| Hotline: 0983.970.780

Bồi bổ đất Tây Nguyên: Lợi đa chiều nhờ phân hữu cơ tự ủ

Thứ Năm 07/04/2022 , 13:20 (GMT+7)

Để tiết kiệm chi phí sản xuất, nông dân trồng cà phê ở Lâm Đồng đã tự ủ phân hữu cơ để bón. Cách làm này cũng tạo sản phẩm sạch, giá bán cao.

Phân hữu cơ nhà làm

Giữa tháng 3, nhiều vườn cà phê ở vùng đất huyện Di Linh (Lâm Đồng) bị ảnh hưởng bởi cái nắng gió của cao điểm mùa khô. Vậy nhưng vườn cà phê của gia đình anh Đỗ Duy Tùng (thôn 8, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh) vẫn tươi tốt, trái non bắt đầu kết những tràng dài trên cành.

Dùng cành cây xới nhẹ lớp đất vườn, anh Đỗ Duy Tùng thổ lộ: "Dù ở cao điểm khô hạn nhưng đất vườn vẫn tơi xốp, ẩm ướt. Giun, dế, các vi sinh vật khác vẫn phát triển. Trước đây, khi chưa sử dụng phân bón hữu cơ thì về mùa này dùng cuốc bổ xuống vườn như bổ vào đá".

Theo anh Tùng, những năm gần đây, giá phân bón, vật tư đầu vào cho sản xuất cà phê không ngừng tăng cao trong khi giá sản phẩm sụt giảm liên tục đã khiến gia đình gặp nhiều khó khăn. Để cắt giảm giá thành sản xuất, anh đã tìm hiểu về quy trình sản xuất hữu cơ và học hỏi cách tự ủ phân bón. Anh nói: "Trước đây gia đình sản xuất theo hình thức bón phân vô cơ nên mỗi năm tiêu tốn khoảng 40 triệu tiền phân/ha. Việc bón phân vô cơ cũng kéo theo chi phí nhân công tăng lên".

Để giảm chi phí, nhiều hộ dân trồng cà phê ở Lâm Đồng tự ủ phân bón hữu cơ để bón cho cây trồng. Ảnh: Minh Hậu.

Để giảm chi phí, nhiều hộ dân trồng cà phê ở Lâm Đồng tự ủ phân bón hữu cơ để bón cho cây trồng. Ảnh: Minh Hậu.

Năm 2020, được sự hỗ trợ của cán bộ ngành nông nghiệp, anh Đỗ Duy Tùng bắt tay vào ủ phân hữu cơ để bón. Để tạo ra nguồn phân bón phù hợp, đạt các tiêu chí về dinh dưỡng, anh Tùng đã mua bã đậu nành, men vi sinh và phân cá từ các trang trại nuôi cá trong vùng… Sau khi ủ theo công thức trong một thời gian nhất định, dung dịch "mật" được anh Tùng chiết xuất và pha với nước để tưới cho cà phê. "Nguồn phân bón này giúp cây hấp thụ tốt, phát triển mạnh. Đặc biệt là nhờ cách làm này nên gia đình đã tiết kiệm được 50% chi phí so với bón phân vô cơ".

Tương tự, gia đình ông Bạch Văn Pha (70 tuổi, ngụ xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) cũng tự cứu mình bằng cách ủ phân bón để giảm chi phí đầu vào cho 5,7ha cà phê. Ông Pha hồ hởi chia sẻ, với cách làm này, mỗi năm gia đình tiết kiệm lên đến cả trăm triệu đồng tiền phân bón. Ông nói, trước đây gia đình ông vẫn dùng các loại phân bón hóa học để trồng cà phê. Đối với phân vô cơ, thời gian đầu cà phê sinh trưởng mạnh nhưng càng về sau đất đai càng bạc màu, khô cứng, cà phê trên vườn cũng dần bị ảnh hưởng và năng suất, chất lượng đều giảm.

Năm 2019, sau quá trình tìm hiểu, học hỏi, ông Bạch Văn Pha đã sử dụng chính vỏ cà phê, các phụ phẩm nông nghiệp để kết hợp cùng chế phẩm sinh học Trichoderma, đường mía... để ủ. Những thành phần này được ông pha trộn theo tỉ lệ nhất định rồi phủ kín bằng bạt nhựa. Sau 20 ngày, ông Bạch Văn Pha lại mở bạt để đảo đều và châm thêm nước để tăng thêm độ ẩm. Sau khi hoàn thành các quy trình, ông Pha tiếp tục bịt kín phân bón bằng bạt nhựa và tiếp tục ủ trong vòng 1 tháng rồi lại đảo, châm nước và ủ tiếp. Sau quá trình ủ kéo dài 12 tháng, nguồn phân bón có thương hiệu "nhà làm" bắt đầu được ông Pha chuyển ra đồng để bón cho cây trồng.

Ông Bạch Văn Pha ngụ huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) tự ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Bạch Văn Pha ngụ huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) tự ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Bạch Văn Pha thổ lộ: “Việc ủ phân hữu cơ lúc đầu thì khó do phải tuân thủ công thức phối trộn và đảm bảo về thời gian. Tuy nhiên, sau vài mẻ phân, tôi đã thành thục và không cần nhìn vào sách vở, ghi chép nữa". Cũng theo ông Pha, nguồn nguyên liệu để ủ phân hữu cơ ở địa phương rất nhiều, đặc biệt là vỏ cà phê. Trước đây, sau mỗi vụ thu hoạch, gia đình cứ cào và tấp vỏ cà ra góc vườn hoặc nếu có bón thì cũng đổ trực tiếp lên gốc cây nên hiệu quả không cao. 

Ông Bạch Văn Pha cho hay, hiện nay nhiều hộ dân ở huyện Lâm Hà vẫn sản xuất cà phê theo cách cũ. Lạm dụng các loại phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Việc lạm dụng các loại phân bón hóa học về lâu dài sẽ dẫn đến nền đất bị suy thoái, môi trường đất, nước bị ảnh hưởng. Sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng. Hơn nữa, chi phí đầu tư cho các loại phân bón vô cơ hiện nay đang ở mức cao hơn nhiều lần đối với việc áp dụng phân bón hữu cơ tự ủ, phân chuồng, phân hoai mục từ phế phẩm nông nghiệp.

Tăng năng suất, tăng giá trị sản phẩm

Cùng với việc sử dụng nguồn phân bón hữu cơ tự ủ, hiện nay gia đình anh Đỗ Duy Tùng tập trung phát triển vườn theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Toàn bộ chi phí thuốc bảo vệ thực vật hóa học trước đây đã được anh Tùng cắt bỏ hoàn toàn. Thay vào đó là sử dụng thiên địch để loại trừ các loài sâu hại và duy trì cỏ ở nền vườn, không phun xịt thuốc diệt cỏ như trước đây.

Giữa mùa khô nhưng vườn cà phê của gia đình anh Đỗ Duy Tùng (huyện Di Linh, Lâm Đồng) vẫn duy trì được độ ẩm, giun và các loài vi sinh phát triển mạnh. Ảnh: Minh Hậu.

Giữa mùa khô nhưng vườn cà phê của gia đình anh Đỗ Duy Tùng (huyện Di Linh, Lâm Đồng) vẫn duy trì được độ ẩm, giun và các loài vi sinh phát triển mạnh. Ảnh: Minh Hậu.

Theo anh Đỗ Duy Tùng, việc phát triển mô hình cà phê theo hướng hữu cơ thời gian đầu khiến năng suất bị sụt giảm nghiêm trọng nhưng dần được cải thiện theo thời gian. Mùa vụ năm 2020, gia đình anh chỉ thu về 6 tạ nhân/sào trong khi cà phê bón phân vô cơ là 8 tạ - 1 tấn/sào. Mùa vụ năm 2021 thì năng suất được tăng lên 8 tạ nhân/sào và dự kiến mùa vụ năm 2022 sẽ đạt 1 tấn nhân/sào.

"Hiện nay, gia đình đang phối hợp với những người dân trong thôn để phát triển cà phê sạch, cà phê hướng hữu cơ với tổng diện tích 5,6ha. Dù mới thực hiện nhưng sản phẩm cà phê sạch của chúng tôi đã được các đầu mối thu mua ở Hà Nội, TP.HCM đặt vấn đề bao tiêu với giá nhân cao hơn thị trường 12.000 đồng", anh Đỗ Duy Tùng nói và cho biết thêm, giá cà phê nhân sản xuất theo mô hình thông thường hiện nay ở vào khoảng 40.000 - 41.000 đồng/kg, còn cà phê nhân sản xuất hướng hữu cơ của các hộ dân liên kết đạt 52.000 - 53.000 đồng/kg.

Cà phê được sản xuất theo hướng hữu cơ của gia đình anh Đỗ Duy Tùng có giá bán cao hơn cà phê thông thường. Ảnh: Minh Hậu.

Cà phê được sản xuất theo hướng hữu cơ của gia đình anh Đỗ Duy Tùng có giá bán cao hơn cà phê thông thường. Ảnh: Minh Hậu.

Trong khi đó, nhờ bón bằng nguồn phân hữu cơ tự ủ nên vườn cà phê rộng 5,7ha của gia đình ông Bạch Văn Pha phát triển mạnh, năng suất đạt lên đến 7 - 8 tấn nhân/ha, thuộc diện cao kỷ lục ở địa phương. Nông dân 70 tuổi chia sẻ, những năm gần đây, giá cà phê liên tục giảm nên nhiều gia đình trồng cà phê ở huyện Lâm Hà bán sản phẩm không đủ cho chi phí chăm bón. Do vậy bị rơi vào cảnh khó khăn, nợ chồng nợ chất tiền phân bón với các đại lý. "Tôi xác định cà phê là cây chủ lực của gia đình nên tập trung chăm sóc. Cải thiện môi trường đất để có thể "ăn" lâu dài. Mùa vụ vừa qua, gia đình tôi thu về hàng chục tấn nhân, sau khi trừ các chi phí vẫn còn khoản lãi lên đến 400 triệu đồng", ông Bạch Văn Pha thổ lộ.

Để phát triển sản phẩm cà phê sạch, hiện nay anh Đỗ Duy Trùng đã cùng với những hộ dân trong thôn thành lập Tổ hợp tác cà phê hữu cơ với tổng diện tích canh tác 5,6ha. Các thành viên đã xây dựng vùng đệm, phát triển mô hình theo các tiêu chuẩn như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không phân bón hóa học.

Để cà phê phát triển tốt, các thành viên Tổ hợp tác cà phê hữu cơ đã tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để ủ và làm phân bón. Người dân cũng trồng chuối và tận dụng thân chuối đắp gốc cà phê tạo độ ẩm, nuôi dưỡng hệ vi sinh để cải tạo đất. Song song với việc thực hiện các quy trình trên, thành viên Tổ hợp tác cà phê hữu cơ tập trung vào thu hoạch theo hình thức tuyển chọn, thu hái chín 100% để nâng cao chất lượng. Cùng với đó là xây dựng nhà kính để phơi, sấy nguyên liệu, tổ chức sản xuất nhân sạch và hướng đến chế biến, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Xem thêm
Công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp phải thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc

Ngày 20/11, Đảng ủy Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 cụm khu vực huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nội: Đồng ý chủ trương xây dựng 3 cầu lớn vượt sông Hồng

Hà Nội thống nhất xây 3 cầu qua sông Hồng bằng vốn đầu tư công: Tứ Liên, Trần Hưng Đạo và Ngọc Hồi.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.