng tôi hay, từ hồi còn bé đã theo mẹ lên rừng hái sim. Những trái sim chín mọng, căng tròn luôn nằm trong ký ức của cụ. Những nắm sim ấy đã làm dịu đi cơn đói. Mẹ cụ từng gánh sim trên vai vượt đường đèo mang về tận những vùng dưới đồng bằng đổi lấy gạo, đổi mắm muối. Mỗi gánh sim nhọc nhằn mang đi bán, đổi cũng chỉ được vài ba bơ gạo, gói muối…

Đồi Rèng Rèng trồng sim ở thôn Sơn Thủy (xã Cao Quảng) đã cho thu hoạch. Ảnh: N.Tâm

Đồi Rèng Rèng trồng sim ở thôn Sơn Thủy (xã Cao Quảng) đã cho thu hoạch. Ảnh: N.Tâm

Đầu năm 2017, xã Cao Quảng được dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình (SRDP) hỗ trợ xây dựng mô hình trồng sim lấy quả trên diện tích đất gò đồi. Cụ Đông bảo, từ bữa nay, con cháu đi hái sim về là có người đến mua ngay. Sim bán được giá nên có người mỗi ngày đi hái sim cũng có thu nhập gần triệu bạc

Theo bà Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch UBND xã Cao Quảng, với sự hỗ trợ của dự án SRDP, địa phương đã thành lập 3 tổ hợp tác trồng sim với 50 hộ gia đình tham gia, diện tích gần 15 ha. Riêng Tổ hợp tác trồng sim thôn Sơn Thủy (xã Cao Quảng) có 22 hộ tham gia với tổng diện tích trên 5 ha.  

Sáng sớm, chúng tôi vượt con đường dốc dài lên với bà con thôn Sơn Thủy. Vùng đồi Rèng Rèng trước đây được bà con trồng cỏ chăn nuôi đã được chuyển đổi sang trồng sim. Ban đầu, bà con đi đào những bụi sim mọc hoang ở những vùng đồi trồng keo đưa về trồng tập trung trên diện tích hơn 5 ha.

Cây sim được trồng vào cuối năm để có mưa, dễ sống hơn. Ngay trong năm đầu tiên, đã có cây ra hoa, rất sai trái. Sang đến năm thứ hai thì hơn nửa diện tích cho thu hoạch. Cho đến năm thứ ba thì cơ bản vườn sim cho thu hoạch rộ.

Hái sim chín ở đồi xã Cao Quảng. Ảnh: N.Tâm

Hái sim chín ở đồi xã Cao Quảng. Ảnh: N.Tâm

Giữa vùng đồi Rèng Rèng xanh ngút, ba người trong gia đình ông Trương Văn Tình đang hái sim. Mỗi người mang theo cái xô nhỏ, những trái sim chín tím đen được hái cho vào xô. Khi xô sim nặng tay là đổ dồn vào những chiếc thúng lớn hơn để dưới gốc cây.

Vừa thoăn thoát hái, ông Tình vừa cho hay, gia đình có 3 sào đất đồi trồng sim. Ông bảo vườn sim đã được thu hoạch năm thứ hai. Năm ngoái, sim cho trái chưa đều nên thu nhập cũng mới được khoảng chục triệu đồng. “Năm nay, sim cho trái đều, gần như cây nào cũng có thu hoạch. Nhìn qua lượt thì năng suất, sản lượng chắc chắn cao hơn năm trước rất nhiều", ông Tình hồ hởi.

Ở phía chân đồi, sát con đường dẫn lối vào, hai mẹ con bà Trương Thị Liễn cũng đang thu hoạch sim. Dù giữa cái nắng hè gay gắt, nhưng bà Liễn vẫn vui vì sim bán chạy và được giá. Mỗi ngày hái sim cũng được gần 30 kg, bán đắt cũng được 750 ngàn đồng.

“Cứ thu hoạch được bao nhiêu là thương lái đặt mua hết bấy nhiêu. Họ mua ngay tại chân đồi. Tuy nhiên, giai đoạn đầu vụ hay cuối vụ sim chín sẽ ít hơn giai đoạn giữa vụ bây giờ”, bà Liễn nói.

Cây sim đã trở mở ra hướng đi mới cho người dân vùng miền núi huyện Tuyên Hóa. Ảnh: N.Tâm

Cây sim đã trở mở ra hướng đi mới cho người dân vùng miền núi huyện Tuyên Hóa. Ảnh: N.Tâm

Theo nhiều người chủ vườn sim thì cây sim cho vụ thu hoạch kéo dài khoảng 40 ngày. Cứ hai ngày là bà con thu hoạch một lần. Trong mỗi vụ, tùy theo cây khỏe hay yếu mà cho lượng quả từ 2-3 kg/cây/vụ. Bà Liễn tâm sự: “Ở đây ai cũng có vài héc-ta đất trồng keo nhưng giá trị kinh tế từ trồng keo không bằng trồng sim nên sắp tới chúng tôi sẽ xin chuyển đổi một phần diện tích sang trồng sim”. 

