| Hotline: 0983.970.780

Bồi bổ đất Tây Nguyên

TS Nguyễn Đăng Nghĩa: Tận dụng tối đa phế, phụ phẩm để phục hồi đất

Thứ Ba 12/04/2022 , 14:20 (GMT+7)

Để phục hồi, bồi bổ cho đất trồng ở Tây Nguyên, cần phải tăng cường phân hữu cơ bằng việc tận dụng tối đa mọi nguồn phế, phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa. Ảnh: Thanh Sơn.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa. Ảnh: Thanh Sơn.

Phục hồi, bồi bổ cho đất trồng ở Tây Nguyên là một vấn đề cấp thiết, khi mà sức khỏe đất ở khu vực này đã bị ảnh hưởng nhiều bởi tình trạng lạm dụng phân, thuốc hóa học trong một thời gian dài. Báo NNVN đã trao đổi với TS Nguyễn Đăng Nghĩa (Viện Thổ nhưỡng Nông hóa), về vấn đề này.

Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, đất trồng trọt ở Tây Nguyên chủ yếu là đất đỏ bazan, trồng chủ yếu một số cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, cao su. Gần đây phát triển thêm một số loại cây ăn trái.

Nói chung các loại đất ở Việt Nam đều đã thoái hóa rất nhiều, trong đó có đất đỏ bazan ở Tây Nguyên. Nguyên nhân là do từ sau ngày thống nhất đất nước, nông dân bắt đầu sử dụng nhiều rồi lạm dụng phân hóa học. Việc lạm dụng này cũng dễ hiểu khi áp lực về năng suất, về sản lượng đẩy lên rất cao khiến nông dân ngày càng sử dụng nhiều phân vô cơ với mục tiêu làm sao đạt được năng suất, sản lượng cũng như lợi nhuận cao nhất.

Trải qua hơn 40 năm sử dụng quá nhiều phân vô cơ ở nước ta đã gây ra nhiều vấn đề tới đất trồng. Với các loại cây chuyên canh ở Tây Nguyên như cà phê, hồ tiêu, cao su…, còn nảy sinh yếu tố giới hạn trong đất. Yếu tố giới hạn ở đây không chỉ ở yếu tố thiếu mà còn cả yếu tố thừa. Thừa gây độc cho đất, gây mất cân đối dinh dưỡng, thiếu cũng gây mất cân đối, làm cho năng suất cây trồng dần dần đứng lại và suy giảm mặc dù nông dân vẫn đầu tư phân bón nhiều hơn. Đây là điều nan giải của nông dân Tây Nguyên về chi phí đầu vào.

Bên cạnh đó, như đã nói ở trên, do nông dân Tây Nguyên sử dụng phân hóa học nhiều quá, làm nảy sinh yếu tố giới hạn trong đất, gây mất cân bằng dinh dưỡng. Những yếu tố này khiến cho cây trồng không khỏe, từ đó dẫn tới phát sinh sâu bệnh trên cây trồng ngày càng nhiều.

Thưa ông, chúng ta cần phải làm gì để phục hồi sức khỏe cho đất trồng trọt ở Tây Nguyên?

Trước mắt, để phục hồi đất trồng ở Tây Nguyên, ngành nông nghiệp, hệ thống khuyến nông ở các địa phương phải hướng dẫn cho nông dân hiểu về lợi ích của bón phân cân đối, kỹ thuật bón phân cân đối để không làm mất cân bằng dinh dưỡng, làm nảy sinh các yếu tố giới hạn trong đất.

Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh sản xuất theo hướng nâng cao tỷ lệ sử dụng phân hữu cơ nhằm bảo tồn, duy trì sự màu mỡ của đất. Tuy có nhu cầu từ thị trường về nông sản hữu cơ nhưng chúng ta chưa cần đòi hỏi sản xuất nông sản phải hoàn toàn là hữu cơ. Vì hiện tại, để xuất khẩu được nông sản, thì trong quá trình canh tác, chỉ cần đảm bảo cho nông sản đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của các thị trường nhập khẩu.

Do đó, để bảo tồn, duy trì sự màu mỡ cho đất trồng trọt, nông dân chỉ cần giảm thiểu phân hóa học, tăng sử dụng các loại phân hữu cơ, có thể là phân hữu cơ truyền thống hay phân hữu cơ do các công ty sản xuất, phân hữu cơ nhập khẩu. Nếu nông dân bón 1kg phân vô cơ, thì tối thiểu cần phải bón thêm ít nhất 0,5kg phân hữu cơ vào đất. Trước mắt, chỉ cần nông dân làm như vậy vì hiện tại chúng ta còn thiếu nhiều phân hữu cơ so với nhu cầu.

