Tại Hội nghị 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đánh giá, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, nhằm củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản và của các nhà đầu tư Nhật Bản đối với tỉnh Thanh Hóa.
"Dấu chân" người Nhật trên đất Thanh Hóa
Huyện Tĩnh Gia, nay là Thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) hơn 20 năm về trước chỉ là những cánh đồng muối và trồng lúa nước trên đất pha cát, xen lẫn các làng chài ven biển.
Cái nghèo khó như mặc định ở vùng đất này trước sự cam chịu của con người! Thế rồi, ở vùng đất nắng gió nghèo nàn ấy bắt đầu được đánh thức bởi dự án đầu tiên được triển khai: Dự án xây dựng Nhà máy xi măng Nghi Sơn, công suất 4 triệu tấn xi măng/năm.
Đây là công trình đầu tiên có vốn và công nghệ Nhật Bản - nhà đầu tư nước ngoài tiên phong đặt chân đến vùng đất này. Khi đó, nhiều người thắc mắc, tại sao người Nhật Bản dám đổ tiền của vào vùng ven biển tận cùng phía Nam Thanh Hóa?
Nhưng tất cả đều có lý do của nó. Năm 1996 tổ chức JICA (Nhật Bản) sau khi khảo sát, nghiên cứu đã đưa ra nhận định khá chi tiết về vùng đất này như sau: “… Nằm ở cuối phía Nam bờ biển tỉnh Thanh Hóa, Nghi Sơn có tiềm năng về xây dựng một cảng nước sâu từ 15 - 18m sau khi xây dựng một nhà máy xi măng lớn, một cảng chuyên dùng và tuyến kỹ thuật hạ tầng vào khu công nghiệp, đồng thời với sự đầu tư tổng hợp cho phép vùng Nghi Sơn trở thành một trong các trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Bắc Trung bộ và cả nước, sẽ là cửa ngõ chính của tam giác kinh tế phía Bắc…”.
Thế rồi, JICA quyết định xây dựng nhà máy xi măng lớn và cảng nước sâu tại đây…
Ngày khởi công xây dựng Nhà máy xi măng Nghi Sơn, ông Mai Xuân Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa lúc bấy giờ chia sẻ: "Bóng đến chân tiền đạo thì phải bằng mọi cách ghi bàn…! Hôm nay là ngày vui, ngày đáng nhớ của tỉnh nhà, ngày đánh dấu sự mở đầu đi đến ấm no, hạnh phúc và giàu mạnh hơn đặc biệt đối với vùng Tĩnh Gia! Vì thế, chúng ta phải chớp thời cơ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khu vực Nghi Sơn trong tương lai phải trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài …".
Lời tâm sự của ông Minh, vị Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa lúc bấy giờ như là sự tiên đoán về tương lai của vùng đất nghèo khó Nghi Sơn… Và thực tế, sau hơn 20 năm, dấu ấn người Nhật trên mảnh đất Thanh Hóa ngày càng được thể hiện rõ nét với những kết quả cụ thể.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 17 dự án của nhà đầu tư Nhật Bản, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 6,6 tỷ USD, chiếm 46% tổng vốn đầu tư FDI và đang là quốc gia có số vốn đầu tư cao nhất trong nguồn vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, một số dự án quy mô lớn đã đưa vào hoạt động, trở thành hạt nhân, tạo tác động lan tỏa trong tỉnh, khu vực và cả nước, như: Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng mức đầu tư trên 9,3 tỷ USD, Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 có tổng mức đầu tư 2,8 tỷ USD và nhiều dự án quan trọng khác.
Từ năm 1997 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã được Chính phủ Nhật Bản tài trợ thực hiện 10 chương trình, dự án ODA với tổng vốn 46 triệu USD. Ngoài viện trợ ODA, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện 24 dự án viện trợ về các lĩnh vực y tế, nước sạch, giáo dục với ngân sách trung bình mỗi dự án khoảng 89.000 USD…
Bên cạnh hợp tác phát triển kinh tế, từ năm 2016 đến nay, Thanh Hóa đã có gần 14 nghìn tu nghiệp sinh sang tu nghiệp tại các xí nghiệp của Nhật Bản, trong ngành nghề dệt, may công nghiệp, lắp ráp điện tử, gia công cơ khí, chế biến, xây dựng, nông nghiệp, điều dưỡng...