Ông Mai Xuân Tuyên (nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã) cũng có vườn sim khoảng 3 sào đã cho thu hoạch. Theo ông Tuyên, do cây sim chưa có tài liệu kỹ thuật trồng, chăm sóc nên bà con cứ vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Có mỗi sào đất thì trồng thẳng hàng ngang, dọc được 200- 300 gốc. Qua hai vụ thu hoạch cho thấy mỗi gốc sim trung bình cho 2 kg (tương đương 40 tạ/ha, nếu tính mật độ cây thấp ở ngưỡng 200 gốc/sào). “Theo kinh nghiệm dân gian thì sau 5 năm thu hoạch, sẽ cắt cành và chăn bón thì cây sim sẽ đâm chồi mới. Cành phát triển nhanh thì qua năm sau là đã có thể cho thu hoạch quả”, ông Tuyên cho hay.

Thu nhập cao gấp 6 lần trồng keo

Dù mới trồng, nhưng bà con đã có thu nhập từ năm trước nên tính toán khá chắc. Trung bình mỗi ha trồng sim cho sản lượng khoảng 40 tạ. Giá sim đầu vụ có khi lên đến 35 ngàn đồng/kg. Hiện nay, giá đang nằm trong khoảng 20-25 ngàn đồng/kg.

Nếu tính năng suất thấp là 40 tạ/ha, với giá thấp (20 ngàn đồng/kg) thì thu nhập cũng tương đương 160 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, nếu trồng keo tràm trên cùng diện tích, sau 5 năm mới có nguồn thu khoảng 80 triệu đồng.

Như vậy, nếu tính chu kỳ 5 năm mới chỉ thu hoạch được một lứa keo thì trồng sim sau 5 năm đã thu hoạch được 3 lứa, với tổng doanh thu khoảng 480 triệu đồng. Nhiều bà con nhẩm tính, trồng sim có nguồn thu gấp 6 lần trồng keo.

Ông Trường Văn Tình: 'Mỗi sào đất đồi trồng sim cho thu nhập khoảng 8 triệu đồng.Trồng cây sim chi phí thấp nên người nông dân lãi lớn'. Ảnh: N.Tâm

Ông Trường Văn Tình: “Mỗi sào đất đồi trồng sim cho thu nhập khoảng 8 triệu đồng.Trồng cây sim chi phí thấp nên người nông dân lãi lớn”. Ảnh: N.Tâm

Có thể nhận thấy mô hình trồng sim lấy quả trên vùng đất gò đồi đang là hướng đi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân không chỉ trên địa bàn xã Cao Quảng. Ngoài diện tích gần 15 ha sim thuộc 3 tổ hợp tác, trên địa bàn xã còn có khoảng 5 ha sim do người dân tự khoanh nuôi, bảo vệ. Sau hai vụ thu hoạch, thấy cây sim có giá trị kinh tế cao nên một số bà con tính sau khi thu hoạch keo sẽ xin chuyển đổi một phần diện tích sang trồng sim. 

Ông  Nguyễn Trọng Giáp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cao Quảng cũng lên vùng đồi sim xem bà con thu hoach. Theo ông, nhiều hộ dân khác trên địa bàn nhận thấy giá trị kinh tế của cây sim mang lại rất cao nên mong muốn tham gia chuyển đổi đất trồng keo tràm sang trồng sim.

Ông Giáp chia sẻ: “Chúng tôi khuyến khích bà con chuyển đổi cây trồng để mang lại thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, cũng rất chú trọng đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Nếu mở rộng diện tích lên trăm hay vài trăm ha là phải tính đến sự thông thoáng ở đầu ra. Nếu không, cây sim sẽ gặp khó khi mùa thu hoạch đến và bà con khó xoay xở". 

Từ cây sim hoang dại, cây sim đã bất ngờ cho người dân vùng miền núi thu nhập cao và ổn định. Ảnh: N.Tâm

Từ cây sim hoang dại, cây sim đã bất ngờ cho người dân vùng miền núi thu nhập cao và ổn định. Ảnh: N.Tâm

Bà Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch UBND xã Cao Quảng cho biết, hiệu quả từ cây sim mang lại rất rõ rệt. Người dân phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương của cấp ủy, chính quyền. Thời gian tới, xã Cao Quảng sẽ tiếp tục xem xét chuyển đổi một số diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng sim, khuyến khích người dân nhân rộng mô hình, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, về lâu dài cần có chủ trương, định hướng phát triển mô hình một cách bền vững, tránh tình trạng phát triển ồ ạt.  Muốn vậy, vấn đề giải quyết trọng tâm vẫn là đầu ra ổn định. Chính quyền địa phương cũng đang kêu gọi đầu tư chế biến sâu sản phẩm để mở rộng diện tích.

“Nếu trên địa bàn huyện Tuyên Hóa có được doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sâu với quả sim để cho sản phẩm như rượu sim, xi rô sim, sim khô… Có được như vậy thì cây sim chắc chắn sẽ trở thành điểm nhấn mạnh trong xóa nghèo bền vững và có thể cho bà con vùng miền núi làm giàu từ tiềm năng đất đai và cây trái”, bà Phương nói trong hy vọng.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm