| Hotline: 0983.970.780

Từ 27/8, TP.HCM thí điểm thuốc Molnupiravir điều trị F0 tại nhà

Thứ Năm 26/08/2021 , 17:53 (GMT+7)

Từ ngày 27/8, Bộ Y tế cùng Sở Y tế TP.HCM sẽ đưa thuốc kháng virus Molnupiravir có kiểm soát vào cộng đồng điều trị cho F0 có triệu chứng nhẹ, trung bình tại TP.HCM.

Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra các gói thuốc an sinh chuẩn bị phát cho người dân tại phường 5, quận 8. Ảnh: Khánh Phương. 

Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra các gói thuốc an sinh chuẩn bị phát cho người dân tại phường 5, quận 8. Ảnh: Khánh Phương. 

Hiện nay, TP.HCM bắt đầu triển khai phát gói thuốc chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0. Theo đó, thuốc điều trị Covid-19 tại nhà gồm 3 gói (A, B, C).

Gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng.

Gói thuốc B là những thuốc sử dụng hạn chế trong một số tình huống đặc biệt bao gồm thuốc kháng viêm và thuốc kháng đông.

Gói thuốc C là thuốc kháng virus dùng cho các trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ và được kiểm soát đặc biệt.

Thuốc kháng virus được sử dụng lần này là Molnupiravir, sản phẩm được hãng dược phẩm Merck của Mỹ và Công ty Ridgeback của Đức nghiên cứu phát triển, nhằm điều trị Covid-19 cho bệnh nhân từ nhẹ đến trung bình. Hiện viên nang Molnupiravir 400mg do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm Việt Nam sản xuất.

Bộ Y tế cho biết, Stella sẽ cung cấp hơn 2.3 triệu viên để điều trị miễn phí cho 116 nghìn F0 tại cộng đồng ở TP.HCM. Thuốc được dùng đường uống, ngày 2 lần với liều dùng là 1600mg/ngày.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam chiều 26/8 cho biết, Sở Y tế đã có văn bản hướng dẫn quy trình tiếp nhận, cấp phát và sử dụng thuốc Molnupiravir cho các Trung tâm y tế, cơ sở cách ly tập trung F0 trên địa bàn, trạm y tế lưu động. Dự kiến, có khoảng 16.000 gói thuốc Molnupiravir được cấp phát xuống các Trạm y tế lưu động, tổ/đội y tế cơ sở, để chuẩn bị các túi thuốc cấp phát cho các F0.

Trong túi thuốc được cấp phát cho F0, sẽ có thuốc điều trị kháng virus, thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng (sốt, ho, long đờm); thuốc điều trị các biến chứng đông máu, Vitamnin C... Bộ Y tế cũng yêu cầu các đội y tế khi phát thuốc cần nhấn mạnh trong túi thuốc có thuốc điều trị kháng viurs để người dân yên tâm.

Trước đó, Hội đồng Đạo đức nghiên cứu y sinh học quốc gia, Bộ Y tế đã chấp thuận báo cáo đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2 của nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir. Thử nghiệm này bao gồm quá trình điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ và vừa tại bệnh viện và chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát tại cộng đồng được thực hiện tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM).

Theo Hội đồng Đạo đức, kết quả thử nghiệm đạt yêu cầu về tính an toàn, hiệu quả trong thử nghiệm giai đoạn 3 và nghiên cứu diện rộng tại cộng đồng. Cơ quan này đã đồng ý cho tiếp tục triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng 3 ngẫu nhiên, nhằm đánh giá tính an toàn và hiệu quả của loại thuốc này tại Bệnh viện Thống Nhất.

Đồng thời, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của Molnupiravir cũng được mở rộng bằng việc kết hợp chăm sóc tiêu chuẩn so sánh với chăm sóc tiêu chuẩn đơn thuần ở bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.

Quyết định thử nghiệm lâm sàng pha 1,2,3 trên bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ và vừa tại cơ sở y tế, được Bộ Y tế giao cho Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM và Bệnh viện Phổi Trung ương tiến hành từ 16 - 24/8.

PGS.TS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, nghiên cứu viên chính, cho biết, F0 có triệu chứng hô hấp gồm hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi đến khi bắt đầu có viêm phổi, khó thở thì được dùng thuốc. Nếu thuốc giúp cơ thể khống chế được tải lượng virus sẽ làm giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng, giảm các biến chứng, từ đó giảm tải cho các tầng điều trị các bệnh nhân nặng.

Theo số liệu Sở Y tế TP.HCM tính đến 8h ngày 25/8, TP.HCM có tổng cộng 38.589 F0, trong đó 15.392 F0 cách ly tập trung và 23.197 F0 cách ly tại nhà.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão hoạt động trên Biển Đông

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Nếu mạnh lên thành bão, thì đây là cơn bão số 10 hoạt động trên Biển Đông trong năm 2024.