Mà chưa cần nói đến sức khỏe đất, bảo vệ môi trường hay nâng cao chất lượng nông sản…, với tình hình giá phân bón tăng quá cao đang ảnh hưởng lớn tới chi phí đầu vào của nông dân, thì đây là cơ hội tốt nhất để bà con giảm thiểu phân hóa học và tăng sử dụng các loại phân bón hữu cơ nhằm giảm được chi phí sản xuất.

Để phục hồi đất trồng ở Tây Nguyên, ngành nông nghiệp, các nhà khoa học, cơ quan báo chí, truyền thông hãy cũng nhau đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để nông dân Tây Nguyên mạnh dạn chuyển sang sử dụng các loại phân bón hữu cơ. Khi lượng phân hữu cơ được bón vào đất tăng mạnh lên thì sẽ góp phần giải độc và cân đối dần dinh dưỡng trong đất.

Muốn giúp nông dân thay đổi thói quen sử dụng quá nhiều phân, thuốc hóa học, cần phải xây dựng các mô hình sản xuất giảm thiểu phân vô cơ, tăng cường sử dụng phân hữu cơ ở các địa phương. Dân ta vẫn có quan niệm “Trăm hay không bằng một thấy. Trăm thấy không bằng một sờ”. Vì vậy, cần phải có những mô hình cụ thể, có hiệu quả, tổ chức các hội thảo đầu bờ để nông dân được tận mắt chứng kiến và học hỏi theo.

Ông vừa đề cập tới thực trạng phân hữu cơ hiện nay còn thiếu nhiều so với nhu cầu. Nếu nông dân Tây Nguyên tận dụng tối đa phế, phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ, có giúp giải được bài toán này không?

Chúng ta đang kêu gọi, đẩy mạnh mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nhưng trên thực tế, vẫn đang bỏ phí rất nhiều phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp có được trong quá trình thu hoạch, chế biến nông sản.

Ở Tây Nguyên, riêng ở những vùng trồng cà phê, thì vỏ cả phê hiện rất nhiều. Trong những năm qua, nhiều nông dân Tây Nguyên đã biết áp dụng có hiệu quả kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ vỏ cà phê, nhưng chúng ta vẫn cần đẩy mạnh hơn nữa việc tận dụng tối đa các phế, phụ phẩm từ cây cà phê để làm phân bón với mục đích trả lại tất cả những gì mà cây cà phê đã lấy ra từ đất.

Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên ủ phân từ vỏ cà phê để bón cho cây trồng. Ảnh: Trần Minh Quý.

Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên ủ phân từ vỏ cà phê để bón cho cây trồng. Ảnh: Trần Minh Quý.

Để tận dụng tốt nhất nguồn phế phụ, phẩm từ cây cà phê, thì nông dân cần hạn chế đốt bỏ cành, lá cà phê như hiện nay. Thay vào đó, hãy biến những phế, phụ phẩm đó thành phân hữu cơ bằng cách ủ hoặc sản xuất than sinh học, nhằm trả lại hữu cơ cho đất cà phê một cách tốt nhất.

Không chỉ cà phê, tất cả những cành lá ở cây tiêu, cao su, cây ăn trái và cây trồng khác ở Tây Nguyên cũng cần được tận dụng tối đa làm phân bón để trả lại hữu cơ cho đất. Bên cạnh đó, nông dân cũng cần tận dụng nguồn chất thải trong quá trình chăn nuôi, đem ủ làm phân hữu cơ.

Tuy nhiên, để làm được phân hữu cơ có chất lượng tốt từ các nguồn phế, phụ phẩm nông nghiệp, nông dân cần được trang bị những kiến thức cần thiết, nhất là kỹ thuật ủ. Kỹ thuật không khó, nguồn men vi sinh mà các cơ sở nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp sản xuất ra hiện đã khá nhiều, nên nông dân hoàn toàn có thể tự sản xuất được phân hữu cơ từ nguồn phế, phụ phẩm nông nghiệp.

Đó là những giải pháp trước mắt. Về lâu dài, chúng ta cần phải làm gì để duy trì sự màu mỡ cho đất trồng trọt ở Tây Nguyên, thưa ông?

Về lâu dài, giải pháp căn cơ nhất là Bộ NN-PTNT phải có chương trình khám sức khỏe cho đất. Theo đó, cần tổ chức lấy mẫu đất để đánh giá sức khỏe đất trồng cà phê, đất trồng tiêu, đất trồng cây ăn trái… ở Tây Nguyên hiện như thế nào.

Khi đã đánh giá được về hiện trạng sức khỏe đất, chúng ta mới đưa ra được những giải pháp thích hợp nhất để phục hồi đất, duy trì sự màu mỡ cho đất. Bên cạnh đó là đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ lượng sang chất ở Tây Nguyên. Khi  sản xuất tập trung vào chất lượng thay vì chạy theo sản lượng, nông dân sẽ từ bỏ thói quen lạm dụng phân, thuốc hóa học như hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.