| Hotline: 0983.970.780

Rừng gỗ quý 20 năm tuổi của ông Hồ Râng

Thứ Sáu 06/08/2021 , 11:53 (GMT+7)

Ông Hồ Râng ở xã Trường Sơn đã hơn 20 năm trồng rừng. Bây giờ, rừng của ông đã có người đánh tiếng trả hơn chục tỷ bạc…

Vợ chồng ông Hồ Râng bên gốc cây huỵnh quý. Ảnh: T.P.

Vợ chồng ông Hồ Râng bên gốc cây huỵnh quý. Ảnh: T.P.

Ông Hồ Râng, 64 tuổi, dân tộc Vân Kiều ở bản Nước Đắng, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh có rừng gỗ quý có tuổi hơn 20 năm. Khi lên với rừng, mới cảm nhận được công sức mà ông đã đổ ra.

Ông Hồ Râng nhớ lại thời trẻ cũng đi khai thác rừng. Bao nhiêu cây gỗ lim, gỗ huỵnh, gỗ gõ quý đều bị đón hạ hết. Rồi nương rẫy cứ lấn mãi vào rừng xanh. Cho đến khi rừng đã hết dần những cây gỗ quý…

“Nếu không trồng con cháu sau này lấy đâu ra cây gỗ quý nữa”. Suy nghĩ vậy, ông Hồ Râng mang rựa phát quang mấy ngọn đồi quanh nhà rồi tìm kiếm cây giống về trồng. Để có được cây gỗ quý, có khi ông phải vượt đèo, sông suối đến tận biên giới với nước bạn để kiếm tìm. Những cây lim, huỵnh thân nhỏ bằng cái đũa ăn cơm được ông nâng niu mang về trồng thành hàng thành lối.

Có những chuyến đi xa vài ba ngày đường. Khi đào phải bưng bầu đất lớn, phải dùng lá cọ quấn thật chặt gốc lại mới cho vào gùi mang về. Đi đường, lúc nghỉ chân phải cho nước vào gốc để cho rễ cây khỏi bị khô.

Những khi nắng hạn, ông phải dậy từ lúc con gà mới gáy lần đầu để lần xuống đầu nguồn sông Long Đại gùi nước lên tưới. Con đường dốc cao đi xuống sông, đi nhiều thành lối mòn. Khi mặt trời lên chừng sải tay thì cái chân cũng mỏi, cái vai cũng nhừ. Vậy nhưng ông vẫn không nản chí. Những giọt mồ hôi nhỏ xuống gốc cây như tiếp thêm nhựa sống cho chồi cây lên mắt biếc.

Cứ thế, chân đạp gai rừng suốt hơn 20 năm, khi những cây non lớn dần và cho đến khi rừng khép tán thì ông cũng đã thành người già của bản. Những ngày lên chăm rừng, phát cây dại, ông Hồ Râng bảo với vợ: “Cái tuổi, cái sức của mình đã chuyển vào hết trong rừng cây lim, cây huỵnh rồi”.

Giữa buổi sáng, ông Hồ Râng đeo gùi, vác rựa dẫn chúng tôi đi thăm rừng. Bước chân vào bìa rừng, đã có cảm giác mát lạnh của gió thổi qua tán rừng. Cái mát lạnh đặc trưng của cánh rừng nguyên sinh. Diện tích rừng rộng lớn cho mỗi người cảm giác như đang đi vào một cánh rừng nguyên sinh thực thụ chứ không phải rừng trồng nên.

Con đường dẫn vào rừng chạy vòng vèo rồi vắt ngược lên đỉnh đồi. Hai bên con đường bạt ngàn cây đứng xếp hàng, thẳng tắp vươn lên đón nắng. Hồ Râng bảo, của nhà có đến gần 500 cây lim, cây huỵnh. Huỵnh nhanh lớn hơn nên có nhiều cây đường kính gốc gần cả nửa mét.

Đến bên cây huỵnh lớn, Hồ Râng vỗ bồm bộp vào thân cây rồi nói chắc: “Cây này tính ra cũng được khoảng 5 khối gỗ tươi rồi mà. Còn những cây nhỏ hơn thì cứ nương bóng cây lớn mà vươn lên”.  Ông còn bảo, nếu nhiều rừng lớn như vầy thì không sợ mưa lớn làm lũ quét.

Đứng lại cạnh những cây gỗ huỵnh cao lớn, tôi hỏi ông Hồ Râng: “Cây có thể khai thác dùng được rồi. Vậy có ai hỏi mua không”. Nghe vậy, Hồ Râng cười rồi bảo: “Có người hỏi đó. Nhưng trồng rừng này không phải để bán mô mà để lại cho con cháu đó chớ. Để lại mà động viên con cháu, mọi người trồng thêm nhiều rừng như vậy nữa. Bữa nay trồng, vài chục năm sau lại có rừng như vầy. Rồi Trường Sơn sẽ có nhiều rừng gỗ quý, đẹp lắm”.

Tôi hỏi dè dặt: “Không bán rừng kinh tế thu nhập làm sao”. Ông Hồ Râng nói cái đầu bữa nay sáng rồi. Mình có rừng, có rẫy để nuôi bò. Bán bò đã có tiền nhiều rồi. Ông bộc bạch: “Nhà miềng cũng nuôi được hàng chục con bò. Bò giống tốt, mỗi năm có thêm vài con bê. Chịu khó chăm nó lớn, khi cần thì bán lấy tiền”.

Đứng ở bìa rừng khi trời đã quá trưa, ông Hồ Râng bắt tay chúng tôi thật lâu. Hồ Râng nói trầm ấm: “Gần cuối năm, khi trời có mưa miềng lại mua giống huỵnh, huê, trầm để trồng thêm diện tích mới”.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.