| Hotline: 0983.970.780

Từ hạt gạo Bảo Minh nghĩ về chuỗi chế biến nông sản Hà Nội

Thứ Tư 16/11/2022 , 07:32 (GMT+7)

Cách đây mấy chục năm ít ai nghĩ rằng hạt gạo lại có thể chế biến thành nhiều chủng loại đến như vậy, giúp gia tăng được giá trị cho nông sản…

Theo bà Bùi Thị Hạnh Hiếu-Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Chế biến nông sản Bảo Minh ( Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) qua 27 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực gạo, đơn vị đã liên kết chuỗi trong sản xuất lúa rồi thu mua, chế biến và cung cấp ra thị trường gần 40 loại gạo đặc sản của khắp các vùng miền như: Gạo tám xoan Hải Hậu, nếp Tú Lệ, tám Điện Biên, Séng Cù, gạo Thái, gạo Nhật…Hiện đơn vị là đối tác của nhiều tập đoàn trong và ngoài nước như Metro, Big C, Co.op mart, Lotte, Winmart, cũng như cung cấp hàng vào nhiều nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, bếp ăn tập thể.

Sự phong phú của các chủng loại, từ gạo thường đến gạo lứt, từ gạo trắng đến gạo màu, với Bảo Minh gạo không chỉ là lương thực mà còn là thuốc bổ với sự cân bằng của âm dương, của các loại vitamin và dưỡng chất. Đơn vị đã đầu tư nhiều mô hình chuỗi liên kết nhằm giữ gìn được các giống lúa đặc sản cổ truyền của Hà Nội nói riêng và nhiều vùng khác nói chung không để mai một, nông dân có đầu ra và bán được sản phẩm có giá trị cao, bớt được đói nghèo, người tiêu dùng có được những loại gạo phong phú, đáp ứng được nhu cầu của mình. Từ hạt gạo bé nhỏ mà Bảo Minh xây dựng được những giá trị không hề nhỏ cho xã hội.

295020513_429752869164732_2931472330721648425_n

Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Lê Minh Hoan thăm vùng gạo ruộng rươi của Bảo Minh. Ảnh: Tư liệu của Bảo Minh.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội dù thời gian gần đây, thành phố có những chính sách khuyến khích các hộ cá thể, HTX, doanh nghiệp đầu tư cho chế biến nhưng đến nay mới có khoảng hơn 250 doanh nghiệp cùng với hàng nghìn cơ sở quy mô nhỏ tham gia vào việc này. Ba nhóm nông sản chế biến chủ yếu ở Hà Nội là thịt, rau quả và thuỷ sản với thiết bị chủ yếu là loại bán tự động, chưa hiện đại, dây chuyền tự động, tân tiến chiếm tỷ lệ nhỏ. Sản lượng các loại nông sản qua chế biến của Hà Nội mới đạt khoảng 1.000 tấn/tháng, mới đáp ứng được 1/5 nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng. Khoảng trống còn lại, Hà Nội phải bù đắp bằng cách nhập khẩu hoặc chuyển từ các tỉnh thành khác về.  

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội, trong quá trình chấm, xếp hạng OCOP, đơn vị không ưu tiên nhóm sản phẩm tươi sống bởi mấy lý do: Khi đi qua hệ thống phân phối, chúng rất khó khăn trong việc bảo quản, vận chuyển logistic vì tình trạng sáng tươi, trưa héo, chiều úa, tối bỏ đi. Lúc đó những sản phẩm bán được vào buổi sáng sẽ phải bù giá cho những sản phẩm bỏ đi vào buổi tối, tạo tâm lý ức chế cho người tiêu vì giá bán quá cao. Không chỉ thế, chúng còn gây ra sự mất lòng tin của người sản xuất với hệ thống phân phối bởi khi xuất ra thì giá rẻ nhưng khi bán trong siêu thị, cửa hàng thì giá rất cao.

DSC_3615

Thu hoạch lúa. Ảnh: NNVN.

Bởi thế, Hà Nội đang hướng tới đánh giá khoảng hơn 3.000 sản phẩm đã qua chế biến có thể dễ dàng bảo quản và chúng cũng được cấp mã QRcode để người tiêu dùng cũng như cơ quan chức năng có thể truy xuất nguồn gốc một cách rõ ràng.

Thực tế hiện nay cho thấy giữa việc kêu gọi các cá nhân, tổ chức, HTX, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản và chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn chưa tiệm cận nhau. Ví dụ Nghị định số 98/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhưng các tổ chức, doanh nghiệp, HTX chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ để có thể đầu tư cho chế biến các sản phẩm rau, củ, quả bởi việc làm hồ sơ rất phức tạp, lại phải qua nhiều khâu xét, duyệt khác nhau. Bởi thế mà nó khiến cho lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp, HTX nản lòng, đành phải “tự bơi” dù gặp rất nhiều khó khăn. Các cơ sở chế biến nông sản hiện nay phần lớn đều phải huy động vốn vay từ ngân hàng hoặc từ nhiều nguồn khác với lãi suất cao để đầu tư xây dựng khu sơ chế, chế biến, kho bảo quản thực phẩm. Do đó việc phát triển đơn vị không được nhanh như mong muốn, gián tiếp ảnh hưởng đến chuỗi liên kết với nông dân.

* Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Sản phẩm OCOP và câu chuyện phát triển vùng nguyên liệu

Bắc Kạn Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Kạn cũng chú trọng phát triển vùng nguyên liệu.