Sau đó, Thứ trưởng đã làm việc với Cục Thú y, Cục BVTV, Chi cục Thú y vùng 6, Chi cục Kiểm dịch Thực vật vùng 2 … về cải cách thủ tục hành chính ở những đơn vị này.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn làm việc với các đơn vị thuộc Cục Thú y và Cục BVTV |
Nằm trên vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, nên mỗi năm, Chi cục Thú y vùng 6 và Chi cục Kiểm dịch Thực vật vùng 2 phải tiến hành kiểm tra lượng nông sản XNK rất lớn. Chẳng hạn tại Chi cục Thú y vùng 6, riêng về kiểm dịch XK, trong 10 tháng đầu năm nay đã kiểm tra 10.833 lô hàng, 135.239 con động vật trên cạn, 125.715 con thủy sản, 174.274 tấn sản phẩm động vật và 134.617 tấn sản phẩm thủy sản. Tuy nhiên, trong thời gian qua, 2 đơn vị này đã co nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, nhất là quy trình kiểm tra chuyên ngành để tạo sự thông thoáng, thuận lợi hơn cho DN.
Sau khi đi kiểm tra thực tế, Thứ trưởng Hà Công Tuấn biểu dương các đơn vị đã có nhiều nỗ lực thực hiện vai trò quản lý ở những lĩnh vực nhạy cảm trong bối cảnh mà yêu cầu đặt ra là phải tại sự thông thoáng, thuận lợi cho DN nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu về quản lý nhà nước. Mới đây, Đoàn công tác của Chính phủ cũng đánh giá cao Chi cục Thú y vùng 6 và Chi cục Kiểm dịch Thực vật vùng 2, tuy phải thực hiện kiểm tra một khối lượng hàng hóa rất lớn nhưng vẫn tạo được sự tin cậy đối với DN và đảm bảo được yêu cầu an toàn dịch bệnh đối với nông sản XNK.
Một trong những băn khoăn lớn nhất hiện nay đối với các cơ quan thú y là cơ chế tài chính, nhất là việc được tiếp tục tự chủ tài chính. Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết, công tác chỉ đạo điều hành về phòng chống dịch bệnh, về kiểm dịch, về kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và ATTP, là cả một chuỗi khép kín, không thể tách rời, không thể coi xét nghiệm là dịch vụ công và còn những công việc còn lại thuộc về quản lý nhà nước. Cái này nó khác biệt với bên ngành y tế. Ở từng tỉnh, huyện đều có bệnh viện. Nếu như phát hiện bệnh gì đó, người ta yêu cầu mang những mẫu dịch hay mang bện nhân đến các bệnh viện để lấy mẫu xét nghiệm. Qua đó, ngành y tế đã tách biệt được vấn đề dịch vụ công với quản lý nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước về y tế có thể lấy kết quả xét nghiệm để chỉ đạo, điều hành. Nhưng bên Thú y, cả 63 tỉnh thành không có phòng thí nghiệm nào đủ năng lực để chẩn đoán, xét nghiệm, giải trình tự gen, xác định các mầm bệnh gây bệnh cho gia súc, gia cầm, mà hoàn toàn phụ thuộc vào 7 phòng thí nghiệm của chi cục thú y vùng và Trung tâm chẩn đoán thú y TƯ. Vấn đề kiểm dịch cũng vậy. Hiện nay giải quyết vấn đề kiểm dịch, kiểm tra chuyên ngành XNK nông sản có nguồn gốc động vật, cũng đều nhờ hệ thống phòng thí nghiệm này.
Ở các nước có kinh phí lớn, người ta cấp ngân sách cho toàn bộ những hoạt động của ngành thú y và không cần thu của DN. Ở Việt Nam, do kinh phí hạn hẹp, nên đã cho cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định 43. Thời gian qua ngành thú y đã thực hiện rất hiệu quả. Nhờ có nguồn kinh phí từ quỹ phát triển sự nghiệp, ngành thú y đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đai, có những cái trị giá tới hàng triệu USD. Qua đó, có thể kiểm tra tốt về dư lượng khánh sinh, kim loại nặng …
Chính vì vậy, lãnh đạo Cục Thú y, lãnh đạo Chi cục Thú y Vùng 6 đều đề nghị tiếp tục được giữ nguyên cơ chế tự chủ tài chinh. Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV và lãnh đạo Chi cục Kiểm dịch Thực vật vùng 2 cũng kiến nghị tiếp tục được giữ cơ chế tự chủ tài chính.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn, nhấn mạnh, Cục Thú y, Cục BVTV và các đơn vị trực thuộc phải tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, rà soát lại các thủ tục, quy trình kiểm tra chuyên ngành, những quy định không cần thiết nên cắt bỏ, để tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN. Khối lượng nông sản XK càng ngày càng lớn, trong khi nhân lực làm công tác kiểm dịch lại có hạn, nếu không tiếp tục cải cách quy trình kiểm dịch động vật, thực vật, sẽ khó đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Thứ trưởng cho rằng Chi cục Thú y vùng 6 và Chi cục Kiểm dịch Thực vật vùng 2 là những đơn vị mang tính đặc thù về cơ chế tổ chức, cơ chế tài chính … Sự phân biệt giữa quản lý nhà nước với hoạt động sự nghiệp ở những đơn vị này thực sự chưa rõ ràng. Vì vậy, để có thể được chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định 43, các đơn vị cần phải làm rõ những nét đặc thù của mình. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý rằng sau này rất có thể vẫn phải tách bạch rõ ràng quản lý nhà nước với dịch vụ công ở những lĩnh vực này.