Những ngày giáp Tết Đinh Dậu 2017, có dịp cùng Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan đến thăm Canh Tân Hội quán - điểm sinh hoạt cộng đồng của nông dân cồn An Hòa (xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp), quây quần với hơn 80 thành viên của hội quán mới thấy, mới hiểu được phần nào những nỗi trăn trở cũng như phấn khởi trước những đổi thay của bà con ở vùng đất cù lao này.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan cùng nghe, cùng trò chuyện với bà con nông dân Canh Tân Hội quán
Được nhắc đến nhiều lần trong các báo cáo, các buổi gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương, Canh Tân Hội quán chính là mô hình hội quán nông dân đầu tiên được Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp khởi xướng và đặt nhiều tâm huyết, kỳ vọng về một đội ngũ nông dân thông minh, nông dân thời hội nhập. Canh Tân - đó là thay đổi phương thức canh tác mới, sản xuất nông sản an toàn, hướng đến giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và tăng giá trị cho sản phẩm.
Và cũng từ đây, nhiều hội quán nông dân khác đã lần lượt ra đời tại nhiều địa phương trong tỉnh như: Minh Tâm (xã Mỹ Xương) và Nhân Tâm (xã Bình Thạnh) ở huyện Cao Lãnh; Duy Tân (xã Hòa An) và Đồng Tâm (xã Tịnh Thới) ở thành phố Cao Lãnh; Thanh Tân (xã Tân Khánh Trung) của huyện Lấp Vò...
Vẫn đông đủ các thành viên như bao buổi sinh hoạt vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần khác, nhưng không khí buổi sinh hoạt của bà con nông dân Canh Tân Hội quán hôm ấy có phần xôm tụ hơn, náo nhiệt hơn trong tiết xuân, hương xuân đã về khắp trên quê hương và đặc biệt hơn là có sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan.
Với phương châm “nói cho nhau nghe, nghe nhau nói”, tại đây, những câu chuyện làng chuyện xóm, chuyện trong xã, trong huyện, trong tỉnh đến chuyện quốc gia, quốc tế, chuyện trái nhãn, trái chanh, trái ổi được mùa, mất giá hay chuyện tranh chấp, bất hòa trong cuộc sống thường nhật giữa những người hàng xóm, láng giềng đều được bà con Canh Tân Hội quán đem ra bàn bạc, chia sẻ.
Trở lại vùng cồn An Hòa sau 6 tháng kể từ ngày ra mắt Canh Tân Hội quán, Bí thư Tỉnh ủy vui mừng trước những đổi thay trên mảnh đất cù lao này. Ông Hoan cho biết, vùng cồn đã không còn cô đơn vắng vẻ kể từ khi có được ngôi nhà chung. Sự đổi thay từ những con đường, những chiếc cầu nối liền đôi bờ, tạo điều kiện cho bà con vận chuyển hàng hóa, cho con em đi học dễ dàng hơn. Đặc biệt, đó là sự đổi thay trong tư duy, cách hợp tác làm ăn của bà con nông dân.
Bà con đã biết liên kết lại với nhau, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, cùng nhau tháo gỡ khó khăn. Đến nay, bà con đã vận động xây dựng được 3 cây cầu, nâng cấp 1.000m đường nông thôn. Ngoài các thành viên nông dân, Hội quán còn có sự tham gia của câu lạc bộ dưỡng sinh, một số thành viên còn biết trao đổi với nhau qua email. Đây là điều mà tưởng chừng như không thể xảy ra đối với người nông dân chân lấm, tay bùn.
Vui mừng trước những đổi thay của quê hương, ông Lê Thành Lộc (Mười Một) đã tặng Bí thư Tỉnh ủy 4 câu thơ: “Canh Tân Hội quán chúc mùa xuân/ Nông thôn đổi mới quá vui mừng/ Chúc quý gia đình đa phước lộc/ Đinh Dậu xuân về vạn sự hưng”.
Thật vậy, khi so sánh trước và sau khi có Canh Tân Hội quán, nhiều bà con phấn khởi cho rằng, trước đây trồng nhãn theo lối truyền thống thì năng suất thấp, chất lượng không đảm bảo. Nhưng từ khi được sự tư vấn của các nhà khoa học tại Canh Tân Hội quán, hướng dẫn những kỹ thuật mới để tăng năng suất, chất lượng của trái nhãn và thời gian cách ly thuốc BVTV được đảm bảo.
Để đưa ra người tiêu dùng sản phẩm sạch, nhãn được bán với giá cao, chi phí thấp, nhờ đó mà đời sống bà con khấm khá hơn, tạo điều kiện cho con em được đến trường, nhiều gia đình có điều kiện cho con em đi học đại học và sau đại học.
Bên cạnh đó việc liên kết tiêu thụ nhãn ổn định, nhiều doanh nghiệp đến để ký kết hợp đồng tiêu thụ lâu dài. Nhờ vậy, trái nhãn Châu Thành đã có mặt tại thị trường Mỹ với trên 80 tấn được xuất khẩu trong năm qua.
Vui là thế, song Bí thư Hoan cũng không quên nhắc nhở bà con phải không ngừng đổi mới. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, triết lý hội quán là nơi thể hiện trách nhiệm và quyền công dân của mình, cùng xây dựng xóm làng.
Xây dựng xóm làng không phải là xây dựng đường sá, cầu cống, đê bao mà chính là xây dựng đời sống tinh thần, hợp tác, chia sẻ của bà con với nhau trong cuộc sống hàng ngày. Nếu không hợp tác với nhau thì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, không thể cạnh tranh với quốc tế, cứ thủ thế, cứ lo cho riêng bản thân mình trong thời buổi hội nhập thì cuộc sống sẽ đơn điệu khó khăn lắm.
Bí Hoan băn khoăn, nhìn bên kia sông Tiền, bà con các huyện Lai Vung, Lấp Vò đang phát triển kinh tế từ hình thức sản xuất kết hợp tham quan vườn cây ăn trái. Bà con An Hòa vẫn có thể làm được. Đừng ngồi than, mà cần hành động. Bí thư Tỉnh ủy hứa sẽ mời bà con đến tham quan mô hình nông nghiệp thông minh của ông Nguyễn Thanh Mỹ (Cty Mỹ Lan) để được hướng dẫn trở thành người nông dân thông minh.
“Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng Canh Tân Hội quán của chúng ta sẽ ngày càng phát triển, trên cơ sở nền tảng phát triển hợp tác xã, phát triển thương hiệu nhãn Châu Thành ngày một vươn xa. Muốn vậy, mỗi thành viên không chỉ biết kinh doanh, mua bán mà còn phải biết làm du lịch trên vùng đất cù lao này”, ông Lê Minh Hoan kỳ vọng.
Trước khi chào bà con xứ cồn để ra về, Bí thư Hoan tặng quyển sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm” của tác giả Masanobu Fukuoka (Nhật Bản) cho Canh Tân Hội quán với thông điệp: Người Nhật đã đi rất xa trong tư duy nông nghiệp xanh và họ đang cho thế giới thấy rằng họ không chỉ là quốc gia dẫn đầu về công nghệ mà còn là người thầy trong ẩm thực và làm nông nghiệp sạch. Bí thư Hoan mong muốn bà con nông dân cùng liên kết để sản xuất nông sản sạch, hướng đến nông nghiệp xanh, nông nghiệp của những người nông dân tử tế!