Ngoài ra, năm 2022, khách du lịch Nhật Bản đến Thanh Hóa đạt 53 nghìn lượt, chiếm 27% tổng lượt khách quốc tế, với tổng doanh thu du lịch đạt 18 triệu USD, chiếm 25% tổng doanh thu từ khách du lịch quốc tế.
Nhật Bản là đối tác tin cậy
Phát biểu tại Hội nghị 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, ông Đỗ Trọng Hưng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hóa đánh giá, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, nhằm củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản và của các nhà đầu tư Nhật Bản đối với tỉnh Thanh Hóa.
Việt Nam và Nhật Bản là hai dân tộc có mối quan hệ lâu đời. Cách đây 50 năm, ngày 21/9/1973, Việt Nam và Nhật Bản đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhật Bản trở thành một trong những quốc gia sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đến nay, quan hệ giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Hòa cùng những giai đoạn lịch sử phát triển tốt đẹp, rực rỡ trong quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản; quan hệ hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa với các đối tác Nhật Bản đã không ngừng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng và hiệu quả. Nhật Bản đã trở thành một trong những đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu trên nhiều lĩnh vực của tỉnh Thanh Hóa.
Bên cạnh đó, quan hệ chính trị, ngoại giao; hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng ngày càng được tăng cường, củng cố, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Hoạt động văn hóa, giao lưu nhân dân đã trở thành một nền tảng quan trọng cho mối quan hệ ngày càng gắn bó và tin cậy giữa hai nước. Đặc biệt, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư luôn được đặc biệt chú trọng và đẩy mạnh toàn diện.
Hai bên đã đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn, cơ chế đa phương ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu; xây dựng nhiều khuôn khổ pháp lý quan trọng cho quan hệ song phương; tích cực phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, thúc đẩy liên kết kinh tế, tự do hóa thương mại thông qua việc ký kết và thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng cho rằng, những kết quả đạt được trong mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa tỉnh Thanh Hóa với các đối tác Nhật Bản trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.
Đồng thời là điểm tựa tin cậy để Việt Nam - Nhật Bản, tỉnh Thanh Hóa và các đối tác Nhật Bản xây dựng, vun đắp mối quan hệ hữu nghị, hợp tác ngày càng phát triển bền chặt, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp
Theo ông Đỗ Trọng Hưng, với tinh thần “Đẩy nhanh hợp tác, phát triển nhanh và bền vững, hướng tới tăng trưởng xanh”, Hội nghị 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản hôm nay sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới tốt đẹp cho quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản và quan hệ hợp tác phát triển giữa tỉnh Thanh Hóa với các đối tác Nhật Bản.
Hiện nay, tỉnh đã thành lập Bộ phận Hỗ trợ Nhật Bản; kiện toàn bộ máy Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh Thanh Hóa nhằm tăng cường thực hiện xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư từ Nhật Bản có nhu cầu tìm hiểu đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Thanh Hóa.
"Chúng tôi luôn hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục quan tâm nghiên cứu đầu tư, tăng cường hợp tác toàn diện với tỉnh Thanh Hóa, nhất là các lĩnh vực xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử, về giáo dục, y tế, phát triển nguồn nhân lực, thị trường lao động...", ông Hưng khẳng định.
Tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ toàn diện trên các lĩnh vực; tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách thông thoáng, hấp dẫn; đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội cho các doanh nghiệp an tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thanh Hoá cam kết luôn luôn đồng hành và là đối tác tin cậy, lâu dài của các doanh nghiệp. Tất cả vì sự phát triển thịnh vượng của quê hương đất nước và tình hữu nghị của hai nước.
Tỉnh Thanh Hoá cam kết giảm tối đa các thủ tục hành chính, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, tiếp cận đất đai, cung cấp nguồn nhân lực, lao động đảm bảo chất lượng, áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ mức thấp nhất trong khung quy định. Đồng thời, sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất tại Thanh Hóa.