| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp Thanh Hóa học được gì từ nhà đầu tư Nhật Bản?

Thứ Bảy 29/04/2023 , 18:49 (GMT+7)

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhìn chung các nhà đầu tư Nhật Bản rất thận trọng và tuân thủ kỷ luật trong quá trình thực hiện các dự án tại Thanh Hóa.

Nhật Bản là nhà đầu tư lớn tại Thanh Hóa

Thông tin tại buổi họp báo thông tin về các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Thi – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, đây là sự kiện lớn, dự kiến có khoảng 600 đại biểu tham dự.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá, thời gian qua, mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Thanh Hóa và các đối tác Nhật Bản ngày càng phát triển sâu sắc và toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Đây là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần xây dựng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.

"Ngay từ năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động đề xuất, báo cáo Bộ Ngoại giao để đăng cai, tổ chức các hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản vào năm 2023 và được Bộ Ngoại giao thống nhất, đưa vào Đề án chung, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hoạt động kỷ niệm tại tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao đánh giá là sự kiện quan trọng, với sự tham dự của nhiều chính khách và đại diện lãnh đạo của các chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức uy tín của Nhật Bản", ông Thi thông tin.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Quốc Toản.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Quốc Toản.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, công tác chuẩn bị cho Hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại tỉnh Thanh Hóa đang được triển khai rất khẩn trương, trong đó, sự kiện chính là Hội nghị Kết nối Thanh Hóa - Nhật Bản năm 2023, do UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức.

Ngoài ra, bên lề Hội nghị, Ban Tổ chức còn bố trí nhiều hoạt động đa dạng, hấp dẫn như: Tổ chức 20 gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu, thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa và các doanh nghiệp Nhật Bản; hoạt động trao đổi, làm việc giữa tỉnh Thanh Hóa với Đoàn công tác Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam, Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản và với các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp của Nhật Bản; chương trình giao lưu nghệ thuật, giới thiệu văn hóa Nhật Bản và tỉnh Thanh Hóa; chương trình tham quan thực địa Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ và các địa điểm du lịch tại thành phố Sầm Sơn và huyện Quảng Xương.

"Thông qua chuỗi sự kiện này, sẽ góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, nét đẹp của vùng đất, con người xứ Thanh, cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch của tỉnh Thanh Hóa với các đối tác Nhật Bản; đồng thời, tăng cường hơn nữa, làm đậm nét hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản nói chung và giữa tỉnh Thanh Hóa với các đối tác Nhật Bản nói riêng", ông Thi đánh giá.

Được biết, hiện nay Nhật Bản là nhà đầu tư có số vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, với 17 dự án đầu tư trực tiếp hoặc liên doanh, tổng vốn đăng ký 12,532 tỷ USD, chiếm 86% tổng vốn đầu tư FDI toàn tỉnh.

Một số dự án FDI của nhà đầu tư Nhật Bản có quy mô lớn (như Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tổng vốn đăng ký 9 tỷ USD, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, tổng vốn đăng ký 2,73 tỷ USD, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, tổng vốn đăng ký 622 triệu USD,...), có vai trò rất quan trọng không chỉ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, mà còn đối với sự phát triển chung của đất nước Việt Nam.

Ngoài ra, các hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu, du lịch, viện trợ, giao lưu nhân dân, hợp tác giữa các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh với các đối tác Nhật Bản cũng đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thanh Hóa sẽ có Trung tâm thương mại lớn nhất cả nước

Tại cuộc họp báo, một số nhà báo, phóng viên cơ quan báo chí Trung ương đặt câu hỏi về các giải pháp xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư nói chung, nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng trong thời gian tới tại Thanh Hóa? Doanh nghiệp học được gì từ nhà đầu tư Nhật Bản?

Về các giải pháp xúc tiến đầu tư trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Hiện nay tỉnh Thanh Hóa đã thành lập bộ phận hỗ trợ Nhật Bản tại Thanh Hóa (Japan Desk Thanh Hóa), kiện toàn bộ máy Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh Thanh Hóa, nhằm tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đến tìm hiểu đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Thanh Hóa và thúc đẩy các hoạt động trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân.

Tương lai, Thanh Hóa sẽ có trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam. Ảnh minh họa.

Tương lai, Thanh Hóa sẽ có trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam. Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Văn Thi cũng cho biết, nhìn chung các nhà đầu tư Nhật Bản rất thận trọng và tuân thủ kỷ luật trong quá trình thực hiện dự án tại Thanh Hóa nói riêng, Việt Nam nói chung.

“Nhà đầu tư Nhật Bản dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu, đánh giá môi trường đầu tư, tính khả thi dự án... Khi bắt tay vào thực hiện dự án, nhà đầu tư Nhật bản làm rất nhanh và trách nhiệm. Tư duy của doanh nghiệp Nhật khi đầu tư vào Việt Nam luôn xác định yếu tố bền vững, lâu dài với phương châm các bên đều có lợi.

Doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm đến việc giải quyết lao động và vấn đề an sinh xã hội cho người bản địa… Hiện nay, một số tập đoàn lớn về đầu tư xây dựng của Nhật Bản đang tiếp tục nghiên cứu và sẽ đầu tư tại Thanh Hóa.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Thi cũng tiết lộ, hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hoá và Công Ty TNHH Aeon Việt Nam cũng đã ký kết bản ghi nhớ về việc thực hiện đầu tư dự án trung tâm thương mại Aeon Mall tại tỉnh Thanh Hóa. Theo nội dung bản ghi nhớ, dự án trung tâm thương mại Aeon Mall tại tỉnh Thanh Hóa có tổng vốn đầu tư là 190 triệu USD với tiêu chuẩn Nhật Bản.

“Đây là dự án lớn, sẽ khởi công vào tháng 9/2023 và hoàn thành sau 1 năm triển khai. Tương lai, Thanh Hóa sẽ có trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam. Đây cũng là nơi giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản, Thanh Hóa - Nhật Bản. Sự phát triển quan hệ bền vững, tốt đẹp giữa các bên là tiền đề quan trọng để thu hút khách du lịch Nhật Bản đến với Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng".

Xem thêm
Công nhận tương đương: Thời cơ và thách thức từ Lệnh 248 (sửa đổi)

Vấn đề công nhận tương đương tại dự thảo Lệnh 248 (sửa đổi) đặt ra những nhiệm vụ mới cho cơ quan quản lý, trước mắt là xây dựng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất